Gần đây, bệnh thủy đậu đã bùng phát ở các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học tại nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục, toàn bộ khối lớp, thậm chí toàn bộ trường học phải tạm nghỉ và cách ly. Đồng thời, tỷ lệ phát bệnh ở người lớn cũng đang tăng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc cũng thừa nhận cụm bệnh truyền nhiễm gần đây ở Trung Quốc Đại Lục đang trong giai đoạn có tỷ lệ mắc cao.

Benh thuy dau
Bệnh thủy đậu bùng phát nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục, từ trẻ nhỏ, học sinh cấp hai, đến người lớn cũng mắc bệnh thủy đậu. Ngay cả những học sinh trung học đã được tiêm 2 liều vắc-xin cũng bị nhiễm bệnh. (Ảnh chụp màn hình)

Theo truyền thông Trung Quốc vào đầu tháng 12, dịch thủy đậu đã lan rộng ở nhiều nơi tại Thượng Hải, một số lớp học phải tạm dừng và cách ly. Kể từ tháng 11, nhiều lớp học tại một trường trung học cơ sở tư thục ở quận Bảo Sơn, Thượng Hải, đã bị cách ly do có ca mắc bệnh thủy đậu. Tại một trường trung học cơ sở công lập ở quận Tĩnh An, một trường hợp mắc bệnh thủy đậu xảy ra ở lớp một, cả lớp vào phòng học cách ly và đến trường xen kẽ với các lớp khác.

Các chuyên gia cho rằng các trường hợp mắc bệnh thủy đậu “có xu hướng xảy ra với người lớn tuổi hơn, học sinh cấp hai đang bùng phát và số ca mắc bệnh đã tăng nhiều”.

Theo báo cáo, tỷ lệ mắc bệnh ở người trưởng thành đã bắt đầu tăng lên, đặc biệt là ở những người từ 25 đến 40 tuổi.

Thông tin công khai cho thấy, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm khởi phát cấp tính và có khả năng lây lan rất cao. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em từ 2 đến 10 tuổi, xảy ra nhiều nhất vào mùa đông và xuân, bệnh thường gây dịch ở các trường mẫu giáo hoặc tiểu học.

Thuy dau
Bệnh thủy đậu bùng phát tại Thượng Hải, với các ca bệnh xuất hiện ở nhiều trường học, một số học sinh đã tiêm hai liều vắc-xin cũng bị nhiễm bệnh. Dòng chữ to trong ảnh là “Các ca bệnh đột phát tăng cao! Nhiều học sinh trung học ở Thượng Hải bị bệnh và cả lớp phải cách ly, bệnh có thể lây nhiễm qua giọt bắn”. (Ảnh chụp màn hình mạng)

Một học sinh trung học cơ sở ở quận Hồng Khẩu, Thượng Hải nói với tờ Epoch Times hôm 8/12 rằng xác thực có rất nhiều người bị nhiễm bệnh thủy đậu ở Thượng Hải lần này. Một số lớp trong khối lớp của em ấy đã về nhà để cách ly vì có người nhiễm bệnh. Em còn cho biết, học sinh các trường khác đã tiêm 2 mũi vắc-xin thủy đậu, nhưng 2 tuần sau vẫn bị nhiễm, điều này khiến tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên.

Một số học sinh trung học cơ sở ở địa phương cũng tiết lộ tình hình trường học của mình trên mạng. Một nữ học sinh trung học cơ sở ở Thượng Hải đã đăng trên Internet hôm 1/12 rằng được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu vào buổi trưa cùng ngày, vì thế buổi dã ngoại mùa thu của lớp sẽ bị hủy. Vì em là người đầu tiên bị nhiễm bệnh trong lớp học, nên cảm thấy áp lực trong việc giải thích với các học sinh khác.

Một nam sinh trung học cơ sở ở quận Hồng Khẩu, Thượng Hải, cũng cho biết trên mạng hôm 1/12 rằng cậu là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở khối lớp 9 của trường. Khi đó, cuộc thi thể thao của trường được dời lại vì cậu bị thủy đậu. “Sau đó lớp chúng tôi không tham gia đại hội thể thao, tan học sớm. Tuần này và tuần trước tôi ở nhà, tuần sau có bài kiểm tra hàng tháng.”

Một số học sinh địa phương tiết lộ trên mạng rằng trong tháng qua, các lớp ăn uống xen kẽ nhau, không được tham gia các hoạt động câu lạc bộ, trong giờ ra chơi chỉ được hoạt động trong khu vực đã được khoanh vùng, không được ra khỏi khu vực đó.

Thủy đậu bùng phát ở nhiều nơi, một số trường tạm nghỉ học

Ngoài Thượng Hải, bệnh thủy đậu cũng tương đối nghiêm trọng ở Hàng Châu. Một giáo viên địa phương đã đăng lên mạng vào ngày 15/11 rằng Trường Trung học Dục Tài Hàng Châu, nằm ở quận Củng Thự, Tp. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đã xảy ra một đợt bùng phát bệnh thủy đậu tập thể, các lớp phải tạm nghỉ học. Bài kiểm tra giữa kỳ sẽ được tổ chức sau khi học sinh đi học trở lại.

Giáo viên nhắc nhở phụ huynh nên chú ý đến sức khỏe của con mình trong thời gian này, và cách ly trẻ kịp thời nếu trong lớp có học sinh bị nhiễm bệnh, bệnh thủy đậu rất dễ lây lan.

benh thuy dau 2
Một trường học ở Chiết Giang cho học sinh tạm nghỉ do dịch thủy đậu bùng phát. Nội dung trong hình là “Nhắc nhở khẩn cấp! Phụ huynh học sinh trung học cơ sở ở Chiết Giang nhất định phải giúp con phòng ngừa tốt!!” (Ảnh chụp màn hình)

Bài viết trên đã thu hút sự chú ý. Một phụ huynh ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, kể rằng từ năm nay, các trường tiểu học và trung học ở Tô Châu đã hết sức khuyến khích học sinh tiêm vắc-xin thủy đậu miễn phí. Vào thời điểm đó, họ cảm thấy chắc chắn sẽ có dịch thủy đậu bùng phát trong năm nay. Ông cho biết: “Con tôi đang là học sinh cấp 3, một số học sinh trong trường cũng bị nhiễm thủy đậu. Toàn trường đã được tiêm phòng miễn phí”.

Một giáo viên ở Giang Tô nói với Epoch Times hôm 14/12 rằng CDC yêu cầu học sinh phải tiêm chủng và giao nhiệm vụ này cho Ủy ban Giáo dục, sau đó Ủy ban Giáo dục sẽ phân công nhiệm vụ đến các trường học. Ông cho biết, giáo viên phải kiểm tra tình hình tiêm chủng của học sinh. Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, ông cảm thấy rất mệt mỏi như lao động khổ sai, thực sự kiệt sức.

Một giáo viên Thiểm Tây đã đăng thông báo tạm nghỉ học khẩn cấp của trường lên mạng vào ngày 20/11. Thông báo nêu rõ do thời gian gần đây, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm cao nên trong lớp có nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu. CDC cho biết để tránh lây nhiễm chéo và lan truyền các bệnh truyền nhiễm, tất cả học sinh sẽ tạm nghỉ không đến trường, thời gian đi học trở lại sẽ được thông báo sau. Thông báo cũng yêu cầu phụ huynh không được che giấu tình trạng lây nhiễm của con mình trong giai đoạn này và phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm.

Tại Hồ Bắc, một thông báo của trường được lan truyền trên mạng cho thấy, ngoài 2 lớp học tạm nghỉ học trong 2 tuần do bệnh thủy đậu, thì còn có norovirus cũng đang lây lan.

Thuy dau 1
Một giáo viên từ Hồ Bắc tiết lộ trên mạng rằng 2 loại virus đang lây lan trong trường học (ảnh trái), và một trường học ở Thiểm Tây thông báo tất cả học sinh sẽ tạm nghỉ học trong 21 ngày do bệnh thủy đậu (ảnh phải).

Dịch thủy đậu cũng bùng phát ở Quảng Đông. Một học sinh đến từ Quảng Đông đã đăng lên mạng rằng: “Hơn chục người trong trường chúng tôi bị nhiễm bệnh, nhưng trường không cho nghỉ học”.

Một học sinh trung học cơ sở Quảng Đông nói vớiEpoch Times hôm 14/12 rằng ít nhất 4 người trong lớp của em đã bị nhiễm bệnh.

Một phụ huynh ở Vân Nam tiết lộ trên mạng hôm 27/11: “Hôm qua, tại ký túc xá thuộc trường trung học cơ sở của con tôi có một bạn đã mắc bệnh thủy đậu cách đây 10 ngày, và con gái tôi mắc bệnh này một tuần sau khi về nhà. Hôm qua, tôi đến trường mang ga giường và đồ vệ sinh cá nhân về nhà, hôm nay có thêm 2 trường hợp được báo cáo ở nhóm giáo viên.”

Một phụ huynh ở Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, cho biết trên mạng vào ngày 20/11 rằng rất nhiều học sinh tiểu học mắc bệnh thủy đậu trong học kỳ này, và nhiều em xin nghỉ liên tục.

Một phụ huynh ở Phúc Kiến nói trên mạng hôm 16/11 rằng “Gần đây bệnh thủy đậu đang lan tràn khắp xung quanh chúng ta… Nếu nhà trường không tuyên truyền thì cũng nên tự đi tiêm (vắc-xin). Số học sinh xin nghỉ đã nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ bộc lộ ra, chỉ là không cho mọi người biết mà thôi.” 

Benh thuy dau 3
Trung Quốc Đại Lục bao gồm cả ở Vân Nam, Phúc Kiến, Hà Bắc, v.v, bùng phát bệnh thủy đậu. Dòng chữ màu đỏ là: “Vì sao hiện nay lại rầm rộ các kiểu tuyên truyền để học sinh đi tiêm vắc-xin thủy đậu?” (Ảnh chụp màn hình mạng)

Người dân bàn tán rằng người lớn sau khi nhiễm bệnh sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn

Ngoài học sinh, năm nay bệnh thủy đậu cũng lây lan ở người lớn với các triệu chứng nghiêm trọng hơn. 

Một người phụ nữ ở Thiểm Tây hôm 7/12 đăng lên mạng nói rằng đây là lần đầu tiên cô biết bệnh thủy đậu nghiêm trọng đến thế. Cô nói: “Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình lúc này như thế nào. Chị tôi là mẹ của hai đứa con. Cách đây vài ngày, có bạn trong lớp ở trường của con chị bị thủy đậu, và giờ cả hai đứa trẻ đều bị nhiễm bệnh. Chị thì từ nhỏ đến giờ sức khỏe rất tốt, khi còn bé cũng chưa từng bị thủy đậu, nhưng lần này đã bị nhiễm bệnh.”

“Không ngờ bây giờ ý thức mơ hồ, không nói được, toàn thân đau nhức, mỗi ngày nằm trên giường bệnh chỉ biết khóc. Hôm nay lại vừa bị chọc dò tủy sống nhưng kết quả vẫn chưa có, gia đình tôi vô cùng lo lắng”.

benh thuy dau 4
Một phụ huynh ở Thiểm Tây gặp vấn đề nghiêm trọng sau khi con mình bị nhiễm thủy đậu. Tiêu đề bài viết: “Bệnh thủy đậu ở người lớn thực sự không được xem nhẹ”. (Ảnh chụp màn hình)

Một bà mẹ ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, hôm 14/12 đăng lên mạng nói rằng cả gia đình cô đều mắc bệnh thủy đậu, người lớn cũng nhiễm, uống thuốc không có hiệu quả và rất đau đớn. “Cảm thấy chóng mặt và muốn nôn đã 3 ngày. Chồng tôi sốt 4 ngày và cảm thấy muốn nôn 5, 6 ngày. Vết sẹo thủy đậu trên cơ thể anh kéo dài hơn 1 tuần. Nhiều người chưa bao giờ nghe nói đến cơn đau bệnh thủy đậu ở người lớn. Hơn nữa chồng tôi đã từng bị thủy đậu khi còn nhỏ.”

Benh thuy dau 5
Nhiều người chia sẻ rằng bệnh thủy đậu ở người lớn sẽ có triệu chứng nặng hơn. (Ảnh chụp màn hình / Epoch Times tổng hợp)

Một bà mẹ bị con lây bệnh thủy đậu đã đăng lên mạng hôm 6/12 kể về cảm xúc đau đớn của mình: “Các triệu chứng thật khủng khiếp. Vết thủy đậu lan khắp da đầu, cổ họng, miệng, tai và lòng bàn chân đi lại khập khiễng, ù tai, đau họng, sốt 5, 6 ngày, cảm lạnh đột ngột. Tôi bị sốt đột ngột nên đêm nào cũng không ngủ được. Nằm nghiêng hay nằm ngửa đều đau, sau 2 ngày truyền dịch mới hạ sốt. Tổng cộng tôi phải truyền dịch 8 ngày mới kiểm soát được bệnh. Mặc dù sốt đã giảm, và bệnh thủy đậu cũng không còn đau nữa, nhưng tiếp theo là ngứa do đóng vảy, khiến tôi cả đêm không ngủ được.”

Ngoài ra còn có một phụ nữ mang thai ở Liêu Ninh mắc bệnh thủy đậu sau 15 ngày sinh con. Cô kể hôm 9/12: “Tôi không biết mình bị lây nhiễm từ đâu, nhưng tôi nghi ngờ là do bố tôi trước đó đã bị zona thần kinh. Bây giờ, con gái tôi lại bị lây từ tôi. Vết thủy đậu của tôi đã đóng vảy gần hết, nhưng hôm nay là ngày thứ ba con bé bị bệnh, mẹ tôi đang chăm sóc giúp. Nghe mẹ nói hôm nay tình hình của con bé nặng hơn nhiều, nên phải đưa đến bệnh viện thành phố kiểm tra. Giờ tôi lại lo mẹ tôi cũng sẽ bị lây.”

Cư dân mạng đến từ Chiết Giang nói trên Internet: “Tại sao đột nhiên có nhiều bệnh thủy đậu như vậy? Đồng nghiệp của tôi có nhiều người cũng nhiễm thủy đậu ở nhà, còn tôi thì đang bị sốt.”

Một nhân viên của một cửa hàng bida tại Bắc Kinh cũng tiết lộ trên mạng rằng một số đồng nghiệp đã bị nhiễm thủy đậu.

Bệnh thủy đậu là gì?

Theo thông tin công khai từ CDC Trung Quốc Đại lục, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính về đường hô hấp do virus varicella-zoster gây ra. Những người dễ bị nhiễm bệnh có khoảng 90% khả năng phát bệnh sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Thủy đậu thường bùng phát mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 hàng năm.

Bệnh có các triệu chứng đặc trưng như da xuất hiện các nốt phát ban theo từng đợt, bao gồm: Ban đỏ, mụn sần (nốt sần), mụn nước (mụn rộp), đóng vảy (nốt vảy). 

Lúc đầu, các nốt là những ban đỏ nhỏ màu hồng, sau đó phát triển thành mụn nước hình tròn, có kích thước từ hạt gạo đến hạt đậu, với quầng đỏ rõ ràng xung quanh. Các nốt thường xuất hiện chủ yếu ở vùng đầu, mặt và thân, trong khi tay chân thì ít hơn.

Ngoài ra, thủy đậu còn đi kèm các triệu chứng như ngứa, mệt mỏi, sốt, đau đầu, chán ăn và cảm giác khó chịu toàn thân. Thời gian ủ bệnh tương đối dài, thường kéo dài từ 14 đến 16 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Bắt đầu từ 1 đến 2 ngày trước khi phát bệnh, cho đến khi các nốt phát ban đóng vảy hoàn toàn, thì đều có khả năng lây truyền bệnh.

Bệnh nhân thủy đậu là nguồn lây nhiễm duy nhất và có thể lây truyền qua đường tiếp xúc và hô hấp. Vì vậy, nếu phát hiện bệnh thủy đậu, cần lập tức cách ly đến khi vết phồng rộp đóng vảy và vảy khô thì mới kết thúc cách ly.

Sau khi hồi phục, bệnh nhân thủy đậu sẽ hình thành kháng thể trong cơ thể, giúp không bị tái nhiễm. Tuy nhiên, virus gây thủy đậu sẽ tồn tại ở trạng thái tiềm ẩn trong cơ thể. Khi hệ miễn dịch suy giảm, virus này có thể được kích hoạt lại, gây ra bệnh zona thần kinh, hơn nữa cùng với tuổi tác ngày càng cao, thì khả năng này ngày càng cao hơn.

Có 3 điểm chính để ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Thứ nhất, tiêm vắc-xin định kỳ là 2 mũi. Thông thường, mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi và mũi thứ hai là khi trẻ được 4 đến 6 tuổi; Thứ hai là vệ sinh tay tốt, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh thủy đậu. Đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh, bạn có thể rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn có nồng độ thích hợp; thứ ba là tăng cường thông gió, những nơi tập trung đông người cần thường xuyên thông gió, giữ cho không khí được lưu thông tốt.