Toàn cảnh Hồng Kông hé mở cuộc chiến nội bộ Trung Nam Hải?
- Tuyết Mai
- •
Trong phong trào chống dự luật dẫn độ của người Hồng Kông kéo dài đã 2 tháng, gần đầy tình hình dường như căng thẳng hơn kể từ sau khi có đoạn video lan truyền rộng rãi với nội dung quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp người biểu tình Hồng Kông. Liệu ĐCSTQ có muốn cho quân đội can thiệp? Qua những nguồn tin ứng phó của giới chức ĐCSTQ cho thấy có nhiều bất nhất, khó lường, phải chăng điều này là hệ quả của cuộc chiến nội bộ Trung Nam Hải?… Hãy nhìn lại toàn cảnh diễn biến Hồng Kông cùng những nhận định của giới quan sát để thấy rõ hơn tình cảnh Trung Quốc hiện nay.
Chứng minh nhiều video chia sẻ trên mạng xã hội là giả mạo
Theo AFP, kể từ năm 1997 khi chủ quyền của Hồng Kông trả về Trung Quốc Đại lục, ĐCSTQ đã cho quân đội đóng ở Hồng Kông, hiện nay dự kiến có khoảng 8.000 đến 10.000 quân, nhưng họ rất kín đáo, hiếm thấy họ mặc quân phục ở nơi công cộng. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh và Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga nghiêm khắc lên án những người biểu tình, nhưng chính phủ Hồng Kông luôn phủ nhận việc triển khai quân đội ĐCSTQ.
Tuy nhiên, mạng internet một tuần qua đã lan truyền khá nhiều video với nội dung cho rằng ĐCSTQ gửi quân đến đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông, thu hút cả triệu lượt truy cập, khiến xung đột giữa người biểu tình và và cảnh sát dữ dội hơn, cho đến nay ít nhất 16 người trọng thương, 12 người đã nhập viện chữa trị.
Trong một cuộc họp báo tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) khi được yêu cầu trả lời về cách ứng phó biểu tình Hồng Kông đã cho biết, trong “Luật đóng quân” có quy định cụ thể. Theo Điều 14 trong Chương 3, mặc dù quân đội ĐCSTQ đóng quân ở Hồng Kông không được can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, nhưng “lúc cấp bách”, Chính phủ Hồng Kông có thể yêu cầu Chính phủ Trung ương cho quân đồn trú tại Hồng Kông giúp trị an xã hội và cứu hộ tai nạn.
Vài tiếng sau phát biểu của Ngô Khiêm, hãng tin AFP đã phát hiện số lượng lớn video hoặc bài đăng trên các trang xã hội như Facebook, Twitter và Weibo, nội dung tố cáo một số lượng lớn xe tăng hoặc binh lính đi bộ trên khắp Hồng Kông, tính đến chiều ngày 30/7 đã có tổng cộng 1,4 triệu lượt xem.
Ngoài ra, trên Facebook cũng xuất hiện một Thông báo được cho là của Chính phủ Hồng Kông: “Vì sự an toàn của bạn, trong 48 giờ tới mọi người dân Hồng Kông không nên đến những nơi công cộng hoặc bãi biển, tránh tụ tập”, vì quân đội Trung Quốc đang tiếp quản Hồng Kông.
Tuy nhiên thông tin kiểm chứng đưa ra qua khảo sát các văn bản của Chính phủ Hồng Kông cho biết thông báo này hoàn toàn là giả mạo; còn đoạn video đàn áp cũng được xác định là hoạt động của quân đội Trung Quốc trong quá khứ; video được cho là tại ga xe lửa Hồng Kông là cảnh một nhà ga ở Quảng Châu; video cảnh sát bắt người biểu tình là luyện tập của cảnh sát chống bạo động Hàn Quốc.
Loạt thông tin hoạt động quân sự của ĐCSTQ
Cho đến nay đã xảy ra hiện tượng loạn thông tin về khả năng ĐCSTQ cho quân đội tiếp quản Hồng Kông, nhiều tin mâu thuẫn nhau.
Vào ngày 09/6 tại Hồng Kông đã nổ ra biểu tình chống dự luật dẫn độ, là biểu tình quy mô lớn nhất kể từ sau khi được trả về Trung Quốc Đại lục năm 1997, với hơn triệu người tham gia.
Vào ngày 13/6, Trần Đạo Tường (Chen Daoxiang), chỉ huy quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông đã gặp David Helvey, phó trợ lý cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương, bảo đảm quân đội Trung Quốc sẽ không can thiệp vào Hồng Kông.
Vào ngày 16/6, người Hồng Kông một lần nữa tổ chức diễu hành chống dự luật dẫn độ với quy mô trên 2 triệu người.
Vào ngày 26/6, quân đội Trung Quốc đóng tại Hồng Kông đã tổ chức tập trận quân sự ở gần biển.
Vào ngày 01/7 người Hồng Kông tiếp tục diễu hành với quy mô khoảng 550.000 người; về phía Bắc Kinh, theo tin từ Nhật báo Apple, trong cùng ngày ông Tập Cận Bình đã gửi thông điệp tới chính phủ Hồng Kông rằng “không cho phép đổ máu”.
Vào ngày 09/7, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết việc sửa đổi luật dẫn độ hoàn toàn thất bại, cho biết “dự luật đã chết” (The bill is dead). Cùng ngày, Reuters đưa tin tiết lộ, trong chuyến thăm quân đội ĐCSTQ đóng quân tại Hồng Kông của David Helvey vào 25 ngày trước, quân đội Trung Quốc đã cho biết họ không can thiệp vào Hồng Kông.
Vào ngày 10/7, giới truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài dẫn lời quan chức quen thuộc với Văn phòng Liên lạc Hồng Kông cho biết, việc đưa tin quân đội không can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông là thủ đoạn “cố ý tiết lộ” của Trung Nam Hải thông qua truyền thông hải ngoại, nhằm xoa dịu người Hồng Kông hy vọng trật tự bình thường sớm trở lại.
Vào ngày 18/7, tờ SCMP của Hồng Kông đưa tin, chính quyền Bắc Kinh cho biết khủng hoảng của Hồng Kông tốt nhất để Chính phủ Hồng Kông giải quyết, Bắc Kinh không nên can thiệp trực tiếp, nguyên tắc bất biến là tránh đổ máu và duy trì “ổn định cơ bản” của Hồng Kông. Đồng thời cũng cho biết Bắc Kinh không lựa chọn điều động quân đội ở Hồng Kông.
Ngày 21/7 người Hồng Kông lại tổ chức diễu hành chống dự luật dẫn độ với quy mô khoảng 430.000 người; cùng ngày xảy ra sự cố ở ga khu Yuen Long với hàng trăm tên côn đồ tấn công bừa bãi người dân Hồng Kông, trong đó có nhiều người biểu tình trở về.
Ngày 22/7 trên Weibo của quân đội Trung Quốc xuất hiện hình ảnh Quân đoàn 74 tập trận chống khủng bố ở Trạm Giang tỉnh Quảng Đông.
Vào ngày 23/7, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu đã công bố bài viết cho biết, rất không muốn chứng kiến hành động can thiệp của quân đội Trung Quốc trú ở Hồng Kông, bởi vì “cái giá chính trị mà ĐCSTQ phải trả cho chuyện này là vô cùng lớn, cũng khiến phương Tây lên án.”
Vào ngày 24/7, trong một cuộc họp báo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết, theo Điều 14 trong Chương 3 của “Luật đóng quân”, quân đội ĐCSTQ đóng quân ở Hồng Kông không được can thiệp vào việc nội bộ tại Hồng Kông, nhưng “khi cần thiết” Chính phủ Hồng Kông có thể Yêu cầu Chính phủ Trung ương cho quân đồn trú tại Hồng Kông để giúp duy trì an ninh xã hội và cứu hộ thảm họa.
Vào ngày 29/7, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức họp báo về Hồng Kông, khi đó đáp lại chất vấn “Vụ tấn công bừa bãi tại Yuen Long” và “Trong bối cảnh nào thì quân đội ĐCSTQ tại Hồng Kông sẽ can thiệp xung đột chống luật dẫn độ”, người phát ngôn của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao đã khéo léo tránh né, trả lời mơ hồ.
Nội bộ của ĐCSTQ hỗn loạn vì đấu tranh phe phái?
Như vậy, tại sao nhiều thông tin giới chức ĐCSTQ đưa ra không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn nhau?
“Thực tế, điều này phản ánh đấu đá phe cánh nội bộ Trung Nam Hải rất khốc liệt, các phe phái mượn truyền thông công kích nhau.” Ông Đường Hạo (Tang Hao), một biên tập viên lâu năm về các vấn đề quốc tế chỉ ra, về cơ bản thì Văn phòng Liên lạc Hồng Kông toàn người của phe Giang Trạch Dân, vụ việc Hồng Kông lần này chưa thể hóa giải được vì xung đột giữa phe Giang với phe Tập Cận Bình.
Về phần vấn đề giới chức ĐCSTQ lúc thì ám thị cho quân đội can thiệp, lúc lại tuyên bố sẽ không có chuyện này, chuyên gia Đường Hạo phân tích rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh không muốn sử dụng vũ lực, nhưng hiển nhiên họ cũng có thể đã chuẩn bị cho biện pháp hành động quân sự, họ sử dụng chiến tranh tâm lý bằng các cuộc tập trận quân sự nhằm gây áp lực đe dọa về tâm lý.
Ông nói, “Một mặt là ‘đe dọa’ người dân Hồng Kông, gây áp lực trước lực lượng chống dự luật dẫn độ và chống cộng sản; mặt khác cũng cho phe đối lập trong Đảng thấy, gây áp lực đối với những tiếng nói của phe đối lập.”
Ông Đường Hạo giải thích thêm rằng, thực tế có ba điều giới cầm quyền lo lắng nhất: thứ nhất là hoạt động chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông làm xu thế chống cộng sản phát triển mở rộng, thậm chí nếu đến mức ngoài tầm kiểm soát, ĐCSTQ có thể mất quyền kiểm soát Hồng Kông; nếu không thể kiểm soát hoặc không thể ổn định Hồng Kông, phe đối lập trong Đảng sẽ có cớ khiêu chiến mạnh mẽ, trường hợp xấu nhất phe đối lập có thể đoạt được quyền lực; nếu thông tin chống đối tại Hồng Kông lan rộng khắp tại Đại lục có thể gây hiệu ứng “nở hoa khắp nơi”, thậm chí có thể hình thành cục diện như khởi nghĩa Vũ Xương lật đổ triều đại nhà Thanh.
“Tóm lại, thủ đoạn vừa mềm vừa cứng của thế lực cầm quyền là để duy trì ổn định trong nước, đồng thời cũng để duy trì ổn định trong Đảng.” ông Đường Hạo cho rằng chiến lược duy trì sự ổn định này có thể khiến chính quyền Bắc Kinh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, cả bên trong và bên ngoài, “Bởi vì một bên là lực lượng theo đuổi các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền; bên còn lại là lực lượng chống lại các giá trị phổ quát, tình cảnh giống như đi trên sợi thép giữa không trung, bấp bênh và nguy hiểm.”
“Thiên An Môn” trên đường phố Hồng Kông?
Câu hỏi đặt ra là liệu ĐCSTQ có tái diễn vở kịch Thiên An Môn (ngày 04/6/1989) trên đường phố Hồng Kông không?
Chuyên gia Đường Hạo tin rằng nếu tình hình Hồng Kông tiếp tục căng hơn, hoặc thành bạo loạn nằm ngoài tầm kiểm soát thì không loại trừ việc Bắc Kinh sẽ sử dụng quân đội để can thiệp, nhưng xác suất giết người hàng loạt như vụ Thiên An Môn là tương đối thấp.
UDN (United Daily News) Đài Loan dẫn quan điểm chỉ ra, dù Bắc Kinh không thích thế giới thấy họ yếu đuối, nhưng khả năng có thể dùng đến quân đội tại Hồng Kông là rất thấp.
Ông Dương Duy Cường (Tang Weiqiang), giáo sư chính trị tại Đại học Los Angeles (UCLA) cho biết, nếu không thể giải quyết tốt vấn đề Hồng Kông thì cũng không khác gì phủ nhận vấn đề “một nước hai chế độ”, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thống nhất của Trung Quốc Đại lục. Ngoài ra là vấn đề bầu cử ở Đài Loan cận kề nên Bắc Kinh sẽ phải thận trọng hơn.
Ông tin rằng ngay cả khi Bắc Kinh có kế hoạch hành động mạnh tay thì cũng phải trì hoãn chờ thời cơ.
Trong khi giáo sư chính trị Stanley Rosen thuộc Đại học Nam California Mỹ thì cho biết, mặc dù vẫn còn 5 tháng nữa mới đến bầu cử tổng thống năm 2020 tại Đài Loan, nhưng các hành động của ĐCSTQ đối với tình hình Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Ngoài ra là vấn đề đàm phán thương mại Trung-Mỹ tiếp tục giằng co, còn giới lãnh đạo hàng đầu ĐCSTQ đã chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè tại Bắc Đới Hà (Hội nghị Bắc Đới Hà) thuộc tỉnh Hà Bắc, cũng chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ, thời gian nhạy cảm này khiến giới chức cấp cao ĐCSTQ có vô số lo lắng.
Lối thoát khác của ĐCSTQ
Thực tế, giới cầm quyền ở Bắc Kinh bị kiểm soát bởi các yếu tố về thể chế của họ nên trong ứng phó với Hồng Kông cũng chỉ đi theo thói quen như “áp lực cao”, “giữ ổn định” và “đấu tranh”; thêm nữa là những nguồn thông tin sai lệch mà phe phái khác nhau trong Đảng đưa ra đã làm việc đánh giá sai tình hình thường xuyên xảy ra, làm người cầm quyền luôn trong tình huống khó xử.
Chuyên gia Đường Hạo cho rằng giới chức nắm quyền Bắc Kinh còn có những cách hòa bình khác để đi, thậm chí có thể giải quyết triệt để vấn đề khủng hoảng ở Hồng Kông cùng trò đấu tranh quyền lực nội bộ.
“Giống như Gobachev của Liên Xô cũ tuyên bố giải tán đảng Cộng sản trong hòa bình, qua đó đưa đất nước Trung Quốc đi theo tương lai mới với các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ và pháp trị, như vậy Tập Cận Bình không chỉ hóa giải được khủng hoảng Hồng Kông mà còn hóa giải được cuộc chiến quyền lực nội bộ Trung Nam Hải. Làm được thế vừa hóa giải được hai vấn đề này, lại vừa giúp hơn một tỷ người dân Trung Quốc được sống trong không khí tự do, công lao này sẽ ghi danh vào sử sách.” Đường Hạo chia sẻ.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa quân đội Trung Quốc Thảm sát Thiên An Môn biểu tình ở Hồng Kông