Pháp Luân Công đệ trình danh sách chi tiết thủ phạm bức hại lên Chính phủ Hoa Kỳ
- Minh Ngọc
- •
Nhân kỷ niệm 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc, người tập pháp môn này tại Hoa Kỳ đã đệ trình danh sách các thủ phạm đàn áp nhân quyền lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm đề nghị từ chối cấp thị thực hoặc hạn chế nhập cảnh đối với những cá nhân này.
Động thái này là bước tiếp theo sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố thắt chặt việc cấp thị thực và hạn chế nhập cảnh cho những người vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới hồi đầu năm, đồng thời thông báo cho các nhóm tôn giáo có thể đệ trình danh sách cụ thể những thủ phạm đàn áp nhân quyền lên Chính phủ Hoa Kỳ.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác thực đã nhận được danh sách đệ trình của nhóm Pháp Luân Công và cho biết họ sẽ có hành động thích đáng. Ông cũng nói rằng tất cả những trường hợp bị từ chối cấp thị thực do vi phạm nhân quyền trước nay đều liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Khi giải thích về những luật liên quan đến việc từ chối cấp xin thị thực, ông đề cập rằng một số điều luật cũng áp dụng cho vợ/chồng và con của thủ phạm. Ông cũng chỉ ra rằng chức vụ mà thủ phạm đang hoặc đã đảm nhiệm không quan trọng, mà phải xét đến các chi tiết cụ thể xem họ đã tham gia bức hại nhân quyền ra sao. Chỉ cần nêu rõ trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thủ phạm đó sẽ bị từ chối cấp thị thực.
Dưới đây là tên của một số cá nhân trong danh sách đệ trình lần này. Danh sách này bao gồm cả cựu Trưởng ban Tuyên truyền, Nhân viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật các cấp, nhân viên Phòng 610, cũng như các bác sĩ tham gia mổ cướp nội tạng, thẩm phán, nhân viên của các nhà tù và trại lao động. Trong số họ có những người tham gia bức hại trực tiếp, có những người đứng ở vai trò ban hành hành chính sách và mệnh lệnh.
20 người được liệt kê dưới đây chỉ là một phần danh sách mà nhóm Pháp Luân Công đệ trình lần này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đại diện cho các khu vực, lĩnh vực công tác và các cấp quản lý khác nhau.
1. Lưu Vân Sơn (刘云山)
Ông Lưu Vân Sơn sinh năm 1947 tại Tân Châu, Thiểm Tây, từng là cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Lịch sử bổ nhiệm của Lưu Vân Sơn:
1993 – 1997: Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
1997 – 2002: Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Xây dựng Văn minh Tâm linh
2002 – 2012: Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ, và Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ
2012 – 2017: Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ, Trưởng ban Tuyên truyền của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Xây dựng Văn minh Tâm linh
Sau khi Giang Trạch Dân và ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Lưu Vân Sơn đã tích cực tham gia cuộc bức hại. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, ông đã thúc đẩy các hành vi vi phạm nhân quyền và tự do tín ngưỡng đối với người tập Pháp Luân Công, khiến họ bị tra tấn, giam giữ kéo dài mà không qua xét xử, bắt cóc và bị tước quyền sống, quyền tự do, và an ninh cá nhân.
Tháng 6/1999, Lưu Vân Sơn được điều động vào Ban lãnh đạo ĐCSTQ về Xử lý vấn đề Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân thành lập, và được giao trách nhiệm tuyên truyền chống Pháp Luân Công. Trung tâm chuyên điều hành và xử lý các vấn đề tà giáo khét tiếng (Phòng 610) là cơ quan điều hành của Ban này. Lưu Vân Sơn cũng là Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ. Vì tích cực tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, Lưu đã được đề bạt làm Trưởng Ban Tuyên truyền năm 2002 và giữ vị trí này trong 10 năm cho đến cuối năm 2012.
Năm 2012, ông ta tiếp tục được đề bạt vào vị trí Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị chịu trách nhiệm mảng tuyên truyền. Trong những năm đó, do sự tích cực của Lưu trong vai trò lãnh đạo tuyên truyền chống Pháp Luân Công, mức độ bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Vô số người tập Pháp Luân Công đã bị bắt và giam cầm bất hợp pháp, bị tra tấn và kết án. Nhiều người bị thương nặng và tàn tật. Rất nhiều người tập Pháp Luân Công cũng đã bị giết để thu hoạch nội tạng.
2. Triệu Phi (赵飞)
Triệu Phi sinh năm 1964 tại Sa Dương, Hồ Bắc. Lịch sử bổ nhiệm của Triệu Phi
Tháng 5/1999 – 4/2002: Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Phòng Công an thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc.
Tháng 4/2002 – 3/2003: Viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc
Tháng 3/2003 – 1/2005: Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc
Tháng 1/2005 – 8/2011: Phó Giám đốc, Ủy viên Đảng ủy Sở Công an tỉnh Hồ Bắc
Tháng 9/2011 – 7/2014: Ủy viên Thường ủy thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng Ủy Sở Công an
7/2014 – 4/2017: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp Luật thành phố Thiên Tân, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Phòng Công an
4/2017 – 7/2017: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp Luật thành phố Thiên Tân, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Phòng Công an
7/2017 – nay: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp Luật, Ủy viên Thường ủy thành phố Thiên Tân
Trong nhiệm kỳ từ tháng 9/2011 đến tháng 7/2014, trong vai trò Ủy viên Thường ủy thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng Ủy Sở Công an, Triệu Phi chịu trách nhiệm cho ít nhất ba vụ bắt giữ lớn người tập Pháp Luân Công tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ngoài ra, với tư cách là Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố Vũ Hán, ông chịu trách nhiệm cho việc bắt giam hơn 30 người và cái chết của hơn 10 người do bị tra tấn.
3. Phùng Chinh (冯征)
Phùng Chinh sinh năm 1969 tại Thiên Tân. Lịch sử bổ nhiệm của Phùng Chinh:
Tháng 4/1998: Đảm nhiệm ví trí Ủy viên Đảng ủy Ban quản lý Nhà tù tỉnh Sơn Tây, Phó Giám đốc kiêm Cục trưởng Cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy cơ quan trực thuộc Bộ.
Tháng 6/2003: Đảm nhiệm ví trí Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh; Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Nhà tù của tỉnh.
Tháng 3/2008: Đảm nhiệm ví trí Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh, Phó Giám đốc, Ủy viên Đảng ủy Ban Tư pháp; Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Nhà tù của tỉnh
Tháng 5/2015: Đảm nhiệm vị trí Ủy viên thường ủy thành phố Tấn Thành của ĐCSTQ, Phó Chủ tịch thành phố
Tháng 3/2013: Đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây, Giám đốc Ban Phòng chống tà giáo (tức là Phòng 610). Ông ở vị trí này đến tháng 1/2018.
Tháng 1/2018: Đảm nhiệm vị trí Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Sơn Tây.
Từ tháng 6/2003 đến tháng 5/ 2011, Phùng Chinh là Bí thư Đảng ủy và Trưởng Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Sơn Tây. Trong những năm này, ít nhất năm người ở Nhà tù Tấn Trung và Nhà tù nữ Sơn Tây bị bức hại đến chết.
4. Lưu Hoành (刘宏)
Lưu Hoành sinh tháng 12/1965.
Lưu Hoành từng đảm nhiệm vị trí Phó Ban Duy trì Ổn định Công tác Xã hội tỉnh tỉnh Liêu Ninh (Chính là Văn phòng chuyên ngăn chặn và xử lý các vấn đề tà giáo); năm 2011 nhậm chức Phó Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh, kiêm Trưởng Ban Duy trì Ổn định Công tác Xã hội (Phòng 610).
Từ 2011 đến 2017, với vai trò Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh và Trưởng Phòng 610 tỉnh Liêu Ninh, Lưu Hoành chịu trách nhiệm cho việc giam giữ, tra tấn và giết hại những người tập Pháp Luân Công trong giai đoạn này tại tỉnh Liêu Ninh.
5. Đan Thành Phồn (单成繁)
Đan Thành Phồn sinh tháng 6/1956.
Từ tháng 2/2012 – 1/2016, Đan Thành Phồn đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Liêu Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Liêu Ninh, Bí thư Tỉnh ủy.
Từ tháng 2/2012 đến tháng 1/2016, Đan Thành Phồn đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy và là Trưởng Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Liêu Ninh. Liêu Ninh là một trong những tỉnh thực hiện bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất trong các nhà tù và trại lao động, như Nhà tù Nữ Liêu Ninh và Trại Lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, Nhà tù Bàn Cẩm, Nhà tù số 1 Thẩm Dương, Nhà tù nam Đại Liên, Nhà tù Bản Khê, Nhà tù Đông Lăng… Ở bất cứ nhà tù nào, người tập Pháp Luân Công đều bị tra tấn bằng những phương thức tàn bạo nhất.
Tính đến cuối năm 2015, số lượng người tập Pháp Luân Công bị kết án phi pháp và không chịu từ bỏ đức tin đã bị tra tấn đến chết lên tới hơn 90 người, trong đó có 52 trực tiếp bị bức hại đến chết trong thời gian giam giữ, 47 người qua đời khi được tại ngoại hoặc sau khi ra khỏi tù. Hàng trăm người đã bị tra tấn tàn bạo trong hệ thống nhà tù khét tiếng ở Liêu Ninh.
Kể từ tháng 2/2012, gần 20 người tập Pháp Luân Công bị giam giữ tại tỉnh Liêu Ninh đã qua đời, nhiều người khác bị tàn tật hoặc bị tâm thần.
6. Hoàng Khiết Phu (黄洁夫)
Hoàng Khiết Phu sinh năm 1946 tại Cát An, Giang Tây.
Hoàng Khiết Phu là Giám đốc Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép nội tạng Quốc gia, Phó giám đốc Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc; Giám đốc Ủy ban Ứng dụng lâm sàng kỹ thuật của Cơ quan Cấy ghép nội tạng người Trung Quốc (tháng 7/2006); Giám đốc Ủy ban hiến tạng người Trung Quốc (năm 2008); đồng thời là Giám đốc danh dự của Khoa ghép tạng, Bệnh viện Liên kết Số 1 của Đại học Trung Sơn; và Giám đốc Khoa Phẫu thuật gan tại Viện Đại học Y Bắc Kinh.
Hoàng Khiết Phu là một mắt xích quan trọng trong việc thúc đẩy thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công trong hệ thống Y tế của ĐCSTQ. Tại bệnh viện ông tham gia, số ca cấy ghép tạng rất lớn, và nhiều bác sĩ đã thừa nhận việc sử dụng nội tạng của người tập Pháp Luân Công. Bản thân ông cũng tham gia vào nhiều ca ghép tạng. Chẳng hạn, năm 2012, ông tuyên bố rằng ông đã đích thân thực hiện hơn 500 ca ghép gan trong một năm. Vào ngày 28/ 9 năm 2005, Hoàng Khiết Phu đã tiến hành một ca phẫu thuật ghép gan và bị nghi ngờ đã sử dụng ba người còn sống làm nguồn gan dự phòng. Ông là một trong những thủ phạm chính tham gia vào tội ác mổ cướp nội tạng quy mô lớn từ người tập Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
7. Trịnh Thọ Sâm (郑树森)
Trịnh Thọ Sâm sinh năm 1950 tại huyện Long Du, Cù Châu, tỉnh Chiết Giang.
Trịnh Thọ Sâm từng làm Giám đốc Bệnh viện Thụ Lan, Hàng Châu; Giám đốc Bệnh viện Liên kết số 1 của Đại học Y Chiết Giang, hiện là Giám đốc Trung tâm cấy ghép nội tạng, cựu chủ tịch Hội nghị cấy ghép nội tạng Trung Quốc, và Chủ tịch Tổ chức tiếp nhận nội tạng Trung Quốc (OPO). Từ năm 2007 – 2017, Trịnh Thọ Sâm từng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức đàn áp Pháp Luân Công khi đảm nhiệm chức vụ cựu Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hiệp hội chống tà giáo tỉnh Chiết Giang.
Ông chịu trách nhiệm sản xuất nội dung và đẩy mạnh tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Ông ta đã cho xuất bản nhiều sách phản đối lý luận của Pháp Luân Công, cho đăng các bài nghiên cứu phản đối Pháp Luân Công trên nhiều tạp chí, sách báo, mạng Internet và còn tổ chức nhiều khóa hội thảo. Trịnh Thọ Sâm là cánh tay đắc lực của Phòng 610 trong việc tổ chức các lớp tẩy não, chuyển hóa trong các nhà tù, trại giam, trại lao động… Bản thân ông Trịnh cũng trực tiếp tham gia nhiều hoạt động bức hại, nhiều lần phát biểu tại các hội nghị, đề xuất nhiều kiến nghị và phương án trấn áp Pháp Luân Công.
Ngoài ra, Bệnh viện Liên kết Số 1 của Đại học Chiết Giang và Tổ chức tiếp nhận nội tạng Trung Quốc mà Trịnh làm chủ tịch, ngoài việc tiến hành phẫu thuật ghép tạng, còn tham gia vào mổ cướp nội tạng.
8. Thẩm Trung Dương (沈中阳)
Thẩm Trung Dương sinh năm 1962 tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Thẩm Trung Dương là Giám đốc Trung tâm cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân, Giám đốc Sở Nghiên cứu cấy ghép nội tạng tỉnh Thiên tân, Giám đốc Nghiên cứu cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang, Viện trưởng Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân.
Tin tức truyền thông tại Trung Quốc cho biết cho đến tháng 12/2014, Thẩm và nhóm của ông đã thực hiện gần 10.000 ca ghép gan. Tuy nhiên, theo kết quả cuộc điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), từ năm 2006, số lượng ca ghép tạng mỗi năm ở Trung Quốc đều lên đến hơn 5.000 ca, có thời điểm cao nhất còn lên đến 8.000 ca cấy ghép/năm.
Nhiều bác sĩ trong bệnh viện của Thẩm Trung Dương cũng thừa nhận rằng, họ có sử dụng nguồn tạng từ người tập Pháp Luân Công cho cấy ghép.
9. Trần Tân Quốc (陈新国)
Trần Tân Quốc sinh năm 1949.
Ông Trần là Phó Giám đốc Khoa Phẫu thuật tại Viện ghép gan của Bệnh viện đa khoa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh. Các chức danh khác của ông bao gồm: Ủy viên Ban thường vụ của Ủy ban Cấy ghép nội tạng thuộc Hiệp hội Y tế Bắc Kinh, Ủy viên Ủy ban Chuyên gia cấy ghép nội tạng của Hiệp hội Bác sĩ Bắc Kinh, Ủy viên thường trực của Ủy ban Cấy ghép nội tạng của Hiệp hội Bệnh viện Nghiên cứu chuyên sâu của Trung Quốc, và Ủy viên Ban Hồi sức tim phổi của Hiệp hội Bệnh viện Nghiên cứu chuyên sâu Trung Quốc.
Từ tháng 2/2002, Trần Tân Quốc đã tham gia cấy ghép gan dưới sự chỉ đạo của Thẩm Trung Dương. Trong gần 6 năm, ông tham gia hơn 800 ca phẫu thuật ghép gan, trong đó hơn 30 ca là cấy ghép tạng của người còn sống. Đích thân ông thực hiện hơn 300 ca mổ cướp nội tạng và hơn 300 ca phẫu thuật ghép gan. Ông cũng tham gia vào một số ca phẫu thuật khó, bao gồm ca ghép gan chéo đầu tiên của Trung Quốc, ghép gan-thận kết hợp, ghép gan lần thứ ba, ghép gan giữa thai kỳ, ghép gan cho bệnh nhân lớn tuổi nhất của Trung Quốc, và người hiến gan còn sống mà không cần truyền máu. Kể từ khi tham gia ghép gan từ năm 2002, Trần Tân Quốc cũng đã hỗ trợ trên 10 đơn vị y tế trong hoặc ngoài Bắc Kinh trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ ghép gan.
10. Bành Chí Hải (彭志海)
Bành Chí Hải sinh năm 1958 tại Sơn Đông.
Ông Bành là Phó Giám đốc Cấy ghép nội tạng của Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc, Trưởng Ban Quản lý cấy ghép nội tạng đầu tiên của Hiệp hội Bác sĩ Trung Quốc, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 1 Thượng Hải, hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa Y học và Khoa học Đời sống của Đại học Hạ Môn, bác sĩ hướng dẫn của Khoa Phẫu thuật tổng quát của Bệnh viện Tường An trực thuộc Đại học Hạ Môn.
Tháng 4/2017, Lý Văn Cương, bác sĩ phẫu thuật gan mật tại Bệnh viện Hạ Môn 174 cho biết, Bành Chí Hải đã tiến hành 5.000 ca ghép gan và trung bình hơn 400 ca trong vài năm qua, trong đó có sử dụng nội tạng từ người tập Pháp Luân Công.
11. Lưu Học Phổ (刘学普)
Lưu Học Phổ sinh năm 1957 tại Thạch Trụ, tỉnh Trùng Khánh.
Ông Lưu từng là Phó Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp Luật Trùng Khánh, Phó Chủ tịch thành phố Trùng Khánh, hiện là Phó Chủ nhiệm Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Trùng Khánh và Phó Bí thư Đảng ủy.
Năm 2012, tại Trùng Khánh có 161 người tập Pháp Luân Công bị bức hại, trong đó 5 người bị tra tấn đến chết, 136 người bị bắt giữ, khám xét nhà, cưỡng chế tẩy não, 5 người bị kết án, 15 người mất tích.
Năm 2013, 183 người tập Pháp Luân Công tại Trùng Khánh bị bức hại, trong đó 124 người bị bắt giữ bất hợp pháp và cưỡng chế tẩy não, 28 người bị kết án và xét xử bất hợp pháp; 3 người bị bức hại đến chết, 17 người đã bị Phòng 610 khám nhà, 11 người bị ép phải di cư không rõ tung tích.
Năm 2014, 299 người tập Pháp Luân Công tại Trùng Khánh bị bức hại, trong đó 5 người bị bức hại đến chết, 141 người bị bắt cóc và lục soát bất hợp pháp, 68 người bị cưỡng chế tẩy não, 46 người bị sách nhiễu, 27 người bị xét xử và kết án phi pháp, 10 người bị buộc phải di cư và mất tích; 2 người bị tiêm thuốc độc không rõ nguồn gốc.
Năm 2015, 577 người tập Pháp Luân Công tại Trùng Khánh bị bức hại, 335 người tập Pháp Luân Công tại Trùng Khánh đã bị bắt, trong đó có 50 người bị xét xử và 19 người mất tích hoặc bị buộc phải rời nhà, 130 người bị sách nhiễu nhiều lần, 19 người buộc phải di cư không rõ tung tích, gia đình của 23 người cũng bị liên lụy sách nhiễu.
Từ tháng 1/2016 – 7/2017, có 994 người tập Pháp Luân Công tại Trùng Khánh bị bức hại, trong đó có 6 người bị bức hại đến chết, 29 người bị kết án bất hợp pháp, 41 người bị bắt và xét xử bất hợp pháp, 193 người bị giam giữ bất hợp pháp và bị bức hại trong thời gian dài, 453 người đã bị sách nhiễu, 154 người bị tẩy não bất hợp pháp, 31 người bị tống tiền, 37 người buộc phải dư cư đi nơi khác, 4 người bị mất tích.
12. Đằng Hiểu Quang (滕晓光)
Đằng Hiểu Quang sinh năm 1966 tại Phụng Thành, Liêu Ninh.
Tháng 6/2010: Đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, ủy viên Đảng ủy, Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang
Tháng 2/2015: Đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở pháp tỉnh Hắc Long Giang, ủy viên Đảng ủy, và Phó Bí thư kiêm Trưởng Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang
Tháng 7/2015 – 4/2016: Đảm nhiệm vị trí Ủy viên của Đảng ủy và Phó Giám đốc Sở pháp tỉnh Hắc Long Giang
Suốt từ tháng 6/2010 – 7/2015, Đằng Hiểu Quang là Trưởng Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang kiêm Phó Phòng tư pháp Hắc Long Giang. Hơn 10 người tập Pháp Luân Công đã chết vì bị tra tấn trong thời gian đó.
13. Tưởng Xuân (蒋春)
Tưởng Xuân sinh năm 1974 tại Kỳ Dương, Hồ Nam.
1999 – 11/2015: Đảm nhiệm vị trí Phó Chính ủy, Ủy viên Đảng ủy Nhà tù nữ Vũ Hán
12/2015 – nay: Đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Chính trị Nhà tù Hán Khẩu, tỉnh Hồ Bắc
Bà Tưởng đã nhiều lần được phong tặng huy chương khen thưởng cho những nỗ lực bức hại Pháp Luân Công. Do áp lực mà bà Tưởng gây ra, hơn 40 người tập Pháp Luân Công đã từ bỏ đức tin của họ. Bà cũng đã xuất bản hơn 10 bài báo về biện pháp chuyển hóa các người tập Pháp Luân Công.
14. Khuất Thân (屈申)
Khuất Thân sinh năm 1958 tại Vũ Hán, Hồ Bắc.
Ông Khuất từng đảm nhiệm vị trí Phó phòng 610, chuyên phụ trách ban tẩy não ở Quận Giang Hán, Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Khuất Thân nguyên là nhân viên Viện kiểm sát Giang Hán, Vũ Hán. Năm 1999 sau khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, ông ta được điều động đến Phòng 610 Giang Hán, phụ trách Trung tâm tẩy não Giang Hán.
Khuất Thân đặc biệt thù hận Pháp Luân Công, dốc hết sức lực để tiến hành bức hại. Hơn 1.000 người tập Pháp Luân Công đã bị giữ tại trung tâm, và trong đó ít nhất 17 người thiệt mạng vì bị tra tấn, 5 người bị bức hại đến tâm thần, những người bị chấn thương ở các mức độ khác nhau không tính đếm được hết.
Thủ đoạn mà trung tâm tẩy não tiến hành tra tấn người tập Pháp Luân Công gồm có lăng mạ, đánh đập tàn bạo, cấm ngủ, bắt phơi nắng, tẩy não, bức thực, không cho ăn cơm, tiêm thuốc độc không rõ nguồn gốc…
15. Giả Phúc Quân (贾福军)
Không rõ năm sinh
Giả Phúc Quân từng là Trưởng Ban quản lý Nhà tù Liêu Ninh. Kể từ tháng 1/2014 đến nay, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà tù nữ Liêu Ninh. Nhà tù này cũng tương tự Trại lao động Mã Tam Gia, là nơi chuyên để ĐCSTQ bức hại tàn khốc những người phụ nữ theo tập Pháp Luân Công. Nhà tù này có hơn 10 phân khu, với tổng cộng khoảng 3.000 người bị giam giữ. Chỉ riêng trong năm 2006, có khoảng 640 người tập Pháp Luân Công từ nhiều khu vực khác nhau thuộc tỉnh Liêu Ninh đã bị giam giữ tại đây.
Năm 2015, 36 người tập Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết trong nhà tù này, còn nhiều người khác bị ép đến tâm thần không minh mẫn, bị chấn thương nặng nề.
16. Lý Siêu (李超)
Lý Siêu sinh năm 1960.
Lý Siêu từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Huyện Đại Oa, tỉnh Liêu Ninh; Bí thư Đảng ủy và Giám đốc Phòng Công an Đại Oa; Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Bàn Cẩm; Phó Giám đốc Phòng Công an Bàn Cẩm, Giám đốc Phòng Công an Triêu Dương, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch thành phố Triêu Dương, hiện là Phó Chủ tịch thành phố An Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Phòng Công an.
Từ tháng 5/2013 – 7/2016, Lý Siêu là Phó Chủ tịch Thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, đồng thời là Giám đốc và Bí thư Đảng bộ của Văn phòng Công an Thành phố Triều Dương.
Sau khi ông đảm nhận vị trí của mình, cảnh sát thành phố đã thay đổi rõ rệt cách hành xử với người tập Pháp Luân Công địa phương và tăng cường nỗ lực để giam giữ họ. Đã có nhiều vụ bắt giữ hàng loạt sau các cuộc họp của Lý Siêu với các nhân viên an ninh địa phương, trong đó ông yêu cầu cảnh sát tăng cường nỗ lực đàn áp Pháp Luân Công.
17. Tôn Vĩnh Ba (孙永波)
Tôn Vĩnh Ba sinh năm 1956 tại Chư Kỵ, Chiết Giang.
Tháng 6/2008 – 7/2008: Đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy Hắc Long Giang, Bí thư Tỉnh ủy Sở Công an Hắc Long Giang, Phó Ban lãnh đạo Tỉnh ủy về ngăn chặn và xử lý vấn đề tà giáo.
Tháng 7/2008 – 8/2012: Đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc tỉnh, Giám đốc Sở công an, Bí thư Đảng bộ, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy, Phó Ban Nhóm lãnh đạo Tỉnh ủy về ngăn chặn và xử lý vấn đề tà giáo.
Tháng 01/2017 đến nay: Đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang; Ủy viên Tỉnh ủy của Chính phủ; Phó Ban Nhóm lãnh đạo Tỉnh ủy về ngăn chặn và xử lý vấn đề tà giáo.
Trong khoảng thời Tôn Vĩnh Ba đảm nhiệm chức vụ, tình hình bức hại Pháp Luân Công ở Hắc Long Giang hết sức nghiêm trọng, vô số người đã bị bắt giữ và kết án phi pháp, ít nhất 67 người đã bị tra tấn đến chết.
18. Trương Quốc Quân (张国钧)
Trương Quốc Quân sinh năm 1952 tại Hà Bắc.
Từ tháng 6/1999 – 7/2005, Trương Quốc Quân đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng 610 tỉnh Hà Bắc, Phó Tổng Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật
Từ năm 2005, Trương đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Pháp chế Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban thường vụ Chính trị, hiện tại đã về hưu.
Trương Quốc Quân luôn theo sát chính sách đàn áp và đến tháng 11/2005, với con số thống kê 379 người tập Pháp Luân Công bị bức hại đến chết, Hà Bắc trở thành một trong những tỉnh có nhiều nạn nhân tử vong nhất ở Trung Quốc.
Đáng chú nhất là vụ việc 6 người trong một gia đình cùng theo tập Pháp Luân Công đều bị bức hại, trong đó 5 người bị bức hại đến chết, chỉ còn duy nhất một cô con gái còn sống, bố mẹ, anh trai, em trai và một người em gái của cô đã qua đời.
19. Dương Ba (杨波)
Dương Ba sinh năm 1962 tại Hắc Long Giang.
Tháng 8/1999-10/2000, Dương Ba từng là một sĩ quan, sau đó từ tháng 11/2000 – 11/2003 là giảng viên chính trị tại Lữ Đoàn 2 của Trại lao động Tuy Hóa (Lữ Đoàn đặc biệt chuyên bức hại Pháp Luân Công).
Từ tháng 12/2003 – 8/2004, ông được thăng chức và làm việc tại Sở Giáo dục – Lao động tỉnh Hắc Long Giang, cơ quan chuyên trách bức hại Pháp Luân Công.
Từ tháng 9/2004, ông đảm nhiệm vị trí Cục Phó Cục An ninh nội địa Hắc Long Giang. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Dương Ba đã tiến hành chuyển hóa hơn 100 người tập Pháp Luân Công trong ba năm.
Tháng 9/2004 đến nay, Dương Ba giữ chức Đội Phó Đội An ninh Quốc gia của Quân đoàn An ninh Quốc gia tỉnh Hắc Long Giang, tiếp tục chuyên về đàn áp Pháp Luân Công.
Trong thời gian làm việc tại trại lao động, Dương đã thành lập 2 đại đội và chuyên sử dụng các thủ đoạn tàn bạo để tra tấn người tập Pháp Luân Công bị giam giữ tại đây, chẳng hạn như dùng thuốc an thần, sốc điện, đánh đập, ép ngồi trên ghế nhỏ trong tư thế cố định thời gian dài, nhổ răng… cùng nhiều phương thức khác. Dưới những thủ đoạn của Dương Ba và tay chân của ông ta, hàng trăm người tập Pháp Luân Công đã bị ép đến mức phải từ bỏ đức tin của mình, những người kiên định đến cùng đều bị bức hại đến thương tật nghiêm trọng hoặc đến chết.
20. Khương Thiết Lương (姜铁良)
Khương Thiết Lương, sinh năm 1962 tại Bắc Kinh.
Kể từ khi Giang Trạch Dân khởi xướng bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng như Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã nỗ lực hành động theo lệnh của Giang. Họ đã tiến hành bắt giữ bất hợp pháp người tập Pháp Luân Công không có lệnh, tuyên án không tuân theo thủ tục pháp lý thích hợp, thậm chí là thường xuyên không thông qua xét xử. Trong 20 năm qua, nhiều người tập Pháp Luân Công vô tội đã bị kết án bất hợp pháp, đã bị “chuyển hóa” thông qua lao động cưỡng bức, và thậm chí bị bức hại đến chết.
Đáng chú ý trong số đó, vào ngày 17/8/2001, Tòa án quận Đông Thành, Bắc Kinh đã xét xử bất hợp pháp 25 người tập Pháp Luân Công vì họ treo một biểu ngữ dài 99 mét với thông điệp “Pháp Luân Pháp Đại Pháp là tốt” cùng 18 bài thơ của Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 31/12/2000.
Chủ tọa phiên tòa là Khương Thiết Lương, thẩm phán của Tòa án quận Đông Thành, đã tuyên án tù với tất cả 25 người này, thời hạn từ 3,5 đến 10 năm.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Đàn áp nhân quyền Dòng sự kiện Bộ ngoại giao Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực Mổ cướp nội tạng Bức hại Pháp Luân Công