Hồi tháng Hai, tài khoản ngân hàng của Ou Yangyun (Trung Quốc) có hàng chục ngàn USD đã bị đóng băng, anh đã tới Trịnh Châu, Hà Nam biểu tình để yêu cầu bồi thường. Gia đình nghĩ anh chỉ đi 2 ngày rồi trở về nhà để đón Tết Nguyên đán, nhưng người chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trường Sa không bao giờ quay lại…

bieu tinh o Ha Nam
Vào ngày 25/6/2022, những người gửi tiền không thể rút tiền từ ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam đã đến Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Hà Nam để tố cáo quan chức không làm tròn trách nhiệm. Họ mong rằng sẽ không còn xảy ra những bi kịch không rút được tiền và mất người thân. (Ảnh do người trả lời phỏng vấn Epoch Times cung cấp)

 “Quây lưới lại!”

Reuters hôm 5/6 đưa tin, anh Ou (39 tuổi) và hàng chục nạn nhân khác trong vụ bê bối ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tụ tập bên ngoài một nhà ga xe lửa ở thủ phủ tỉnh Hà Nam. Video về cuộc biểu tình mà Reuters thu được cho thấy họ hô vang “Ngân hàng Hà Nam, trả lại tiền gửi của chúng tôi!”

Nhóm người biểu tình mặc áo khoác mùa đông đang đi biểu tình diễu hành trên đường, thế rồi một trong số những người đàn ông không rõ danh tính đi theo họ hét lên: “Quây lưới lại!”, ngay lập tức những người biểu tình bị đẩy lên chiếc xe buýt đưa đến đồn cảnh sát.

Hầu hết họ đều được thả sau nhiều ngày bị giam giữ, trong thời gian đó họ ăn thức ăn mốc meo và ngủ rất ít, nhưng anh Ou và 2 người gửi tiền bị lừa gạt khác vẫn tiếp tục bị cảnh sát Trịnh Châu giam giữ.

Thông tin này dựa trên việc Reuters xem xét đoạn phim về cuộc biểu tình, các thông báo bắt giữ chưa được tiết lộ trước đó, và các cuộc phỏng vấn với 5 nhân chứng trực tiếp, qua đó khám phá một trong những cuộc biểu tình về kinh tế vốn đang gia tăng ở Trung Quốc kể từ năm 2022: Khoảng thời gian này đã có hàng ngàn người Trung Quốc mất nhà cửa do khủng hoảng bất động sản, họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo đầu tư.

Nhân chứng giấu tên vì sợ bị trả thù

Văn phòng Công an thành phố Trịnh Châu, Sở Công an tỉnh Hà Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về những người bị giam giữ và cách đối xử với họ.

Tình cảnh khốn cùng của người gửi tiền bắt đầu khoảng 2 năm trước, khi đó khoảng 600.000 người mất tiền tiết kiệm trong vụ lừa đảo trị giá 4,2 tỷ USD liên quan đến 4 ngân hàng ở Hà Nam, làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định của những tổ chức cho vay tài chính ở nông thôn Trung Quốc.

Dự án China Dissent Monitor của tổ chức nhân quyền Freedom House có trụ sở tại Washington báo cáo rằng các cuộc biểu tình kinh tế trong quý 4/2023 đã tăng 127% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 805 cuộc. Chúng bao gồm các cuộc biểu tình của công nhân vì tiền lương chưa được trả; các cuộc biểu tình của người mua nhà vì căn hộ chưa được xây dựng; và các cuộc biểu tình của các nhà đầu tư và người về hưu đã bị lừa tiền.

CEO Andrew Collier của Orient Capital Research có trụ sở tại Hồng Kông, một công ty nghiên cứu độc lập tập trung vào Trung Quốc, cho biết: “Trong bối cảnh bất đồng chính kiến ​​​​đang leo thang này, chính quyền trung ương sẽ sẵn sàng ngăn chặn các cuộc biểu tình để ngăn chặn suy thoái kinh tế nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn xã hội lan rộng”.

4 ngân hàng nông thôn ở Hà Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Sau khi gian lận xảy ra, các tổ chức cho vay tài chính liên quan ngay lập tức đăng thông báo trực tuyến, yêu cầu “những khách hàng không thể kinh doanh bình thường” phải đăng ký thông tin chi tiết.

Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc, Cơ quan Giám sát Tài chính Nhà nước, đã không trả lời các câu hỏi của Reuters về vụ gian lận và cuộc điều tra sau đó.

Reuters cho hay họ không phát hiện những tuyên bố trước đây của nhà chức trách Trung Quốc về sự gia tăng các cuộc biểu tình kinh tế, nhà chức trách không thừa nhận có vấn đề tức giận của công chúng, họ cho biết đã hóa giải được thông qua đàm phán giải quyết các nguyên nhân gốc rễ.

Bánh mốc và thiếu ngủ

Hai trong số những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, những người biểu tình ở Trịnh Châu bị giam giữ đã bị bỏ đói 26 tiếng mới được cung cấp những thực phẩm như bánh bao hấp nhưng bị mốc.

Cho dù “Quy định về đối xử với người bị tạm giữ trước khi bắt giam” do Chính phủ Trung Quốc ban hành nêu rõ rằng người bị giam giữ phải được cung cấp thức ăn và đồ uống, không được ngược đãi người bị giam giữ… Các tỉnh cũng đã đặt ra các hướng dẫn; tỉnh Hà Nam yêu cầu thực phẩm cho người bị giam giữ phải đảm bảo sức khỏe…. Nhưng những nhân chứng cho biết một số người bị giam giữ đã bị đánh thức và thẩm vấn trong khoảng thời gian từ 1h – 5h sáng, một người bị còng tay và chân.

Tuy hầu hết những người biểu tình đã được thả sau vài ngày bị giữ, nhưng anh Ou và 2 người khác có tên là Shi Jianjian (nam) và Hu Weiming (nữ) đã mất tích trong nhiều tuần.

Người thân của anh Ou đã cố gắng tìm nơi ở của anh, nhưng các cuộc gọi và thư gửi đến cảnh sát Trịnh Châu đều không thành công. Một người nói với phóng viên Reuters rằng gia đình “nghĩ anh Ou đã chết”.

Mặc dù anh Ou bị bắt vào ngày 9/2, nhưng ngày ghi trên thông báo bắt giữ của cảnh sát là ngày 19/3. Reuters không thể xác định lý do vấn đề này.

Theo lệnh bắt giữ, anh Ou và anh Shi bị buộc tội gây gổ và gây rắc rối, một cáo buộc phổ biến đối với những người biểu tình ở Trung Quốc. Reuters không thể xác định liệu cô Hu có bị buộc tội hay không.

Một nhân chứng cho biết cô Hu cũng là chủ một doanh nghiệp nhỏ đã mất hết tiền tiết kiệm trong vụ bê bối, và nói thêm rằng cha của cô Hu đã chết vì bạo bệnh khi cô đang bị giam giữ.

“Tiền máu”

Theo cơ quan chức năng Trung Quốc, vụ bê bối tài chính liên quan đến một số ngân hàng nông thôn, liên quan đến gian lận phức tạp do tập đoàn Xincaifu (xcf.cn) nắm giữ cổ phần trong các ngân hàng này thông đồng với nhân viên ngân hàng để biển thủ tiền của người gửi tiền.

Theo hồ sơ của công ty, tập đoàn Xincaifu đã bị hủy đăng ký vào năm 2022, thời điểm đó công ty không đưa ra tuyên bố công khai nào về vụ bê bối.

Sau những hoạt động đòi quyền lợi mạnh mẽ của những người bị mất tiền tiết kiệm, chính quyền địa phương đã bồi thường cho nhiều khách hàng bị mất khoản tiền gửi nhỏ.

Tuy nhiên, hơn 1000 người vẫn chưa thể lấy lại được tiền của họ, theo 2 nguồn tin và một người khác nắm được vấn đề này.

Nhiều người gửi tiết kiệm, trong đó có 3 người đến từ bên ngoài tỉnh Hà Nam, đã gửi một số tiền lớn vào các tổ chức cho vay, họ bị thu hút bởi lãi suất ưu đãi.

Sau khi vụ bê bối thu hút sự chú ý của dư luận, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc cho biết 2 quan chức đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm, nhưng không cho hay họ có bất kỳ mối quan hệ nào với các ngân hàng nông thôn đó.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trú ở Hà Nam cho biết vào tháng 7/2022 rằng một quan chức ngân hàng trung ương ở Trịnh Châu đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Reuters không thể liên lạc được với ủy ban qua số fax hoặc số điện thoại của họ.

Vào tháng Hai năm nay, Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Trú Mã Điền tỉnh Hà Nam tuyên bố trên tài khoản WeChat của họ rằng: 5 bị cáo liên quan đến tập đoàn Xincaifu đã bị xét xử và bị kết án từ 14,5 – 16,5 năm tù giam, bị phạt hàng trăm ngàn nhân dân tệ.

Hiện gia đình các nạn nhân Ou, Shi và Hu đang chờ tin tức liệu họ có bị truy tố hay không, trong khi những người gửi tiền khác vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi lại tiền gửi.

Một người gửi tiết kiệm chia sẻ: “Tôi sẽ không bỏ cuộc, vì đó là số tiền vất vả kiếm được của gia đình chúng tôi”.