Trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, 40 ngân hàng nhỏ của Trung Quốc biến mất do bị các ngân hàng lớn hơn thâu tóm hoặc giải thể. Điều này liên quan đến các yếu tố như tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian qua, khả năng kiểm soát rủi ro kém và sự suy thoái của thị trường bất động sản. Điều đáng lo ngại hơn nữa, đây là dấu hiệu của những vấn đề trong hệ thống tài chính.

nhan dan te
(Nguồn: Frame China/ Shutterstock)

Trong số những ngân hàng đó, Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Ninh được chấp thuận sáp nhập 36 tổ chức ngân hàng vừa và nhỏ ở nông thôn; Ngân hàng Dân sinh (Minsheng) mua lại 1 ngân hàng nông thôn và thành lập chi nhánh; Ngân hàng Thương mại Nông thôn Đông Quản sáp nhập 2 ngân hàng nông thôn.

Truyền thông Đại Lục đưa tin, những người trong ngành dự đoán rằng đến cuối năm 2024, số lượng pháp nhân độc lập trong các tổ chức tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục giảm và phần lớn các tổ chức rút lui sẽ là ngân hàng thương mại nông thôn, ngân hàng thôn trấn vừa và nhỏ.

Truyền thông ngoài Trung Quốc: Chưa từng thấy ngân hàng Trung Quốc biến mất nhanh đến vậy

Bài báo mới nhất trên The Economist cho rằng ngay cả khi cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở mức tồi tệ nhất, cũng chưa từng thấy các ngân hàng Trung Quốc chưa bao giờ biến mất với tốc độ nhanh như vậy.

Trong những năm qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã trải qua nhiều cái gọi là cải cách và hợp nhất đầy khó khăn. Kể từ năm 2019, một số ngân hàng cỡ vừa lần lượt sụp đổ, nhưng phức tạp và khó giải quyết nhất là các ngân hàng nhỏ ở nông thôn.

Có khoảng 3.800 ngân hàng nhỏ như vậy nằm rải rác khắp các vùng nông thôn của Trung Quốc. Họ có tài sản trị giá 55.000 tỷ nhân dân tệ (7.500 tỷ USD), chiếm 13% toàn bộ hệ thống ngân hàng, hơn nữa những ngân hàng nhỏ này từ lâu đã gặp vấn đề về quản lý yếu kém và tích lũy một số lượng lớn các khoản nợ xấu.

Nhiều ngân hàng nhỏ đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc khi cho các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương vay. Trong những năm gần đây, một số ngân hàng nhỏ tiết lộ rằng trong sổ sách của họ có tới 40% là nợ xấu.

“Dọn dẹp mớ hỗn độn này là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nhiều ngân hàng được thành lập để phục vụ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là ở những khu vực nghèo nhất Trung Quốc. Những ngân hàng từng sa lầy trong nợ độc hại hiện đang gặp khó khăn trong việc cung cấp các khoản vay mới cho doanh nghiệp, điều này có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp mong manh và tăng trưởng kinh tế địa phương,” báo cáo cho biết.

Điều khiến ĐCSTQ lo lắng nhất là sự phá sản của các ngân hàng nhỏ hoạt động kém sẽ đe dọa sự ổn định xã hội. Gian lận quy mô lớn tại các ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam đã khiến một số ngân hàng đóng băng việc rút tiền của người gửi tiền vào năm 2022, và cuối cùng người gửi tiền phải xuống đường kêu gọi giải quyết vấn đề. Chính quyền sau đó đã phái cảnh sát đến để duy trì ổn định và bắt giữ những người gửi tiền bảo vệ quyền lợi.

bieu tinh o Ha Nam
Vào ngày 25/6/2022, những người gửi tiền không thể rút tiền từ ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam đã đến Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Hà Nam để tố cáo quan chức không làm tròn trách nhiệm. Họ mong rằng sẽ không còn xảy ra những bi kịch không rút được tiền và mất người thân. (Ảnh do người trả lời phỏng vấn Epoch Times cung cấp)

Ngân hàng Trung Quốc đang đẩy nhanh việc giải thể trong khi thu hồi nợ

The Economist dự đoán rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp nhận và sáp nhập các ngân hàng nhỏ.

Theo ước tính của cơ quan xếp hạng S&P Global, việc hợp nhất các dự án như vậy sẽ mất một thập kỷ để hoàn thành. Nhưng điều này thường không xảy ra ở Trung Quốc. ĐCSTQ không có cơ chế cho phép các ngân hàng phá sản và rút khỏi thị trường. Vào tháng Sáu, dự thảo luật mang tên “Luật ổn định tài chính” đã được đưa ra tại phiên họp lập pháp ở Bắc Kinh, nhưng lại một lần nữa bị trì hoãn.

Báo cáo cho biết: “Sự kém cỏi như vậy hiện phổ biến trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại hơn nữa, các nhà kỹ trị sẽ cần phải làm nhiều việc hơn là vung cây đũa thần để giải quyết các vấn đề ở tận đáy hệ thống ngân hàng.”

Trên mạng, những người ủng hộ việc hợp nhất các ngân hàng nhỏ nói rằng việc có ít ngân hàng nhỏ hơn giúp cơ quan quản lý giám sát chúng dễ dàng hơn. Các nhà phê bình cho rằng đây không gì khác hơn là một thủ thuật che mắt. Họ nói rằng việc sáp nhập hàng chục ngân hàng xấu sẽ chỉ tạo ra những ngân hàng lớn hơn, tồi tệ hơn.

Trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, có người bình luận về thông tin 40 ngân hàng nhỏ sẽ sáp nhập trong một tuần: “Có phải bão đang đến?”

Một người tự truyền thông trong lĩnh vực tài chính cho rằng thị trường ngân hàng đang thanh khoản với tốc độ nhanh chóng.

“Gần đây các ngân hàng đang tuyển dụng những người đòi nợ chuyên nghiệp, trong khi các ngân hàng nhỏ đang bận rộn giải tán. Hơn 30 ngân hàng đang được sáp nhập và giải thể mỗi tháng. Việc tuyển dụng những người đòi nợ chuyên nghiệp có thể cho thấy ngày càng có nhiều người không trả tiền, còn việc các ngân hàng nhỏ đang bận rộn giải tán có thể chỉ ra rằng nợ xấu của ngân hàng đang ngày càng tăng…”, người này phân tích.