Tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bùng phát 23 chủng bệnh truyền nhiễm, dịch tả lợn bùng phát ở nhiều nơi, nghi ngờ có liên quan đến cúm gia cầm H5N1. Số ca tử vong đột ngột tăng vọt trên khắp Trung Quốc, làm dấy lên câu hỏi liệu cúm gia cầm có đang lan rộng ở Trung Quốc hay không.

Ngày 26/3, Ủy ban Y tế tỉnh Sơn Đông báo cáo, từ ngày 1/2 – 28/2 năm nay, tổng cộng 23 bệnh truyền nhiễm theo quy định đã được báo cáo trên toàn tỉnh, với gần 60.000 người nhiễm bệnh và 22 người tử vong.

Trong đó, 12 bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm: Viêm phổi truyền nhiễm không điển hình, bại liệt, nhiễm trùng cúm gia cầm ở người, bệnh dại, viêm não Nhật Bản, bệnh than, viêm màng não, bệnh bạch hầu, uốn ván sơ sinh, bệnh xoắn khuẩn vàng da (leptospirosis), bệnh sán máng và nhiễm trùng cúm gia cầm H7N9 ở người, tổng cộng 16.000 người được báo cáo. Ba căn bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất được báo cáo là viêm gan siêu vi, bệnh lao và bệnh giang mai.

11 bệnh truyền nhiễm loại C bao gồm: Sốt phát ban, sốt rét, bệnh sán dây, bệnh giun chỉ, cúm, tiêu chảy truyền nhiễm, quai bị, v.v., tổng cộng 44.000 người được báo cáo. Ba căn bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất được báo cáo là cúm, tiêu chảy truyền nhiễm và quai bị.

Ngày 25/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc báo cáo rằng tổng cộng 1.898.332 người mắc bệnh truyền nhiễm theo luật định đã được báo cáo trên toàn quốc, với 1.964 người tử vong. Vì Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn che giấu sự thật, nên ngoại giới nghi ngờ rằng dữ liệu thực tế có thể cao hơn.

Báo cáo trên không đề cập đến virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nhưng theo phản hồi từ người dân, dịch bệnh bùng phát vào cuối năm 2019 vẫn đang lây lan ở Trung Quốc.

Các ca tử vong đột ngột như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não do di chứng của dịch bệnh vẫn thường gặp. Gần đây, số ca tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân tăng mạnh, bệnh viện quá tải, nhà hỏa táng cũng quá tải.

Giới chức thừa nhận dịch cúm gia cầm ở người

Vào tháng Hai, một làn sóng dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc Đại Lục. CDC Trung Quốc tuyên bố, 99% tỷ lệ dương tính là cúm A, nhưng một số CDC địa phương cũng nhắc nhở rằng đó là COVID-19. Ngoài ra, phát hiện cúm gia cầm H5N1 ở người đã xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là Sơn Tây, nơi có nhiều ca nhiễm và tử vong.

Báo cáo giám sát cúm hàng tuần của CDC Trung Quốc trong tuần thứ 5 năm 2025 (từ ngày 27/1 – ngày 2/2) cho thấy ILI (bệnh giống cúm) được các bệnh viện trọng điểm ở các tỉnh phía Nam báo cáo là 7,4%, cao hơn mức của tuần trước (5,2%). Báo cáo cũng nêu rõ rằng 99,4% tỷ lệ dương tính ở cả miền Nam và miền Bắc là cúm A (H1N1), một số trường hợp là cúm A (H3N2).

Các quan chức ĐCSTQ nhiều lần che giấu sự bùng phát của dịch cúm gia cầm ở người, nhưng sau đó họ không thể che giấu được nữa và phải thừa nhận trong thông báo dịch bệnh. Bệnh viện cũng treo các biển báo liên quan, yêu cầu những bệnh nhân bị nhiễm bệnh khai báo liệu họ có tiếp xúc với gia cầm trong 10 ngày qua hay không.

Ngày 27/2, tài khoản Weibo chính thức của tờ Bắc Kinh Nhật báo đưa tin về thông báo do nhóm CDC thuộc cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Quốc vụ viện ĐCSTQ ban hành, nêu rõ “tất cả các địa phương đã triển khai trước công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh vào mùa xuân”“tất cả các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính và giám sát đa kênh đối với COVID-19.

Ngoài việc nêu rõ rằng các đợt bùng phát tập trung đã xảy ra ở các khu vực và địa phương”, thông báo còn thừa nhận sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới như bệnh đậu mùa khỉ và cúm gia cầm. Tuy nhiên, chính quyền vẫn khẳng định rằng dịch bệnh đang ở “tình trạng rải rác và tỷ lệ mắc thấp”.

Ở Thượng Hải, các bệnh viện yêu cầu bệnh nhân báo cáo tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Một bệnh nhân ở Thượng Hải đăng tải thông tin tiết lộ, ngày 16/2, khi đến bệnh viện cấp cứu, anh thấy một biển báo trong bệnh viện, yêu cầu phải thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu xảy ra bất kỳ tình huống sau đây: Tiền sử tiếp xúc với gia cầm trong vòng 10 ngày, tiền sử đi du lịch đến Trung Đông trong vòng 14 ngày, tiền sử đi du lịch đến Đông Nam Á trong vòng 14 ngày, tiền sử bị muỗi đốt và tiền sử tiếp xúc với các trường hợp nhiễm COVID-19 và tiền sử đi du lịch nước ngoài.

Một cư dân mạng ở Nam Ninh, Quảng Tây tiết lộ, một người nhiễm cúm gia cầm từ người sang người đã xảy ra tại một bệnh viện địa phương, hơn nữa một bệnh nhân như vậy đã được điều trị.

Dịch tả lợn chưa rõ nguyên nhân có thể liên quan đến cúm gia cầm H5N1

Gần đây, dịch tả lợn châu Phi chưa rõ nguyên nhân đã bùng phát ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Người tố giác tiết lộ trên mạng xã hội rằng đợt dịch tả lợn này có thể liên quan đến cúm gia cầm H5N1.

p3632851a363606296
Trung Quốc đang bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở nhiều nơi. (Ảnh chụp màn hình Douyin)

Các chuyên gia cho biết, lợn dễ mắc nhiều loại virus cúm gia cầm, sau đó lại hoạt động như “lò ấp”, khiến virus cúm gia cầm và virus dịch tả lợn kết hợp, gây hại lớn hơn cho con người.

Truyền thông nước ngoài đưa tin, Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc, cựu nghiên cứu viên về virus học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, chỉ ra rằng các tế bào hô hấp của lợn chứa cả thụ thể ở lợn và người có thể lây nhiễm virus cúm, khiến chúng trở thành môi trường tốt. Do đó, một khi lợn bị nhiễm virus, nó sẽ nhanh chóng lây nhiễm sang người.

Ông cho biết: “Nếu cúm gia cầm độc lực cao, dù là H5N1, H5N6 hay một số loại cúm gia cầm độc lực cao H7N9 lây nhiễm sang người, thì tất nhiên mức độ gây bệnh sẽ tăng lên và bệnh sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Một tài liệu nội bộ bị rò rỉ gần đây có tiêu đề “Báo cáo của CDC Quốc gia về động thái của các biến thể H5N1 và phân tích các biện pháp ứng phó cho các trường tiểu học và trung học tại Bắc Kinh và Thượng Hải” tiết lộ, biến thể H5N1 có một đột biến mới trong gen protein hemagglutinin (HA).

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy, khả năng liên kết với tế bào động vật có vú của nó được tăng cường và nguy cơ lây truyền từ người sang người tăng từ thấp lên trung bình.

Ngày 24/3, Reuters đưa tin, dữ liệu do Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thu thập cho thấy, cúm gia cầm độc lực cao đang lây lan ngày càng nhiều sang các loài động vật có vú và lợn, chó của Trung Quốc nằm trong danh sách các loài động vật bị nhiễm cúm gia cầm ở nhiều quốc gia.