Tập Cận Bình muốn thế hệ trẻ trở về lý tưởng ban đầu của ĐCSTQ
- Hà Thanh Liên
- •
Hiểu được biến động chính trị của hai nước Trung Quốc và Mỹ là chìa khóa để đoán định được xu hướng của thế giới. Người Trung Quốc khó hiểu được những thay đổi đang diễn ra ở Mỹ ngày nay, nhưng họ hiểu được vào lúc này Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm gì và muốn làm gì, biết được đường hướng chính trị mà Tập Cận Bình đang hướng đến là lý tưởng ban đầu: tinh thần chủ nghĩa xã hội và anh hùng cách mạng.
Trở lại lý tưởng ban đầu chính là trở lại thời Mao Trạch Đông
Người Trung Quốc hiện đại đã trải qua 2 thời đại dưới sự thống trị của ĐCSTQ: thời đại Mao Trạch Đông và thời kỳ Đặng Tiểu Bình. Còn 10 năm dưới chính quyền Tập Cận Bình là thời gian kết thúc giai đoạn cởi mở của thời Đặng để quay lại xu thế bế quan tỏa cảng của thời Mao: tăng cường kiểm soát một phần đời sống xã hội Trung Quốc mà tập trung chính vào kiểm soát đời sống giải trí của người Trung Quốc.
Loại kiểm soát này đã bắt đầu từ lâu. Ngày 29/8 vừa qua, tờ Nhật báo Nhân dân của ĐCSTQ đã đăng tải lại bài “Mọi người đều có thể cảm nhận, một sự cải cách sâu sắc đang được tiến hành!”, bài này không phải xã luận của tờ báo mà chỉ là của tác giả ngoài luồng có tên Lý Quang Mãn (Li Guangman) đã tổng kết xâu chuỗi các biểu hiện dưới thời chính quyền Tập Cận Bình, bài viết tình cờ ‘gãi ngứa’ cho ông chủ Trung Nam Hải nên đã được Nhân dân Nhật báo online đăng lại. Có ba điểm đáng chú ý trong bài này đã phác thảo toàn diện về một loạt điều chỉnh hành động chính trị của chính quyền trung ương, tóm gọn khái quát là “ba trở lại”:
Thứ nhất là Trung Quốc đang diễn ra những thay đổi lớn từ kinh tế, tài chính, văn hóa đến chính trị…, hướng theo xu thế từ lấy tư bản làm trung tâm sang lấy nhân dân làm trung tâm, trở lại lý tưởng ban đầu của ĐCSTQ theo chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai là cải cách chiến lược quyền lực công-tư của Trung Quốc, thay đổi nền kinh tế quốc gia thông qua ngăn chặn xu thế tư bản lũng loạn thao túng thị trường, hướng dòng vốn chuyển vào những lĩnh vực tốt đẹp như các doanh nghiệp công nghệ cao và sản xuất, vì mục tiêu “thịnh vượng chung” để gia tăng thu nhập cho đông đảo người lao động phổ thông trong xã hội.
Thứ ba là hiểu đúng quan niệm mới của ĐCSTQ về kẻ thù: Mỹ đang thúc đẩy hoạt động răn đe toàn diện mọi lịnh vực chống lại Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, thực hiện cuộc “cách mạng màu” từ bên trong Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ vẫn dựa vào những nhà tư bản lớn như lực lượng chính để chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền là họa theo “chiến lược núm vú” (tittytainment) của Mỹ, khiến thế hệ trẻ không còn khí phách nam tính mạnh mẽ, như vậy sẽ khiến Trung Quốc tự suy sụp mà kẻ thù không cần phải tấn công.
Tập Cận Bình muốn đào tạo thế hệ kế cận mới
Mao Trạch Đông đề cao văn hóa đào tạo “thế hệ kế cận” có tác dụng dạy thanh niên “quan tâm đến việc lớn của quốc gia, quán triệt tinh thần cách mạng văn hóa vô sản”. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, lý tưởng của nhiều Hồng vệ binh là cắm cờ đỏ khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Úc, dù lý tưởng cao vời này không thành hiện thực nhưng những người cuối cùng đến Myanmar để gia nhập Đảng Cộng sản Myanmar có thể được coi là đã thực hiện được phiên bản thấp của lý tưởng cách mạng này. Cải cách thời Đặng Tiểu Bình lấy phân quyền và lợi nhuận làm tư tưởng hàng đầu, dần dần nới lỏng kiểm soát xã hội, mở cửa toàn bộ xã hội Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên thanh niên Trung Quốc được tiếp cận không hạn chế với tư tưởng phương Tây trong thời kỳ cai trị của ĐCSTQ, từ đó đã đào tạo một thế hệ thanh niên Trung Quốc có tham vọng cải cách. ĐCSTQ cảm thấy đây là kinh nghiệm đau đớn, sau biến cố Thiên An Môn ngày 4/6/1989 ông Giang Trạch Dân đã tổng kết kinh nghiệm kết luận rằng thanh niên thuộc thế hệ này đã quá quan tâm đến chính trị, nên cần hướng họ vào con đường vui chơi giải trí để làm phai nhạt quan tâm chính trị của họ, thúc đẩy khuynh hướng phi chính trị hóa trong xã hội; từ đó thả cho tất cả các loại hình giải trí không vi phạm các điều cấm chính trị. Hệ quả đến khi qua thời lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã hình thành một thế hệ thanh niên Trung Quốc chỉ ham vui chơi giải trí.
Thế hệ sinh sau 1980 và 1990 của Trung Quốc lớn lên khi nước Trung Quốc đang ở thời kỳ giàu có, không gian ảo của Internet gần như là không gian sống chính của họ ngoài trường học và cuộc sống gia đình. Theo “Báo cáo ngành công nghiệp trò chơi điện tự Trung Quốc năm 2020” cho thấy số lượng người chơi trò chơi trực tuyến ở Trung Quốc đạt 665 triệu người vào năm 2020. “Nghiện Internet” đã trở thành một căn bệnh ung thư xã hội chỉ sau “nghiện ma túy”, hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây suy giảm nhận thức. Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc đau đầu vì con cái nghiện Internet.
Trong khi thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trưởng thành trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa, phải chịu muôn vàn khó khăn mà ít khi được hưởng thụ, do đó ông Tập rất không hài lòng với thứ văn hóa “nằm ngửa” của giới trẻ Trung Quốc ngày nay, cho rằng việc mê muội với trò chơi điện tử trực tuyến sẽ làm ý chí suy bại. Cơ quan quản lý báo chí và xuất bản của ĐCSTQ đã ban hành “Thông báo về việc quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế trẻ vị thành niên say mê trò chơi trực tuyến”, qua đó yêu cầu hạn chế nghiêm ngặt thời gian cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cho trẻ vị thành niên, các dịch vụ cung cấp liên quan chỉ được mở vào ba ngày cuối tuần với thời lượng trong một tiếng từ 20 – 21 giờ.
Có thể thấy Tập Cận Bình chú trọng hướng đến bồi dưỡng “sức khỏe của thế hệ kế cận” nên đã thúc đẩy chính sách hạn chế cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến để buộc thanh thiếu niên cai nghiện Internet, kết hợp với các chính sách khác liên quan đến giáo dục.
Vậy thì còn mục đích trong động thái trấn áp giới giải trí là gì?
Ngành công nghiệp giải trí gây ảnh hưởng đến nếp sống tinh thần
Ngoài lĩnh vực giáo dục và truyền thông, các ngành ảnh hưởng đến tư duy mọi người còn bao gồm ngành giải trí như phim ảnh và và mạng Internet. Internet là nơi cung cấp dịch vụ cho phép truyền bá gì cũng như kiểm soát những gì, và ngay từ đầu giới chức Trung Quốc đã cân nhắc các vấn đề của nó, nghĩ cách kiểm soát lĩnh vực này. Vì vậy mà trong gần một thập kỷ qua, ‘Tổ chức Phóng viên không biên giới’ đã gọi ĐCSTQ là “kẻ thù của Internet”. Trong khi về cơ bản ngay từ đầu các nước phương Tây đã bỏ mặc cho các ông lớn công nghệ kiểm soát Internet. Tuy nhiên từ năm 2020, họ đã biết tầm quan trọng của việc hạn chế các ông lớn công nghệ kiểm soát Internet, nên đang thắt chặt xây dựng hành lang pháp lý để giải quyết.
Tại sao ĐCSTQ muốn kiểm soát ngành giải trí? Những ai nghiên cứu lịch sử và văn hóa Trung Quốc đều biết rằng hý kịch dân gian Trung Quốc luôn là một kênh quan trọng để giáo hóa người dân. Nhà sử học Phó Tư Niên (Fu Sinian) từng chỉ ra rằng xã hội lễ nghi Nho giáo truyền thống của Trung Quốc chủ trương “lễ không đến thứ dân”; xu hướng chủ lưu của văn hóa Nho giáo không quan tâm đến tư duy, tâm hồn và văn hóa của tầng lớp dân thường trong xã hội, vì vậy mà khi Phật giáo và Đạo giáo đi vào đã gây ảnh hưởng sâu và kéo theo tình trạng vô chính phủ của lớp người tầng đáy xã hội trở thành “yếu tố gây bất an nhất của văn hóa Nho giáo”. Sau triều đại nhà Tống thì nghi thức lễ nghĩa Nho giáo mới dần dần thâm nhập vào dân gian và theo đó dần hình thành môi trường văn hóa [Nho giáo] bình dân rất khác với Nho giáo chính thống, đã xuất hiện tinh thần sống lang bạt mà tiêu biểu như “Thủy hử truyện”. Học giả Tiền Đại Hân (Qian Daxin) thời nhà Thanh từng nói, kể từ thời nhà Minh thì bên cạnh “Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo” còn có “tiểu thuyết giáo” với đặc điểm đi sâu vào dân gian, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn kinh điển Nho giáo. Ví dụ, mọi người dân bị ảnh hưởng bởi “Tam quốc diễn nghĩa” vượt xa chính sử “Tam Quốc chí”. Bất cứ ai đã đọc tiểu thuyết võ hiệp “Lộc đỉnh ký” của Kim Dung đều biết nhân vật Vi Tiểu Bảo, theo đó quan điểm thiện và ác của anh ta chủ yếu ảnh hưởng từ thuyết thư (nghệ thuật kể chuyện truyền thống) và hý kịch.
Hiểu được điều này mới biết tại sao Tập Cận Bình lại muốn thanh trừng giới giải trí. Mặc dù có kiểm duyệt của Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, nhưng do các tiêu chuẩn kiểm soát khác nhau trong các thời kỳ khác nhau nên các tác phẩm điện ảnh và truyền hình đang phải đối mặt với các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt, luôn tiềm ẩn khả năng bị bắt lỗi. Từ thanh lý tác phẩm cho đến diễn viên thực sự là “bản sắc của Trung Quốc”.
Dĩ nhiên ông Tập biết người dân cần giải trí và thư giãn, nhưng cách mà ông Tập muốn là truyền “năng lượng tích cực” cho người dân. Trong hai năm qua đã làm nhiều bộ phim giáo dục lịch sử ĐCSTQ, chẳng hạn như “Thời đại thức tỉnh”, “1921”, “Con thuyền đỏ”…. mang phong cách của ca kịch cách mạng thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
Tất nhiên giới ‘think tank’ của ĐCSTQ cũng hiểu rõ tình hình hiện nay của giới trẻ phương Tây, họ đã công bố một số báo cáo nghiên cứu dựa trên phân tích báo cáo khảo sát của các nước phương Tây. Trên cơ sở này mà ông Tập muốn thúc đẩy đào tạo “những người kế thừa lành mạnh” để xây dựng “lớp người mới của chủ nghĩa xã hội”. Ngày 1/9 ông Tập đã có bài phát biểu tại lễ khai giảng lớp đào tạo cán bộ trẻ và trung niên tại Trường Đảng của Trung ương ĐCSTQ, tuyên bố rằng “Trong thế kỷ qua thế giới đã có thay đổi chưa từng thấy, … những rủi ro và thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt ngày càng lớn, do đó chỉ nghĩ muốn sống một cuộc sống hòa bình không có đấu tranh là không thực tế”. Theo tầm nhìn của ông Tập thì cần đào tạo cho Trung Quốc một thế hệ kế cận khỏe mạnh, giàu lý tưởng anh hùng cách mạng, không thể nghiện mạng internet, nghiện ma túy và nhiều thói hư tật xấu khác, như vậy mới giúp Trung Quốc chế ngự được những đối thủ trong cuộc đua tranh quốc tế. Nhưng con người muốn thụ hưởng cuộc sống, vì vậy muốn thế hệ trẻ đã quen sống thụ hưởng phải kiềm chế lại quá khắc kỷ là việc không hề đơn giản. Bài học “phê phán và đấu tố” thời Mao Trạch Đông vẫn còn đó, hãy chờ xem liệu Tập Cận Bình có thể bồi dưỡng được “thế hệ kế nhiệm khỏe mạnh” hay không?!
Hà Thanh Liên
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Đài Á châu Tự do)
Xem thêm:
Từ khóa Cách mạng Văn hóa Dòng sự kiện Hà Thanh Liên Ngành giải trí Tập Cận Bình