Trung Quốc: Áp lực thi đại học và chuyện thí sinh tự tử
- Tuyết Mai
- •
Mấy năm gần đây trong thời gian diễn ra kỳ thi đại học ở Trung Quốc Đại lục, đều có việc học sinh tự sát do áp lực thi cử quá lớn. Mới đây, ngày 7/6, trong ngày thi đại học đầu tiên, một thí sinh ở huyện Bình Tuyền, tỉnh Hà Bắc không chịu được áp lực nên đã nhảy lầu tự tự. Có giáo viên cho biết, việc này có quan hệ rất lớn tới cơ chế giáo dục dị thường của Trung Quốc hiện nay.
Chính quyền Bình Tuyền, tỉnh Hà Bắc cho biết, khoảng 7:50 sáng ngày 7/6, một nam sinh họ Quách đang chuẩn bị tham dự kỳ thi đại học năm 2018, do bị chứng trầm cảm nên đã nhảy lầu tự tử, mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng nam sinh này đã không qua khỏi. Theo những người nắm rõ tình hình tiết lộ, nam sinh sinh năm 1998 này đã 3 lần đăng ký thi đại học, cậu nhân cơ hội mẹ đi ra ngoài mua đồ ăn sáng nên đã nhảy từ ban công tầng 7 xuống.
Mấy năm gần đây, mỗi năm đều có vụ thí sinh tự sát do áp lực thi đại học hoặc do thất vọng về thành tích thi cử.
Ngày 7/6/2017, một nam sinh ở trấn Đại Thành Tử, huyện Ca Tả, thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh nhảy lầu tự tử; ngày 8/6/2016, một nữ sinh họ Triệu ở Trường Trung học Urat Tiền số 5 (Urad Qianqi No.5 Middle School) thuộc Nội Mông Cổ đã nhảy lầu tự tử; ngày 9/6/2013, trong buổi tối công bố đáp án tiêu chuẩn của kỳ thi đại học, một nữ sinh ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh đã bỏ nhà đi, ngày 14/6/2013 nhảy xuống sông tự tử ở ngoại thị trấn ô An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Khi đó trong chiếc cặp sách của nữ sinh này đựng 2 hòn đá to, còn có cả giấy dự thi.
Ngày 6/6, trang thông tin kinh doanh công nghệ tại Trung Quốc ikanchai.com đã điểm lại các trường hợp và phương thức thí sinh tự sát do rớt kỳ thi đại học từ năm 2001 đến nay. Bài viết nói, những thí sinh này tự sát có nguyên nhân phần lớn là thi rớt, rồi cảm thấy mình vô dụng, cảm thấy chết rồi thì cha mẹ mới có thể nhẹ nhõm được…
Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) công tác tại Học viện Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina chia sẻ với báo Epoch Times rằng, nguồn gốc khiến xảy ra những sự việc khiến người ta phải đau lòng này chính là mục tiêu của thể chế giáo dục “Thiên quân vạn mã đi qua cây cầu độc mộc”. Toàn bộ xã hội đều nhìn vào tiền, có người coi việc thi đại học như một mục tiêu duy nhất của cuộc đời cần thực hiện bằng được, lại thêm áp lực từ phụ huynh, khiến cho áp lực đè lên vai học sinh quá lớn.
Trong khi đó, áp lực của phụ huynh lại bắt nguồn từ hiện trạng cạnh tranh xã hội, “áp lực của thí sinh rất lớn bởi, nếu không thi đỗ đại học, thì cơ hội tìm được công việc tốt lại càng khó hơn.” Ông Tạ Điền nói: “Ở nước Đức, có thể không cần thi đại học, học sinh trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp có thể học trường nghề, tương lai cũng có thu nhập rất tốt. Nếu ở Trung Quốc Đại lục là một xã hội đa nguyên, thì sẽ không có chuyện chen chân để bước bằng được vào con đường đại học”.
Ngoại trừ áp lực từ mục tiêu thi cử, ông Tạ Điền còn cho rằng, nội dung giáo dục cũng là nguồn gốc tạo thành một áp lực khác nữa. Chính quyền Trung Quốc nói về phát triển toàn diện, đức, trí, thể; nhưng giáo dục về đức lại không phải là giáo dục truyền thống, mà là giáo dục tẩy não của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bồi dưỡng những lớp người trung thành với ĐCSTQ.
Ông nói: “Nếu có sự giáo dục về đạo đức truyền thống, hoặc có sự dẫn dắt của giáo dục tâm lý hiện đại, giúp đỡ học sinh giải tỏa áp lực, dùng phương pháp thích hợp để động viên học sinh, có lẽ sẽ ngăn chặn được hiện tượng tự sát này xảy ra.”
Nói về nội dung giáo dục, một giáo viên họ Vương ở vùng nông thôn Hắc Long Giang chia sẻ với báo Epoch Times, học sinh địa phương ông rất ít học sinh được học những môn mà mình thích ngoài ngữ văn, toán, ngoại ngữ, ví dụ như âm nhạc. Hơn nữa, dù là âm nhạc, sách tham khảo dạy học của giáo viên phần lớn đều là những bài hát ca tụng về ĐCSTQ.
Đồng thời, giáo viên chỉ biết “làm thế nào để học sinh biến thành sản phẩm sao chép có một đáp án giống nhau”, làm thế nào để “tránh được máy giám sát để đứng ở trong góc nào đó để bạt tai những học sinh không nghe lời”. Thầy Vương nói: “Nói là vì mục tiêu giáo dục, vì muốn cho con cái tốt, nhưng thực tế là vì để các em đạt được điểm cao nên đã nhồi nhét “tri thức”, để cho các em nhớ đáp án chung.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa thi Đại học thi đại học ở Trung Quốc