Phân tích: Sản xuất chip khó hơn bom nguyên tử, TQ dùng sức mạnh quốc gia cũng uổng công
- Giang Phong
- •
Ông Tập Cận Bình hy vọng rằng “hệ thống quốc gia” có thể giúp phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc và tạo nên kỳ tích như việc sản xuất bom nguyên tử và vệ tinh vào những năm 1960. Tuy nhiên, hệ thống quốc gia cũng không giúp vượt qua được những khó khăn trong ngành chip Trung Quốc và sản xuất chip còn khó hơn sản xuất bom nguyên tử.
Một bức ảnh chụp vào tháng 4/2018 hiện có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xấu hổ. Trong bức ảnh này, ông Tập Cận Bình đang thị sát một công ty con của công ty bán dẫn nhà nước Yangtze Memory Technologies (YMTC) ở Vũ Hán. Người đứng đằng sau ông Tập là ông Triệu Vĩ Quốc (Zhao Weiguo), khi đó là chủ tịch của YMTC, kiêm chủ tịch của Tsinghua Unigroup. Vào ngày 26/7 năm nay, trang tin Caixin tại Đại Lục đưa tin, ông Triệu Vĩ Quốc đã bị cơ quan chức năng đưa đi để điều tra. Vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lợi giữa công ty do cá nhân kiểm soát và công ty thuộc Tsinghua Unigroup trước đây, chẳng hạn như các dự án mua sắm, sửa sang thiết bị, v.v, mà không đấu thầu công khai.
Triệu Vĩ Quốc được người trong ngành gọi là “kẻ cuồng chip”. Dưới sự lãnh đạo của ông ta, từ năm 2013 đến năm 2014, Tsinghua Unigroup đã mua lại Spreadtrum Communications và RDA với giá lần lượt là 1,78 tỷ USD và 907 triệu USD, sau đó 2 công ty này sáp nhập thành UNISOC – công ty tham gia vào lĩnh vực chip truyền thông di động.
Ông Triệu Vĩ Quốc thậm chí đã nghĩ đến việc mua lại TSMC của Đài Loan. Năm 2016, sau khi Tsinghua Unigroup làm chủ Wuhan Xinxin (Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture Limited Company) và thành lập Yangtze Memory Technology Corp, tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 160 tỷ nhân dân tệ. Cùng năm, Tsinghua Unigroup thành lập 3 cơ sở sản xuất chất bán dẫn tại Vũ Hán, Thành Đô và Nam Kinh, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 70 tỷ USD.
Vào tháng 7/2015, Tsinghua Unigroup cũng có ý định mua lại nhà sản xuất bộ nhớ Micron Technology của Mỹ với giá 23 tỷ USD. Vào thời điểm đó, dư luận phổ biến cho rằng thỏa thuận mua bán này có thể vấp phải sự thẩm tra chặt chẽ từ các quan chức Mỹ. Cuối cùng thì thỏa thuận đã kết thúc mà không đạt được kết quả.
Cuối năm 2020, Tsinghua Unigroup lâm vào khủng hoảng vỡ nợ, tháng 7/2021 bị tòa án ra phán quyết phá sản và phải tái cơ cấu.
Những người như ông Triệu Vĩ Quốc chẳng qua cũng chỉ là hình ảnh thu nhỏ của phong trào chip của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Phong trào sản xuất chip
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới YMTC diễn ra ngay sau khi Chính phủ Mỹ cấm công ty viễn thông Trung Quốc ZTE làm ăn với các nhà cung cấp của Mỹ. Ông Tập Cận Bình nói với các quản lý cấp cao của các công ty đi cùng mình rằng chất bán dẫn cũng quan trọng đối với sản xuất như trái tim của con người. Ông Tập nói: “Nếu trái tim không mạnh mẽ, thì dù cơ thể có to lớn đến đâu cũng không thể khỏe được”, ông Tập nói và kêu gọi mọi người hãy nhanh chóng tạo ra những đột phá về công nghệ.
Ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính Trung Quốc, Tổng công ty Thuốc lá Quốc gia Trung Quốc và các cơ quan ban ngành khác đã cùng đầu tư thành lập Công ty TNHH Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia (ICF). Giai đoạn đầu tiên huy động được 138,72 tỷ nhân dân tệ, và giai đoạn hai là 204,15 tỷ nhân dân tệ. Kể từ khi thành lập, quỹ lớn đã hỗ trợ một số lượng lớn các công ty bán dẫn như SMIC, YMTC, Jiangsu Changjiang Electronics Tech và Advanced Micro dưới hình thức đầu tư cổ phần, nợ trực tiếp và gián tiếp.
Năm 2016, ICF đã tung ra hai khoản đầu tư vào Hubei Zixin Technology Investment và YMTC, với quy mô đầu tư lần lượt là 14,14 tỷ nhân dân tệ và 13,56 tỷ nhân dân tệ, với tỷ lệ cổ phần là 49% và 24%, và tổng quy mô đầu tư gần 30 tỷ nhân dân tệ. Vào tháng 6/2020, ICF đầu tư vào UNISOC, với số vốn góp đăng ký là 700 triệu nhân dân tệ, chiếm gần 14% vốn đầu tư.
Ông Tập Cận Bình kỳ vọng rằng “hệ thống quốc gia” sẽ giúp ngành công nghiệp chip của Trung Quốc một lần nữa tạo nên kỳ tích hai quả bom và một vệ tinh vào những năm 1960.
Vào tháng 4/2016, tại Hội nghị chuyên đề về công tác thông tin và an ninh mạng quốc gia, ông Tập Cận Bình nói: “Chúng ta phải chiến đấu trong trận chiến khó khăn về nghiên cứu và phát triển công nghệ cốt lõi”. “Chúng ta phải tập hợp những lực lượng mạnh nhất để làm việc cùng nhau, và thành lập lực lượng biệt kích và lực lượng đặc biệt để khắc phục những vấn đề khó khăn.”
Tháng 8/2016, theo đề xuất của ông Tập, Liên minh chip cao cấp Trung Quốc (HECA) chính thức được thành lập. Các nhà tài trợ của liên minh này bao gồm các doanh nghiệp và viện nghiên cứu thuộc chuỗi ngành công nghiệp chip hàng đầu trong nước như Tsinghua Unigroup, YMTC, SMIC, China Electronics Corporation (CEC), Huawei, ZTE, Lenovo, cũng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Viện Vi điện tử thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin.
Ngoài ra, dưới sự kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc về sản xuất chip, Trung Quốc đã thành lập 23.100 công ty bán dẫn vào năm 2020 và 47.400 công ty bán dẫn vào năm 2021, thậm chí còn gọi đây là “Đại nhảy vọt về chip“. Trên thị trường vốn, cả vốn mạo hiểm (Venture capital) hay quỹ cổ phần tư nhân (PE) đều đang tìm kiếm các dự án chip, và các cơ quan tư vấn đầu tư chip đang nở rộ khắp nơi. Những kẻ lừa đảo cũng bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực này.
Lừa đảo và hủ bại hoành hành
Wuhan Hongxin Semiconductor (HSMC) là một ví dụ. Dự án này được ra mắt vào tháng 11/2017. Nó tuyên bố sản xuất chip dưới 14 nanomet và 7 nanomet. Nó cũng đưa ông Tưởng Thượng Nghĩa (Chiang Shang-yi), một nhà lãnh đạo trong ngành và một nhân vật có công lao đã phục vụ TSMC trong nhiều năm, gia nhập Hongxin và giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Vào cuối năm đó, nó cũng đưa chiếc máy quang khắc ASML đầu tiên vào nhà máy với sự phô trương lớn, tuyên bố rằng chiếc máy quang khắc này là “máy in thạch bản duy nhất trong nước có thể sản xuất chip 7 nanomet”.
Tuy nhiên, ngày nay, dự án vẫn chưa hoàn thành. Vào tháng 9/2020, một phóng viên của kênh truyền thông Đại Lục Thời báo chứng khoán đã đến thăm ký túc xá và khu vực xây dựng cao ốc văn phòng thì thấy cổng gần như bị bỏ hoang và sân trong vắng tanh.
Sau khi Thời báo Chứng khoán điều tra phát hiện, đằng sau Wuhan Hongxin là một “doanh nghiệp trung ương sao chép” bị nghi vấn và một đoàn thể xã hội gần đây đã bị hủy đăng ký. Miếng thịt béo bở mà họ nhắm đến chính là nguồn tiền tài trợ sản xuất bán dẫn của nhà nước.
Trong Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia (ICF) liệu còn có kẻ lừa đảo khác làm nội ứng? Vào tháng 7/2022, một cơn bão chống tham nhũng bất ngờ nổ ra trong lĩnh vực chip của Trung Quốc. Một số người liên quan đến ICF đã liên tiếp bị điều tra.
Đầu tiên, vào ngày 15/7, Lộ Quân (Lu Jun), cựu chủ tịch của công ty quản lý ICF là Huaxin Investment, đã bị bắt đi điều tra bởi nhóm giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Cục Giám sát tỉnh Cát Lâm. Sau đó vào ngày 30/7, tổng giám đốc ICF Đinh Văn Vũ (Ding Wenwu) đã bị bắt đi để điều tra. Ông Đinh Văn Vũ từng là quản lý cấp cao của Wuhan Xinxin (Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture Limited Company), YMTC và ICF.
Tin tức mới nhất là ông Nhậm Khải (Ren Kai), phó chủ tịch Huaxin Investment, phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc kiêm giám đốc không điều hành của SMIC, đã bị bắt đi để điều tra. Theo thông báo của SMIC ngày 16/9, ông Nhậm Khải bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, hiện đang bị đoàn Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ủy ban Giám sát thành phố Bắc Kinh xem xét kỷ luật.
Chế tạo chip khó hơn chế tạo bom nguyên tử
Sau phong trào “sản xuất chip” rầm rộ, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm. Xét từ góc độ định lượng, số lượng chip nội địa chỉ chiếm 10% thị trường nội địa và 90% còn lại vẫn dựa vào nhập khẩu; về mặt định tính, Trung Quốc vẫn đang loanh quanh ở quy trình 14nm.
Điều đáng xấu hổ hơn nữa là ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã phải trải qua một làn sóng đóng cửa nghiêm trọng trong năm nay do chính sách “zero COVID”. Trong 8 tháng đầu năm nay, có tới 3.470 nhà sản xuất liên quan đến chất bán dẫn đóng cửa, một con số kỷ lục. Sản lượng chip cũng giảm mạnh. Trong tháng 8, sản lượng chip giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng chip của Trung Quốc giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, hành động ngăn chặn chip của Mỹ đối với Trung Quốc cũng đã lên đến đỉnh điểm.
Vào ngày 25/8 năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đã ký “Đạo luật Khoa học và Chip 2022”, trong đó khuyến khích các công ty thành lập nhà máy tại Mỹ và yêu cầu các công ty đã được trợ cấp không được xây dựng nhà máy mới ở Trung Quốc hoặc mở rộng sản xuất chip dưới 28nm trong 10 năm tại nước này.
Trong cùng tháng, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu phần mềm EDA cho các quy trình dưới 3nm sang Trung Quốc. Vào tháng 9, Mỹ đã hạn chế vận chuyển chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến của AMD và NVIDIA sang Trung Quốc.
Trước ý chí ngày càng cứng rắn của Mỹ trong việc kiềm chế ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình vẫn đặt hy vọng vào sự đột phá trong hệ thống quốc gia. Vào ngày 6/9 năm nay, một cuộc họp của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện của Trung ương ĐCSTQ đã xem xét và thông qua một tài liệu về “một hệ thống quốc gia mới để giải quyết các công nghệ cốt lõi quan trọng”. Tại cuộc họp này, ông Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi “phát huy hết những ưu thế rõ rệt của hệ thống xã hội chủ nghĩa để hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tập trung toàn lực cho các công việc lớn, tăng cường sự lãnh đạo của đảng và nhà nước đối với những đổi mới lớn về khoa học và công nghệ”.
Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại Lục cho rằng hệ thống quốc gia không phải con đường chính xác để vượt qua khó khăn về chip.
Thời báo Chứng khoán đưa tin vào năm 2018 rằng ngành công nghiệp chip công nghiệp hóa và “hai quả bom và một vệ tinh” tuân theo các quy luật kinh tế hoàn toàn khác nhau. Để chế tạo bom nguyên tử, mục tiêu đầu tiên là “có” (sản xuất ra được), và chi phí cũng như các lần nâng cấp sản phẩm sau đó về cơ bản là không đáng kể. Nhưng đối với sản xuất chip, tiêu chuẩn để thành công là vô cùng khắc nghiệt. Con chip không chỉ phải được sản xuất mà còn phải được chế tạo nhanh hơn đối thủ, không chỉ được chế tạo mà còn phải được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp và năng suất cao.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư vào “hai quả bom và một vệ tinh” là một lần. Còn chip thường được đầu tư hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD, chỉ cần không thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện thành công trong phòng thí nghiệm, sản xuất hàng loạt và không đạt thời gian thì không thể tạo ra lợi nhuận, đồng nghĩa với thất bại.
Nhiều học giả Trung Quốc Đại Lục thừa nhận rằng chế tạo chip khó hơn chế tạo bom nguyên tử.
Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong), Hiệu trưởng Trường Báo chí và Truyền thông tại Đại học Nankai, cho biết trong một bài phát biểu rằng nếu hệ số khó khăn của việc chế tạo bom nguyên tử là 1, thì phi cơ có người lái là 10, động cơ hàng không là 50 và chip có thể được cho là 100.
Ông giải thích thêm rằng có 2 bàn làm việc chuyển động đồng bộ trên máy in thạch bản và 2 bàn làm việc cần duy trì cùng độ cao khi di chuyển và sai số phải nhỏ hơn 2 nanomet. “Sai số dưới 2 nanomet nghĩa là gì? Giống như hai chiếc máy bay lớn đồng bộ chặt chẽ từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh, một con dao thò ra từ chiếc máy bay lớn để khắc hạt gạo ở chiếc máy bay lớn khác, hơn nữa không được khắc sai. Nó cho thấy yêu cầu của việc đồng bộ hóa này là cao như thế nào.”
“Con chip nhỏ này chỉ bằng kích thước móng tay, (nhưng) nó là bậc thầy của toàn bộ nền văn minh công nghiệp của loài người. Thật không dễ dàng, thật quá khó!”, ông Lưu Á Đông cho biết.
Từ khóa chip Trung Quốc Ngành chip Trung Quốc Dòng sự kiện sản xuất chip