Phóng viên TQ rơi nước mắt vì ông Abe, bị ‘ném đá’ đến nỗi phải tự tử
- Lý Mộc Tử
- •
Một phóng viên Trung Quốc tại Nhật Bản vì rơi nước mắt khi đưa tin về cái chết của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, đã bị cư dân mạng Đại Lục ‘ném đá’ đến nỗi phải công khai xin lỗi và tự tử.
Theo Oriental Daily News đưa tin, nhà văn Trần Lam (Chen Lan) đã chứng thực việc Tăng Dĩnh, nữ phóng viên hãng truyền thông “The Paper” của Trung Quốc trú tại Nhật Bản, đã tự tử trong căn hộ của cô ở Nhật Bản vào trưa ngày 19/7 do áp lực của cơn bão trên mạng. Hiện cô đang được cấp cứu.
Tài khoản Weibo của phóng viên điều tra chuyên sâu Đại lục Lý Kế Phong (Li Jifeng) cũng cho biết: “Tăng Dĩnh, một người làm truyền thông, gần đây đã tự sát ở Nhật Bản vào ngày 19/7! Vào lúc 14:00 giờ ngày 19/7, Tăng Dĩnh đã gửi tin nhắn này trong vòng tròn bạn bè: ‘Rất thoải mái, rất bình tĩnh, tôi muốn thông báo với mọi người rằng tôi, ở tuổi 32, đã quyết định ra đi.’ Theo những người thân quen với Tăng Dĩnh tiết lộ, Tăng Dĩnh mắc chứng trầm cảm. Hiện tại, theo tin tức mới nhất ở Nhật Bản, Tăng Dĩnh đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu.”
Lý Kế Phong cũng nói rằng trong sự kiện cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát, cô Tăng Dĩnh đã rơi nước mắt trong khi kết nối trực tuyến với trang “The Paper” để đưa tin tại hiện trường, vì thế cô đã bị các cư dân mạng cực đoan ở Đại Lục công kích. Trong vài ngày, các tài khoản mạng xã hội tiếng Trung của Tăng Dĩnh bị hàng ngàn cư dân mạng Đại Lục tràn vào “nhiệt tình thăm hỏi”. “Cuối cùng Tăng Dĩnh đã không chịu nổi áp lực, buộc phải xin lỗi cư dân mạng trên các tài khoản mạng xã hội của cô ấy.”
Bức thư tuyệt mệnh của Tăng Dĩnh được công bố trong vòng kết nối bạn bè đang lan truyền trên Internet. Cô nói “Thông báo với mọi người một cách rất bình tĩnh rằng, tôi, 32 tuổi, đã quyết định ra đi”, cô cũng kể sơ lược về cuộc đời 32 năm qua của mình. Cô cho biết mình mắc chứng trầm cảm từ năm 2018, và bệnh trầm cảm trở nên trầm trọng hơn vào năm 2020. Kể từ tháng Bảy năm nay, “chứng trầm cảm đã khiến tôi không thể chèo chống được công việc và cuộc sống hàng ngày của mình”.
Tăng Dĩnh cho biết, cô có một người bạn rất tốt đã qua đời vào năm 2018. Khi đó, cô ấy trách móc rằng người bạn của mình đã ra đi mà không nói lời từ biệt. Tăng Dĩnh nói: “Trong thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, tôi muốn gửi lời chào tạm biệt đến mọi người và nói với mọi người về quyết định mà tôi sẽ không bao giờ thay đổi này, để mọi người có thể kịp thời tiếp quản những kế hoạch trong công việc và cuộc sống của tôi.”
“Việc tương đối khẩn cấp” mà Tăng Dĩnh lo ngại nhất là một công ty trang phục mà cô đã mua lại vào đầu năm. “Tôi không muốn thương hiệu này mất thanh khoản vì tôi rời đi, tôi không còn có thể nuôi dưỡng ‘đứa con’ này nữa”. “Tôi muốn bán lại công ty trang phục này cho người nào có hứng thú, hiệu quả và lợi ích cũng không tồi, thiết kế của mùa thu đông này đặc biệt tốt, có thể lập kỷ lục bán hàng mới.”
“Tôi hy vọng mọi người có thể chấp nhận quyết định của tôi một cách bình tĩnh như tôi. Tôi tin rằng trên thế giới này có linh hồn.” Cuối cùng, Tăng Dĩnh nói, “Cuộc đời này sống thật đáng giá, tôi mới ngoài 30 tuổi, và tôi đã trải qua mọi thứ ngoại trừ việc tôi chưa kết hôn và có con. Cuộc đời tôi là một cuộc đời nhiều gập ghềnh và phong phú giữa những người bạn cùng trang lứa. Tôi rất vui vì có thể quen được bạn trong cuộc đời này. Cảm ơn! Tạm biệt.”
Điều đáng nói là sau khi tin tức Tăng Dĩnh tự tử được lan truyền, cư dân mạng Đại Lục vẫn chưa hết phẫn nộ, một số người còn nói trên Weibo rằng: “Có phải là tự sát bằng cách mổ bụng hay không? Nếu không thì không phải là chính tông (ý là học theo võ sĩ Nhật Bản rạch bụng tự sát), làm phiền sau khi cứu sống cô ấy hãy đưa cho cô ấy con dao để cô ấy rạch bụng tự sát”; “Bầu không khí đã đến đây rồi, không chết thì không lễ phép, bảo vệ của Abe nhất định sẽ rước cô ấy đi cùng”; “Chết thật hay, đồ Hán gian”, v.v.
Tuy nhiên, cũng có một số cư dân mạng trên Twitter nói rằng: “Tăng Dĩnh tự sát … Đối với những người bị bệnh trầm cảm mà nói, áp lực bên ngoài và bạo lực sẽ đẩy nhanh các triệu chứng. Đối với những trường hợp trầm cảm nặng, cái chết thực sự là một sự giải thoát. Những người chưa từng bị qua chứng trầm cảm thì rất khó đồng cảm, đây không phải là việc nói rằng ‘hãy suy nghĩ thoáng một chút’ và ‘nói chuyện nhiều hơn’ là có thể giải quyết được … Nếu cô ấy sống sót, hy vọng cô ấy có thể được điều trị thích hợp, cũng hy vọng bạo lực sẽ dừng lại. Nếu cô ấy ra đi từ đây, hy vọng cô ra đi một cách thanh thản và không có đau khổ.”
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Shinzo Abe phóng viên Trung Quốc Shinzo Abe bị bắn