TQ: Huyền thoại ngành dệt may Chiết Giang tự tử
- Trần Tĩnh
- •
Trong bối cảnh ngành dệt may Trung Quốc đang sụp đổ như một chuỗi hiệu ứng domino, thì “gậy thuế quan” của Mỹ lại càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Ngành dệt may từng là trụ cột quan trọng nâng đỡ danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, nay đã rơi vào cảnh thê lương, tiếng khóc than khắp nơi.
Từ nửa cuối năm 2024, tiếng chuông phá sản vang lên liên tục:
- Tháng 9/2024, Công ty TNHH Dệt kim Khoa Kiều Thư Mạn, tọa lạc tại thành phố Thiệu Hưng – trung tâm dệt may của tỉnh Chiết Giang, tuyên bố phá sản; cùng ngày, một doanh nghiệp liên quan là Công ty TNHH Dệt Khoa Kiều Tân Nhàn cũng đi đến hồi kết.
- Tháng 11/2024, công ty Dệt May Vạn Doanh Thiệu Hưng bước vào giai đoạn thanh lý phá sản.
- Và đến ngày 16/4/2025, Chủ tịch công ty TNHH dệt kim Kim Điểm Tử Thiệu Hưng – ông Tất Quang Quân – đã nhảy lầu tự tử.
Có thể nói rằng chuỗi sự kiện sụp đổ doanh nghiệp và khủng hoảng lãnh đạo này là những tai nạn riêng lẻ, không hề liên quan đến nhau sao?
Tất nhiên là không đơn giản như vậy. Đây không phải là thất bại của một doanh nghiệp riêng lẻ, mà là sự sụp đổ có tính hệ thống của cả chuỗi ngành. Giá nguyên liệu thô tăng vọt, đơn hàng ồ ạt chảy ra nước ngoài, xuất khẩu bị cản trở, khó khăn trong việc vay vốn, nhu cầu nội địa suy giảm, cùng với môi trường bên ngoài đầy bất ổn (đặc biệt là căng thẳng thương mại Trung – Mỹ và thị trường Âu – Mỹ thu hẹp), tất cả khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không còn đường xoay sở.
Kỳ thực trong hoàn cảnh như vậy, không ai là người ngoài cuộc, tất cả đều ở trong cuộc.
Ngành dệt may từng là một trong những ngành tạo ra nhiều việc làm nhất, nay đường sống ấy đang bị cắt đứt. Trong ngành này có câu nói truyền miệng: “Một máy dệt ngừng, trăm người rầu 3 ngày”. Nhưng hiện tại, là hàng chục ngàn máy dệt đồng loạt ngừng chạy – người lo không chỉ là công nhân, mà còn là cả một thành phố, thậm chí là cả Trung Quốc.
Và câu hỏi lớn nhất là: Liệu cơn bão ngành nghề này này chỉ giới hạn ở ngành dệt may? Hay đây chỉ là tín hiệu cảnh báo “phần nổi của tảng băng trôi” trong nền kinh tế Trung Quốc?
127 phút cuối cùng của sự lưỡng lự
Đối mặt với chuỗi phá sản liên hoàn, những lựa chọn cực đoan và sự sụp đổ của cả một ngành công nghiệp, cần phải tự hỏi: Việc ông Tất Quang Quân nhảy lầu thật sự “không liên quan đến tình hình kinh doanh của công ty” sao? Hay nói cách khác, liệu có thể giả vờ rằng tất cả những chuyện này chỉ là những sự kiện ngẫu nhiên?
Theo cáo phó của nhóm lo hậu sự cho ông Tất Quang Quân, Chủ tịch Công ty Công nghệ dệt Kim Điểm Tử Thiệu Hưng qua đời vào ngày 16/4/2025, hưởng dương 56 tuổi, do “bị trầm cảm kéo dài”. Liệu đây có phải là lời giải thích chính thức, đã được thống nhất từ chính quyền?
Theo báo cáo của tài khoản “Nhuệ Giải Chi Lạc” trên trang Wangyi, dựa trên hình ảnh từ camera giám sát, vào khoảng 6:00 sáng, ông Tất Quang Quân đã nhảy từ tầng 28 xuống. Trước khi nhảy lầu, ông đã một mình lặng lẽ đi lại trên sân thượng suốt 127 phút. Dưới chân ông, rải rác 23 đầu mẩu thuốc lá.
127 phút đó, lẽ ra là khoảng thời gian cuối cùng ông có thể được cứu sống – nhưng dường như chẳng ai để ý đến ông vào thời điểm đó. Trong số di vật của ông, có một bức thư để lại cho đứa con trai mắc chứng tự kỷ: “Bố đã cố gắng hết sức rồi, số tiền còn lại chắc là đủ để con vẽ tranh cả đời.”
Tất Quang Quân: Từ 3 chiếc máy cũ đến doanh thu 10 tỷ – một huyền thoại rực lửa trong giới doanh nhân Chiết Giang
Trong giới doanh nhân Chiết Giang, câu chuyện khởi nghiệp của ông Tất Quang Quân gần như được xem là một huyền thoại mang tính sách giáo khoa. Ông không phải con nhà giàu, cũng chẳng có bất kỳ hậu thuẫn nào phía sau – thứ ông có chỉ là một ý chí “liều mạng” đầy kiên cường. Từng bước một, ông leo lên từ đáy của ngành dệt may để xây dựng vương quốc riêng của mình.
Quay về thập niên 1990, khi đó ông bắt đầu sự nghiệp chỉ với 3 chiếc máy cũ, khởi nghiệp từ một thị trấn nhỏ không có tiếng tăm ở Thiệu Hưng. Ban ngày ông chạy khắp nơi tìm đơn hàng đến mức mòn cả 3 đôi giày, ban đêm thì ngủ lại xưởng, lấy vải vụn làm chăn để giữ ấm. Không ai tin ông sẽ thành công, nhưng ông chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Bước ngoặt thật sự đến từ một lần khảo sát thị trường. Ông nhạy bén nhận ra rằng các loại vải trên thị trường khi đó quá đơn điệu, thiếu những màu sắc nổi bật bắt mắt. Ngay lập tức, ông cược toàn bộ số tiền tích cóp được để phát triển 19 tông màu vải “hot trend” cực kỳ thu hút, và kết quả là sản phẩm cháy hàng. Chỉ trong một năm, ông đã lãi ròng 5 triệu tệ, cũng từ đó mà có biệt danh “Kim Điểm Tử” (những ý tưởng vàng).
Dựa vào tinh thần “làm đến cùng”, ông từng bước mở rộng xưởng nhỏ thành một doanh nghiệp mang tầm quốc tế.
Đến năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, các doanh nghiệp đồng ngành thi nhau sa thải nhân sự, thu hẹp quy mô để sống sót. Còn ông thì kiên quyết nói với nhân viên: “Một người cũng không cắt giảm!” Ông chọn cách tối ưu hóa quy trình, cắt giảm lãng phí và nhờ cải cách nội bộ mà vượt qua được mùa đông lạnh giá nhất.
Vào thời kỳ đỉnh cao, ông Tất Quang Quân sở hữu 21 doanh nghiệp, hơn 20 bằng sáng chế, doanh thu hàng năm vượt mốc 1 tỷ Nhân dân tệ. Sản phẩm của ông không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa, mà còn vươn ra thế giới – ARMANI, ZARA, thậm chí nhiều thương hiệu xa xỉ tại châu Âu cũng chủ động tìm đến hợp tác.
Thời đó, ông là người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trong ngành dệt Thiệu Hưng, và là biểu tượng tinh thần của vô số người khởi nghiệp tay trắng.
Một con người kiên cường đến vậy, mà cuối cùng vẫn không thể giữ được mạng sống của chính mình. Thật là đau xót!
Một vụ lừa đảo được dàn dựng công phu, đã hoàn toàn đánh gục “vua vải” này?
Không ai có thể ngờ rằng nhân vật huyền thoại trong ngành dệt may với 30 năm lăn lộn, lại bị một vụ lừa đảo quốc tế đầy mưu mô đánh gục chỉ trong một đòn chí mạng.
Vào đầu năm 2024, một “đơn hàng lớn” từ trên trời rơi xuống đã hoàn toàn thay đổi vận mệnh của ông Tất Quang Quân. Một khách hàng tự xưng đến từ hoàng gia Trung Đông chủ động liên hệ với ông, đưa ra đơn đặt hàng vải cao cấp lên đến 50 triệu mét, giá trị cực kỳ khủng khiếp, còn tuyên bố rằng đây là dự án của hoàng gia nên cần được tuyệt đối giữ bí mật. Để thể hiện sự thành ý, đối phương thậm chí còn sắp xếp cho ông đến tận Dubai để tham quan cái gọi là “văn phòng hoàng gia”.
Tất cả mọi thứ đều trông vô cùng chân thật, không một kẽ hở. Từ tờ khai hải quan giả mạo, quy trình giấy tờ chuyên nghiệp, đến cả cuộc họp video giả mạo bằng công nghệ AI thay đổi khuôn mặt — khiến ông có thể gặp gỡ trực tiếp “đại diện hoàng gia”. Đối phương thậm chí còn cho xuất hiện một “quan chức hải quan nước Pháp” để tiến hành thủ tục kiểm duyệt, nhưng trên thực tế, tất cả chỉ là diễn viên đóng giả.
Đón tiếp bằng Rolls-Royce, nghỉ tại khách sạn năm sao, vẻ ngoài vô cùng hào nhoáng, nhưng thực chất tất cả chỉ là đạo cụ thuê từ công ty tổ chức tiệc cưới. Điều đáng giận nhất là hàng chục triệu tiền đặt cọc đã được chuyển qua các đường dây tài chính ngầm, cuối cùng chảy vào nhiều tài khoản tiền ảo ở nước ngoài và hoàn toàn biến mất.
Khi ông Tất Quang Quân cuối cùng nhận ra điều bất thường, thì toàn bộ vở kịch đã hạ màn. “Văn phòng hoàng gia” kia thực chất chỉ là không gian thuê ngắn hạn, các diễn viên đã sớm biến mất không dấu vết, tất cả các phương thức liên lạc cũng bặt vô âm tín chỉ sau một đêm.
Thiệt hại từ vụ lừa đảo này tương đương với toàn bộ tài sản mà ông đã tích lũy suốt 30 năm làm việc, ông đã trắng tay chỉ sau một đêm. Có người nói đây là một vụ lừa đảo quốc tế, nhưng người nước ngoài sao có thể hiểu rõ đến thế về một doanh nhân Trung Quốc? Theo kinh nghiệm trước đây, kẻ lừa đảo rất có thể lại chính là đồng bào Trung Quốc. Có vụ lừa đảo nào mà phía sau lại thiếu bóng dáng lời nguyền rủa “người Trung Quốc lừa người Trung Quốc”?
Có người thương cảm cho bi kịch của ông Tất Quang Quân, không phải chỉ một câu “không nghĩ thông suốt” là có thể khái quát được. Cũng có người nói, ngay cả ông Hứa Gia Ấn (của tập đoàn bất động sản Evergrande) còn chưa tự sát, thì ông Tất Quang Quân thật quá yếu đuối. Có lẽ trước chiến tranh thuế quan, ngành xuất khẩu vẫn còn chút hy vọng cuối cùng, nhưng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối đàm phán với Mỹ và chọn cách đối đầu cứng rắn, thì với ngành dệt may vốn đã đầy thương tích như của ông Tất Quang Quân, không còn chút hy vọng nào nữa.
Liệu ông Tất Quang Quân thật sự không còn hy vọng sống sót ư? Vì sao khi ông tuyệt vọng, không có một bàn tay nào dang ra bảo vệ ông? Ai đã dập tắt mọi tia hy vọng sống còn của ông? Đây có lẽ là câu hỏi cuối cùng mà ông để lại cho tất cả cùng suy ngẫm.
Trần Tĩnh, Vision Times
Từ khóa kinh tế Trung quốc chiến tranh thương mại Mỹ Trung Ngành dệt may Trung Quốc Thuế quan Mỹ
