Tòa án Hồng Kông ban hành “lệnh cấm phát ngôn bạo lực” trên mạng
Hôm 1/11, Tòa án cấp cao Hồng Kông đã ban hành một lệnh cấm tạm thời, cấm bất cứ ai đăng bất cứ những “ngôn luận đe dọa sử dụng bạo lực” lên mạng Internet, bao gồm cả Diễn đàn LIHKG và Telegram, thời hạn có hiệu lực của lệnh cấm là đến ngày 15/11. Lệnh cấm này vừa ban hành đã khiến dư luận Hồng Kông lên án mạnh mẽ.
Lệnh cấm tạm thời của Tòa án cấp cao Hồng Kông
Theo Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, ngày 31/10, Giám đốc Sở Tư pháp Hồng đã đệ trình đơn xin phép lên Tòa án cấp cao, nội dung cấm bất cứ người nào có ý đồ phát tán, lan truyền, đăng, dẫn lại bất cứ thông tin hoặc tài liệu nào nhằm khuyến khích, xúi giục, kích động sử dụng vũ lực gây tổn hại đến thân thể hay tài vật đối với người khác trên mạng Internet cũng như các mạng xã hội khác.
Sau khi được Tòa án cấp cao gấp rút mở phiên tòa thẩm duyệt, Thẩm phán Cao Hạo Văn đã ban hành lệnh cấm tạm thời, có hiệu lực đến ngày 15/11. Ông Cao Hạo Văn cho rằng, những ngôn luận đe dọa sử dụng bạo lực trên mạng Internet đóng vai trò quan trọng trong hành vi của người biểu tình, nếu không được hạn chế, những hành vi bạo lực liên quan sẽ không dừng lại.
Ông cho biết, một trong những mục đích ban hành lệnh cấm này là muốn báo cho đại chúng rằng những ngôn luận trên mạng không phải là không có hậu quả pháp luật, mặc dù phê chuẩn lệnh cấm và hạn chế tạm thời sẽ gây tổn hại đến tự do biểu đạt, nhưng tự do biểu đạt không phải là tuyệt đối, cần phải thỏa đáng và cân bằng.
Về vấn đề này, ông Dương Nhạc Kiều, Luật sư Hồng Kông, Nghị viên Hội đồng Lập pháp thuộc Đảng Công dân lên án, hành động này của chính phủ Đặc khu là đang đàn áp tự do ngôn luận, cấm mạng Internet một cách biến tướng, thậm chí muốn đưa cơ chế kiểm duyệt mạng Internet của Trung Quốc vào Hồng Kông, để kiềm chế người dân Hồng Kông.
Ông cho rằng, hiện tại luật pháp của Hồng Kông cũng đủ để xử lý những ngôn luận bạo lực trên mạng, nhưng lệnh cấm và hạn chế liên quan đến phạm vi mơ hồ “kích động bạo lực”, nên về chấp pháp cũng có độ khó. “Ví dụ cấm Telegram, nhưng Telegram về cơ bản lại không phải là là một công ty chỉ kinh doanh tại Hồng Kông, vậy thì xử lý thế nào? Nếu ông chấp hành không được, thì sẽ khiến lệnh cấm này cũng giống như một tờ giấy vụn, cũng khiến cho sự tôn nghiêm của tòa án Hồng Kông bị tổn hại.”
Ông Dương Nhạc Kiều nói: “Sở Tư pháp liên tiếp xin lệnh cấm, nghĩ mọi cách để đàn áp ngôn luận trên mạng, điều này cho thấy chính phủ đã không còn kế sách nào để thực thi, hiện tại xã hội Hồng Kông không cách nào bình ổn, chính phủ cũng như chim sợ cành cong, đây mới là vấn đề lớn nhất mà chính phủ cần đối mặt.”
Nghị viên Hồng Kông lo lắng người Hồng Kông có thể bị buộc tội vì phát ngôn
Nghị viên Hội đồng lập pháp Mạc Nãi Quang nghi ngờ chính phủ Hồng Kông biến tướng để qua mặt trình tự Hội đồng lập pháp, dùng phương thức xin phép lệnh cấm để đưa vào lệnh cấm mạng cục bộ, dần dần kiểm duyệt mạng Internet, điều này cho thấy chính phủ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có dụng tâm khác, giống như biến Hồng Kông thành “một quốc gia, một chế độ”.
Ông Mạc Nãi Quang chỉ ra: “Lệnh cấm lần này đã tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hiểm, giống như một bước đầu tiên để đưa kiểm duyệt ngôn luận của ‘Vạn lý tường lửa’ của Đại Lục vào Hồng Kông, làm tổn hại đến tự do ngôn luận trên mạng của người dân.”
Ông phê bình cách làm của chính phủ không có trách nhiệm: “Kiểm duyệt ngôn luận trên mạng, tương đương với đẩy kinh tế và sáng tạo khoa học công nghệ của Hồng Kông đến bờ vực nguy hiểm, nếu sau này chính phủ Hồng Kông dẫn dụng Luật Khẩn cấp để mở rộng phạm vi cấm ra, ví dụ như yêu cầu nhà cung cấp viễn thông và internet phong tỏa trang web hoặc ứng dụng cá biệt, thì sẽ là triệt để phá hoại tự do thông tin và Internet của Hồng Kông tự do mở cửa, đe dọa nghiêm trọng lĩnh vực mạng Internet của Hồng Kông.”
Luật sư Lã Bỉnh Quyền, giảng viên cấp cao của Khoa Báo chí thuộc Đại học Baptist Hồng Kông bày tỏ lo lắng, tương lai Hồng Kông có thể giống như Đại Lục, vì ngôn luận trên mạng Internet bị chụp lên tội danh “mơ hồ”.
Ông Lã Bỉnh Quyền cho rằng nội dung trong lệnh cấm này tương đối rộng, trong hoàn cảnh thực thi pháp luật hiện nay là vô cùng bất lợi đối với truyền thông, những điều luật trước mắt không nói rõ ràng xem những thông tin được truyền thông đưa tin liệu có khả năng vi phạm lệnh cấm hay không.
Hội trưởng danh dự của Hiệp hội Thương mại Công nghệ Hồng Kông Phương Bảo Kiều phân tích, lệnh cấm lần này giống như động tác khởi động cho lệnh cấm Internet, do lệnh cấm mạng Internet có độ khó tương đối cao, cho nên trước tiên cần xin lệnh cấm và hạn chế cục bộ, cấm ngôn luận của thị dân. Ông cho rằng cách làm của chính phủ Hồng Kông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình tượng tự do thông tin của Hồng Kông.
Theo truyền thông Hồng Kông đưa tin, từ khi Tòa án cấp cao Hồng Kông vội vã mở phiên tòa để thông qua lệnh cấm, đội ngũ quản lý Diễn đàn LIHKG (diễn đàn bị điểm tên trong lệnh cấm) cho biết, chưa nhận được lệnh cấm của tòa án, cũng chưa nắm được chính xác nội dung lệnh cấm, nên hiện chưa thể đưa ra bình luận.
Đội ngũ quản lý cũng kêu gọi chính phủ Hồng Kông lắng nghe yêu cầu của thị dân, không nên dùng phương thức đàn áp để giải quyết vấn đề, tránh tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Hồng Kông.
Nghị sĩ Mỹ đề xuất “Luật Hồng Kông như nước”
Theo Thời báo Tự do Đài Loan đưa tin, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ hôm 31/10 đã đề xuất dự luật “Luật Hồng Kông như nước” (Hong Kong Be Water Act), nhằm tiến hành chế tài đối với quan chức Hồng Kông, Trung Quốc, công dân Trung Quốc và doanh nghiệp quốc hữu Trung Quốc muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận của Hồng Kông.
Dự luật này yêu cầu tiến hành chế tài đối với những quan chức Hồng Kông và Trung Quốc phụ trách hoặc giúp đỡ áp chế tự do ngôn luận, diễu hành và biểu tình của người Hồng Kông.
Dự luật này cũng sẽ đóng băng tài sản của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có hành vi đàn áp tự do ngôn luận Hồng Kông.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Joshua David Hawley, một trong những người đề xuất dự luật này cho biết, tình hình Hồng Kông xấu đi với tốc độ nhanh chóng khiến ông cảm thấy kinh ngạc: “Hồng Kông nhanh chóng trở thành quốc gia cảnh sát, nhưng Mỹ sẽ đứng về phía Hồng Kông, cùng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ Luật Cấm che mặt cấm mạng internet