Tang lễ ông Giang, ông Tập đọc điếu văn nhắc lại Sự kiện Lục Tứ
- Miêu Vi
- •
Chủ tịch Tập Cận Bình, người đọc điếu văn tại tang lễ Giang Trạch Dân, đã không tỏ vẻ đau buồn như thông lệ của Đảng. Ngoài ra, ông Tập còn nhắc đến vụ thảm sát 4/6/1989 ở Thiên An Môn. Giới phân tích cho rằng đây là để đe dọa “Phong trào Giấy trắng”.
Tang lễ ông Giang, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, được cử hành vào ngày 6/12 tại Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình đã đọc điếu văn. Nhưng người ta không thấy vẻ đau buồn cần có ở ông. Đó là một điểm khác thường. Ngoài ra, bài điếu văn nhắc đến một sự kiện mà ĐCSTQ hầu như không bao giờ đề cập, thậm chí còn luôn nỗ lực che giấu, đó là sự kiện thảm sát phong trào dân chủ ngày 4/6/1989 ở Thiên An Môn, mà ông Giang đóng vai trò trong đó. Đây lại là một điểm khác thường nữa. Có phân tích cho rằng ông Tập làm như vậy là muốn đe dọa “Phong trào Giấy trắng” hiện nay.
Ông Tập không khóc thương tiếc ông Giang
Những người cộng sản rất nổi tiếng về truyền thống này. Ví dụ như khi chết đi, thì họ sẽ không nói là “tôi chết”, mà sẽ nói là “tôi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin”.
Năm xưa, khi Đảng đưa tang ông Đặng Tiểu Bình hôm 24/2/1997, ông Giang lúc đó, ở cương vị giống như ông Tập bây giờ, đã phải tốn không ít nước mắt. Mặc dù giới quan sát quốc tế bảo đó là ông giả vờ thôi, nhưng mặc kệ đó là thật hay giả, đúng là ông Giang đã khóc. Đây là truyền thống của Đảng.
Tuy nhiên công sức ông Giang bỏ ra đã không được đền đáp xứng đáng, vì lần này đến lượt đám ma của ông, ông Tập không khóc tiếc thương cho ông, dù chỉ là giả vờ.
Theo truyền thống có từ các thế hệ đầu tiên của những người cộng sản, họ là đồng chí cùng chung chí hướng, cùng nhau hô to rằng họ đã đổ máu chiến đấu vì nhân dân, rằng họ là đầy tớ của nhân dân, cho nên, khi lãnh tụ cấp cao mà chết thì các phương tiện truyền thông nhất định phải có hình ảnh dân chúng khóc lóc thảm thiết vì thương tiếc. Có những lãnh tụ còn được đưa xác đi ướp lạnh rồi cho vào lăng tẩm để các thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng và tưởng nhớ.
Video: Đưa ma Kim Jong-Il (Triều Tiên)
Video: Mao chết và cảnh dân chúng khóc lóc thương tiếc
Video: Ông Giang lau nước mắt trong đám tang Đặng Tiểu Bình
Một khi đã có cảnh dân chúng khóc lóc thương tiếc đến thế trên các phương tiện truyền thông, thì hiển nhiên những đồng chí còn sống càng phải làm gương. Năm đó ông Giang đọc điếu văn hơn 1 giờ đồng hồ, “khóc lóc thảm thiết” và lau nước mắt đến 5 lần. Thế mà lần này không thấy ông Tập nhỏ giọt nước mắt nào trong suốt 50 phút đọc điếu văn tiễn đưa ông Giang.
Những người cộng sản còn có một tập tục khác. Khi các lãnh tụ cấp cao gặp nhau, họ còn ôm hôn thắm thiết, biểu hiện tình cảm vừa là đồng chí vừa là anh em.
Không hiểu lý do gì mà tập tục này đã vài chục năm không được các thế hệ cộng sản bây giờ kế thừa nữa, không rõ có phải vì đã có thay đổi gì đó trong tình cảm nội bộ giữa họ hay không?
Ông Tập không khóc thương ông Giang. Thế là sao? Phải chăng lại một tập tục truyền thống của Đảng sắp sửa bị mai một vì lý do nào đó? Không rõ sau này đến ngày đi gặp cụ Giang, ông Tập sẽ ăn nói sao bấy giờ?
Ông Tập đe dọa “Phong trào Giấy trắng”
Cái chết của ông Giang, thật trùng hợp, được công bố vào đúng thời điểm “Phong trào Giấy trắng”, khi mà người dân khắp nơi đang phản đối chính sách zero-COVID. Một số người thậm chí còn hô vang các khẩu hiệu như “Không cần độc tài, mà cần dân chủ”, “Đảng Cộng sản hạ đài”, và “Tập Cận Bình hạ đài”, như thể sự kiện ngày 4/6/1989 đang tái hiện.
Hiện nay chưa có báo cáo về chính quyền ĐCSTQ triển khai đàn áp quy mô lớn, nhưng đã có báo cáo một số người dân và sinh viên tham gia Phong trào Giấy trắng đã bị bắt giữ. Đồng thời, một số du học sinh và Hoa Kiều đã không im lặng nữa, mà đã đứng lên ủng hộ Phong trào Giấy trắng trong nước.
Cái chết của ông Giang vào đúng “thời điểm nhạy cảm” đối với ĐCSTQ, và các cơ cấu kiểm duyệt đã nhanh chóng hành động để hạn chế bình luận về tin tức, đặc biệt là sau nhiều ngày hỗn loạn chính trị.
10:00 sáng ngày 6/12, lễ tang ông Giang được tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh, và ông Tập đã đọc điếu văn. Khi kể lại cuộc đời ông Giang, ông Tập nói rằng trận huyết tẩy quảng trường Thiên An Môn năm 1989 là để đối phó một “rối loạn chính trị nghiêm trọng.” Ông Tập kể rằng ông Giang khi đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, “đã kiên quyết ủng hộ và thực hiện quyết định đúng đắn của chính quyền trung ương là chống rối loạn với lập trường rõ ràng, bảo vệ quyền lực nhà nước và bảo vệ an toàn lợi ích cơ bản của người dân,” và ca ngợi ông Giang vì đã duy trì hiệu quả sự ổn định của Thượng Hải.
Hiển nhiên đây là cách làm rất khiến người ta chú ý, vì xưa nay ĐCSTQ luôn tìm mọi cách che dấu “Sự kiện Lục Tứ” 4/6 này.
Mùa Xuân năm 1989, cái chết của ông Hồ Diệu Bang, cựu Tổng bí thư ĐCSTQ, đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn Trung Quốc đòi cải cách chính trị. Phong trào đòi dân chủ của giới trí thức đã dẫn đến thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn 4/6/1989.
Từ đó đến nay, các phương tiện truyền thông hay sách và tài liệu ở Trung Quốc đều bị kiểm duyệt gắt gao sao cho không bao giờ xuất hiện thông tin về sự kiện này. Phần đông người Trung Quốc lớn lên ở Hoa Lục sau này đều không hề biết đến sự tồn tại của “Sự kiện Lục Tứ”.
Ông Tang Phổ, chủ tịch Hiệp hội Đài Loan-Hồng Kông, nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ông Tập làm như vậy là để đe dọa Phong trào Giấy trắng, rằng ĐCSTQ luôn luôn có biện pháp cứng rắn đối với những ai phản đối Đảng.
Ông nói: “Tôi nghĩ vụ việc này là một lời cảnh báo đối với công dân Trung Quốc, và tôi cũng cho rằng dưới áp lực lớn như vậy, thì rất khó phục hồi được phong trào.”
Từ khóa Giang Trạch Dân biểu tình ở Trung Quốc Dòng sự kiện Phong trào Giấy trắng Giang Trạch Dân qua đời Tang lễ Giang Trạch Dân