Hôm 22/8, tờ Le Monde (Pháp) đã đăng bài về chuyến thăm của phóng viên đặc biệt Simon Leplâtre tới thị trấn sản xuất đàn piano nổi tiếng Lạc Xá (Luoshe), tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, và nói rằng sự sụp đổ của thị trường đàn piano Trung Quốc phản ánh hoàn cảnh khó khăn của tầng lớp trung lưu. Nói cách khác, “Chúng tôi thà thận trọng từng chút một” là tiếng nói chung của các gia đình trung lưu Trung Quốc hiện nay.

cua hang Piano Trung Quoc
Cửa hàng piano ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Báo cáo này của Le Monde viết rằng vào năm 2024, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, doanh số bán đàn piano ở Trung Quốc giảm mạnh. Tại thị trấn Lạc Xá (huyện Đức Thanh, Tp. Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang), một thị trấn âm nhạc nổi tiếng ở Trung Quốc, các nhà sản xuất đã cảm nhận đầy đủ tác động này.

Tại xưởng sản xuất đàn piano quy mô nhỏ có tên Girod, nằm ở Lạc Xá, một quận nông thôn ở Tp. Hồ Châu, phía tây Thượng Hải 200km,  ông chủ Diêu (Yao) và vợ đã quyết định ngừng sản xuất vào mùa hè này. Kể từ đầu năm 2024, số lượng đơn đặt hàng đã giảm mạnh và lượng hàng tồn kho tăng vọt. Vợ chồng ông thà bán một số phím đàn hoặc các phụ kiện khác đang cất trong kho để chờ ngày tháng tốt hơn. Năm ngoái vốn đã khó khăn, nhưng năm nay doanh số bán hàng thực sự rất tệ, tình hình còn khó khăn hơn. “Hàng xóm của chúng tôi đã phá sản, giống như nhiều người khác ở Lạc Xá”, họ ước tính rằng hàng chục nhà sản xuất đã phá sản.

Đàn piano từ lâu đã trở thành biểu tượng cho địa vị xã hội của các gia đình trung lưu, thậm chí còn đưa Trung Quốc trở thành thị trường đàn piano hàng đầu thế giới. Ngày nay, đàn piano đang trở thành vật hy sinh của sự u ám kinh tế chung. Trên thực tế, kể từ khi dỡ bỏ phong tỏa dịch bệnh vào đầu năm 2023, mức tiêu dùng chưa bao giờ thực sự khởi sắc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhà ở. Các hộ gia đình mất niềm tin vào tương lai và tránh mua những mặt hàng không thiết yếu. Những thay đổi khác đặc biệt ảnh hưởng đến đàn piano như kể từ cuộc cải cách giáo dục năm 2021, các nhạc sĩ trẻ tài năng không còn nhận được điểm cộng khi vào đại học.

Báo cáo tiếp tục cho biết, vào đầu năm nay, tình hình của Hailun Piano và Pearl River Piano, hai nhà sản xuất lớn ở Trung Quốc, đã cho công chúng thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Trong quý đầu tiên, hai tập đoàn niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến chứng kiến ​​doanh thu giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và báo lỗ. Đặng Thục Như (Deng Shurou, 27 tuổi) dạy piano ở Thượng Hải, cho biết: “‘Chúng tôi thấy tình hình thật tồi tệ’, nhưng cô gái trẻ đã rời trường công cách đây một năm để dạy riêng và bắt đầu công việc kinh doanh của mình cho biết cô không hề hối hận. Trên thực tế, hệ thống Trường Âm nhạc Luolan từng thuê cô dạy đàn, đã phá sản vào cuối tháng 7.”

Kể từ đó, cô đã nỗ lực tìm kiếm học sinh. Tỷ lệ học sinh giảm, kinh tế suy thoái, cải cách trường học, cô liệt kê nhiều nhân tố bất lợi, nhưng đặc biệt quan tâm đến việc làm nổi bật sự thay đổi xã hội. “Kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, ngày càng nhiều gia đình bắt đầu đi nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần, đồng nghĩa với việc thời gian lên lớp cũng giảm, nhiều trẻ cũng bỏ học vì không thích. So với thời đại chúng tôi trước đây, hiện nay các phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến cảm giác của con nhỏ”, cô giáo dạy học trong căn hộ nhỏ của mình ở trung tâm Thượng Hải, nơi cô có một cây đàn piano thương hiệu Nhật Bản, cho biết. Để kiếm sống, cô còn thử sức với các hoạt động khác như bán đồ trang sức ở một quầy hàng bên ngoài trung tâm mua sắm, nhưng đều không thành công lắm.

Những khóa học nổi tiếng đắt đỏ ở các thành phố lớn

Báo cáo tiếp tục trích dẫn ví dụ của Vi Vi (Weiwei, 40 tuổi, cô chỉ cho biết tên) là một trong những phụ huynh không có hứng thú với đàn piano. Cô đã do dự rất lâu trước khi từ bỏ việc cho cô con gái 10 tuổi học piano. Cô giải thích: “‘Sau khi chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc, thì việc không cho con học tiếp nữa không phải là một lựa chọn dễ dàng.’ Ngồi cạnh cô trên sân hiên của một hiệu sách là cô con gái thân hình mảnh khảnh, lâu nay vẫn không mấy hứng thú với nhạc cụ. Vi Vi nói, ‘Với cuộc cải cách giáo dục năm 2021, đàn piano không còn vai trò gì trong trường học và con bé ngày càng có nhiều bài tập về nhà hơn’”. Cô còn nói, một giờ học piano mỗi ngày là quá nhiều, bây giờ cháu có thời gian để tập thể dục và đọc sách.

Tiền cũng là một yếu tố, học phí 500 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu đồng) cho 45 phút là rất đắt đỏ ở các thành phố lớn, hơn nữa không có hệ thống công lập có giá cả phải chăng như Nhạc viện Pháp. Vi Vi nói: “Thu nhập của chồng tôi khá tốt, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi muốn thận trọng hơn.” Cây đàn piano của con gái cô là cây đàn piano Pearl River được mua cách đây 5 năm với giá 20.000 nhân dân tệ (khoảng 72 triệu đồng), và được bán vào đầu năm 2024 với giá 5.000 nhân dân tệ (khoảng 18 triệu đồng).

Báo cáo chỉ ra rằng tại Lạc Xá, một thị trấn nông thôn nơi các khu công nghiệp cùng tồn tại với những cánh đồng lúa, các nhà sản xuất đàn piano kiểu thẳng đứng (upright piano), rẻ hơn đàn piano 3 chân (grand piano), đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “3 năm trước, những cây đàn piano của chúng tôi được bán với giá hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng). Ngày nay, nếu muốn bán những cây đàn piano này, chúng tôi phải bán với giá 7.000 hoặc 8.000 nhân dân tệ”, ông Diêu nói. 6 năm trước, ông tiếp quản công việc kinh doanh mà bố ông đã bắt đầu từ 30 năm trước. Bố ông là một trong những công nhân đầu tiên được các chuyên gia Đức đào tạo vào đầu những năm 1980 khi họ thành lập trung tâm sản xuất tại làng.

Trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Trung Quốc coi việc chơi piano là một hành động tư sản, và Trung Quốc trong thời kỳ cải cách đã cho phép một số người “làm giàu trước tiên”, theo lời của ông Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao Trạch Đông và là kiến ​​trúc sư của tự do hóa kinh tế. Trên khắp đất nước Trung Quốc, những người giàu mới nổi đã cho con cái họ đi học violin và piano.

Đa dạng hóa có lẽ là lối thoát

Trung Quốc công nghiệp hóa thông qua chuyên môn hóa. Năm 2014, Lạc Xá được mệnh danh là “Thành phố Piano của Trung Quốc”. Theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc, đến năm 2020, thị trấn này có 114 công ty, 4.000 nhân viên và sản lượng hàng năm là 50.000 cây đàn piano. Huapu Piano là một trong những câu chuyện thành công ở địa phương. Công ty này được thành lập vào năm 1984, tư nhân hóa vào năm 1997 và hiện tồn tại nhờ sản lượng và danh tiếng tốt.

Ở lối vào nhà máy, một công nhân trán đẫm mồ hôi đang lắp ráp các phím của một cây đàn piano kiểu thẳng đứng màu đen. Một trường âm nhạc đặt mua 60 cây đàn piano. Một người quản lý cho biết: “Nhưng doanh số bán hàng cho khách hàng tư nhân đã giảm mạnh. Công nhân của chúng tôi đã giảm từ 100 (năm 2023) xuống còn 30 người trong năm nay. Mặc dù vậy, 15 người trong số họ vẫn đang bận rộn sản xuất đồ nội thất. Không có đơn đặt hàng đàn piano, công ty đã đa dạng hóa kinh doanh.”

Các báo cáo chỉ ra rằng hy vọng duy nhất cho các nhà sản xuất nhạc cụ của Lạc Xá là xuất khẩu. Ông Mai A Vũ (Mei Awu), đã ngoài 60 tuổi, đầu hói, kiên nhẫn dán những miếng gỗ mỏng vào khung để tạo thành khung tròn của chiếc piano lớn 3 chân. Những cây đàn piano của ông, được bán với giá từ 20.000 – 30.000 nhân dân tệ, ít bị ảnh hưởng hơn so với các sản phẩm bình dân của hàng xóm, nhưng ông cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Ông than thở: “Kể từ đại dịch COVID-19, người dân Trung Quốc bình thường không thể kiếm tiền được nữa.” Nhà sản xuất đàn piano trước đây là nhà sản xuất tủ bếp, hiện bán được 30% sản phẩm của mình ra nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và Đông Nam Á, so với chỉ 10% của 2 năm trước.

Báo Le Monde cuối cùng cho rằng đàn piano từng khiến Lạc Xá nổi tiếng nhưng giờ đây nó đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế địa phương. Đến mức chính phủ quyết định trục xuất tất cả các nhà máy để cải tạo các khu công nghiệp và cung cấp chúng cho các doanh nghiệp năng động hơn. Điều này đòi hỏi mọi người phải tìm không gian mới. Ông Diêu thở dài: “Họ chưa bao giờ đề cập đến dự án này khi mọi việc còn tốt, nhưng hiện tại các nhà sản xuất đàn piano không mang lại nguồn thu thuế nào cho thành phố, nên họ muốn thay thế chúng tôi. Tuy nhiên, ông ấy chưa sẵn sàng bán máy móc của mình. Nếu doanh số bán hàng tăng trở lại, chúng tôi sẵn sàng khởi động lại sản xuất. Đây là doanh nghiệp của gia tộc, nên tôi không thể từ bỏ”.

Sản xuất và kinh doanh đàn piano từng phát triển thị trường thi lên cấp

Đàn piano đã đi một chặng đường dài ở thị trường Trung Quốc. Cơn sốt piano thực sự trên toàn Trung Quốc xảy ra vào khoảng năm 2008. Chính sách lúc bấy giờ là những học sinh có năng khiếu nghệ thuật, có trình độ piano từ cấp 9 trở lên được cộng 10 điểm (thang điểm 100) vào kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Đây chắc chắn là một sự cám dỗ rất lớn đối với học sinh và phụ huynh. Trong bối cảnh đó, thị trường đào tạo piano và thi lên cấp piano đã ra đời.

Thị trường đào tạo và thi lên cấp khổng lồ đã thúc đẩy Trung Quốc trở thành nước tiêu dùng, sản xuất và bán đàn piano lớn nhất thế giới.

Từ năm 2017 đến năm 2020, doanh số bán đàn piano hàng năm của Trung Quốc đạt trung bình 400.000 chiếc, cao hơn nhiều so với doanh số trung bình hàng năm là 30.000 chiếc ở Mỹ; trong cùng thời gian, số lượng người học piano ở Trung Quốc đạt xấp xỉ 40 triệu. Điều này có nghĩa là nếu tham gia kỳ thi lên cấp, thì các chi phí như phí đăng ký, phí tài liệu giảng dạy, phí đào tạo và nhạc cụ chỉ định mà mỗi người phải trả là những con số khổng lồ.

Tuy nhiên, bong bóng này ngay lập tức bị thực tế chọc thủng. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách tính thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh trung học đối với chuyên môn nghệ thuật, toàn bộ chuỗi ngành học piano dần sụp đổ.

Số lượng trẻ em chơi piano giảm đáng kể, thị trường đào tạo bị thu hẹp và thị trường piano sụp đổ

Ngay từ năm 2020, Hailun Piano đã tiết lộ nguyên nhân đàn piano bán không chạy là do nhiều nơi đã trì hoãn hoặc tạm dừng việc khai giảng, và các cơ sở đào tạo ngoại tuyến đóng cửa lớp học. Đào tạo nghệ thuật có liên quan mật thiết đến việc bán nhạc cụ, thị trường đào tạo ế ẩm, điều này ảnh hưởng gián tiếp đến doanh số bán đàn piano của các công ty.

Báo cáo giữa năm 2023 của Pearl River Piano chỉ ra rằng mức tiêu thụ của ngành đàn piano dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường tiêu dùng, thu nhập khả dụng của người dân và niềm tin của người tiêu dùng. Trong tương lai, tốc độ tăng trưởng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong ngành nhạc cụ sẽ chậm lại.

Hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất ảm đạm, nhưng các cơ sở đào tạo, cửa hàng âm nhạc lại càng càng khó khăn hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, vào đầu năm 2022, có 650.000 cơ sở đào tạo âm nhạc, và 25.000 cửa hàng âm nhạc ở Trung Quốc, đến cuối năm tổng cộng khoảng 30% đã bị đóng cửa.

Hiện tượng này cho thấy thị trường nhạc cụ Trung Quốc, đặc biệt là đàn piano, chưa bao giờ là thị trường nhạc cụ thuần túy mà là thị trường thi phân loại lên cấp. Khi tỷ lệ sinh thấp dẫn đến số lượng trẻ em chơi piano giảm, thị trường thi lên cấp đương nhiên bị ảnh hưởng.

Cùng với sự suy thoái kinh tế, mức tiêu thụ giảm sút và sự lưu thông của một số lượng lớn đàn piano điện và đàn piano cũ, toàn bộ thị trường đàn piano đã sụp đổ hoàn toàn.

Sau khi mở rộng bất thường trong nhiều năm qua, thị trường đàn piano Trung Quốc đã bước vào thời kỳ tồn kho. Không chỉ có những sản phẩm mới gia nhập thị trường hàng năm, mà một lượng lớn đàn piano cũ ở nước ngoài và đàn piano cũ trong nước Trung Quốc cũng cần tìm nguồn cung, cho nên sự sụp đổ cũng là chuyện đương nhiên.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: