Đối mặt với những bất công xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc Đại Lục, nhiều người không có cách nào khiếu nại, họ liên tiếp đến Phủ Khai Phong ở tỉnh Hà Nam để kêu oan với Bao Công. Gần đây, bên ngoài Đại đường Phủ Khai Phong có nhiều dân oan khóc lóc, quỳ lạy trên mặt đất, nhưng họ bị nhân viên bảo vệ dùng bạo lực đuổi đi. Ngoài ra, nhiều nữ dân oan từ Trùng Khánh đã bị áp giải diễu phố thị chúng.

BAO CONG
Dân oan đến trước Đại đường Phủ Khai Phong quỳ xuống kêu oan với Bao Công. (Ảnh cắt từ video)

Bao Chửng, một vị đại thần nổi tiếng của nhà Tống, xử lý các vụ án một cách công chính nghiêm minh, được người dân tôn sùng là “Bao Thanh Thiên”. Gần đây, lại có nhiều dân oan đến Đại đường Phủ Khai Phong, nơi ông xét xử các vụ án, để kêu oan. Vào ngày 12/10, một đoạn video loan truyền lên mạng cho thấy tại Khu thắng cảnh Phủ Khai Phong ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có nhân viên bảo vệ tuần tra lối vào đại sảnh, làm dấy lên nghi ngờ rằng khách du lịch sẽ không được phép vào trong nữa.

Hàng chục du khách tụ tập dưới bậc thềm ngoài đại đường, một số quỳ xuống trước đại đường với vẻ mặt buồn bã, trong khi những người khác được cho là dân oan không còn cách nào bảo vệ quyền lợi của mình, bất lực khóc lóc và vái Bao Thanh Thiên.

Một nhân viên bảo vệ nhanh chóng tiến tới vừa hét “đứng dậy”, “đứng dậy”, vừa dùng vũ lực kéo những du khách đang quỳ đứng dậy. Nhân viên bảo vệ ở lối vào đại đường cũng thô lỗ hét lên: “Đứng dậy! Không được phép quỳ!”

Sau khi xem video, nhiều cư dân mạng đã than thở: 

“Thời đại hưng thịnh như thế này đấy.”

“Có oan nhưng không có chỗ kêu.”

“Người dân thậm chí còn không có quyền quỳ lạy.”

Vào tháng 4 năm nay, tại buổi biểu diễn kinh kịch Bao Công ở Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một khán giả cầm lòng không đặng đã khóc và chạy đến quỳ trước diễn viên thủ vai Bao Công để kêu oan, sau đó bị nhân viên bảo vệ cưỡng chế lôi đi. Trước đó, một người phụ nữ khác đã đến quỳ khóc trước tượng Bao Công và gây ra “làn sóng khóc kêu oan” cũng tại tỉnh này.

Cư dân mạng bàn tán sôi nổi: 

“Nhất thời không phân biệt được hiện thực hay là kịch.”

“ĐCSTQ tiếp tục làm như vậy, thực sự có thể khiến mọi người phát điên.” 

“Nhìn xem, từ giờ trở đi nơi này sẽ trở thành sân khấu kêu oan để bảo vệ quyền lợi và khiếu kiện trên quy mô lớn.”

Người phụ nữ hàm oan đến Phủ Khai Phong than khóc

Vào ngày 10/3, tại Khu thắng cảnh Đền Bao Công ở Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc, một người phụ nữ mặc áo màu đỏ cam, quần xanh, đeo ba lô quỳ trước Đại đường Phủ Khai Phong, hai tay ôm hàng rào và khóc lớn tiếng, việc này đã thu hút khách du lịch đứng xem. 

Sau khi việc này được đưa lên mạng, sự kiện “khóc Báo Công” đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận xứ Trung, ngày càng có nhiều người đến đền thờ này để khóc. Các video liên quan đã được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, Douyin, Bilibili và Xiaohongshu.

Nhân vật trong video nói trên đã công khai cho biết: “Người phụ nữ ở Phủ Khai Phong khóc Bao Công là tôi, là tôi, thực sự là tôi! Mọi người không cần tìm nữa, hôm nay tôi công khai ra mặt, nói hết ra oan khuất của mình.” 

Cô cho biết quê ở huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh, do tư pháp bất công nên bị hãm hại vu khống, gia đình tan nát. Cô đã thắng kiện tại Tòa án Xương Đồ, nhưng cơ quan thi hành án của tòa án đã giở trò dối trá, đã trả lại tài sản bị phong tỏa điều tra, đồng thời cho người thi hành án tự ý xử lý tài sản đóng băng. 

Cô cho biết, thẩm phán thi hành án đã nhiều lần gợi ý cô trả phí đút lót qua các cuộc gọi điện thoại, nhưng do gia đình cô gặp khó khăn nên không có tiền đút lót, do đó vụ án bị giải quyết chậm trễ. Mặc dù cô đã thắng kiện, nhưng chỉ là thắng được tờ giấy, khiến cô – một người phụ nữ nông thôn- không có cửa để cầu cứu, khiếu nại.

Ngày 10/3, cô đến nhà anh họ ở Khai Phong nghỉ ngơi, khi đến thăm đền thờ Bao Công, nghĩ đến sự công bằng chính nghĩa của Bao Công, cô đã không kìm được lòng và bật khóc.

Ông Lý, một người dân ở Khai Phong, Hà Nam, người đã xem đoạn video liên quan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: “Hiện giờ dân oan có quá nhiều, vụ việc này bắt đầu từ việc một phụ nữ khóc ở đó, sau đó nhiều người cũng đã đến đó khóc. Bây giờ nền pháp trị đã trở thành một vật trang trí cho. Những người ở xung quan tôi đã đi khiếu kiện hơn 20 năm, gần 30 năm, những người đi khiếu kiện 5 – 6 năm, 7 – 8 năm thì còn nhiều nữa.”

Trên mạng xã hội X, có cư dân mạng để lại bình luận: “Người dân tìm đến Bao Công để khóc lóc, bản thân việc này chính là khiếu kiện vượt cấp”, “Án oan quá nhiều, sợ rằng sẽ mượn Bao Công để tạo phản”, v.v.

Người dân oan ở Trùng Khánh bị áp giải diễu phố thị chúng

Tại Trùng Khánh, một đoạn video được người dân địa phương đăng lên mạng cho thấy, cục công an thành phố Trùng Khánh đang áp giải người dân khiếu kiện diễu phố để thị chúng. Dưới sự hộ tống của hai sĩ quan cảnh sát, nhiều phụ nữ mặc áo khoác của trại giam đi bộ trên đường, trong khi những người ủng hộ hét lên “Đả đảo tội phạm tham ô”, “Nhân quyền ở đâu?”

Trung Khanh
Nhiều người dân oan ở Trùng Khánh đã bị cảnh sát áp giải diễu phố thị chúng. (Ảnh cắt từ video)

Bà Khương ở Tứ Xuyên cho biết, những người khiếu kiện này bị giam giữ hình sự vì họ đến Bắc Kinh để tố cáo những hành vi mờ ám của tư pháp địa phương. “Chính quyền đang dùng cách này để ‘giết gà dọa khỉ’. Những người này đang bị giam giữ hình sự. Họ đến Bắc Kinh để tố cáo hoặc thưa kiện chứ không đơn thuần là đi khiếu oan. Tôi đã từng bị chính quyền bắt giữ vì tố cáo quan chức vi phạm pháp luật.”

Trong vài năm qua, các nơi tại Trung Quốc thực thi việc diễu phố thị chúng đối với những kẻ buôn bán ma túy vượt biên xuất cảnh, để nhắc nhở người dân không nên coi thường pháp luật. Nhưng thực thi diễu phố thị chúng đối với người dân khiếu nại oan sai thì công chúng không đồng tình.

Bà Vương, một người dân oan ở tỉnh Hà Bắc, cho biết: “Diễu phố thị chúng chính là chính quyền làm tăng thêm mâu thuẫn kiểu này, họ đẩy những người dân oan vào mâu thuẫn địch ta. Chính các quan chức chính phủ đã mắc sai lầm trước, chúng tôi đi kiện họ, dựa vào đâu họ lại bắt chúng tôi diễu phố thị chúng. Tố cáo những quan chức chính phủ vi phạm pháp luật, tôi nghe thấy khẩu hiệu của họ ‘xét xử trái pháp luật, đả đảo tham quan’”.

Bà Vương nói: “Một là ở Liêu Ninh và một là ở Trùng Khánh, họ đã đàn áp nghiêm trọng những người thỉnh nguyện. Ai đã từng trải qua Cách mạng Văn hóa đều biết rằng hiện tượng này chỉ xuất hiện trong Cách mạng Văn hóa. Nếu hiện nay xuất hiện tình trạng này thì có nghĩa là xã hội đang thụt lùi”.

Thái Tư Vân, Vision Times