Thương hiệu xa xỉ Dior của Pháp đăng ảnh “xúc phạm” Trung Quốc?
- Ngọc Tỷ
- •
Thương hiệu xa xỉ “Dior” của Pháp gần đây đã chia sẻ những bức ảnh do nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Trung Quốc Trần Mạn (Chen Man) chụp trên tài khoản WeChat và nền tảng Weibo. Điều này đã gây ra những tranh cãi về việc “làm xấu xí hình ảnh phụ nữ Trung Quốc” và “xúc phạm Trung Quốc.” Cư dân mạng Đại Lục chỉ trích tác phẩm của cô mang “phong cách âm phủ” và trách cô “quỳ gối kiếm tiền.”
Vào tháng này, Dior đã tổ chức “Triển lãm Dior và Nghệ thuật” tại Trung tâm Nghệ thuật West Bund (Tây Ngạn, bờ Tây), Thượng Hải, Trung Quốc. Hãng đã mời Trần Mạn, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng từng làm việc với nhiều siêu sao và có hơn 10 triệu người hâm mộ trên Weibo, chụp ảnh quảng cáo.
Bức ảnh quảng cáo này chụp một phụ nữ Trung Quốc bị tàn nhang khắp khuôn mặt, đôi mắt dài và hẹp, cộng thêm việc trang điểm u tối. Cô gái tay nâng chiếc túi “Lady Dior” màu đen và còn đeo ‘hộ giáp’ (móng tay giả) dài và sắc nhọn. Ánh mắt nhìn chằm chằm vào ống kính. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc nói thẳng rằng bức ảnh khiến người xem cảm thấy rùng rợn, như thể “đến từ âm phủ.”
Mặc dù tài khoản Weibo chính thức của Dior đã xóa bức ảnh này nhưng hoạt động quảng bá triển lãm vẫn còn đó. Trang Guancha.com (Quan sát viên) cho rằng những thương hiệu thời trang nước ngoài như Dior đã nhiều lần làm xấu xí hình ảnh phụ nữ Trung Quốc.
Nếu ai đó vẫn nghĩ đây chỉ là vấn đề khác biệt về văn hóa hoặc quan điểm nghệ thuật, thì chỉ có thể nói rằng họ đã đánh mất ngay cả những quan niệm thẩm mỹ cơ bản nhất. Tất cả những gì còn lại chỉ là sự phục vụ một cách mù quáng, thậm chí là hạ thấp giá trị của bản thân.
Các bài đăng trên Weibo cá nhân của Trần Mạn tràn ngập những lời chỉ trích, với hơn 16.000 bình luận. Một trong số đó là: “Mặc dù danh hiệu của bạn là nghệ sĩ, nhưng tôi lại nghĩ bạn là một kẻ ăn mày về tinh thần. Hãy đặt thứ bạn chụp cho Dior trong phòng khách và hỏi cha mẹ bạn xem, họ có muốn thắp một nén hương cho nó hay không.” Hơn 24.000 người đã thích bình luận này.
Cư dân mạng lật lại các tác phẩm mà Trần Mạn từng chụp cho Dior trước đây. Họ lên án rằng các tác phẩm của cô hầu như đều phục vụ cho phong cách ấn tượng cứng nhắc của thế giới phương Tây.
Rất đông cư dân mạng để lại lời nhắn: “Làm tôi hết hồn”; “Thảo nào tôi thấy xấu xí vô cùng, như một thây ma vậy”; “Những người Trung Quốc mà bạn nhìn thấy trên đường có giống thế này không?”; “Một nhiếp ảnh gia đến từ âm phủ”,“ Quỳ gối để kiếm tiền và làm xấu xí chính đồng bào của mình.”
“Vài bức ảnh đó, bạn chỉ cần chọn ngẫu nhiên 10.000 người Trung Quốc và hỏi họ nó có đẹp không, có thể đại diện cho phụ nữ Trung Quốc không? Đại khái cũng phải đến 90% số người được hỏi nói rằng không đẹp. Vậy bạn dựa vào đâu để nói rằng đây là đại diện cho vẻ đẹp của Trung Quốc?”
Cũng có nhiều người cho rằng “thủ phạm” chính là Dior. Đồng thời chỉ ra rằng dù Trần Mạn không chụp, thì vẫn sẽ có những nhiếp ảnh gia khác đảm nhận công việc này. Bức ảnh quảng cáo này đã được Dior chính thức phê duyệt và công bố. Điều đó chứng tỏ Dior đã công nhận nội dung “xúc phạm Trung Quốc”, làm xấu xí hình ảnh người gốc Á.
Ngay từ năm 2012, Trần Mạn cũng đã chụp 12 bức ảnh về các dân tộc thiểu số Trung Quốc cho tạp chí thời trang “i-D” của Anh và gây nhiều tranh cãi. Họ cho rằng ống kính của Trần Mạn không thể hiện được vẻ đẹp của phụ nữ Trung Quốc.
Trần Mạn, 41 tuổi, là một nhiếp ảnh gia Đại Lục nổi tiếng, từng làm việc với nhiều người ngôi sao lớn. Trang “Netease Entertainment” đưa tin, sau khi vụ việc bùng lên, một số tài khoản tiếp thị đã đăng các bài viết nói rằng: “Tiêu chuẩn của cái đẹp không bao giờ giống nhau như đúc. Từ góc độ khách quan mà nói không ai có thể tranh quyền nói về thẩm mỹ.”
Hình ảnh và nội dung bài viết đều giống nhau, khiến người ta nghi ngờ chúng được đăng tải sau khi nhận tiền. Các tài khoản này hiện đang ở trạng thái bị cấm phát ngôn.
Ngọc Tỷ / Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa thẩm mỹ mỹ thuật cái đẹp Dior Túi xách Dior nghệ thuật nhiếp ảnh