Ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ gia nhập Ban thường vụ ĐCSTQ?
- Thành Đô
- •
Bí thư thành phố Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ được coi là thân tín của ông Tập Cận Bình và có hy vọng sẽ vào Ban thường vụ tại Đại hội 19 sắp tới, bên cạnh đó Trần Mẫn Nhĩ cũng từng được gọi là “người kế nhiệm”. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết, ông Tập Cận Bình dường như không thiết lập chế độ người kế nhiệm nữa. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, nền chính trị trong tương lai của Trung Quốc sẽ có những biến đổi mạnh mẽ nào, có lẽ vẫn là ẩn số.
Ngày 24/8 tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đăng trên trang nhất một danh sách mới nhất về 7 Thường ủy Bộ chính trị tại Đại hội 19 sau khi Hội nghị Bắc Đới Hà kết thúc, trong đó có tâm phúc của ông Tập Cận Bình, Bí thư thành phố Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ.
Bản tin nói, dù hiện nay ông Trần Mẫn Nhĩ mới chỉ là Ủy viên Trung ương, nhưng tại Đại hội 19, ông sẽ được thăng vượt cấp làm Thường ủy Bộ Chính trị, quản lý về tuyên truyền và hình thái ý thức.
Trước đó, hồi tháng 3, hãng tin Reuters cũng phân tích rằng, ông Trần Mẫn Nhĩ có thể vượt cấp vào Ban thường vụ. Trong thời gian ông Trần Mẫn Nhĩ thay thế ông Tôn Chính Tài làm Bí thư thành phố Trùng Khánh, nhiều tin đồn dự đoán bước tiếp theo của ông Trần Mẫn Nhĩ là vào Bộ chính trị, thậm chí là vào Ban Thường vụ.
Ông Trần Mẫn Nhĩ vẫn được coi là người được chọn để kế nhiệm của ông Tập Cận Bình.
Ngày 8/1/2017, truyền thông Hồng Kông có bài bình luận về Trần Mẫn Nhĩ, khi đó ông vẫn là Bí thư tỉnh Quảng Châu, Hồ Xuân Hoa, Bí thư đương nhiệm tỉnh Quảng Đông, người được giới quan sát cho là “vương hầu” và cựu Bí thư thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài. Bài viết phân tích, rất nhiều hiện tượng cho thấy, ông Tập Cận Bình rất dụng tâm bồi dưỡng ông Trần Mẫn Nhĩ.
Sau khi ông Trần Mẫn Nhĩ thay thế Tôn Chính Tài làm bí thư Trùng Khánh, ông Triệu Tuệ Sinh, hiện công tác tại Đại học Denver (University Of Denver) trả lời phỏng vấn của Đài VOA: “Để ông Trần Mẫn Nhĩ thay thế ông Tôn Chính Tài quản lý Trùng Khánh, hiển nhiên là một bước sắp xếp nhân sự quan trọng của ông Tập Cận Bình trước lúc diễn ra Đại hội 19. Bởi vì rõ ràng ông Trần Mẫn Nhĩ là người của ông Tập Cận Bình, và rất trung thành với ông Tập Cận Bình. Sau khi tiếp quản Trùng Khánh, Trần Mẫn Nhĩ sẽ thay thế vị trí của Tôn Chính Tài, tức là có thể vào Bộ Chính trị tại Đại hội 19, và bước vào trung tâm quyền lực. Do đó có thể thấy, vấn đề sắp xếp chính trị của ông Tập Cận Bình đã hoàn thành được một bước.”
Tuy nhiên, Đài VOA cũng dẫn lời đồn đoán của một số nhà quan sát cho rằng, ông Tập Cận Bình đã sớm hạ quyết tâm, xóa bỏ quy tắc bất thành văn tồn tại mấy chục năm qua trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đó là lãnh đạo cao nhất khi về hưu sẽ lựa chọn người kế nhiệm cho khóa sau nữa. Ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục tìm cách để ở lại thêm nhiệm kỳ thứ 3, tức là sau Đại hội 20 (diễn ra vào năm 2022) ông Tập sẽ vẫn tiếp tục nắm quyền.
Sự kiện ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa” đã làm cho quy định “chỉ định cách khóa” trong ĐCSTQ bị lung lay.
Ngày 24/8/2017, trang tin Hồng Kông 01 (hk01.com) có bài viết nói, từ trước Đại hội 18 (diễn ra năm 2012), dư luận đều cho rằng, lãnh đạo ĐCSTQ nắm quyền có “quy tắc ngầm”, theo đó, người tiếp nhiệm 10 năm trong tương lai sẽ được vào Ban thường vụ trước một khóa để được bồi dưỡng. Tuy nhiên, xét theo cá tính và cách hành xử của ông Tập Cận Bình, Đại hội 19 năm nay sẽ hoàn toàn khác so với Đại hội 18, dư luận đều cho rằng “quy tắc ngầm” trước đây trong Đảng đã không còn là “quy tắc” nữa.
Về vấn đề nhân sự trong nội bộ ĐCSTQ, thông thường 5 năm, thậm chí là 10 năm trước đã bắt đầu bài binh bố trận. Khi gần tới lúc Đại hội Đảng diễn ra 5 năm một lần, về cơ bản đã hoàn thành quá trình tranh tuyển nội bộ. Nhưng Đại hội 19 diễn ra vào mùa thu năm nay, dường như ông Tập Cận Bình không quan tâm đến quy tắc tranh tuyển trong nội bộ Đảng nữa, không có tin tức công khai cho thấy người kế nhiệm đã xuất hiện.
Theo truyền thông Hồng Kông tiết lộ, thứ trưởng Bộ tuyên Truyền Trung Quốc đã nói trong một cuộc họp báo trên phạm vi nhỏ rằng, Đại hội 19 sẽ giải quyết hàng loạt các vấn đề quan trọng. “Điều quan trọng là, không chỉ quản lý trước sau 5 năm, mà còn phải quản trước sau 20, 30 năm.”
Thời báo The Epoch times có phân tích cho rằng, đây là lần đầu tiên người thuộc kênh thông tin của chính quyền ĐCSTQ lên tiếng xác định vị trí chính trị đối với Đại hội 19. Điều này cũng cho thấy, ông Tập Cận Bình muốn tiếp tục ở lại trong nhiệm kỳ mới, và không thiết lập chế độ “người kế nhiệm”.
Thành Đô
Xem thêm:
Từ khóa Đại hội 19 Trần Mẫn Nhĩ Ban Thường vụ