Hôm thứ Hai (31/7), Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức lễ thăng cấp trước ngày kỷ niệm thành lập quân đội. Tân Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Vương Hậu Bân (Wang Houbin) và Chính ủy Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng) được thăng cấp thượng tướng. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã tham dự lễ thăng quân hàm, và ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã đọc lệnh thăng cấp tướng do ông Tập ký tại buổi lễ.

GettyImages 1130157952
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa (giữa). (Nguồn: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Ông Vương Hậu Bân trước đó từng là phó tư lệnh Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ĐCSTQ, và ông Từ Tây Thịnh trước đó từng là Phó chính ủy của Chiến khu Nam Bộ kiêm chính ủy của lực lượng không quân của Chiến khu Nam Bộ. Việc bổ nhiệm hai người này cũng gián tiếp xác nhận rằng Thượng tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) – nguyên là Tư lệnh viên Quân chủng Tên lửa, và Thượng tướng Từ Trung Ba (Xu Zhongbo) – nguyên là Chính ủy Quân chủng Tên lửa, đều đã rời chức vụ.

Trước buổi lễ thăng chức, tờ South China Morning Post (SCPM) của Hồng Kông hôm thứ Sáu đã trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu, Phó Tư lệnh Lưu Quang Bân (Liu Guangbin) và cựu Phó Tư lệnh Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong) đã bị nhân viên điều tra của cơ quan chống tham nhũng Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đưa đi. Ủy ban Kỷ luật Quân ủy Trung ương và Cơ quan kiểm toán quân đội đang tiến hành điều tra chống tham nhũng đối với ba người họ.

Quân chủng Tên lửa ban đầu là đơn vị “Lực lượng pháo binh thứ hai” phụ trách phóng tên lửa thông thường và chiến lược, sau cải tổ quân đội vào ngày 31/12/2015, nó được nâng cấp thành “Quân chủng Tên lửa” thuộc quân chủng thứ tư của Quân đội Giải phóng Nhân dân ĐCSTQ.

Một số nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình sẽ cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông một lần nữa nhắm vào quân đội Trung Quốc thông qua việc thay tướng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội của ĐCSTQ.

Tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Hai rằng ông Tập Cận Bình một lần nữa nhắm vào quân đội trong chiến dịch chống tham nhũng, cho thấy những nỗ lực của ông trong thập kỷ qua nhằm đưa quân đội dưới sự kiểm soát của cá nhân ông đã được thực thi tạm được.

Tại hai cuộc họp cấp cao ở Bắc Kinh vào tháng 7, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu rằng họ phải “dốc sức giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian dài ở tổ chức các cấp của đảng về phương diện đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội”.

Mạng thông tin mua sắm vũ khí và thiết bị của lực lượng vũ trang trực thuộc Bộ phát triển trang bị của Quân ủy Trung ương đã đưa ra “Thông cáo về việc thu thập manh mối về hành vi vi phạm quy định và kỷ luật của các chuyên gia trong đấu thầu và đánh giá đấu thầu mua sắm thiết bị quân sự” trên tài khoản WeChat công khai vào thứ Tư. Thông cáo nhấn mạnh rằng nếu công chúng phát hiện các hành vi trong 6 năm qua như thiếu phẩm hạnh, kéo bè kết phái, chủ động tiết lộ bí mật, giám sát quản lý không không hiệu quả, v.v, thì đều nên cung cấp manh mối cho bộ này. 

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, để lấy lòng người dân, ông luôn coi chống tham nhũng là một trong những trọng điểm trong chính sách của mình, theo thống kê của hãng tin AFP, cho đến nay đã có 1,5 triệu quan chức ĐCSTQ “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng. 

Tờ Financial Times cho rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, gần 5 triệu quan chức cấp thấp đã bị bắt giữ ở Trung Quốc, hàng chục ngàn “con hổ” đã bị “đánh”, thậm chí một số quản lý cấp cao của các công ty công nghệ, tài chính và năng lượng, cho đến cả các quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật phụ trách công tác phòng chống tham nhũng cũng không may mắn thoát được. 

Nhưng các nhà phê bình từ lâu đã chỉ ra rằng chống tham nhũng cũng là một công cụ để ông Tập thanh trừng những người bất đồng chính kiến ​​và bồi dưỡng thân tín của mình.

Financial Times chỉ ra rằng không rõ liệu việc ông Tập một lần nữa tập trung vào chống tham nhũng trong quân đội là bắt nguồn từ một trường hợp cụ thể hay xuất phát từ những lo ngại lớn hơn về lòng trung thành của quân đội. Quân chủng Tên lửa là một nhánh chiến lược của quân đội ĐCSTQ, với lực lượng răn đe hạt nhân trên đất liền được mở rộng nhanh chóng và triển khai nhiều loại tên lửa khác nhau. Quân chủng Tên lửa đóng một vai trò rất quan trọng trong các cuộc tấn công vũ trang có thể xảy ra trong tương lai của quân đội ĐCSTQ nhằm vào Đài Loan và trong việc ngăn chặn quân đội Mỹ hỗ trợ Đài Loan. 

Tờ Financial Times dẫn lời hai quan chức cấp cao của chính phủ nước ngoài được thông báo về thông tin tình báo liên quan, nói rằng cựu chỉ huy và phó chỉ huy Quân chủng Tên lửa của quân đội ĐCSTQ đang bị điều tra với cáo buộc làm rò rỉ bí mật quân sự. 

Một trong những quan chức nói với Financial Times rằng: “Lý do là ở bên ngoài Trung Quốc, hiện tại chúng tôi biết khá chi tiết về cấu trúc của Quân chủng Tên lửa. Chính là liên quan đến rò rỉ bí mật.”

Ông Phillip Saunders, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Mỹ, nói với Financial Times rằng khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Quân đội Giải phóng Nhân dân ĐCSTQ là mục tiêu chỉnh đốn chính của ông ấy, vì ông ấy cho rằng quân đội tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, hơn nữa ngày càng không nghe mệnh lệnh của ĐCSTQ. Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, không chỉ bị cách chức vì tội tham nhũng mà còn bị truy tố vào năm 2014.

Ông Saunders nói: “Mười năm sau, lại xuất hiện một thế hệ lãnh đạo mới [trong quân đội] và nỗi sợ hãi năm xưa về chống tham nhũng nay cũng đã phai nhạt.”

“Có sự cần thiết nhấn mạnh lại chiến dịch chống tham nhũng, và nhấn mạnh lại chủ đề trung thành với đảng qua mỗi một quãng thời gian.”

Ngay trước ngày kỷ niệm thành lập quân đội ĐCSTQ ngày 1/8, truyền thông nhà nước ĐCSTQ đã đăng một loạt bài khuyến cáo các quan chức quân đội “tăng cường quản trị quân sự”. 

“Việc họ lại nói về những vấn đề này có nghĩa là vẫn chưa đạt được sự trung thành tuyệt đối với đảng”, Financial Times dẫn lời ông Lyle Morris, một nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết. “Ông Tập đã dùng phương thức chưa từng có để tăng cường kiểm soát đối với quân đội, nhưng nhưng điều đó không có nghĩa là công việc đã hoàn thành.” 

Trong thập kỷ qua, ông Tập Cận Bình đã đưa các cơ quan quản lý của quân đội, chẳng hạn như Cục Kiểm toán và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của quân đội quy nạp dưới trướng của Quân ủy Trung ương, để ngăn chặn họ thông đồng với các cơ quan khác, xây dựng lại đảng và các cơ quan chính trị của quân đội. Đồng thời đưa ra một loạt các quy định để hạn chế khả năng quan chức chỉ huy tham nhũng.

Nhưng quan trọng hơn, ông nắm chắc quyền lực quân sự trong tay mình, tăng cường đáng kể quyền lực của Chủ tịch Quân ủy Trung ương và viết những thay đổi này vào điều lệ đảng. 

Tờ Financial Times dẫn lời một số chuyên gia cho rằng cuộc điều tra cách chức tư lệnh và phó tư lệnh Quân chủng Tên lửa cho thấy công cuộc cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình đã thất bại. 

“Rõ ràng là có sự thiếu sót trong việc lựa chọn lãnh đạo Quân chủng Tên lửa. Ngay cả khi ông Tập tự chọn những người này, thì khả năng lãnh đạo của ông ấy cũng bị ảnh hưởng”, ông Dương Niệm Tổ (Andrew Yang), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan và là học giả lâu năm nghiên cứu về Quân đội giải phóng nhân dân ĐCSTQ, nói với tờ Financial Times.“Bây giờ ông ấy cần phải loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực trong quân đội.”

Theo VOA