Số liệu chính thức của ĐCSTQ che giấu nỗi khổ thất nghiệp của người dân
- Lâm Yến
- •
Các nhà kinh tế cho biết, thị trường lao động Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực khá lớn, từ chi tiêu tiêu dùng yếu kém, đến chính sách kiểm soát “Zero COVID” nghiêm ngặt, và việc Bắc Kinh đàn áp giám sát, kiểm soát lĩnh vực giáo dục và bất động sản. Trong khi đó, dữ liệu chính thức đã che giấu nỗi khổ thực sự của người dân Trung Quốc.
Số liệu tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc luôn ổn định ở mức khoảng 5%, nhưng các chỉ số thay thế và báo cáo khác lại cho thấy tình trạng thất nghiệp của Trung Quốc tồi tệ hơn nhiều so với số liệu được giới chức công bố hàng tháng.
Việc làm là ưu tiên hàng đầu của các quan chức chính phủ và là cuộc khủng hoảng cấp bách nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự kiến tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay.
Trong một chuyên mục vào tháng 12/2021, phóng viên người Hồng Kông Lý Xuân của “Economic Daily” (Nhật báo Kinh tế) Đài Loan dự đoán, lượng người được tuyển dụng trong các công việc “Song Linh” ở Trung Quốc năm 2022 có thể vượt quá 300 triệu người.
“Song Linh” chỉ “việc làm linh hoạt” và “nền kinh tế hợp đồng” (Linh công kinh tế), tương ứng với việc làm không có trong bảng dữ liệu việc làm và việc làm tự do, gồm những người làm việc bán thời gian hoặc làm nghề tự do.
Phóng viên Lý Xuân cho rằng đây là một “con tê giác xám” (cuộc khủng hoảng tiềm ẩn với khả năng xảy ra cao và tác động rất lớn) cấp bách của nền kinh tế Đại Lục.
Nhưng các số liệu chính thức của Trung Quốc vẫn đang cố gắng che giấu nỗi đau thực sự trên thị trường lao động. Theo số liệu việc làm tháng 12/2021 do chính quyền Trung Quốc công bố ngày 17/1, tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát là 5%, tốt hơn một chút so với mức trước đại dịch.
Đầu tiên, trong cuộc khảo sát dân số thất nghiệp của giới chức ĐCSTQ có tồn tại những vấn đề thống kê nghiêm trọng. Theo khảo sát thất nghiệp của giới chức, họ định nghĩa những người thất nghiệp là những người đã tích cực tìm việc trong 3 tháng và có thể bắt đầu một công việc mới trong vòng 2 tuần.
Điều này có nghĩa là dữ liệu của họ không thể phản ánh những thay đổi về số lượng lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc làm việc tại các thành phố, cũng như không tính đến lượng người thất nghiệp đã rút khỏi lực lượng lao động trong hơn 3 tháng; hoặc những người phải cách ly hơn 2 tuần, không thể trở lại làm việc trong vòng 2 tuần.
Như một phần của công tác kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán, hàng trăm ngàn người dân ở Trung Quốc Đại Lục đã bị cách ly, mỗi lần thường kéo dài vài tuần. Những người thất nghiệp này sẽ không được tính là thất nghiệp vì không thỏa mãn điều kiện thứ 2.
Các số liệu chính thức của Trung Quốc cho biết, 12 triệu việc làm mới tại thành thị đã được tạo ra trong 11 tháng đầu năm 2021, giảm so với 12,8 triệu việc làm cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc có khoảng 180 triệu lao động nhập cư từ nông thôn, hầu hết thời gian trong năm họ làm việc ở các thành phố và sống ở nông thôn vào thời gian còn lại của năm. Theo số liệu chính thức, trước đại dịch, hàng năm lao động nhập cư tăng 2-3 triệu người; kể từ sau đại dịch, số lượng lao động nhập cư không tăng.
Nhưng ông Lư Phong, một nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, ước tính rằng có sự thiếu hụt 6 triệu người giữa số lượng lao động nhập cư hiện đang làm việc tại các thành phố và số lượng trước đại dịch.
Ông nói: “Việc giảm tương đối hàng triệu lao động nhập cư trong vòng 2 năm có thể khiến nguồn thu nhập bị mất hàng trăm tỷ nhân dân tệ.” (100 tỷ NDT tương đương 15,72 tỷ USD)
Người lao động nhập cư không được đưa vào cuộc khảo sát về tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của Trung Quốc.
Một số nhân sĩ tin rằng tình hình di cư có thể tồi tệ hơn so với dữ liệu chính thức. Các nhà nghiên cứu tại Công ty Guolian Securities (Quốc Liên) phát hiện ra rằng trong những tháng gần đây, các tỉnh có dòng lao động ròng thường có doanh số bán lẻ mạnh hơn so với các tỉnh có dòng lao động nhập cư – một dấu hiệu cho thấy một lượng lớn lao động nhập cư đang ở gần nhà.
“Theo quan điểm của chúng tôi, dữ liệu bán lẻ hàng tiêu dùng cung cấp bằng chứng về việc lực lượng lao động đã trở về nhà”, họ viết.
Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành dịch vụ đang gặp khó khăn, ngành sản xuất bị thu hẹp, và tình hình việc làm ở Trung Quốc không mấy lạc quan.
Các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khi chính quyền Trung Quốc áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn COVID-19 lây lan, điều này cũng làm giảm nhu cầu của họ đối với người lao động.
Trong hầu hết 12 tháng qua, “Chỉ số Quản lý Thu mua” (PMI), chỉ số phụ về việc làm, trong ngành phi sản xuất của Trung Quốc, theo dõi các ý định tuyển dụng trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, đã ở dưới mức trước đại dịch.
Nhu cầu phục hồi từ nước ngoài đã dẫn đến mức xuất khẩu kỷ lục trong năm 2021 và nhiều nhà máy đã bắt đầu nỗ lực tìm kiếm nhân công. Nhưng dữ liệu của giới chức vẫn cho thấy xu hướng thu hẹp việc làm trong lĩnh vực sản xuất, một phần có thể do tự động hóa tăng lên.
Theo thống kê của giới chức, số lượng công nhân bình quân trong các doanh nghiệp công nghiệp có doanh thu hơn 20 triệu NDT (3,1 triệu USD) đã giảm từ 7.419 người tháng 11/2020, xuống còn 7.398 người vào tháng 11/2021. Theo tiêu chuẩn này, các công ty dệt may có mức giảm nhiều nhất.
Dịch vụ là lĩnh vực việc làm lớn nhất của Trung Quốc, sử dụng khoảng 47% lực lượng lao động. Từ năm 2021 đến nay, chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ liên quan như du lịch và ăn uống liên tục giảm đã khiến các công ty trong các ngành này ngần ngại thuê nhân công mới.
Đồng thời năm 2021, Bắc Kinh cũng áp dụng lệnh cấm đối với các công ty giáo dục và đào tạo cung cấp dịch vụ dạy thêm sau giờ học và kiểm soát lĩnh vực bất động sản nợ nần chồng chất, gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính. Cả hai điều này đều gây ảnh hưởng xấu đến thị trường việc làm.
Tuần này, “New Oriental” (Tân Đông Phương) cho biết năm 2021, họ đã sa thải 60.000 nhân viên. Theo dữ liệu từ trang web tuyển dụng trên thị trường việc làm trực tuyến, số liệu trong lĩnh vực giáo dục, du lịch và bất động sản đều giảm vào quý cuối cùng của năm 2021.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh trấn áp ngành bất động sản cũng đã trực tiếp làm giảm việc làm của lao động nhập cư giai tầng thấp, vốn là nguồn lao động chính của ngành xây dựng.
Do thị trường lao động kém, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đã lựa chọn tham gia các kỳ thi để theo đuổi các nghiên cứu sau đại học hoặc thi vào công chức của chính phủ. Theo báo cáo của công ty “Minsheng Securities” (Chứng khoán Dân sinh), năm 2021, lượng người tham gia các kỳ thi nói trên đã tăng hơn 1,6 triệu người so với năm 2019.
Những người này sẽ không được tính là người tìm việc, nên áp lực việc làm thực tế của sinh viên đại học sẽ cao hơn tỷ lệ thất nghiệp được công bố.
Theo Lâm Yến / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện kinh tế Trung quốc thất nghiệp