Tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung qua đời ở tuổi 94
- Thanh Vân
- •
Tiểu thuyết gia võ hiệp nổi tiếng Kim Dung (tên thật Tra Lương Dung) đã qua đời hôm 30/10 tại bệnh viện ở Hồng Kông, thọ 94 tuổi.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ người nhà của Kim Dung cho biết, chiều ngày 30/10, bên cạnh người thân tại Bệnh viện – Viện dưỡng lão Hồng Kông ông đã qua đời.
Khoảng 7:28 tối cùng ngày (30/10), tờ Minh Báo (Ming Pao) do Kim Dung sáng lập cũng đăng thông tin lên trang web cho biết, người sáng lập Minh Báo, tác gia nổi tiếng Tra Lương Dung (hay Kim Dung) đã qua đời.
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 20/3/1924, là người thị trấn Hải Ninh tỉnh Chiết Giang. Cuối những năm 40 của thế kỷ trước, ông chuyển đến cư trú tại Hồng Kông, năm 1955 đến năm 1972, Tra Lương Dung lấy bút danh là Kim Dung sáng tác ra hơn chục bộ tiểu thuyết võ hiệp mà ai cũng yêu thích, trong đó có “Thư kiếm ân cừu lục”, “Xạ điêu anh hùng truyện”, “Thần điêu hiệp lữ”, “Ỷ thiên đồ long ký”, “Thiên long bát bộ”, “Lộc đỉnh ký”, v.v, các tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim.
Năm 1959, Tra Lương Dung sáng lập tờ Minh Báo. Những năm 80 của thế kỷ trước, Minh Báo phát triển một cách nhanh chóng tại Hồng Kông. Đến năm 1989, khi đó Tra Lương Dung 65 tuổi, ông tuyên bố từ chức Trưởng tòa soạn Minh Báo. Năm 1991, trong “Danh sách tỷ phú người Hoa những năm 90 ở Hồng Kông” của tờ “Tạp chí Tư bản”, Kim Dung xếp thứ 64. Năm 1993, ông tuyên bố rời chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Báo, chính thức cáo biệt tờ báo do một tay ông gây dựng. Cùng năm 1993, Tập đoàn Minh Báo được bán lại cho doanh nhân Vu Phẩm Hải (Pun Hoi Yu).
Minh Báo là tờ báo nổi tiếng với các ngôn từ thẳng thắn chỉ trích các chính sách bất công của chính quyền Trung Quốc đối với Hồng Kông. Với lập trường cứng rắn như thế nên có thời gian ông bị quan chức cánh tả thuộc chính quyền Trung Quốc khi đó liệt vào danh sách 6 phần tử cần tiêu diệt. Nhà của Kim Dung cũng nhận phải một quả bom được gói ở trong bưu kiện, may mắn được phát hiện và báo động kịp thời, cảnh sát đến trợ giúp khiến quả bom nổ ở cổng nhà Kim Dung.
Năm 1972, sau khi Tra Lương Dung tuyên bố không sáng tác nữa, ông cũng dần dần bước vào con đường chính trị. Mùa xuân năm 1973, nhận lời mời của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Kim Dung đã đến Đài Loan và gặp mặt Tổng thống Đài Loan Tưởng Kinh Quốc.
Sau khi Đại cách mạng Văn hóa kết thúc, Kim Dung từng nhiều lần đến thăm Đại lục, và đã từng gặp nhiều lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương.
Năm 1985, sau khi thành lập Ủy ban soạn thảo luật cơ bản của Hồng Kông, Tra Lương Dung trở thành ủy viên của ủy ban này, đồng thời là người phụ trách tiểu tổ thể chế chính trị của ủy ban này.
Năm 1995, Tra Lương Dung là ủy viên Ủy ban trù bị Đặc khu hành chính Hồng Kông; năm 2009, ông làm Phó chủ tịch danh dự của Ủy ban toàn quốc khóa 7 của Hiệp hội tác gia Trung Quốc.
Còn Vu Phẩm Hải sau khi tiếp quản Tập đoàn Minh Báo, được cho là có đường lối cực tả, năm 2005, ông học Tiến sĩ Triết học Chủ nghĩa Mác tại Đại học Bắc Kinh. Ngày 19/2/1997, Vu Phẩm Hải đích thân chủ đạo đưa tin độc quyền toàn cầu về lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình qua đời. Ông cũng được mời tham dự một số hội nghị bàn tròn quốc tế và cuộc đối thoại phi chính phủ để lên tiếng thay cho chính quyền Trung Quốc.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa Kim Dung Tra Lương Dung tiểu thuyết võ hiệp