Góc khuất của 2 loại vắc-xin Trung Quốc được WHO duyệt sử dụng khẩn cấp
- Bảo Minh
- •
Ngày 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinovac, như vậy trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO đã có 2 loại vắc-xin bất hoạt Trung Quốc. Loại trước đó là Sinopharm của Công nghệ sinh học Bắc Kinh (CNBG) thuộc Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc. Cả 2 loại vắc-xin này đều đã xảy ra nhiều tranh cãi.
Theo số liệu của WHO, tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Sinopharm đối với bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là 79%; tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Sinovac trong việc ngăn ngừa triệu chứng COVID-19 là 51%, vì vậy WHO đã quyết định cho 2 loại vắc-xin này vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO. Theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, chủ tịch của hãng dược Sinovac là Doãn Vệ Đông (Yin Weidong) cho biết, giới chức đã phê duyệt mở rộng phạm vi độ tuổi để cho trẻ vị thành niên 3 tuổi trở lên được phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinovac, nhưng khi nào vắc-xin sẽ được sử dụng cho nhóm tuổi thấp hơn thì phải chờ các chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia xem xét. Hiện nay độ tuổi tiêm chủng COVID-19 ở Trung Quốc là trên 18 tuổi.
Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc đã thông báo rằng tính đến ngày 3/6, việc tiêm phòng của Trung Quốc đã đạt 723 triệu liều, đến cuối năm sẽ đạt 2 tỷ liều để đạt được miễn dịch cho toàn dân.
Nhưng một chuyên gia uy tín về vắc-xin của Trung Quốc là Trương Hồng Đào (Zhang Hongtao) đã phủ nhận, ông suy đoán dựa trên hạn chế về độ tuổi áp dụng và hiệu quả tương đối thấp của vắc-xin Trung Quốc, chỉ ra nếu chỉ dựa vào vắc-xin hiện tại ở Trung Quốc thì không thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời, cần lưu ý rằng dù tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 ở Quảng Châu đạt 66% nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục xấu đi trong tuần qua. Số liệu của cơ quan y tế Quảng Châu ngày 3/6 cho thấy, trong số những người mới nhiễm COVID-19 thì cứ 4 người nhiễm có 1 người đã tiêm phòng 1 lần.
Theo ông Trương Hồng Đào, trong chuỗi lây truyền virus ở Quảng Châu, không chỉ học sinh tiểu học bị nhiễm mà các em cũng bị lây nhiễm cho nhau, cũng như lây truyền giữa các em cho cha mẹ mình. Thực trạng lây nhiễm giữa trẻ nhỏ với nhau (lứa tuổi xếp vào diện khó bị nhiễm COVID-19), cho thấy làn sóng dịch COVID-19 ở Quảng Châu đang cực kỳ mạnh mẽ.
Trước thực tế tỷ lệ tiêm chủng của Quảng Châu đã đạt 2/3 nhưng vẫn bùng phát trên diện rộng, ông Trương Hồng Đào đã công bố bài viết trên báo mạng Phượng Hoàng cho rằng loại vắc-xin bất hoạt phổ biến của Trung Quốc cần phải tiêm hai liều mới có tỷ lệ bảo vệ tốt hơn; trong khi tỷ lệ 66% người tiêm [hiện nay trên toàn Trung Quốc] chỉ là tỷ lệ cho một lần tiêm. Ông cũng tiết lộ rằng theo tỷ lệ hiệu quả bình quân chung ở mức 70% của các loại vắc-xin ở Trung Quốc hiện nay, cộng thêm vấn đề hạn chế không áp dụng cho người dưới 18 tuổi thì e rằng Trung Quốc rất khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cần nhắc thêm về vắc-xin Sinopharm Trung Quốc là hai quốc đảo là Seychelles ở Đông Phi và Bahrain ở Trung Đông đã tiêm trên diện rộng nhưng vẫn xảy ra tình trạng gia tăng đáng kể các ca nhiễm.
Theo The Washington Post, Bahrain, một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc, đã đạt được gần 50% tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh tồi tệ trong vài tuần qua khiến chính phủ phải phong tỏa (một nửa) trên toàn quốc để ngăn ngừa sự lây lan. Hãng thông tấn Bahrain cho biết, ở đất nước chỉ có dân số khoảng 1,6 triệu người này, mà có tới hơn 240.000 người nhiễm bệnh, hơn 1.000 trường hợp tử vong. Chỉ riêng ngày 3/6 đã có thêm 1.936 người nhiễm mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Bahrain là ông Waleed Khalifa al-Manea đã khuyến khích những người trên 50 tuổi, mắc các bệnh mãn tính hoặc béo phì, đã tiêm chủng đầy đủ vắc-xin Sinopharm 6 tháng sau nên tiêm thêm vắc-xin Pfizer-BioNTech.
Trước đó, Bahrain và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thông báo rằng sẽ cung cấp các mũi tiêm nhắc lại của vắc-xin Sinopharm liều thứ ba bắt đầu từ giữa tháng 5 sau khi có các nghiên cứu cho thấy nhiều người được tiêm chủng nhưng không phát triển đủ kháng thể.
Ngoài Bahrain, ở Seychelles, Chile và Uruguay, tất cả đều đã sử dụng vắc-xin Sinopharm hay Sinovac của Trung Quốc để nhanh chóng đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Tuy nhiên, các ca bệnh lại tăng lên dù đã tiêm đủ số liều cần thiết.
Tuy nhiên, thường chỉ thấy giới chức Trung Quốc đưa tin về những dữ liệu cho thấy tính hiệu quả của vắc-xin họ sản xuất, trong khi những dữ liệu cho thấy có vấn đề thì họ không đưa tin. Gần đây, một người thuộc thế hệ sinh sau 1990 ở Tây An đã tiết lộ trên Weibo chuyện cô phải vào viện vì bị sốc phản vệ do tiêm vắc-xin nội địa. Sau đó bác sĩ cho cô biết rằng tim cô đã bắt đầu suy yếu. Sau đó đã không còn thấy tung tích của cô gái này trên mạng xã hội Trung Quốc, không rõ số phận của cô như thế nào.
Ngoài ra, trước đó nhân viên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc đã chia sẻ tin cho Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng ngày 1/6, có người ở tỉnh Hà Bắc bị phản ứng bất thường nghiêm trọng sau khi được tiêm vắc-xin nội địa. Trước đó 3 ngày, có người ở huyện Ninh Tấn tỉnh Hà Bắc tử vong trong vòng 5 phút sau khi tiêm vắc-xin nội địa.
Gần đây, Epoch Times đã phỏng vấn 3 người xuất hiện phản ứng bất thường sau khi tiêm vắc-xin SinoVac tại Trung Quốc. Trong đó, một người bị điếc tạm thời, một người bị nhồi máu não và một người bị bệnh tim. Họ đều cho biết sức khỏe rất tốt trước khi tiêm và vấn đề chỉ xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin Sinovac. Tuy nhiên, không có bác sĩ nào giám chứng nhận cho họ rằng bệnh tình của họ là do tiêm vắc-xin gây ra. Trên Weibo cũng xuất hiện nhiều người có phản ánh tương tự.
- Hiện tượng ‘điếc tạm thời’ sau khi tiêm vắc-xin SinoVac của Trung Quốc
- Hiện tượng nhồi máu não và bệnh tim sau khi tiêm vắc-xin SinoVac
Trường hợp nữa cho thấy vấn đề của vắc-xin nội địa Trung Quốc là trường hợp ở Hồng Kông, tính đến ngày 21/4/2021, ở Hồng Kông trong tổng số 25 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin thì có 21 người tiêm vắc-xin Sinovac và 4 người kia tiêm vắc-xin Pfizer–BioNTech – loại vắc-xin hợp tác sản xuất giữa hãng BioNTech của Đức và Fosun Pharma tại Thượng Hải Trung Quốc. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ ngày 5 – 18/4 có ít nhất 20 trường hợp nghi ngờ bị liệt mặt sau khi tiêm chủng, trong đó 12 người là tiêm vắc-xin Sinovac và 8 người tiêm kia Pfizer–BioNTech.
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc Vắc xin COVID-19 Vắc-xin virus corona Vắc-xin Sinopharm Vắc-xin Sinovac