TQ lần đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 tự nghiên cứu
Thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin trị viêm phổi Vũ Hán (còn gọi là viêm phổi Trung Cộng, viêm phổi virus corona mới, COVID-19) do quân đội Trung Quốc nghiên cứu phát triển đã lần đầu áp dụng cho nhóm 108 tình nguyện viên đầu tiên ở Vũ Hán.
Gần đây nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa tin, hôm 16/3/2020, nhóm nghiên cứu vắc-xin ngừa viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc dưới sự phụ trách của nhà khoa học Trần Vi (Chen Wei) – chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về phòng chống vũ khí sinh hóa, công tác tại Viện Quân y Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, đã được chấp thuận cho ra mắt thử nghiệm lâm sàng vắc-xin. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin này.
Hôm 18/3/2020, tại họp báo lần thứ 46 về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tổ chức ở thành phố Quảng Châu, ông Chung Nam Sơn, lãnh đạo nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết rằng vắc-xin là giải pháp cơ bản cho viêm phổi Vũ Hán.
Ngày 21/3/2020, vắc-xin mới do Trung Quốc nghiên cứu phát triển đã được tiêm cho nhóm tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Nhóm tình nguyện viên đầu tiên có 108 người, được chia thành nhóm liều thấp, nhóm liều trung bình và nhóm liều cao, mỗi nhóm có 36 người. Họ sẽ được theo dõi cách ly trong 14 ngày sau khi tiêm. Giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng là từ ngày 16/3/2020 đến ngày 31/12/2020, để xác minh tính an toàn của vắc-xin ở người, đồng thời xem có phản ứng bất lợi nào không.
Tờ Vision Times (tiếng Trung) dẫn nguồn tin từ Trung tâm Đăng ký Thử nghiệm Lâm sàng Trung Quốc (Chictr) chỉ ra, tổ chức phụ trách nghiên cứu này là Ban Kỹ thuật Sinh học của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc và công ty sinh học CanSino Bio-B. Thử nghiệm để kiểm tra đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin. Theo thông tin, 108 tình nguyện viên độ tuổi từ 18 đến 60 cho thử nghiệm lâm sàng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán giai đoạn đầu chỉ giới hạn người thường trú tại Vũ Hán; trong đó ưu tiên người dân ở các địa bàn Vũ Xương, Hồng Sơn và khu vực thắng cảnh Đông Hồ. Do yêu cầu nhất định về tố chất cơ thể, sau khi sàng lọc và kiểm tra thể chất mới chọn tình nguyện viên đủ điều kiện cho tiêm vắc-xin. Trong 14 ngày sau khi tiêm là khoảng thời gian cách ly quan sát. Trong vòng 6 tháng sau khi tiêm vắc-xin, đội ngũ y tế sẽ thường xuyên theo dõi các tình nguyện viên để xem có phản ứng bất lợi nào không và xem cơ thể họ có sinh ra dạng kháng thể giống như protein S không.
Về phản ứng bước đầu, tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) dẫn lời của một tình nguyện viên là Trần Khải (Chen Kai) số 011, cho biết: “(Sau khi tiêm), cơ thể tôi có một số phản ứng. Vào buổi sáng khi thức dậy tôi cảm thấy cơ bắp hai bên mông bị đau, lúc đầu tôi nghĩ chắc là vì tôi không quen giường ngủ phản cứng, nhưng khi tôi mở điện thoại và nhìn vào nhiệt kế điện tử thì thấy hơn 37℃, nghĩ rằng cơ thể đã phản ứng với vắc-xin.”
Tình nguyện viên Trần Khải cho biết mỗi tình nguyện viên có một nhiệt kế điện tử được gắn vào nách bằng băng dính hai mặt, và ứng dụng liên kết trên điện thoại có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể của anh liên tục trong thời gian thực. Tình nguyện viên này cũng cho biết anh đã liên lạc với các tình nguyện viên khác trong nhóm và được biết nhiều người trong nhóm được tiêm vắc-xin cũng thấy có hiện tượng tương tự.
Đáng chú ý là cùng với thông tin về nhà khoa học Trần Vi nghiên cứu phát triển vắc-xin viêm phổi Vũ Hán, cư dân mạng internet Trung Quốc cũng đăng kèm hình ảnh lọ vắc-xin với bao bì lọ ghi ngày sản xuất vắc-xin là ngày 26/2/2020 và thời hạn hiệu lực là ngày 25/2/2022. Thông tin này đã khiến nhiều người chỉ ra thời gian sớm nhất sản xuất loại loại vắc-xin này chí ít cũng trước ngày 26/2.
(Ghi chú của biên tập viên: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa 2019-nCoV COVID-19 SARS-CoV-2 Vắc xin COVID-19 virus Trung Cộng Vắc-xin viêm phổi Vũ Hán Vắc-xin virus corona virus corona viêm phổi Vũ Hán