TQ: Bất an xã hội tăng cấp số nhân, gây bùng nổ khát vọng “đào thoát”
- Ngô Úy
- •
Kể từ khi đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát hơn 2 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiên định chính sách ‘Zero COVID’ làm bầu không khí xã hội Trung Quốc ngày càng bất an. Theo đó, ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc cảm giác mịt mù về tương lai, nên khao khát được ra nước ngoài định cư ngày càng mạnh mẽ.
Hôm 15/6, “Washington Post” đưa tin, trong mắt hầu hết mọi người thì dường như cô Zhu Aitao đã có tất cả, vậy mà giờ đây cô lại đang chuẩn bị vứt bỏ tất cả.
Cô Zhu Aitao 35 tuổi, đến từ tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, là mẹ của 2 con nhỏ, gia đình nhỏ 4 người của cô sống tại khu vực giàu có nhất của Bắc Kinh, họ sở hữu nhà riêng và hai chiếc xe hơi (một chiếc BMW và một chiếc Lexus). Vợ chồng cô có công việc riêng ổn định: cô Zhu làm quản lý bộ phận công cho một công ty ô tô đa quốc gia, trong khi chồng cô là nhà văn cho một tạp chí của nhà nước.
Gia đình của Zhu Aitao rất chán ghét các chính sách của chính phủ (ĐCSTQ) để đối phó với đại dịch COVID-19. Những biện pháp chống đại dịch như phong tỏa đột ngột, xét nghiệm axit nucleic thường xuyên… gây tác động rất tiêu cực đến cuộc sống của họ. Cô Zhu hy vọng sẽ sớm chuyển đến sống tại Thái Lan để cuối cùng nhập cư vào châu Âu hoặc Mỹ.
“Tôi cảm thấy sụp đổ”, cô Zhu nói với Washington Post.
Muốn di cư vì cảm giác đầy bất an
Cô Zhu cũng là một trong những người nhiệt thành với xu hướng mới được gọi là “học đào thoát”, tức dò hỏi về con đường ra nước ngoài định cư – một xu thế ngày càng phổ biến trong giới chuyên gia Trung Quốc. Đối với nhiều người như cô Zhu thì xu thế không chỉ do hệ quả từ chính sách ‘Zero COVID’ hà khắc của ĐCSTQ, mà là vì bối cảnh môi trường xã hội do chính trị thống soái khiến chẳng có gì đảm bảo cho tương lai, cuộc sống hàng ngày của mọi người trong xã hội đó như đang đi trên dây.
Chuyên gia Xiang Biao (người gốc Hoa), phụ trách vấn đề người nhập cư tại Viện Nhân học xã hội Max Planck (Max Planck Institute for Social Anthropology) ở Đức, cho biết: “Đó là một kiểu di cư được thúc đẩy vì ước mơ tương lai tan vỡ. Mọi người không phải chạy trốn vì vấn đề chống dịch bệnh mà vì những chính sách áp đặt từ trên xuống đã khinh thường tình cảm và phẩm giá từng cá nhân trong xã hội”.
Kể từ tháng Tư khi Thượng Hải thực hiện một cách hỗn loạn chính sách phong tỏa nghiêm ngặt đối với COVID-19, xu thế tìm hiểu con đường di cư ra nước ngoài đã gia tăng bùng nổ. Người Thượng Hải cố gắng hết sức tìm lối thoát khi họ phải chứng kiến nhiều người thân không phải chết vì COVID-19 mà là vì những bệnh khác của họ không được cấp cứu kịp thời. Ở Thượng Hải và hàng chục thành phố khác của Trung Quốc mà ĐCSTQ đã áp đặt biện pháp ‘Zero COVID’, “học đào thoát” nhanh chóng lan rộng trong những người cảm giác tương lai đầy bất ổn.
Ngày 3/4, khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) của ĐCSTQ đến thăm Thượng Hải và ra lệnh “kiên quyết tuân thủ chính sách ‘Zero COVID’”, thì ngày hôm đó xu thế tìm kiếm “nhập cư” trên WeChat Trung Quốc đã tăng hơn 400% so với một ngày trước đó. Với việc nhà cầm quyền tiếp tục thực hiện chính sách ‘Zero COVID’, ngày 17/5 đã chứng kiến một mức tăng kỷ lục khác, tìm kiếm từ khóa “nhập cư” trên WeChat Trung Quốc tăng 500%. Dữ liệu của Baidu cho thấy từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, yêu cầu tư vấn về nhập cư đến Canada và Malaysia cũng như các tìm kiếm về “nơi sống lý tưởng” đã tăng gấp 20 lần.
Nghiên cứu sinh tại Đại học London (Anh) là Luna Liu, đến từ Thiên Tân Trung Quốc, đã đăng trên diễn đàn Douban rằng cô sẽ tư vấn miễn phí cho những người muốn chuyển đến Anh. Bây giờ, cuộc hẹn tư vấn của cô ấy đã lên lịch đến tháng 11 – một nửa trong số người nhờ cô đang trong danh sách chờ đợi.
“Tôi có thể cảm nhận được nhiều người mà tôi từng nói chuyện đã ảo tưởng về thể chế (ĐCSTQ) tại Trung Quốc. Sau khi Thượng Hải bị phong tỏa bởi ‘Zero COVID’ thì những ảo tưởng đó đã tan vỡ, mọi người nhận ra rằng để được sống tự do và an toàn thì phải ra khỏi nơi đó”, cô Liu nói.
Thu mình lại, nằm ngửa, học chạy
Mặt khác, chính sách ‘Zero COVID’ đã làm cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, tỷ lệ người thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao nhất mọi thời đại và môi trường chính trị ngày càng xấu đi khiến nhiều người có ý tưởng rời khỏi Trung Quốc.
Trên mạng Internet Trung Quốc có 3 từ tiêu biểu đại diện cho 3 xu thế lựa chọn của người trẻ Trung Quốc: Một là “thu mình lại” (nội quyển, 内卷), chỉ những người trẻ Trung Quốc thấy bất lực trước cạnh tranh vươn lên; Hai là “nằm ngửa” (thang bình, 躺平) chỉ xu thế từ bỏ phấn đấu; Ba là “đào thoát” (đào bão, 逃跑) chỉ mong muốn di cư ra nước ngoài.
Năm ngoái, anh Li Nuo 45 tuổi đến từ tỉnh Hà Bắc đã được cấp thường trú nhân tại Nhật Bản và hiện đang điều hành một công ty thương mại điện tử ở Osaka. Gần đây, anh đã giúp đỡ những người bạn bè và người thân gia đình cố gắng rời khỏi Trung Quốc. Anh nói với tờ Washington Post: “Đó chắc chắn không phải là một hiện tượng bình thường, xã hội lành mạnh thì không xảy ra như vậy trên diện rộng”.
“Nếu Trung Quốc thực sự hùng mạnh và vĩ đại như ĐCSTQ tuyên bố, thì tại sao có quá nhiều người sẵn sàng ‘lưu vong’ ở nước ngoài? Tại sao quá nhiều người trẻ thấy bất an cho tương lai như vậy? Điều đó phản ảnh đất nước và xã hội Trung Quốc đã ‘sinh bệnh’”, anh Li Nuo nói.
Nhiều người trẻ sốt ruột để được ra nước ngoài
Ở Trung Quốc, vấn đề hộ chiếu nước ngoài và thẻ xanh từ lâu đã trở thành đặc quyền của các gia đình quyền lực – những người thường tìm kiếm cơ hội giáo dục tốt hơn ở nước ngoài cho con cái của họ. Nhưng giờ đây, nhiều gia đình trung lưu và những người trẻ tuổi cũng đang tìm cách ra nước ngoài.
Cô Zhou Yue 23 tuổi, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh, dự định trong 1 – 2 năm tới sẽ đi học ở Canada, nơi đó cô hy vọng sẽ có được thường trú nhân. Từ năm 2011, cô Zhou bắt đầu nghĩ đến việc chuyển ra nước ngoài để trải nghiệm cuộc sống trong một môi trường văn hóa mới, nhưng giờ đây cô cảm thấy vấn đề này thành nhu cầu cấp bách.
“Ra đi không chỉ để tránh đại dịch COVID-19 này, vấn đề là tôi không đồng ý với khoảng 80% các giá trị xã hội chủ đạo ở đây”, cô nói với Washington Post. Đồng thời, cô Zhou lưu ý về hạn chế quyền của phụ nữ, đối xử bất công với người lao động và những hạn chế tự do ngôn luận ngày càng tăng ở Trung Quốc.
“Hệ thống chính quyền này chắc chắn đang đi lùi, mọi người dường như đã học cách sống trong một hệ thống phi lý và méo mó, nếu cứ vậy thì tương lai cuộc sống của chúng ta có tốt hơn không?”, cô hỏi.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc di cư Đào thoát Dòng sự kiện Phong trào nằm ngửa Zero COVID Bất an xã hội