Trung Quốc: Thông tin “bị ung thư máu sau khi tiêm vắc-xin” được lan truyền trên internet
- Ngọc Tỉ
- •
Cách đây vài ngày, có người dân Trung Quốc Đại Lục tiết lộ rằng người nhà của họ mắc bệnh bạch cầu (ung thư máu) 9 ngày sau khi tiêm vắc-xin Sinovac. Theo các tài liệu nội bộ do hệ thống ủy ban y tế và sức khỏe của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lưu hành, chính quyền đã sớm biết vụ việc.
Mạng internet Đại Lục lan truyền thông tin “ung thư máu sau khi tiêm chủng”
Một trường hợp được lan truyền gần đây trên Internet ở Trung Quốc Đại Lục cho thấy, một học sinh trung học bị giảm tiểu cầu và lượng bạch cầu tăng thấp sau 9 ngày tiêm vắc-xin Sinovac. Sau khi đến bệnh viện khám lại, chẩn đoán lâm sàng là “bệnh bạch cầu cấp dòng tủy xương” (một dạng ung thư máu), tuy nhiên kết quả xét nghiệm máu của học sinh trước khi tiêm 3 tháng cho thấy không có gì bất thường. Vì vậy, vị phụ huynh này đặt câu hỏi về tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin.
Trên thực tế, vào đầu tháng Ba năm nay, một tài liệu nội bộ của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc cho thấy, một số lượng lớn người đã phát triển bệnh bạch cầu sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã cố gắng hết sức để che đậy, và các nạn nhân không có cách nào để kêu oan.
Theo một tài liệu nội bộ được lưu hành từ hệ thống Ủy ban Y tế và Sức khỏe của ĐCSTQ — “Công văn từ Văn phòng Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia về việc xin hãy chú ý đến một số xu hướng chính gần đây của những người đã bị bệnh bạch cầu sau khi tiêm vắc-xin virus corona mới” — cho thấy Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc đã có chú ý đến các nhóm bị bệnh bạch cầu sau khi tiêm chủng và thông báo thông tin của họ cho 19 ủy ban y tế tỉnh thành bao gồm Hà Bắc, Giang Tô, Quảng Tây, v.v.
Theo một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình NTDTV (Mỹ), Lý Quân (hóa danh) tiết lộ một cư dân của thành phố Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc cho biết: “Chúng tôi hiện có hàng trăm người trong nhóm WeChat, hàng trăm người từ khắp nơi trên toàn quốc, đều là như thế, tức sau khi tiêm vắc-xin (virus corona mới), thì bị bệnh bạch cầu. Trước khi tiêm vắc-xin, tôi đã khám sức khỏe cho con gái và khám sức khỏe cho cháu là bình thường.”
Lý Quân có một cô con gái 4 tuổi, bị sốt và ho ngay sau khi tiêm liều đầu tiên của vắc-xin virus corona mới ở trường mẫu giáo vào ngày 14/11 năm ngoái; ngày 18/12, cháu bị đau chân và sưng mắt sau khi tiêm mũi thứ hai; ngày 6/1 năm nay, sau khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, anh đưa con đến bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính.
Lý Quân còn tiết lộ: “Tôi hiện đang khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân số 2 của thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, hiện tại giống như tình hình của (nhà) tôi, có hàng chục trẻ nhỏ trong bệnh viện đều trong tình trạng này; bao gồm cả các triệu chứng, các bệnh gặp phải đều giống nhau, hầu hết đều từ 3 đến 7 – 8 tuổi.”
Từ năm ngoái đến nay, trên các mạng xã hội tại Đại Lục thường xuyên có thể bắt gặp những bài đăng về các vấn đề sức khỏe sau khi tiêm phòng, trong đó có nhiều người mắc bệnh ung thư máu.
Cư dân mạng “aivic-vivi” đã đăng bài viết vào ngày 15/7/2021, rằng ông của cô được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu sau khi tiêm phòng.
Cư dân mạng “Chen Libing” (晨粒冰) đã đăng bài viết vào ngày 4/9/2021, rằng anh được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin Sinovac.
Cư dân mạng “Twins Mommy Rachel” đăng bài viết trên Weibo vào ngày 3/3/2022, “Con gái đã ở bệnh viện Chu Giang để điều trị cấp cứu và nhập viện đã được nửa năm. Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng sau khi tiêm liều đầu tiên loại vắc-xin virus corona mới theo lời kêu gọi của nhà nước, hiện giờ đã biến thành một đứa trẻ ốm yếu không thể đi học bình thường. Cháu bé mới 12 tuổi!”.
Cư dân mạng “Jin Fei Zuo Fei Zuo” đã đăng trên Weibo vào ngày 6/3/2022, “Bố tôi bị bệnh bạch cầu và và lymphoma khi tiêm mũi thứ hai của vắc-xin virus corona mới.”
Cha mẹ nạn nhân: không có nơi nào để khiếu kiện
Ngoài ra, con trai 10 tuổi của Vương Long (hóa danh), một cư dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào ngày 18/1/2022 sau khi tiêm mũi vắc-xin thứ hai vào ngày 4/12/2021.
Vương Long nói: “Không bị mắc virus corona mới, nhưng sau khi tiêm vắc-xin thì lại bị bệnh bạch cầu, điều này đúng thật nực cười. Chúng tôi nói chuyện trên nhóm, nói về việc đi khiếu kiện, sau đó đồn cảnh sát đã gọi cho tôi, ý của họ là không được đi khiếu kiện, nói là vi phạm cái này cái kia.”
Cả 2 vị phụ huynh này đều cho biết không có cách nào để đi khiếu kiện.
Lý Quân cho biết: “Ngay sau khi chúng tôi đăng thông tin lên mạng, thì ngay lập tức bị chặn. Tôi đã gọi điện cho Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát (CDC) địa phương, CDC địa phương cho biết đang điều tra. Kết quả là rất nhiều bệnh nhân trên khắp cả nước đều được xác định là do trùng hợp. Ý của họ có nghĩa là nếu bạn không tiêm vắc-xin này, thì cũng sẽ bị ung thư máu. Chúng tôi đã gọi cho (CDC) tỉnh trong hai ngày qua, và họ nói rằng địa phương chúng tôi đã không báo cáo điều đó cho họ, họ không biết về việc này.”
Giờ đây, dù là gia đình 3 người của Lý Quân hay gia đình bốn người của Vương Long, họ đều đang phải vay mượn tiền khắp nơi để chữa bệnh cho con mình.
Kể từ khi dịch virus corona mới bùng phát đến nay, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ công bố dữ liệu liên quan đến dịch bệnh ở trẻ em từ 3 đến 11 tuổi. Đối với dữ liệu về các phản ứng phụ khác nhau, tỷ lệ bệnh tật nặng và tử vong sau khi nhóm này tiêm vắc-xin, ngoại giới càng không thể nào biết được.
Lý Quân nói: “Như những trẻ nhỏ trong bệnh viện này, có khá nhiều trẻ đã tử vong. Từ tháng 11 (năm ngoái) đến nay, tôi biết rằng có 4, 5 hoặc 6 trẻ đã mất.”
Theo Lý Quân, các nạn nhân hoặc các thành viên gia đình của họ bị ung thư máu sau khi tiêm vắc-xin đã lập nhóm trên WeChat, ban đầu bao gồm 500 hoặc 600 người, nhưng sau đó đã bị giải tán, và bây giờ chỉ còn 200 hoặc 300 người.
Từ khóa Vắc-xin virus corona Tác dụng phụ của vắc-xin Vắc-xin Sinovac Bệnh bạch cầu vắc-xin Trung Quốc Ung thư máu Bệnh máu trắng Dòng sự kiện