Vì sao bệnh ung thư phổi “ưu ái” người Trung Quốc?
Trung bình mỗi ngày ở Trung Quốc có khoảng 10.000 người mắc bệnh ung thư, tương đương với mỗi phút có 7 người xác nhận mắc chứng bệnh nan y này. Trong đó, tỷ lệ phát bệnh dẫn đến tử vong cao nhất chính là ung thư phổi.
Mới đây, Trung tâm Ung thư Quốc gia Trung Quốc đã phát hành Báo cáo Thường niên Bệnh ung thư năm 2017 tổng hợp số liệu từ 347 điểm đăng ký ung thư trên toàn quốc. Thống kê về ung thư của Trung Quốc thường sẽ bị chậm khoảng 3 năm, nên thực tế con số phát bệnh và tử vong mới được công bố là trong khoảng năm 2013.
Theo một bài báo trên Tạp chí Ung thư, ước tính đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có khoảng 1 triệu bệnh nhân ung thư phổi, và trở thành quốc gia có số bệnh nhân ung thư phổi nhiều nhất thế giới.
>> Trung Quốc: Từ làng ung thư, sông ung thư đến quốc gia ung thư
Vậy tại sao số lượng người bị ung thư phổi tại Trung Quốc lại nhiều đến thế?
Năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật Trung Quốc và đã tiến hành khảo sát người từ 15 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy, có hơn 300 triệu người hút thuốc ở Trung Quốc. Tỷ lệ hút thuốc với nam giới là hơn 50% và nữ giới là 2,4%. Những người làm trong các ngành cơ giới và nông nghiệp có tỷ lệ hút thuốc cao gấp đôi so với ngành giáo viên. Ngoài ra, có khoảng 740 triệu người gián tiếp tiếp xúc với khói thuốc lá.
Năm 2011, Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật Trung Quốc cũng ban hành bản báo cáo có tiêu đề “Kiểm soát thuốc lá và tương lai của Trung Quốc”, trong đó nhấn mạnh rằng mỗi năm Trung Quốc có khoảng 1,2 triệu người chết vì hút thuốc và/hoặc các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Ngoài nguyên nhân hút thuốc có lại cho sức khỏe con người WHO cũng tin rằng một số yếu tố khác như ô nhiễm không khí cũng tác động lớn đến vấn nạn ung thư phổi ở Trung Quốc.
Ông Chung Nam San, một chuyên gia tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc nhiều năm nghiên cứu về tình trạng khói mù ô nhiễm đã chỉ ra rằng, từ một số hiện tượng quan sát thấy, thì tình trạng bệnh ung thư phổi gia tăng ở Đại Lục có thể liên quan đến khói mù ô nhiễm hiện nay. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào xác định được tỷ lệ ung thư phổi do khói mù ô nhiễm gây ra, nhưng một điều chắc chắn là số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú các chứng bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính hay hen suyễn tăng lên đáng kể, mà nguyên nhân chính là do khói mù ô nhiễm.
Ông Thi Tiểu Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật Trung Quốc cũng từng nhận định, có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi. Nếu như nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí với ung thư phổi, thì nó chủ yếu là mãn tính, phản ứng qua thời gian dài mới biểu hiện ra.
Một bộ phim tài liệu có tiêu đề “Dưới mái vòm” của Sài Tĩnh phát trên đài CCTV năm 2015 đã phơi bày những nguy cơ sức khỏe mà tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đưa đến.
Phim tài liệu này chỉ ra rằng, trong vòng 10 năm liên tục, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở Trung Quốc đã tăng hơn 300%, Sài Tĩnh tin rằng đây chính là hệ quả của vấn nạn khói mù ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Phim tài liệu còn trích dẫn kết quả tính toán của Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Trúc, số người tử vong vì ô nhiễm không khí mỗi năm lên đến 500.000 người, trong vòng 30 năm qua tỷ lệ ung thư phổi cũng tăng lên đến 465%.
Trên thực tế, giới chuyên gia đều nhất trí cho rằng ô nhiễm không khí có thể dẫn đến bệnh ung thư. Tạp chí Y khoa The Lancet từng xuất bản một báo cáo đặc biệt về vấn đề này, trong đó cũng khẳng định ô nhiễm không khí chính là một sát thủ gây bệnh ung thư cho con người.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, cứ một mét khối không khí bị nạp thêm 5 microgam hạt bụi nhỏ, thì nguy cơ ung thư phổi tăng thêm 18%. Vậy mà ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng, điều này đã đẩy người Trung Quốc vào nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn bao giờ hết.
Ngoại giới cũng lo lắng việc chính quyền Trung Quốc vì mục đích phát triển kinh tế và công nghiệp sẽ lờ đi vấn đề sức khỏe của người dân, và không khỏi ái ngại rằng, khi có được kinh tế và công nghiệp hùng mạnh rồi, sẽ có bao nhiêu thời gian để hưởng thụ nữa đây?
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa khói mù ô nhiễm Ô nhiễm môi trường Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc ô nhiễm không khí Ung thư phổi