Thông điệp từ cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Carrie Lam
- Chu Hiểu Huy
- •
Tối ngày 4/11 tại Hội chợ Triển lãm hàng nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 2 tổ chức ở Thượng Hải, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã gặp Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), nội dung chia sẻ của ông Tập trong cuộc gặp này cho thấy điều gì?
Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã báo cáo với ông Tập Cận Bình về tình hình gần đây tại Hồng Kông. Còn ông Tập sau khi nghe báo cáo đã bày tỏ đồng cảm đối với nhiệm vụ gian khổ của bà Lâm, cho biết Trung ương vẫn đặc biệt tín nhiệm bà Lâm, rất hài lòng về những gì mà bà Lâm cùng đội ngũ quản lý đã làm. Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Ngăn bạo loạn, khôi phục trật tự vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất ở Hồng Kông hiện nay”, “Phải làm tốt nhiệm vụ đối thoại với các giới cũng như cải thiện dân sinh.”
Trong câu chuyện này có một số vấn đề cần lưu ý.
Về phía bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cần xem xét tính khách quan toàn diện trong báo cáo của bà Lâm. Chẳng hạn như bà Lâm cố tình làm nổi bật vấn đề “bạo loạn” ở Hồng Kông, cố tình nhấn mạnh “nỗ lực” của Chính phủ Hồng Kông và “trừ bạo” của lực lượng cảnh sát, trong khi các yêu cầu của người dân thì làm ngơ hoặc trình bày qua loa. Nếu báo cáo của bà Lâm đúng như vậy, thì đã cho thấy cách làm lừa trên gạt dưới, không xứng với chức trách nhiệm vụ.
Còn về phía ông Tập Cận Bình cho thấy hai thông điệp.
Một là phản hồi về thông tin mà nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ sớm sa thải bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trước tháng Ba năm sau.
Ngày 24/10 khi Thời báo Tài chính của Anh tung tin này đã bị Bộ Ngoại giao ĐCSTQ phản hồi rằng đây là “tin nhảm”, nhưng cũng có nghị sĩ Hồng Kông thân Bắc Kinh tiết lộ rằng Bắc Kinh đã có ý định sang năm sẽ thay người mới, hiện đang cân nhắc các ứng viên. Có phân tích rằng ý tưởng này có thể là của một phe phái nào đó của Bắc Kinh, vì vậy cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng này. Vấn đề này có thể nhìn lại trường hợp cựu Trưởng Đặc khu Đổng Kiến Hoa từ nhiệm không lâu sau sóng gió liên quan đến Điều 23 Luật cơ bản.
>> Hồng Kông khai tử Luật Dẫn độ, ĐCSTQ có kế hoạch thay thế Trưởng Đặc khu
Hiện nay, qua nội dung trò chuyện, ông Tập Cận Bình bày tỏ quan điểm đặc biệt tín nhiệm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dường như vừa xác nhận thực tế tồn tại vấn đề quan điểm thay thế, nhưng tạm thời chưa được chấp nhận, Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ tiếp tục tại nhiệm. Tuy nhiên nếu đặt vấn đề trong bối cảnh những mâu thuẫn nội bộ ĐCSTQ liên quan đến xử lý tình hình Hồng Kông, vấn đề này cần hiểu rằng, phát ngôn của ông Tập là dưới tiền đề bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải theo chỉ đạo của ông Tập, phải trung thành với ông Tập, không được theo mệnh lệnh của thế lực nào khác trong ĐCSTQ.
Hãy nhìn lại những sự kiện từ hơn hai tháng trước. Vào ngày 30/8 nhiều cơ quan truyền thông quốc tế bất ngờ tiết lộ chuyện bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đề xuất với ông Hàn Chính (được cho là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phái Giang) vấn đề rút lại Dự luật dẫn độ, nhưng đề xuất bị từ chối. Ngày 2/9 nhiều hãng truyền thông tiết lộ bản thu âm trộm phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong buổi họp nội bộ, cho thấy bà hoàn toàn bị động trong công việc và ông Tập Cận Bình không cho quân đội vào cuộc bình ổn Hồng Kông.
Ngay sau đó, ngày 3/9, Văn phòng Hồng Kông và Macao của ĐCSTQ tuyên bố người Hồng Kông sẽ không bao giờ được quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu Trưởng Đặc khu và Hội đồng Lập pháp, thậm chí đe dọa quân đội ĐCSTQ hoàn toàn có thể vào cuộc trong trường hợp khẩn cấp, cho thấy quan điểm hoàn toàn bất đồng với đoạn ghi âm trộm phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Cùng ngày, bà Lâm đã tổ chức họp báo và thừa nhận tính xác thực của bản ghi âm.
Rõ ràng, khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa nhận tính xác thực của bản ghi âm, thực tế đã thừa nhận đã chọn làm theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, đây chính là lý do của phát biểu “đặc biệt tín nhiệm” đối với bà Lâm trong cuộc gặp lần này. Vì vào ngày 6/11 bà Lâm phải gặp ông Hàn Chính tại Bắc Kinh nên động thái của Tập Cận Bình cũng như nhắc nhở trước với bà Lâm.
Một thông điệp khác tiết lộ trong phát ngôn của ông Tập Cận Bình là yêu cầu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục “ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự” tại Hồng Kông.
Điều này cho thấy bản thân ông Tập Cận Bình vẫn nhìn các hoạt động phản kháng của người dân Hồng Kông là “bạo loạn”, cho thấy vẫn đánh giá không đúng về ý dân Hồng Kông. Điều này nhất quán với những phát ngôn của ông Tập trong chuyến thăm Nepal hồi giữa tháng Mười, nhắm vào vấn đề độc lập tại Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng: “Bất kỳ kẻ nào ý đồ chia tách bất kỳ vùng nào của Trung Quốc sẽ chịu hậu quả thịt nát xương tan; bất kỳ lực lượng bên ngoài nào ủng hộ chia tách Trung Quốc, chỉ có thể bị người dân Trung Quốc xem là loạn tâm nghĩ cuồng.”
Thời điểm đó, tác giả bài này đã viết bài chỉ ra rằng nhận thức của ông Tập Cận Bình về tình hình ở Hồng Kông hoàn toàn không đúng với thực tế. Hầu hết người dân Hồng Kông muốn duy trì vị thế đặc biệt của Hồng Kông theo cam kết bảo đảm “một quốc gia, hai chế độ” mà ĐCSTQ hứa hẹn, cái gọi là thế lực phương Tây thúc đẩy Hồng Kông độc lập hoàn toàn thiếu bằng chứng, còn thông tin CIA Mỹ phát tiền cho người biểu tình Hồng Kông mà truyền thông ĐCSTQ đưa tin cũng đã được chứng minh là tin giả.
Từ đó, tác giả kết luận, tuy trong phát ngôn hung hãn của ông Tập Cận Bình cho thấy ông ta cố thủ trong tư tưởng của ĐCSTQ, nhưng vấn đề quan trọng hơn là có thể bộ máy cố vấn như Phòng Tình báo và Văn phòng Chính sách Trung ương ĐCSTQ luôn cố tình nêu bật vấn đề “Hồng Kông độc lập”. Vì nhiều quan chức cấp cao xung quanh ông Tập Cận Bình, hoặc thuộc phe Giang, hoặc chỉ biết cố thủ giữ mình. Người phái Giang thì âm thầm quấy rối Hồng Kông và cung cấp thông tin tình báo sai lệch khiến ông Tập Cận Bình đánh giá sai tình hình. Còn kẻ giữ mình thì chọn cách im lặng, không dám nói sự thật để tránh rước họa vào thân.
Việc ông Tập Cận Bình đánh giá sai lầm khiến ông ta không thể hành động thuận theo ý dân Hồng Kông mà hướng tới thái độ cứng rắn hơn. Từ phát ngôn hung hăng bất thường trong chuyến công du Nepal đến ngôn từ nhắc nhở bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thượng Hải “ngăn bạo loạn, khôi phục trật tự” dường như đã chứng minh điều này. Rõ ràng, nếu trên bình diện chính trị, Bắc Kinh không muốn đáp ứng năm yêu cầu của người dân Hồng Kông thì xu thế phản kháng của người dân Hồng Kông sẽ không dừng lại, Bắc Kinh chỉ có lựa chọn đàn áp vũ lực để người dân Hồng Kông khuất phục. Xu hướng này được khẳng định rõ khi gần đây số lượng lớn cảnh sát Hồng Kông và cảnh sát ngụy trang đã đánh đập và bắt giữ người dân Hồng Kông một cách bừa bãi.
Ngoài ra, trong thông cáo của Hội nghị Toàn thể lần 4 ĐCSTQ khóa 19 vừa kết thúc đã đặc biệt nhấn mạnh Hồng Kông cần phải “xây dựng kiện toàn chế độ pháp trị và cơ chế chấp pháp của khu vực hành chính đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia”, quan điểm này gợi chú ý về Điều 23 của Luật cơ bản, cũng bao gồm những điều liên quan như bầu cử Hồng Kông, truyền thông, bôi nhọ cảnh sát, mạng Internet… Đây là tín hiệu Bắc Kinh sẽ áp dụng thắt chặt quản lý Hồng Kông hơn là thực hiện cam kết “một quốc gia, hai chế độ”.
Vấn đề trọng tâm hiện nay là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ tuân theo chỉ đạo phe nào sau khi trở về Hồng Kông, sẽ sớm được thấy qua các động thái của Chính phủ Hồng Kông. Hồng Kông có thể chìm vào khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn, nhưng như vậy chỉ kích thích phản kháng mạnh hơn của người dân Hồng Kông, đồng thời khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây bất bình hơn với ĐCSTQ, câu “Hồng Kông trở thành Waterloo của ĐCSTQ” thực sự không phải chỉ là nói cho vui.
Chu Hiểu Huy
Xem thêm:
Từ khóa Lâm Trịnh Nguyệt Nga biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện Tập Cận Bình