Phân tích việc Tập Cận Bình vội thăm Triều Tiên trước Thượng đỉnh G20
- Trí Đạt
- •
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 17/6 đột nhiên công bố thông tin ông Tập Cận Bình sẽ thăm Bắc Triều Tiên trong hai ngày 20 – 21/6, thông tin này cũng đã khiến giới quan sát có nhiều đồn đoán. Có thông tin chỉ ra, lần này là do Bắc Kinh gấp rút trước cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump, nên đã bố trí để ông Tập thăm Bắc Triều Tiên.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ ngày 28 – 29/6 tại Nhật Bản, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ tổ chức cuộc gặp song phương trong thời gian này, và bàn bạc về vấn đề chiến tranh thương mại. Trước hoặc sau thời điểm này, ông Trump sẽ thăm Hàn Quốc, còn ông Tập Cận Bình sẽ thăm Bắc Triều Tiên, thông tin này cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Nhiều kênh truyền thông nước ngoài cho rằng chuyến thăm Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình có liên quan đến đàm phán thương mại với phía Mỹ.
Ngày 17/6, tờ Straits Times tại Singapore dẫn nguồn tin từ một nhân sĩ ở Bình Nhưỡng cho biết, lần này Bắc Kinh nóng lòng trước cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump tại Thượng đỉnh G20 nên đã bố trí chuyến thăm Bắc Triều Tiên trước. Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ chi tiết lý do.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho biết, ông chuẩn bị gặp ông Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20, đồng thời nhấn mạnh, nếu cuối tháng này không có “Hội nghị Trump – Tập”, Mỹ sẽ lập tức tăng thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn luôn giữ im lặng trước tuyên bố này của ông Trump.
Ông Chương Gia Đôn (Gordon Chang) – Nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc hiện đang sống tại Mỹ cho rằng, nguyên nhân chính trong việc ông Tập Cận Bình chọn thăm Bắc Triều Tiên trước khi gặp ông Trump là do đàm phán thương mại Mỹ – Trung gặp trở ngại.
Ông nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng: “Phía Trung Quốc muốn đưa chủ đề Bắc Triều Tiên ra trước bàn đàm phán với ông Trump, từ đó đổi lấy thoả hiệp của phía Mỹ trong vấn đề thương mại. Đây là mánh khoé điển hình của phía Trung Quốc, và trong quá khứ nó cũng có hiệu quả.”
Hãng tin AFP cũng cho biết, ông Tập Cận Bình có thể lợi dụng chuyến thăm nước ngoài quan trọng này, coi đây là nước cờ để mặc cả với Mỹ trong chiến tranh thương mại.
Một mặt, chính quyền Trung Quốc loan tin nói, chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình có liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc họp báo tổ chức hôm 17/6, Ban liên lạc đối ngoại Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nói, ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên đúng và dịp kỷ niệm 70 năm Trung – Triều thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời của chuyên gia an ninh khu vực nói, trước Thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình bố trí cuộc gặp với ông Kim Jong-un, dường như muốn thể hiện sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên, và việc Bắc Kinh gây áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân có thể phát huy tác dụng.
Nhà nghiên cứu Triệu Thông thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Carnegie-Tsinghua Center for Global Polic) tại Bắc Kinh nói, chuyến thăm Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình sẽ nhắc nhở Washington rằng, Bắc Kinh rất có tác dụng trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là trong tình huống Mỹ dường như khó có thể khôi phục lại đối thoại với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Evans J.R.Revere thuộc Viện Brookings Mỹ lại cho rằng, việc ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên, không hẳn có nghĩa là mối quan hệ mỏng manh của hai nước có bất cứ cải thiện nào.
Ông cho rằng, Bắc Kinh cho rằng chuyến thăm này chắc chắn sẽ đưa ra điều kiện “không gây hấn” với Bình Nhưỡng, nhưng nếu Bắc Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ, thì lại không cần phía Trung Quốc phải chuyển lời, bởi vì Bình Nhưỡng và Washington có kênh đối thoại trực tiếp. Đối với Bình Nhưỡng mà nói, ông Tập Cận Bình chỉ là ống dẫn có tác dụng truyền đạt ý đồ của Bắc Triều Tiên và để ông Trump có được bảo đảm.
Điều đáng chú ý là, trong một năm qua, ông Kim Jong-un đã có 4 lần thăm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng nhiều lần mời ông Tập Cận Bình tới thăm, nhưng ông Tập chưa muốn thăm đáp lễ.
Tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, ông Tập Cận Bình tổ chức cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã nói, ông đã nhận được lời mời của ông Kim Jong-un và chuẩn bị thăm Bắc Triều Tiên vào năm 2019.
Hồi tháng 1 năm nay, ông Kim Jong-un, có chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ 4, và tiếp tục mời ông Tập thăm Bắc Triều Tiên. Ông Tập đã nhận lời mời, nhưng khi đó hai bên vẫn chưa xác định thời gian cụ thể. Một tháng sau sự kiện đó, ông Kim Jong-un có cuộc gặp lần 2 với Tổng thống Trump tại Hà Nội, tuy nhiên cuộc gặp này đã nhanh chóng kết thúc và quan hệ Mỹ – Triều bị đình trệ.
Thời gian qua, ông Tập Cận Bình liên tiếp xuất ngoại thăm Nga và nhiều nước Trung Á, và sẽ thăm Bắc Triều Tiên trước thềm Thượng đỉnh G20, nội tình chân thực vẫn khó có thể biết được.
Khoảng thời gian gần đây, do xung kích của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ông Tập Cận Bình đã rơi vào khó khăn cả đối nội lẫn đối ngoại.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang hồi đầu tháng 5 tới nay, quốc gia đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đến thăm là Nga. Ngày 5- 7/6, ông Tập đã có chuyến thăm 3 ngày tới Moscow, trong thời gian này, ông nói với truyền thông Nga rằng, năm nay là kỷ niệm 70 năm quan hệ hữu nghị Trung – Nga, hai bên là mối quan hệ đối tác chiến lược, ông Putin là “bạn tốt nhất của tôi”, việc này được giới quan sát cho là Bắc Kinh có ý muốn “liên kết Nga để chống Mỹ”.
Tuy nhiên, ông Putin lại biểu thị thái độ không muốn bị cuốn vào trong xung đột thương mại Mỹ – Trung. Do đó ý đồ “liên kết Nga để chống Mỹ” của Bắc Kinh về cơ bản là không đạt được mục đích.
Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 23 diễn ra hôm 7/6, ông Putin lần đầu tiên công khai thái độ của mình đối với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ông nói: “Trung Quốc có một câu nói: Khi hai con hổ đánh nhau trong khe núi, con khỉ thông minh sẽ lặng yên ngồi một bên để quan sát kết quả.”
Ông Hồ Bình – Nhà bình luận chính trị, Chủ biên danh dự của Tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh” cho biết, chuyến thăm Nga lần này của ông Tập Cận Bình chính là rải tiền, đã cho Nga 60 tỉ USD, mua chuộc khắp nơi, ông ấy muốn lôi kéo Nga để đối phó với Mỹ, nhưng có vẻ không thành công.
Ngày 7/6, ông Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg và có bài phát biểu tại đây, sau khi diễn đàn kết thúc đã xảy ra một việc, đó là lúc ông Tập Cận Bình rời đi đã suýt bị ngã, may có nhân viên an ninh bên cạnh ông Putin phản ứng nhanh nên đã kịp đỡ được.
Hình ảnh ông Tập suýt ngã này cũng có nhiều giải thích khác nhau, tờ Apple Daily tại Hồng Kông lấy ví dụ về Thủ tướng Anh Margaret Thatcher – được mệnh danh là “người đàn bà thép”, từng bị vấp và suýt ngã trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 1982, tờ báo này nói rằng lãnh đạo ngã không phải là điềm lành.
Khoảng hơn một tuần qua, tức khoảng thời gian ông Tập Cận Bình liên tiếp có các chuyến thăm nước ngoài, tại Hồng Kông đã bùng phát đại diễu hành phản đối dự luật dẫn độ người sang Trung Quốc, sự kiện gây chấn động toàn cầu. Người dân Hồng Kông kháng nghị cũng đã khiến cho chính phủ Hồng Kông (bị Bắc Kinh ngầm kiểm soát) phải nhượng bộ, tạm hoãn lại dự luật. Việc nhượng bộ này cũng được truyền thông ngoài Trung Quốc cho rằng đây là nhượng bộ chính trị lớn nhất và cũng là thất bại về chính trị của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Triều Tiên Hội nghị Thượng đỉnh G20 chiến tranh thương mại Tập Cận Bình