TQ: FDI giảm 26,1% trong quý I, Thủ tướng Lý Cường xuất hiện tại Hội chợ Quảng Châu
- Lý Chính Hâm
- •
Dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đã giảm 26,1% so với cùng kỳ trong quý I. Vào thời điểm đầu tư nước ngoài tiếp tục rút lui và nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã xuất hiện đầy ấn tượng tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Hội chợ Canton hay Hội chợ Quảng Châu).
FDI giảm 26,1%
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm trong 2 năm liên tiếp. Chính quyền Bắc Kinh coi chỉ số FDI là sự phản ánh niềm tin của nước ngoài vào Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và là cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào kinh tế địa phương Trung Quốc nhằm thu được lợi ích. Thông thường thì các công ty nước ngoài sẽ cùng với các công ty trong nước thành lập một công ty đa quốc gia hoặc quốc tế.
Dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hôm 19/3 cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý đầu tiên là 301,67 tỷ nhân dân tệ (RMB, tương tự bên dưới), giảm 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về vấn đề này, bà Cát Tiểu Phong (Ji Xiaofeng), Vụ trưởng Vụ Quản lý Đầu tư Nước ngoài của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết số lượng đầu tư nước ngoài thu hút được trong quý 1 năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung xu hướng cơ bản dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc không có gì thay đổi, các điều kiện và môi trường để đầu tư nước ngoài phát triển tại Trung Quốc sẽ ngày càng tốt hơn.
Trong khi các quan chức Trung Quốc vẫn ca ngợi nền kinh tế nước này, một chỉ số rộng hơn từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc bao gồm lợi nhuận giữ lại cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm khoảng 80% vào năm 2023 xuống còn 33 tỷ USD. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi có hồ sơ ghi chép vào năm 1980.
Ông Lý Cường đã có chuyến tham quan nổi bật tại Hội chợ Quảng Châu
Vào thời điểm đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc và nền kinh tế đang suy thoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đứng ra làm bệ đỡ cho Hội chợ Quảng Châu.
Theo thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức của Chính quyền tỉnh Quảng Đông vào ngày 19/4, ông Lý Cường đã đến thăm các gian hàng tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 135 (Hội chợ Canton) vào ngày 18/4. Ông nhấn mạnh chúng ta nên quảng bá Hội chợ Quảng Châu ngày càng tốt hơn, để “thương hiệu vàng” của hội chợ tiếp tục tỏa sáng với phong cách của thời đại mới.
Ông Lý Cường cho biết, trước những tác động tiêu cực như tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, “chúng tôi hy vọng các công ty ngoại thương sẽ nỗ lực khám phá thị trường quốc tế hơn nữa, liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, đồng thời tích cực tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế.”
Tại cuộc họp thường niên năm 2024 của Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào cuối tháng Ba, bài phát biểu của ông Lý Cường cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ông nói: “Một Trung Quốc cởi mở hơn chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác cùng có lợi hơn cho thế giới. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những cơ hội lớn của Trung Quốc để phát triển bền vững với thế giới, và hợp tác với tất cả các bên để tạo ra một tương lai tươi sáng chung.”
Hàng Trung Quốc bán với giá rẻ như rau
Hội chợ Quảng Châu lần thứ 135 (Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc) được tổ chức tại Quảng Châu từ ngày 15/4 đến ngày 5/5.
Reuters hôm 17/4 đưa tin, nhà máy sản xuất TV Trung Quốc của Wu Zhanhua, từng áp đặt số lượng đặt hàng tối thiểu để quản lý sản xuất hiệu quả, nhưng thị trường hiện tại ảm đạm quá nên có bất cứ đơn đặt hàng với số lượng nào cũng được.
Tại Hội chợ Quảng Châu, Wu Zhanhua cho biết tỷ suất lợi nhuận của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Top Winning Phật Sơn (Foshan Top Winning Import & Export) đã giảm xuống mức ít ỏi 0,5% từ mức 2% khoảng 3 hoặc 4 năm trước. Ông là đối tác của nhà máy và là một trong nhiều nhà xuất khẩu lo lắng về việc kinh doanh.
“Các thiết bị điện của chúng tôi bán rẻ như bắp cải,” ông nói thêm. “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm 1 hoặc 2 năm nữa, chúng tôi sẽ phải chuyển nghề.”
Số liệu mới nhất cho thấy xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng Ba, thấp hơn dự kiến. Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố ngày 12/4, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I là 1.431,3 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu trong tháng Ba là 500,81 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng Tám năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng giảm 14,6 điểm phần trăm so với 2 tháng trước đó; nhập khẩu giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 5,4 điểm phần trăm. Dữ liệu xuất nhập khẩu ảm đạm làm giảm hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững sau đại dịch.
Do dư thừa sản lượng tại Trung Quốc, các nhà sản xuất có trình độ kỹ thuật thấp hơn, rơi vào cuộc chiến về giá để tranh giành thị phần, giá thành sản phẩm ngày càng bị đẩy xuống thấp, các nhà máy rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài. Hiện đang có một tâm trạng u ám tại Hội chợ Quảng Châu đang diễn ra.
Ở một góc độ khác, điều này cũng có nghĩa là sức mạnh định giá của các công ty Trung Quốc trong và ngoài nước đang suy yếu, đồng thời áp lực lên tỷ suất lợi nhuận ngày càng tăng. Dự kiến dữ liệu tài chính công nghiệp tháng Ba được công bố vào cuối tháng Tư sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trước khi Hội chợ Quảng Châu bắt đầu, Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Hồng Kông, nói với Reuters rằng từ khóa của Hội chợ Quảng Châu năm nay sẽ là “giá thấp”. Ông nói: “Với nhu cầu hàng hóa nội địa của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với bình thường và hầu hết các ngành công nghiệp đều dư thừa sản lượng nghiêm trọng, các nhà sản xuất phải giảm giá để có thể xuất khẩu nhiều hơn”.
Một số người tham dự hội chợ cho biết, họ cảm thấy hoạt động kinh doanh chậm chạp. “Vào ngày đầu tiên của [hội chợ] năm ngoái, tôi đã nhận được hơn 10 yêu cầu chào giá, nhưng hôm nay tôi chỉ nhận được 3 tấm danh thiếp,” Lois Zhang, giám đốc bán hàng của Enping Shuangyi Electronic Industry Limited, công ty sản xuất loa và thiết bị âm thanh, micro, cho biết.
Giám đốc một nhà sản xuất máy sưởi ngoài trời ở tỉnh Giang Tô cho biết ông không đặt nhiều hy vọng vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, nơi tập trung hầu hết khách hàng của ông.
Ông Fan, người chỉ tiết lộ họ của mình cho biết: “Năm nay, đơn đặt hàng từ một trong những khách hàng lớn của chúng tôi đã giảm 25% so với năm ngoái, trong khi các khách hàng khác vẫn chưa quyết định có tiếp tục đặt hàng hay không”.
Ông nói rằng khách hàng của ông vẫn đang giảm lượng hàng tồn kho, ông hy vọng đơn hàng của họ sẽ tăng vào cuối năm nay.
Khả năng gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và Châu Âu cũng là một mối lo ngại lớn. Cựu Tổng thống Mỹ Trump cho biết nếu đắc cử vào Nhà Trắng, ông sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Pan Feng, giám đốc bán hàng của Jiangmen Jinhuan Electric, nhà sản xuất máy sấy quần áo, cho biết: “Dù là Biden hay Trump, thì họ đều mang đến cho mọi người linh cảm về sự bất ổn”.
Ông Thái Thận Khôn, nhà bình luận tài chính kỳ cựu, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do ngày 19/3 rằng do tác động của môi trường chung và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc, lợi nhuận từ hàng xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng thấp: “Cạnh tranh trong Thị trường quốc tế dẫn đến giá cả ngày càng giảm. Cùng với sự thay đổi của tỷ giá hối đoái, hoạt động xuất khẩu ngày càng trở nên khó khăn. Ngày nay, các công ty vẫn có thể có được một số doanh thu nhờ xuất khẩu, nhưng nhiều công ty trong nước không có doanh thu và không thể tồn tại ở mức đó.”
Ông cho rằng khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, tình hình hàng xuất khẩu sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi Mỹ và các nước phương Tây khác tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, từ đó ngăn chặn tình trạng xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc.
Từ khóa đầu tư nước ngoài Dòng sự kiện Lý Cường Hội chợ Quảng Châu Hội chợ Canton kinh tế Trung quốc