Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng truyền thông tại Châu Phi
- Xuân Thành
- •
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế của họ là đối tác kinh tế và chính trị lớn nhất của nhiều nước Châu Phi, và bây giờ theo sau đó, Bắc Kinh mở rộng nhanh chóng sự hiện diện của truyền thông nước này nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ tại lục địa đen.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và dịch vụ truyền hình đa phương tiện StarTimes hiện nay mang những câu chuyện “tin tức tốt” về Trung Quốc và Châu Phi tới hàng triệu khán thính giả tiềm năng. Mạng lưới Truyền hình Toàn Cầu Trung Quốc (CGTN) của Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc đã đặt trung tâm sản xuất tại thủ đô Nairobi, Kenya, để thúc đẩy mục tiêu này.
Tuy nhiên, dấu chân truyền thông mở rộng của Bắc Kinh không giống như những ngày đầu họ mới tiếp cận Châu Phi, Phóng viên Không biên giới (RSF) – tổ chức giám sát tự do báo chí quốc tế – cảnh báo.
Xây dựng hình ảnh thân thiện
Chế độ Trung Quốc thường bỏ tù những người phê bình họ, trong đó có các nhà báo, và truyền thông Trung Quốc bị giới hạn nghiêm ngặt các chủ đề mà họ có thể đưa tin.
RSF tuyên bố rằng Bắc Kinh hiện nay đang cố gắng xuất khẩu mô hình truyền thông áp bức ra toàn cầu, với mục tiêu ngăn chặn báo chí điều tra các hoạt động của họ tại hải ngoại.
“Nó cũng tạo ra một trật tự truyền thông thế giới mới, nơi mà hoạt động báo chí sẽ được thay thế bằng tuyên truyền nhà nước,” nhà nghiên cứu Cedric Alviani của RSF nói. Ông Alviani là tác giả của một báo cáo gần đây về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng một cách hợp pháp và bất hợp pháp lên việc họ được vẽ chân dung như thế nào trên truyền thông quốc tế.
Báo cáo của ông Alviani, sản phẩm của thu thập tin tức từ các nguồn tin RSF trên toàn cầu với 150 phóng viên thường trú, tuyên bố rằng chế độ Trung Quốc đang đầu tư vào các tổ chức tin tức nước ngoài và mua phần lớn quảng cáo trên truyền thông quốc tế để ngăn chặn các tin tức tiêu cực về Bắc Kinh.
Ông Alviani nói rằng Châu Phi là “tuyến đầu” của chiến lược này, vì Bắc Kinh nhận thấy tiềm năng lớn cho phát triển và cả lợi nhuận ở lục địa đen.
Theo RSF, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần truyền thông “thân thiện” tại Châu Phi để đại diện cho một hình ảnh tốt về họ và các dự án của họ trước công chúng, đổi lại, điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận các nguồn tài nguyên của lục địa này.
Ông Alviani nói chế độ Trung Quốc không muốn các nhà báo điều tra bất cứ điều gì tiêu cực liên quan tới hoạt động mà họ theo đuổi tại Châu Phi, chẳng hạn như hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm môi trường địa phương.
Kiểm soát truyền thông
Tương ứng với các khoản đầu tư khổng lồ của mình vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Châu Phi, Trung Quốc cũng đang xây dựng các trạm phát sóng phát thanh và truyền hình khắp lục địa này, và rót tiền vào truyền thông Châu Phi.
“Trong một hoặc hai thập kỷ tới không phải là không thể cho việc Trung Quốc cuối cùng sẽ là ông chủ chính của truyền thông Châu Phi và mạng lưới truyền hình Châu Phi,” ông Alviani nói.
Nhiều nhà báo Châu Phi đã từng tới Trung Quốc tham gia các khóa đào tạo truyền thông nhà nước. Trong các khóa học này, các nhà báo Châu Phi được khuyến khích kể những câu chuyện tích cực về Trung Quốc tại Châu Phi.
Ông Alviani cho biết sự tăng trưởng của CGTN tại lục địa đen, với trụ sở đặt tại Nairobi và các chi nhánh ở Cairo (Ai Cập), Johannesburg (Nam Phi) và Lagos (Nigeria) thuê hàng trăm nhà báo Châu phi và nhiều người làm nghề tự do, đang tạo ra “lo lắng đặc biệt”.
“CGTN có cái chất Châu Phi; người ta nhìn nó có vẻ như được tạo ra vì lợi ích của Châu Phi. Nhưng thực tế, nó là một kênh tuyên truyền tuân thủ những lợi ích của chế độ Trung Quốc. Quý vị sẽ không bao giờ nghe thấy bất cứ tiếng nói nào trên CGTN phản đối bất cứ điều gì mà Trung Quốc đang làm tại Châu Phi. Mọi thứ mà người xem nhìn thấy trên mạng truyền hình này đều đặt Trung Quốc trong ánh nhìn tốt đẹp,” ông Alviani nói.
Kiểm soát và Phản kháng
Giáo sư Herman Wasserman của khoa nghiên cứu truyền thông, Đại học Cape Town, nói rằng mô hình truyền thông của Bắc Kinh là “rõ ràng không phù hợp với Châu Phi, nơi mà nền dân chủ ở nhiều nơi của lục địa này rất mong manh.”
Ông Wasserman, từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đã công bố rộng rãi về cách Trung Quốc và các hoạt động của nước này được báo cáo ở Châu Phi.
Ông Wasserman nói rằng sự hiện diện của truyền thông Trung Quốc tại Châu Phi là lớn, “và đang trở nên lớn hơn”, nhưng các sản phẩm của họ không phổ biến, ít nhất là trong thời điểm này.
“Tại một số nước như Nam Phi và Kenya và các nơi khác có ngành công nghiệp truyền thông sôi động hơn, cũng có sự định kiến ăn sâu, mạnh mẽ chống truyền thông Trung Quốc,” ông Wasserman nói.
Ông Wasserman đang quan sát sự mở rộng của các lợi ích truyền thông Trung Quốc tại Châu Phi một cách chặt chẽ.
“Nó không phải ngay từ đầu muốn đến để dập tắt tự do báo chí tại Châu Phi, nhưng nó có mục đích cố gắng tạo ra một bức tranh tích cực hơn về bản thân nó và nỗ lực giới hạn những tiếng nói phê bình nó tại Châu Phi,” ông Wasserman nói. “Khi nó bắt đầu có ảnh hưởng chính trị và kinh tế lớn hơn trong lục địa này, nó sẽ tìm cách thúc đẩy hình ảnh về sự tích cực đó thông qua sự hiện diện lớn hơn trong lĩnh vực truyền thông.”
Tuy nhiên, RSF nói thêm rằng sự hiện diện lớn hơn này còn bao gồm cả việc cấp tiền hỗ trợ cho truyền thông Châu Phi. Khi nhận tiền của Trung Quốc, các kênh truyền thông Châu Phi rõ ràng sẽ không thể “cắn vào tay” người đã nuôi mình.
RSF lấy trường hợp của nhà văn Azad Essa làm ví dụ. Các bài bình luận của cây viết này cho tờ Independent trực tuyến đã bị chấm dứt vào năm 2018, thời gian ngắn sau khi ông chỉ trích việc Bắc Kinh áp bức cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc.
Một tổ chức của Trung Quốc có 20% cổ phần của tờ Independent.
Ông Wasserman nói rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể khá tinh vi. Ông giải thích rằng giới chủ truyền thông Châu Phi được Trung Quốc tài trợ sẽ thực hành tự kiểm duyệt, cắt bỏ những nội dung mà họ nghĩ có thể khiến Bắc Kinh không hài lòng.
RSF cho rằng giới chức Trung Quốc cũng có những nỗ lực công khai hơn trong việc đàn áp các nhà báo Châu Phi, trong đó có việc Bắc Kinh huấn luyện các quan chức địa phương để làm gián điệp cho họ và cung cấp thiết bị để giám sát internet và điện thoại di động.
Tuy nhiên, ông Wasserman nói rằng vai trò của truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự Châu Phi không nên bị bỏ qua trong việc phản kháng các nỗ lực gây ảnh hưởng tới truyền thông trong lục địa này.
“Tôi nghĩ có rất nhiều sự phản kháng tại Châu Phi chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm xóa bỏ tự do báo chí, dù cho những nỗ lực đó đến từ Bắc Kinh hoặc bất cứ nơi nào,” ông Wasserman nhận định.
Xuân Thành (theo The Epoch Times)
Từ khóa Truyền thông Trung Quốc quan hệ Trung Quốc - châu Phi châu Phi