TQ: Bệnh thối gốc và thân bùng phát trên 12 triệu mẫu lúa mì
- Thiên Bình
- •
Trong lúc Trung Quốc có khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực do thiên tai dịch bệnh, hiện tại, bệnh thối gốc và thân lúa mì lại bùng phát trên khu vực tỉnh Sơn Đông, với diện tích thiệt hại đã lên đến hơn 12 triệu mẫu.
Ngày 2/9, trang Sina và The Paper đưa tin, giới chức chính phủ Trung Quốc mới đây đã ban hành “Thông báo về việc tăng cường kiểm soát bệnh thối gốc và thân lúa mì”, xác nhận sự lây lan nhanh chóng của “bệnh thối gốc và thân lúa mì” ở nước này. Trước mắt, diện tích cây bệnh ở Sơn Đông đã vượt quá 12 triệu mẫu, lan rộng khắp 15 thành phố và 123 huyện, với tỷ lệ bông trắng cao từ 30% đến 50%, trở thành dịch bệnh chính trên lúa mì ở tỉnh Sơn Đông, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực.
Bệnh thối gốc và thân lúa mì chủ yếu do nhiễm nấm Fusarium graminearum và Fusarium pseudograminearum. Một khi bị nhiễm bệnh, sức đẻ nhánh giảm, cây lùn, ốm yếu, số hạt và khối lượng hạt trên cây giảm, giai đoạn sau dễ hình thành bệnh héo rũ, trắng bông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Sơn Đông, nguyên nhân gây nên tình trạng nghiêm trọng này là do biến đổi khí hậu, phương pháp và hệ thống trồng trọt, canh tác có sự thay đổi…
Tin tức được lan truyền làm nóng lên dư luận Trung Quốc, nhiều người dân đã để lại lời bình: “Dịch lợn rồi thì không có thịt lợn, giờ lại không có bột mì!” “Thương cho dân, tiếp đây rồi không biết sẽ ăn gì?” “ĐCSTQ thực sự đã đến đường cùng rồi. Trời cũng không muốn nhìn nữa.”
Tại Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, ngoài dịch viêm phổi Vũ Hán, còn có dịch hạch, châu chấu, lũ lụt, hạn hán, mưa tuyết, mưa đá, sâu keo và nhiều thảm họa khác, đã gây thiệt hại nặng nề cho các vùng sản xuất lương thực chính và khiến Trung Quốc phải đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Thậm chí, ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh trong cuộc họp Bộ Chính trị, cần phải “thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng tập trung, tiết kiệm tài nguyên nước sông Hoàng Hà và coi tài nguyên nước là ràng buộc cứng rắn nhất.”
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng đã nhập khẩu một lượng lớn lương thực. Ngày 26/7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho biết, nước này đã nhập khẩu 10,51 triệu tấn đậu nành từ Brazil trong tháng Sáu, tăng 18,6% so với tháng Năm và tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, kể từ tháng Bảy, Trung Quốc đột ngột tăng nhập khẩu đậu tương và ngô của Mỹ. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, kết thúc tuần vào ngày 17/6, Trung Quốc lập kỷ lục nhập khẩu ngô từ Mỹ, đồng thời nhập khẩu đậu tương Mỹ của Trung Quốc cũng đã lập kỷ lục kể từ tháng 3/2019.
Thiên Bình
Xem thêm:
Từ khóa lúa mì khủng hoảng lương thực Dòng sự kiện