Ông Tập đang trải nghiệm điều mà cả ông Mao và Đặng chưa từng gặp
- Tần Tựu Thạch
- •
Mỹ đã bắt đầu thay đổi chính sách đối với Trung Quốc trong 40 năm qua. Cuối cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị Mỹ xem là một đối thủ phải thay đổi (bị loại bỏ). Mỹ bắt đầu đấu “tay đôi” 1:1 với ĐCSTQ, tình cảnh mà các thế hệ lãnh đạo trước đây như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ gặp phải.
Bài viết của Tần Tựu Thạch thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.
Sau khi Mao Trạch Đông thành công trong việc giành chính quyền vào năm 1949, ông hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn mà Marx dự đoán rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ “giải phóng thế giới”. Thân ở Trung Nam Hải, nhưng Mao mơ mộng được thấy khắp châu Á nhuốm màu đỏ, “tầm nhìn chiến lược” này khiến Mao kiên quyết xuất quân tấn công Bắc Triều Tiên để không phụ “sứ mệnh lịch sử”.
Nhưng khi đó, Mao Trạch Đông cũng tận dụng “uy thế” của Stalin, việc Washington đã không kiên quyết tấn công ĐCSTQ khi đó cũng là vì thế lực Stalin đang nổi lên sau Thế chiến thứ hai.
Nhưng 70 năm trôi qua, không những “màu đỏ” không thể bao phủ châu Á mà ngay cả Liên Xô cũng biến mất. “Tầm nhìn chiến lược” của Mao Trạch Đông là giữ lại ba thế hệ nhà họ Kim, nhưng cũng hủy hoại đứa con trai bình thường duy nhất của ông là Mao Ngạn Anh (Mao Anying). Nếu không thì ngày nay, người ngồi “ngai vàng” ở Trung Nam Hải sẽ không phải là ông Tập Cận Bình. Do đó, tầm nhìn của Mao Trạch Đông vẫn là có vấn đề về chiến lược.
Ông Mao có “người cha yêu thương” Stalin, và cả hai đều là những tín đồ cực đoan của chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông Tập ngày nay không có được một người bảo vệ mạnh mẽ như vậy, càng không có cái gọi là “đồng chí của lý tưởng và niềm tin”, những cái gọi là “thân tín” trong ĐCSTQ hiện nay chẳng qua là nhóm lâu la bị mua chuộc bằng tiền.
Sau Mao Trạch Đông là Đặng Tiểu Bình thì thậm chí còn thành thạo hơn về kỹ năng “giấu mình chờ thời” và “thể hiện lòng trung thành”. Bản thân ông Đặng không chỉ tìm cách lấy lòng Mỹ, còn yêu cầu các đàn em của “gia tộc Đỏ” không được manh động trong ít nhất 50 năm.
Đặng Tiểu Bình tuyên bố chính sách “một quốc gia, hai chế độ” dành cho Hồng Kông không thể thay đổi trong 50 năm, khẳng định “đã nói nguyên tắc này bao nhiêu lần rồi.” Những lời của ông Đặng không chỉ dành cho Hồng Kông mà quan trọng hơn là để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của ĐCSTQ. Trong dự đoán của ông, trước năm 2047 thì ĐCSTQ không có lý do gì để thách thức phương Tây.
Nhưng hiện nay, ông Tập Cận Bình đã quên hẳn “di sản” của ông Đặng, đã thực hiện trước dự đoán của ông ấy ít nhất 30 năm, vì vậy đã đưa ĐCSTQ vào nguy cơ tồn vong, điều mà có lẽ Đặng Tiểu Bình không ngờ tới.
Nhưng điều này cũng không thể chỉ đổ lỗi cho ông Tập, trong 70 năm không ngừng bị tuyên truyền tẩy não đã khiến toàn bộ cuộc sống của ông ta bị đắm chìm trong môi trường này, khiến bộ não của ông ta bị phủ một lớp đậm đặc văn hóa Đảng.
Tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Trump đã mời vợ chồng ông Tập đến trang viên Mar-a-Lago của Trump ở Florida. Khi đó cháu gái và cháu trai của ông Trump đã hát bài hát “Hoa nhài” (Mo Li Hua) của Trung Quốc và đọc thông thạo “Tam tự kinh” cùng bài thơ Đường. Trong buổi trò chuyện, ông Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi có cả ngàn lý do để làm cho quan hệ Trung-Mỹ trở nên tốt đẹp, không có một lý do nào để hủy hoại quan hệ Trung-Mỹ”.
Sự kiện đặc biệt vui vẻ này cho thấy cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đã đánh giá sai nghiêm trọng về nhau.
Về phía ông Trump đã không nhận ra rằng ông Tập là một chiến binh cộng sản bị ràng buộc bởi văn hóa Đảng, không biết rằng trong thời niên thiếu của ông Tập thì bài hát “hoa nhài” và Tam Tự Kinh đã bị cấm, tuổi thơ của ông Tập bị thấm nhuần không phải là thơ Đường mà là Tuyển tập Mao Trạch Đông.
Về phía ông Tập, ông không có ý định hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung. Những vấn nạn mà ĐCSTQ làm như trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, thương mại không cân bằng và thâm nhập vào xã hội Mỹ mà Mỹ phàn nàn đều được thực hiện và triển khai trên quy mô lớn trong thời đại ông Giang Trạch Dân. Trong 20 năm trước, ĐCSTQ đã “ăn cơm của Mỹ nhưng đập phá nồi cơm của Mỹ”. Khi ông Tập nói: “Chúng tôi có hàng ngàn lý do để làm cho mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tốt đẹp, và không có lý do nào để hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung”, hàm nghĩa rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục “ăn cơm của Mỹ nhưng đập phá nồi cơm của Mỹ”. Tuy vậy, ông Tập không ngờ được rằng thời thế đã thay đổi, vì trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, người nhiều lần được ông Tập gọi là “người bạn tốt”, lại là “người bảo vệ nồi” kiên quyết.
Lúc này, cỗ máy của ĐCSTQ để phục vụ cho “tầm nhìn chiến lược” của ông Tập đã tạo ra âm thanh ‘đập nồi cơm’ thậm chí còn to hơn trước.
Sự việc phát triển đến ngày nay khiến ông Tập lo lắng và bất an. Chiều ngày 30/7, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức buổi học tập chung với nội dung là “tăng cường xây dựng quốc phòng và hiện đại hóa quân đội”. Người “giảng dạy” ở Trung Nam Hải là ông Viện trưởng Trần Vinh Đệ (Chen Rongdi) của Viện nghiên cứu chiến tranh – Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Tại buổi học tập, ông Tập cho biết: Hiện nay là lúc thế giới trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ qua,… tình trạng bất ổn của tình hình an ninh Trung Quốc đã lớn hơn nhiều.
Tất nhiên, Bắc Kinh cũng hy vọng rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể thay đổi tình hình giúp ĐCSTQ được quay trở lại cách sinh tồn với Mỹ như trong quá khứ. Nhưng dựa vào vận mệnh đang suy yếu của ĐCSTQ, người tính cuối cùng không bằng trời tính, tính toán của chính quyền Bắc Kinh khó mà như mong đợi.
Trong xu hướng toàn cầu hiện nay, mặc dù có những thăng trầm, nhưng xu hướng chung là các nước đang nỗ lực để không phụ thuộc vào ĐCSTQ, cộng đồng quốc tế đang rửa sạch màu đỏ. Nếu ĐCSTQ cứ nhấn mạnh vào “tính Đảng” và mơ mộng về một thế giới toàn màu đỏ trong tương lai, thì chắc chắn sẽ đánh mất tương lai.
Tần Tựu Thạch
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa Giang Trạch Dân Mao Trạch Đông Quan hệ Mỹ - Trung Đặng Tiểu Bình Dòng sự kiện Tập Cận Bình Donald Trump