TQ: 3 học sinh mất liên lạc sau khi đến Vân Nam, nghi bị lừa sang Myanmar
- Trí Đạt
- •
Sau vụ mất tích của Bành Vũ Hiên (nam sinh 19 tuổi ở Thiểm Tây) và Hồ Nhất Tiêu (học sinh cấp ba 18 tuổi ở An Huy), gần đây lại có thêm 3 học sinh trung học ở Trung Quốc Đại Lục nghi bị lừa đưa sang Myanmar. Số lượng thông tin mất tích tương tự như trên xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc Đại Lục, khiến người ta không khỏi rùng mình.
Theo trang “Daxiang Xinwen” đưa tin ngày 15/7, một người mẹ ở tỉnh Hồ Bắc cho biết con trai bà cùng hai bạn học đã mất liên lạc kể từ ngày 24/6, sau khi rời đến Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, đến nay đã hơn 20 ngày không có tin tức.
Người mẹ này tiết lộ, trước đó con trai bà quen một “đại ca” qua mạng. Người này dùng chiêu dụ dỗ rằng “đi Vân Nam vận chuyển sừng tê giác, chỉ ba ngày là về nhà” để vẽ ra một “nhiệm vụ” kiếm tiền nhanh chóng.
Ba đứa trẻ tin là thật, nên ngày 24/6 đã bay đến Côn Minh. Sau đó, con trai bà chỉ gọi về một lần, nói đang ở bến xe, ở đó rất ồn, sẽ gọi lại sau khi tìm được chỗ yên tĩnh. Nhưng từ đó bà không còn nhận được cuộc gọi nào nữa.
Bà nói: “Nhìn vào bài đăng trên trang cá nhân ngày 25/6 của các cháu, có vẻ như các cháu đã ở miền Bắc Myanmar. Đến ngày 26 thì điện thoại tắt máy, tôi bắt đầu hoảng loạn và lập tức báo cảnh sát.”
Người mẹ này cho biết, con trai bà giấu mọi chuyện với gia đình, không trả lời tin nhắn WeChat, không nghe điện thoại. Những thông tin về việc con trai quen “đại ca” trên mạng cũng chỉ được cảnh sát phát hiện sau khi điều tra từ bạn học của cậu.
Gần đây, nhiều vụ việc thanh thiếu niên Trung Quốc bị lừa sang Campuchia hoặc miền Bắc Myanmar liên tục được đưa tin.
Ví dụ, ngày 14/7, ông Hồ Tông Binh, cư dân huyện Lư Giang, thành phố Hợp Phì, cho biết con trai ông là Hồ Nhất Tiêu, 18 tuổi, mất liên lạc từ ngày 5/6 sau khi bay từ Nam Kinh đến Tây Song Bản Nạp. Ông nghi ngờ con trai bị lừa sang Myanmar.
Ngày 13/7, bà Dương, cư dân tỉnh Thiểm Tây, cho biết con trai bà là Phùng Vũ Huyên, 19 tuổi, đến sân bay Trường Thủy, Côn Minh vào ngày 1/7, mất liên lạc vào ngày 4/7. Địa điểm cuối cùng cậu gửi về cho gia đình là ở cửa khẩu Mãnh Liên, thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam.
Ngày 12/7, bà Chu ở Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, nói rằng con trai bà là Trương Ngọc Tỷ, 21 tuổi, mất tích từ ngày 5/7 sau khi ra ngoài làm việc khi nghỉ hè. Theo điều tra của cảnh sát, con bà cùng ba sinh viên khác đã bị lừa sang Campuchia.
Vào tháng Sáu, hai bé trai 14 tuổi cùng làng ở Phổ Ninh, Quảng Đông bị lừa sang Myanmar bằng lời hứa “việc nhẹ lương cao”, sau đó gia đình bị yêu cầu trả hơn 200.000 nhân dân tệ tiền chuộc.
Ngoài ra, một cư dân mạng ở Hồ Nam để lại bình luận trên mạng rằng: “Ngày 7/7, con trai tôi và ba bạn học cấp hai mua vé tàu đi Quảng Tây. Cũng là bị một ‘đại ca’ quen qua mạng lừa, nói đi buôn lậu, mỗi tháng được 30.000 tệ, sang Myanmar. May mà phát hiện sớm, khi lên tàu đã báo cảnh sát kịp thời. Giờ vào kỳ nghỉ hè, có rất nhiều vụ lừa trẻ con, mong công an trong nước điều tra nghiêm túc hơn. Khu tôi ở đã có ba bốn vụ như vậy rồi, chứng tỏ việc trong nước có người móc nối đưa người đi là rất nghiêm trọng.”
Một cư dân mạng khác ở Quảng Tây cũng bình luận: “Mấy ngày trước, ở biên giới Việt Nam, người dân chặn được 8 xe chở học sinh cấp hai, cấp ba từ các tỉnh khác. Thật đáng sợ!”
Các vụ thanh thiếu niên Trung Quốc bị lừa sang Campuchia và Myanmar liên tiếp xảy ra, khiến cộng đồng mạng vô cùng lo lắng. Cư dân mạng liên tục nhắc nhở nhau:
“Nhớ kỹ, đừng đi Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Dubai. Nhớ kỹ! Nhớ kỹ! Nhớ kỹ!”
“Bạn tôi ở Myanmar đã dặn đi dặn lại một câu: Ở trong nước còn không kiếm được tiền, sao lại nghĩ sẽ kiếm được tiền ở một nơi còn nghèo hơn cả trong nước? Cậu đến đó thì chỉ là món hàng trong mắt người ta.”
“Người nghèo ở Vân Nam còn nhiều như thế, nếu thật sự có cơ hội tốt như vậy, chẳng lẽ không đến lượt họ trước? Người ta còn đang đi làm công ty ngoài tỉnh hết rồi.”
“Kiến nghị nhà trường mở khóa học phòng chống lừa đảo.”
Nhiều thông tin tìm kiếm thanh thiếu niên nghi bị lừa đến Vân Nam được lan truyền trên mạng xã hội
Trên nền tảng mạng xã hội Douyin, hiện có nhiều video cầu cứu tìm kiếm trẻ vị thành niên mất tích nghi bị lừa đến Vân Nam. Ví dụ, ngày 15/7, một người mẹ ở Giao Châu, Sơn Đông đã đăng video kêu cứu, tìm con trai vị thành niên Chu Bằng đã mất tích hơn 3 tháng. Bà cho biết, ngày 14/4, Chu Bằng từ ga Thanh Đảo Bắc đến Liên Vân Cảng, sau đó tiếp tục đi xe đến trấn Cát Tỏa, Vân Nam thì mất liên lạc. Theo lời bà, con trai bị những kẻ buôn người dụ dỗ với lý do “tìm việc làm”. Vị trí cuối cùng được định vị là ở miền Bắc Myanmar.
Ngày 6/7, mẹ của Kim Lư Kiệt, 23 tuổi, cũng nghẹn ngào chia sẻ trong video rằng con bà bị lừa vào tối 24/5, bay từ Hàng Châu (Chiết Giang) đến Quảng Châu, rồi tiếp tục bay đến Tây Song Bản Nạp. Đến khoảng 1:00 chiều ngày 27 thì mất liên lạc với gia đình. Ngày 31/5, cậu gửi một tin nhắn báo bình an qua WeChat, sau đó hoàn toàn không còn tin tức.
Một cư dân mạng ở Hồ Nam chia sẻ: “Em trai tôi 25 tuổi, cũng bị bạn bè lừa, ngày 11/6 đến Lâm Thương (Vân Nam) rồi mất tích. Đến giờ vẫn chưa có tin.”
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng những đứa trẻ mất tích này khó mà còn sống, và nghi ngờ có liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng. Có người bình luận: “Xong rồi, thứ gì cần lấy chắc đã bị lấy hết”, “Chắc đã chết rồi.”
Trong những năm gần đây, các hành vi tra tấn, ngược đãi và mổ cướp nội tạng trong các “khu công nghiệp lừa đảo” ở Myanmar đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức phẫn nộ. Theo những người biết chuyện, hầu hết các ông chủ đứng sau các đường dây lừa đảo này đều là người Trung Quốc, và có mối liên hệ mật thiết với chính quyền ĐCSTQ.
Trong khi đó, kênh tin tức CCTV từng đưa tin rằng trong một năm qua, Trung Quốc đã bắt giữ hơn 53.000 nghi phạm người Trung Quốc liên quan đến lừa đảo, và các “khu công nghiệp lừa đảo quy mô lớn” ở miền Bắc Myanmar đã “bị xóa sổ hoàn toàn”. Tuy nhiên, cư dân mạng trong nước vẫn nghi ngờ: “Chẳng phải nói mấy khu lừa đảo ở miền Bắc Myanmar đã bị xóa sổ rồi sao?”, “Chẳng phải bốn đại gia tộc ở Myanmar đã bị tiêu diệt hết rồi à?”
Từ khóa Vân Nam buôn người bị lừa sang Myanmar
