Báo cáoChỉ số Tự do sáng tác 2024 của PEN America cho biết, năm 2024 Trung Quốc có 118 nhà văn bị giam giữ. Kể từ khi chỉ số này được thiết lập cách đây 6 năm, số lượng nhà văn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ mỗi năm luôn là cao nhất trên thế giới. Phần lớn trong số này bị giam giữ vì các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia.

r shutterstock 1457569097
Camera giám sát tại một góc Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. (Ảnh: NG-Spacetime / Shutterstock)

Theo báo cáo “Chỉ số Tự do sáng tác” do PEN America công bố vào ngày 24/4, năm 2024, Trung Quốc đã giam giữ 118 nhà văn, tăng 11 người so với con số 107 vào năm 2023, và là quốc gia có tỷ lệ tăng số lượng nhà văn bị giam giữ lớn nhất.

Trong số 118 người này, có 9 phụ nữ, và khoảng 1/3 trong số họ chủ yếu là những người viết tác phẩm hoặc đưa ra bình luận trên mạng.

PEN America cho biết, chính quyền ĐCSTQ lấy lý do “an ninh quốc gia” để trừng phạt các nhà văn viết về những quan điểm ủng hộ dân chủ, chỉ trích ĐCSTQ, hoặc tuyên truyền về ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc thiểu số. Gần một nửa trong số 118 nhà văn bị giam giữ là người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng hoặc Mông Cổ, và họ thường bị bắt và giam giữ vì các cáo buộc mơ hồ về “chủ nghĩa ly khai”.

Trong số đó, nhà kinh tế học nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti đã bị kết án tù chung thân vào năm 2014. Nhà thơ Tây Tạng Gendun Lhundrub đã mất tích trong 3 năm trước khi được thả vào tháng 11 năm ngoái, nhưng vẫn bị giám sát. Nhà văn Mông Cổ Lhamjab A. Borjigin bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ ở Mông Cổ vào năm 2023. Nhà văn Tây Tạng Thupten Lodoe bị đưa vào bệnh viện vào tháng Sáu năm ngoái do bệnh nặng.

Nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) bị kết án 14 năm tù vào ngày 10/4/2023 với tội danh “lật đổ chính quyền quốc gia”. Vào tháng Mười năm ngoái, ông Hứa Chí Vĩnh đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối. Nhà văn gốc Hoa người Úc Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) bị kết án tử hình hoãn thi hành án vào tháng 2/2024.

Sau khi Điều 23 của Luật Cơ bản Hồng Kông được thông qua, cựu Phó chủ tịch Liên hội Học sinh Hồng Kông, Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung), cùng với nhiều người khác bị bắt vì bị cáo buộc phát tán các bài viết kích động. Nhà sáng lập Apple Daily Lê Trí Anh (Jimmy Lai), đã bị giam giữ từ năm 2020 và vụ án của ông được xem là một chỉ số quan trọng về tình trạng tự do báo chí và pháp quyền ở Hồng Kông. Vào cuối năm ngoái, vụ án của ông Lê Trí Anh liên quan đến cáo buộc “thông đồng với các thế lực nước ngoài” đã được khởi động lại.

PEN America cũng cho biết, chính quyền ĐCSTQ gần đây gia tăng đàn áp xuyên quốc gia. Năm 2024, nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng ĐCSTQ đã phát động các cuộc đàn áp đối với các nhà văn và người bất đồng chính kiến sống lưu vong tại Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ. Một số nạn nhân ở nước ngoài đã tiết lộ rằng chính quyền ĐCSTQ đã quấy rối và trả thù các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc.

“Chỉ số Tự do sáng tác” của PEN America được thiết lập từ năm 2019, chuyên theo dõi các nhà văn và nhà báo bị giam giữ do viết lách, phát biểu hoặc đưa tin. Chỉ cần bị giam giữ quá 48 giờ, trường hợp đó sẽ được đưa vào thống kê. Tuy nhiên, PEN America cho biết, do sự kiểm soát thông tin nghiêm ngặt của ĐCSTQ, việc thu thập dữ liệu đầy đủ, mới nhất và chính xác về các nhà văn bị giam giữ là một thách thức lớn.

Ngoài Trung Quốc đứng đầu danh sách năm nay, trong top 10 còn có các quốc gia như: Iran, Ả Rập Xê Út, Việt Nam, Israel, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Ai Cập và Myanmar.

Theo Vũ Phong, Epoch Times