Tin đồn về việc “phế truất Tập Cận Bình” lan rộng
- Hải Chung, Lạc Á
- •
Gần đây có tin đồn rằng quyền kiểm soát quân đội của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã bị mất, quyền lực của ông trong Đảng bị suy yếu, và có khả năng ông sắp bị phế truất. Hội nghị Trung ương 4 khóa 20 của ĐCSTQ, được xem là thời điểm then chốt trong cuộc đấu đá nội bộ ĐCSTQ, đã bị lộ ngày tổ chức trên mạng nước ngoài. Theo tin đồn, Trung Nam Hải đã bàn bạc việc “phế truất Tập”.
Các nhà quan sát chính trường Trung Quốc nhận định rằng việc Tập Cận Bình mất quyền đang dần trở nên rõ ràng, và Trung Quốc đang đối mặt với bước ngoặt trong việc lựa chọn con đường phát triển sắp tới.
Tin đồn về việc “phế truất Tập” tại Hội nghị Trung ương 4 lan rộng
Mặc dù gần đây ông Tập Cận Bình liên tục công du nước ngoài, dường như vẫn nắm quyền lực tối cao, nhưng trong nước lại liên tục lan truyền tin đồn ông sẽ hạ đài, và tâm điểm là Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ trong năm nay.
Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn, có liên hệ với người trong thể chế ĐCSTQ, ngày 22/5 tiết lộ trên nền tảng X rằng Hội nghị Trung ương 4 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 27 – 30/8. Hội nghị này vốn dự kiến tổ chức vào mùa thu năm 2024, nhưng do đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo ĐCSTQ ngày càng gay gắt nên liên tục bị trì hoãn. Hội nghị có thể sẽ mang lại thay đổi nhân sự lớn, và liệu ông Tập Cận Bình có trao quyền, bị tước quyền hay thậm chí rút khỏi chính trường hoàn toàn hay không sẽ được làm rõ trong 3 tháng tới.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Vương Hách trả lời phỏng vấn tờ Epoch Times cho rằng sau khi ông Tập Cận Bình hạ đài thì ai sẽ lên thay và con đường phía trước của Trung Quốc sẽ ra sao, đây là điều đang gây tranh cãi trong các phe phái nội bộ ĐCSTQ. Vì vậy, việc xác định chính xác thời gian tổ chức Hội nghị Trung ương 4 rất khó. Một khi thời gian đã được chốt, điều đó có nghĩa là đại cục đã định.
Ngày 23/5, ông Thái Thận Khôn tiếp tục tiết lộ rằng nhiều nguồn tin ở nước ngoài đồng loạt đưa tin rằng vào ngày 14/5 đã diễn ra một cuộc họp mở rộng chưa từng có của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ. Cuộc họp mở rộng này không chỉ gồm các ủy viên Bộ Chính trị, mà còn có cả các nguyên lão, cựu tướng lĩnh quân đội, cựu ủy viên thường vụ và cán bộ lão thành tham dự. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp đã có bài báo cáo kéo dài 30 phút, nói rằng toàn bộ các thượng tướng và trung tướng do ông Tập trực tiếp bổ nhiệm đều đã bị bắt. Ông Tập muốn không rút cũng không được, hiện giờ chỉ còn cách giữ thể diện. Cuộc họp chỉ xoay quanh một vấn đề: Tập Cận Bình nhất định phải thoái vị, chỉ là ‘bán thoái’ hay ‘toàn thoái’ mà thôi.
Thậm chí nguồn tin còn nói, cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào hiếm hoi xuất hiện tại cuộc họp và thẳng thắn nói rằng trong suốt 10 năm qua, chỉ có phe Đoàn thanh niên là trung thành với đường lối cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Ông Hồ Cẩm Đào xuất hiện là để lấy danh nghĩa cựu Tổng Bí thư tạo áp lực, còn người thực sự đứng sau điều phối là ông Ôn Gia Bảo.
Nguồn tin rò rỉ còn cho biết cuộc họp đã đạt được đồng thuận bước đầu: Hội nghị Trung ương 4 năm nay sẽ chuyển thành hội nghị về nhân sự. Hội nghị đã xác định danh sách ủy viên Trung ương khóa tới, trong đó phe Đoàn Thanh niên chiếm 1/3; đồng thời thảo luận việc tái cấu trúc Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên thường vụ và phân chia quyền lực của ông Tập.
Ngày 20/5, cựu trung tá hải quân ĐCSTQ Diêu Thành cũng viết trên nền tảng X rằng ông được bạn bè cho biết Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị tại Bắc Kinh vào ngày 14/5. Các ủy viên Bộ Chính trị, nguyên lão và nhiều cán bộ lão thành có thể đến dự đều đã tham gia. Trọng tâm cuộc họp là bàn về việc ông Tập Cận Bình có nên rút lui hay không? Rút toàn bộ hay rút một phần? Cuộc họp lần này chưa đạt được đồng thuận và vấn đề sẽ tiếp tục được bỏ phiếu tại Hội nghị Trung ương 4.
Ông Vương Hách nhận định, hiện nay nội bộ ĐCSTQ đang cố tình phát tán thông tin ra ngoài qua nhiều kênh khác nhau. Trong vài năm gần đây, nhiều người tiết lộ thông tin ai sẽ “ngã ngựa” đều khá chính xác, nhưng việc giải mã nội dung bên trong thì vẫn còn lộn xộn.
Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn hiện cư trú tại Mỹ cho rằng mục đích của việc các nhân vật trong thể chế ĐCSTQ liên tục gửi thông tin ra nước ngoài là rất phức tạp. Trong quá khứ, ĐCSTQ thường dùng chiêu bài “xuất khẩu rồi quay về tiêu thụ nội địa” để đạt được một số mục tiêu chính trị. Ngoài ra, cũng có một bộ phận trong nội bộ muốn thông qua cách này để thúc đẩy Trung Quốc thực hiện một cuộc chuyển mình mang tính căn bản.
Tín hiệu các nguyên lão kiểm soát cục diện
Tháng Hai năm nay, theo thông tin trong nước mà ông Thái Thận Khôn tiết lộ thì hiện tại ông Tập Cận Bình đã không còn thực quyền, 3 vị nguyên lão sinh năm 1942 do ĐCSTQ đề cử đang tạm thời nắm quyền chuyển tiếp. Quyền kiểm soát quân đội nằm trong tay ông Trương Hựu Hiệp, còn chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ông Tập chỉ là hư danh, “Ông Tập Cận Bình thoái vị chỉ còn chờ tuyên bố chính thức, khả năng cao là tại Hội nghị Trung ương 4, muộn nhất không quá sang năm.” Ông Thái Thận Khôn nói rõ, 3 vị nguyên lão này là Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Hồ Đức Bình.
Ngày 19/5, hai cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Nhân Dân Nhật Báo và Tân Hoa Xã đồng loạt đăng bài trọng điểm, một lần nữa nhấn mạnh chỉ đạo quan trọng thời ông Hồ Cẩm Đào: “phải kiên trì quyết sách khoa học, dân chủ và theo pháp luật”. Việc này đã dấy lên nhiều suy đoán.
Ông Vương Hách cho biết, ông Trương Hựu Hiệp hiện đang nắm quyền kiểm soát quân đội. Nhưng ông này chỉ có lý lịch trong quân đội, không có kinh nghiệm chính trị hay hành chính, khác với ông Đặng Tiểu Bình, vì vậy ông Trương Hựu Hiệp cần tìm người hỗ trợ ông ta, từ đó họ sẽ hình thành một liên minh.
“Ông Trương Hựu Hiệp bản thân là hồng nhị đại (con cháu cách mạng đời thứ hai), ông ta có kênh tự nhiên để giao tiếp với các nguyên lão. Hình tượng tổng thể của Hồ và Ôn vẫn khá tốt, nếu họ ra mặt điều hành cục diện thì các bên đều có thể chấp nhận. Vấn đề hiện tại là bước tiếp theo họ sẽ đi như thế nào, các phe vẫn đang đấu đá quyết liệt.”
Ông Đường Tĩnh Viễn cũng nói với tờ Epoch Times rằng người thực sự kiểm soát cục diện hiện nay là các nguyên lão trong ĐCSTQ. Ông Trương Hựu Hiệp chỉ là người đứng ở tuyến đầu, đại diện nắm quyền quân sự, bởi ĐCSTQ xưa nay vẫn là “Đảng chỉ huy súng”. Trong số các nguyên lão, ông Hồ Cẩm Đào khi bị ép rời hội trường tại Đại hội 20 thể trạng đã không tốt, khó có thể nắm đại cục, rất có thể người kiểm soát thật sự là ông Ôn Gia Bảo – một nguyên lão có kinh nghiệm dày dặn.
Tuy nhiên, ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng ông Hồ Cẩm Đào có một ưu thế không thể thay thế, đó là ông từng là Tổng Bí thư. Khi đương kim Tổng Bí thư gặp vấn đề và cần bị thay thế, thì chỉ một lời nói của cựu Tổng Bí thư cũng có trọng lượng rất lớn. Do đó, ông Hồ Cẩm Đào sẽ đóng vai trò trấn an cục diện. Còn về các nhân vật tuyến đầu của Đảng và chính phủ hiện nay, ông Lý Cường hay thậm chí là ông Thái Kỳ – những người từng là thân tín của ông Tập – có khả năng cao đã sớm phản bội và nộp “thư đầu quân” cho các nguyên lão.
“Ví dụ như ông Thái Kỳ phụ trách hệ thống tuyên truyền, nhưng trang nhất của Nhân Dân Nhật Báo lại xuất hiện 3 quyết sách thời Hồ Cẩm Đào – đây chính là dấu ấn chính trị của thời Hồ – Ôn,” ông Đường Tĩnh Viễn nói.
Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Ngày 6/5, ông Thái Thận Khôn từng nói ông nhận được tin từ trong nước rằng Hội nghị Trung ương 4 sẽ có biến động lớn. Trước tình hình quốc tế và kinh tế trong nước hiện nay, cộng thêm việc ông Tập đang bệnh, các nguyên lão đã không thể chịu đựng thêm, họ đang cùng nhau ép ông Tập Cận Bình thoái vị. Ông Tập sẽ rời khỏi chức vụ lãnh đạo tối cao và người kế nhiệm đã được sắp xếp xong. Tổng Bí thư mới sẽ là ông Đinh Tiết Tường – 1 trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại.
Quan điểm ủng hộ ông Hồ Xuân Hoa kế nhiệm cũng từng tồn tại. Cựu phóng viên thường trú tại Đại Liên của tờ Văn Hối (Hồng Kông), Giang Duy Bình, từng kiên quyết cho rằng Hồ Xuân Hoa sẽ đợi thời cơ trở lại.
Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng vấn đề ai kế nhiệm thời hậu Tập Cận Bình là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, bởi hiện tại ĐCSTQ đang đối mặt với khủng hoảng kép: vừa là khủng hoảng của bản thân ông Tập, vừa là khủng hoảng của toàn bộ cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ, hai điều này gắn chặt với nhau, không cách nào tách rời.
“Người kế nhiệm thời hậu Tập, liệu sẽ tiếp tục nắm quyền dưới hình thức Tổng Bí thư của Đảng, hay là sau khi hệ thống của ĐCSTQ sụp đổ, sẽ là người đứng đầu của một thể chế chính trị mới? Đây là hai con đường hoàn toàn khác nhau, tương lai của họ sẽ dẫn đến hai kết cục rất khác biệt, vì vậy đây là một lựa chọn vô cùng quan trọng,” ông nói.
Ông Vương Hách cho rằng sự thất bại của ông Tập Cận Bình thực chất đại diện cho sự thất bại của toàn bộ đường lối “bảo vệ Đảng”. Do đó, lãnh đạo Trung Quốc mới lên cầm quyền rất có khả năng sẽ lựa chọn từ bỏ ĐCSTQ, nếu không thì khó tránh khỏi vết xe đổ.
“Hiện tại Trung Quốc đã đến bước bắt buộc phải vứt bỏ Đảng Cộng sản, ngay cả nhóm người có lợi ích trong nội bộ ĐCSTQ cũng muốn bảo vệ tài sản của mình cho đời sau, thì cũng phải vứt bỏ hệ thống này. Sự tan rã của Liên Xô ở một mức độ nào đó chính là cuộc cách mạng từ tầng lớp thượng tầng. Nếu không đi theo con đường của Liên Xô, thì sẽ là con đường như Nicolae Ceausescu ở Romania – bị nhân dân xử tử. Điều này là cực kỳ đáng sợ đối với thế hệ lãnh đạo mới của ĐCSTQ,” ông nói.
Từ khóa Tập Cận Bình Chính trị Trung Quốc
