Trung Quốc cấm bán Kinh Thánh trên internet vì “có nội dung trái quy định”
- Tuyết Mai
- •
Gần đây, các trang thương mại điện tử tại Trung Quốc Đại lục như Jingdong, Taobao, Dangdang liên tiếp gỡ bỏ gian hàng doanh Kinh Thánh. Nguồn tin chỉ ra, cơ quan chức năng phải theo yêu cầu của Chính phủ xây dựng quan niệm về Kinh Thánh, việc cấm bán Kinh Thánh chỉ là bước khởi đầu.
Hiện tại, việc tìm kiếm từ khóa “Kinh Thánh” trên trang Jd.com (Jingdong) chỉ hiển thị “Xin lỗi, không tìm thấy hàng hoá liên quan đến Kinh Thánh”.
Tìm kiếm từ khóa “Kinh Thánh” trên Taobao và Tmall, tuy có thể tìm thấy sách câu truyện và tranh liên quan, nhưng không thể tìm thấy Kinh Thánh nguyên bản.
Trên trang Dangdang.com và Amazon.com tại Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tuy nhiên, tìm kiếm “Kinh Thánh” trên trang của Amazon ở nước ngoài thì vẫn thấy một số lượng lớn sách Kinh Thánh như thường lệ.
Theo bản lưu trữ tìm kiếm của trang Google còn lưu lại, tại trang Jingdong ngày 30/3 vẫn tìm thấy nhiều Kinh Thánh nguyên bản và sản phẩm liên quan đến Kinh Thánh; Tmall ngày 27/3 vẫn tìm thấy rất nhiều bản Kinh Thánh nguyên bản.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) dẫn nguồn tin cho biết, thậm chí một số cửa hàng trực tuyến có liên quan đến bán Kinh Thánh đã bị gỡ bỏ.
Thời báo Tự do (Liberty Times) tại Đài Loan đưa tin, Mục sư Lưu Di (Liu Yi), người sáng lập Hội Công nghĩa Cơ Đốc người Hoa tại Mỹ (Chinese Christian Fellowship of Righteousness) đã đăng tải trên Twitter ảnh chụp màn hình một gian hàng trên trang Weidian bị thông báo Kinh Thánh bán trên gian hàng phải bị gỡ bỏ vì “nội dung vi phạm quy định”, thời gian xử phạt vào ngày 2/4. Mục sư Lưu Di nói: “Tại nước cộng sản Trung Quốc, tất cả các sách Cơ Đốc giáo trên mạng Taobao đã bị gỡ bỏ, có vẻ như Chính phủ Trung Quốc không ưa Cơ Đốc giáo!”
Trang Newtalk tại Đài Loan đưa tin, Mục sư Chu tại Mỹ đã chia sẻ thông tin trên Twitter Shepherd Zhou (@ShepherdChow) rằng, từ ngày 30/3 chính quyền Trung Quốc đã không cho bán sách Kinh Thánh trên mạng internet. Các gian hàng trên mạng có liên quan cũng bị chặn. Mục sư Chu cũng tải lên các ảnh chụp màn hình nhiều cửa hàng trực tuyến làm bằng chứng.
Các hình ảnh trên mạng internet cũng cho thấy, một số cửa hàng trực tuyến đã xác nhận thông tin không được tiếp tục bán Kinh Thánh. Các trang bán hàng liên quan đã bị gỡ bỏ.
Có nhận định, giới chức Trung Quốc cấm bán Kinh Thánh, có lẽ vì mục đích đưa ra phiên bản Kinh Thánh của Trung Quốc với nội dung đã được xem xét và sửa đổi để đạt được mục đích “quốc hữu hóa Cơ Đốc giáo”.
Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn lời một tín hữu Cơ Đốc tên Hinh Vũ (Xin Yu) cho biết, Văn phòng Thông tin Internet Trung Quốc đã có lệnh cấm hành bán Kinh Thánh trên internet từ ngày 30/3. Lý do là vào ngày 28/3, “Lưỡng hội Toàn quốc về Cơ Đốc giáo” Trung Quốc do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã đưa ra “Đề cương Kế hoạch làm việc 5 năm (2018-2022) về Quốc hữu hóa Cơ Đốc giáo”, và đã chính thức khởi động kế hoạch này. Cốt lõi của nó là để duy trì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc và “giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.
Theo thông tin, nội dung trong Kế hoạch 5 năm đề cập phải chiếu theo yêu cầu của Nhà nước Trung Quốc để thiết lập quan niệm về Kinh Thánh, theo đó sẽ cho dịch và chú giải lại Kinh Thánh. Lệnh cấm toàn diện việc bán Kinh Thánh chỉ là bước đầu tiên.
Vào ngày 3/4, Văn phòng Thông tin Chính phủ Trung Quốc xuất bản Sách Trắng “Chính sách và Thực tiễn của Trung Quốc để Bảo vệ Tự do Tôn giáo”. Theo Sách Trắng, Nhà nước Trung Quốc thực thi chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của công dân.
Tuy nhiên, Sách Trắng cũng đề cập nội dung “Chủ động hướng dẫn tôn giáo để tương thích với xã hội xã hội chủ nghĩa”, cần hướng dẫn cộng đồng tôn giáo ủng hộ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, và “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Cũng theo Sách Trắng, “Các tổ chức tôn giáo và công việc tôn giáo không bị chi phối bởi các lực lượng nước ngoài là nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Kinh Thánh tôn giáo Trung Quốc