Thị trường Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông bốc hơi 6300 tỷ USD trong hơn 2 năm
- Trình Tĩnh
- •
Chứng khoán Trung Quốc vừa kết thúc một tuần ảm đạm nữa. Kể từ đầu năm nay, các công ty Trung Quốc Đại Lục niêm yết tại Hồng Kông đã xếp cuối bảng xếp hạng chỉ số chứng khoán toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đợt bán tháo hàng quý kỷ lục. Giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã bốc hơi 6300 tỷ USD trong hơn 2 năm. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục rút tiền.
Giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông bốc hơi 6300 tỷ USD
Chỉ số Hang Seng China Enterprises của Hồng Kông đã giảm hơn 6% trong tuần này và đang trên đà ghi nhận tháng 1 tồi tệ nhất trong 8 năm. Chỉ số này giảm 11% trong năm nay. Bloomberg cho biết sau chuỗi 4 năm liên tiếp sụt giảm, đợt lao dốc này đang thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu từ các quỹ được quản lý tích cực sang quỹ thụ động, và các nhà đầu tư đang rút lui khỏi thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới.
Tại Trung Quốc Đại Lục trong 10 tuần qua, chỉ số CSI 300 đã có 9 tuần giảm. Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc đang tàn phá ngành quản lý tài sản của nước này, đẩy số lượng quỹ tương hỗ đóng cửa lên mức cao nhất trong 5 năm.
Theo báo cáo, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã mất tổng cộng khoảng 6300 tỷ USD giá trị thị trường kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2021. Điều này làm nổi bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc kiềm chế niềm tin đang suy giảm của nhà đầu tư.
Một số yếu tố đang đè nặng lên thị trường: Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn là điểm khó khăn, áp lực giảm phát ngày càng gia tăng, tranh chấp kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa được giải quyết và cuộc bầu cử Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Vốn ngoại tiếp tục đà bán kỷ lục
Vào thứ Sáu (ngày 19/1), Bộ Thương mại Trung Quốc báo cáo rằng lượng vốn nước ngoài thực tế được sử dụng trên toàn quốc vào năm 2023 là 1.133,91 tỷ nhân dân tệ, giảm 8% tính theo cả năm. Đầu tư nước ngoài mới giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm.
Bloomberg cho biết, suy thoái kinh tế, thị trường tài chính sa sút, khả năng phục hồi yếu ớt sau dịch bệnh, hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào các công ty có vốn nước ngoài và việc bắt giữ một giám đốc điều hành Nhật Bản, tất cả đã kết hợp đã kiềm chế các công ty sẵn sàng đầu tư thêm vốn vào Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán tháo hàng quý kỷ lục trong năm nay. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy vốn nước ngoài đã rút 2,7 tỷ nhân dân tệ trong quý 2 năm 2023, và lần lượt đạt 80,1 tỷ và 59,5 tỷ trong quý 3 và 4, đồng thời đạt 31,4 tỷ nhân dân tệ trong vòng chưa đầy 20 ngày trong năm nay.
Các công ty Nhật Bản nằm trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn rút khỏi Trung Quốc. Một cuộc khảo sát với 1.700 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc cho thấy hầu hết các công ty Nhật Bản đều giảm đầu tư hoặc duy trì đầu tư vào năm ngoái. Hầu hết các công ty này đều không lạc quan về triển vọng năm 2024.
Một số công ty viện dẫn đầu tư quá mức và lo ngại rằng nhu cầu sẽ không phục hồi, trong khi những công ty khác cho biết họ lo lắng về việc tách rời, luật phản gián của Trung Quốc và các quy định xuất khẩu dữ liệu. Hầu hết các công ty Nhật Bản đều tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không cải thiện vào năm 2024.
Theo khảo sát mới nhất của Bank of America, các nhà quản lý quỹ châu Á đã cắt giảm phân bổ tài sản ở Trung Quốc 12 điểm phần trăm, mức giảm ròng 20%. Đây là mức thấp nhất trong hơn một năm.
Phân tích của Morgan Stanley cho thấy các nhà quản lý quỹ theo dõi các chỉ số chuẩn đã bán ròng số cổ phiếu giao dịch ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông trị giá 300 triệu USD trong tháng này. Đây là sự đảo ngược so với nửa cuối năm 2023, khi đó họ vẫn là người mua ròng 700 triệu USD ngay cả khi các chỉ số giảm.
Chính quyền hát tin vui về kinh tế Trung Quốc? Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đang gặp rắc rối nghiêm trọng
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn ca ngợi nền kinh tế của nước mình. Ông Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ ĐCSTQ gần đây đã đề xuất lý thuyết “hát hướng đến sự tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc”. Ông Lý Cường, Thủ tướng ĐCSTQ, cũng phát động “cuộc tấn công quyến rũ” tại Diễn đàn Davos mới đây, hứa hẹn sẽ mở cửa với thế giới bên ngoài, đồng thời cho rằng “kinh tế Trung Quốc sẽ được cải thiện về lâu dài”, ông cũng công bố trước một cách hiếm hoi rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm ngoái là 5,2%.
Nhưng “rất nhiều nhà kinh tế nghi ngờ về con số này”, ông Gary Clyde Hufbauer, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với VOA:“Chúng tôi không có dữ liệu tốt để đưa ra đánh giá bên ngoài. Điều chúng tôi biết là thị trường chứng khoán Trung Quốc đang hoạt động rất tệ… và tất nhiên còn có vấn đề với thị trường bất động sản.”
Họ thường tin rằng con số này đã được phóng đại. Báo cáo đánh giá và triển vọng về kinh tế Trung Quốc do Rhodium Group, công ty nghiên cứu kinh tế Mỹ công bố, cho biết ngành bất động sản vẫn đang thu hẹp, chi tiêu tiêu dùng hạn chế, thặng dư thương mại giảm sút và tài chính của chính quyền địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Những điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc năm 2023 là khoảng 1,5%.
Năm ngoái, nhiều vấn đề tích tụ trong thời gian dài của nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ, gây ra những khó khăn nghiêm trọng chưa từng có trong hơn 40 năm. Khủng hoảng nợ địa phương, bong bóng bất động sản vỡ, dân số già đi, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục trì trệ, doanh nghiệp quy mô lớn đóng cửa và giảm phát nhanh chóng.
“Mô hình kinh tế của Trung Quốc rõ ràng đã trở nên không bền vững theo thời gian,” ông Paul Kluman, người đoạt giải Nobel, viết trên tờ New York Times. Ông nói rằng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất thấp trong GDP. Chính phủ đã che giấu vấn đề chi tiêu tiêu dùng không đủ trong nhiều năm bằng cách thúc đẩy bong bóng bất động sản khổng lồ. Nhưng bong bóng cuối cùng sẽ vỡ. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Từ khóa chứng khoán Trung Quốc Dòng sự kiện Chứng khoán Hồng Kông kinh tế Trung quốc