Gần đây, số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc Đại Lục tăng mạnh từng ngày, trong đó nặng nhất là Thành phố Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm.

p3122741a896614729
Có thông tin cho rằng Thượng Hải đã huy động “dân quân” để hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát và phong tỏa, sau khi tin tức được tiết lộ đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (Nguồn ảnh: Weibo)

Theo báo cáo chính thức từ chính quyền Trung Quốc, hôm 30/3 toàn Trung Quốc có 8.454 ca nhiễm (gồm có và không có triệu chứng). So với 8.655 ca nhiễm của ngày hôm trước (29/3), thì  2 ngày liên tiếp đã có hơn 8.000 ca nhiễm/ngày.

Trong đó, nặng nhất vẫn là tỉnh Cát Lâm và thành phố Thượng Hải. Hôm 30/3, tỉnh Cát Lâm có 1.340 ca nhiễm có triệu chứng và 835 không triệu chứng, tổng số là 2.175 ca; thành phố Thượng Hải có 355 ca có triệu chứng và 5.298 ca không có triệu chứng, tổng số là 5.653 ca. Hôm 29/3, chỉ riêng Thượng Hải đã có 5.982 ca nhiễm mới, lập kỷ lục mới về số ca cao nhất của thành phố trong đợt dịch này. Do chính quyền Trung Quốc có lịch sử che giấu sự thật về đại dịch, nên nhiều người tin rằng các số liệu chính thức không phản ánh đúng tình hình thực tế.

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải có chiều hướng mất kiểm soát, chính quyền áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phong tỏa cực đoan khiến cho người dân khốn đốn.

Tại cuộc họp báo về vào ngày 31/3 về công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại Thượng Hải, ông Mã Xuân Lôi (Ma Chunlei), Phó Tổng thư ký Ủy ban Thành ủy Thượng Hải và là Tổng thư ký của chính quyền thành phố, cho biết rằng số người nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian gần đây và tình hình dịch bệnh lây lan tương đối rộng ở một số khu vực như Phố Đông. Chính quyền Thượng Hải nhận thức chưa đầy đủ về tính lây lan mạnh của chủng virus Omicron, đã không chuẩn bị đầy đủ cho tình huống số người lây nhiễm tăng nhanh. Đồng thời, một số biện pháp phòng, chống dịch chưa được chấp hành chưa đến nơi đến chốn, thực hiện chưa chu đáo, có nơi phong tỏa nhưng lại đảm không chu toàn cho sinh hoạt của nhân dân.

Ông Mã Xuân Lôi cũng cho biết, đợt xét nghiệm sàng lọc ở Phố Đông, Phố Nam và các khu vực lân cận sắp kết thúc. Từ ngày 1/4, quá trình xét nghiệm axit nucleic để sàng lọc người lây nhiễm sẽ được triển khai toàn diện ở Phố Tây. Đợt xét nghiệm này liên quan đến 16 triệu người và có phạm vi kiểm soát rộng hơn, liên quan đến 12 quận.

Vào ngày 29/3, chính quyền thành phố thông báo, vào ngày 28/3 Thượng Hải đã khởi động phong tỏa quản lý nửa thành phố và xét nghiệm axit nucleic. Ông Ô Kinh Lôi, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Thượng Hải, nhấn mạnh rằng nếu không có việc cần thiết thì không nên đến và rời Thượng Hải. Số ca nhiễm COVID-19 ở Thượng Hải đang tăng lên và số ca nhiễm tại địa phương tích lũy trong tháng 3 đã vượt quá 20.000 ca.

Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngày 31/3, thành phố Thượng Hải đã tạm dừng một số dịch vụ điều trị y tế ở 16 cơ sở y tế.

(Nội dung tweet: Trong bệnh viện Fangcai ở Thượng Hải còn mang nhân viên điều dưỡng ‘ngủm’ ra ngoài rất đáng sợ, tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải lan rộng rất nghiêm trọng.) 

(Video: Cư dân ở Thượng Hải cầm micro và hô lớn: “Chúng tôi muốn ăn, chúng tôi muốn đi làm , chúng tôi có quyền được biết, chúng tôi muốn ủy ban khu phố đến để giải quyết vấn đề, chúng tôi muốn tự do.”)

Nghi ngờ chuyên gia chống dịch Trương Văn Hồng bị miễn nhiệm chức vụ

Ông Trương Văn Hồng, trưởng nhóm “Chuyên gia điều trị bệnh viêm phổi do virus corona mới” của Thượng Hải, đã “biến mất” trong nhiều ngày liên tiếp.

Vào ngày 28/3, khi Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố Thượng Hải báo cáo về dịch bệnh vào ngày hôm trước, ông Ô Kinh Lôi đã có thêm chức danh “Trưởng nhóm Điều trị y tế thuộc Tiểu tổ lãnh đạo Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Thượng Hải”, và lần đầu xuất hiện cách nói “Nhóm điều trị y tế thuộc Tiểu tổ” này.

Trước đó, có “Nhóm chuyên gia điều trị bệnh viêm phổi virus corona mới Thượng Hải“, và trưởng nhóm chuyên gia là ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong).

Vào ngày 24 và 25/3, khi Thượng Hải chính thức công bố dịch, ông Trương Văn Hồng vẫn xuất hiện với tư cách là trưởng nhóm chuyên gia, nhưng từ khi ông Ô Kinh Lôi được trao chức vụ “Trưởng nhóm điều trị” vào ngày 28/3, sau đó không còn thấy bóng dáng của ông Trương Văn Hồng nữa.

Chuyên gia Trung Quốc Hoành Hà cho biết trong chương trình video của mình, rằng có vẻ như chức vụ của ông Trương Văn Hồng đã thực sự được thay thế bởi ông Ô Kinh Lôi. Chuyên ngành của ông Ô là tim mạch nhi khoa và chăm sóc đặc biệt, nhưng ông ấy đã là một quan chức hành chính từ năm 2004 khi giữ chức vụ Giám đốc Văn phòng Quản lý Bệnh viện Phúc Đán, từng giữ chức Phó Bí thư đảng ủy Cục Y tế Thượng Hải và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Thượng Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Thượng Hải. Đây là bổ nhiệm chính trị, dùng lãnh đạo của đảng để thay thế chuyên gia. Điều này cho thấy mô hình phòng chống dịch bệnh của Thượng Hải có khả năng thay đổi từ một mô hình “phòng ngừa và kiểm soát chính xác” sang tiếp cận với chính sách “zero COVID động” bằng mô hình phong tỏa áp dụng trên khắp Trung Quốc.

Ông Trương Văn Hồng luôn là một nhân vật có thẩm quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh của Thượng Hải, thường thay mặt chính quyền thành phố phát biểu ý kiến ​​về công tác phòng chống dịch. Sáng sớm ngày 29/7/2021, vào thời điểm quan trọng của dịch bệnh ở Nam Kinh, ông Trương đã đăng một bài viết nói rằng cần “tồn tại hài hòa với virus”. Sau đó, ông bị chỉ trích bởi một nhóm nhân vật có bối cảnh liên quan đến chính quyền như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Cao Cường. Sau đó có thông tin cho rằng ông đã bị chỉnh đốn.

Ngày 30/3, tờ Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) tại Hồng Kông đưa tin, sự thay đổi trong cuộc họp báo về dịch bệnh ở Thượng Hải khiến phe “cánh tả” phấn khích và coi đây là một “tín hiệu”.

Bản tin cho biết, sau khi bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải, trên mạng ở Đại Lục đã xuất hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào ê kíp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Thượng Hải, đặc biệt là ông Ô Kinh Lôi (Chủ nhiệm Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải), ông Trương Văn Hồng (Trưởng nhóm Chuyên gia Y tế điều trị bệnh viêm phổi virus corona mới Thượng Hải), bà Ngô Phàm (thành viên nhóm chuyên gia thuộc Tiểu tổ lãnh đạo Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Thượng Hải), họ đã bị chỉ trích theo nhiều cách khác nhau, và yêu cầu chính quyền “cách chức”, “cấm phát ngôn”, thậm chí là “bắt giữ”.

Bản tin dẫn lời ông Hạng Lập Cương (Xiang Ligang), người sáng lập CCTIME và có lập trường cánh tả, cho biết kể từ khi dịch bùng phát, đã có một cuộc đấu tranh giữa “2 đường lối” ở Trung Quốc. Một là tuân thủ tính chính xác khoa học và “zero COVID động”; một đường lối khác là “tư bản mại bản” (sống chung với COVID).

Trí Đạt (t/h)