Trung Quốc trên đường “thoát Mao” trong kỷ niệm ngày sinh Mao Trạch Đông
- Tuyết Mai
- •
Ngày 26/12 là ngày sinh lần thứ 124 của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông của đảng Cộng sản Trung Quốc, có người phái Mao xin tổ chức hoạt động kỷ niệm nhưng bị cảnh sát địa phương từ chối vì lý do hoạt động “sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự xã hội”. Có phân tích cho rằng, có thể vấn đề này liên quan đến chính sách “thoát Mao” của nhà cầm quyền Trung Quốc những năm gần đây.
Trang tin Dwnews ngày 25/12 đưa tin, cư dân mạng Trung Quốc gần đây chia sẻ một hình ảnh chụp nội dung trả lời từ cơ quan cảnh sát, tựa đề “Về quyết định không chấp thuận tụ tập mít-tinh”. Phúc đáp này xuất phát từ yêu cầu của một người có tên Điền Lệ Quân xin tổ chức mít-tinh vào ngày 20/12 tại quảng trường Trung tâm thương mại Đế Đạt (Dida Shopping Center), thành phố Trương Gia Khẩu, lý do là để kỷ niệm ngày sinh của Mao Trạch Đông. Yêu cầu này bị từ chối, thông báo từ chối cho biết làm như thế sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự xã hội”.
Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động kỷ niệm liên quan đến ông Mao Trạch Đông đã bị giới chức Trung Quốc nghiêm cấm, những phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng hạn chế nói về đề tài Mao Trạch Đông.
Ngày 09/9 năm nay là ngày kỷ niệm 41 năm Mao Trạch Đông qua đời, nhưng chính phủ Trung Quốc không tổ chức kỷ niệm, còn các cơ quan truyền thông chính thức cũng hạn chế đưa tin, bầu không khí trong dân cũng yên lặng.
Ngày 05/5, chính quyền huyện Phương Thành tỉnh Hà Nam đã xây bức tường bịt kín Nhà Kỷ niệm Mao Trạch Đông nằm trong khu núi của địa phương (lấy lý do xây dựng một sân chơi cho các bé học tiểu học). Khi xây dựng đã huy động nhiều cảnh sát đến canh gác, có hai nhân viên nhà kỷ niệm bị bắt vì ngăn cản thi công.
Trước đó, vào năm 2016, phe cánh hâm mộ Mao ở Trung Quốc Đại Lục đã tuyên bố thành lập cái gọi là “đảng Vệ Mao”, kế hoạch ban đầu là tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất nhân dịp 40 năm qua đời của Mao Trạch Đông. Nhưng người sáng lập bị bắt, đại hội đã tạm thời bị hủy.
Có nhận định, kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã làm theo phương châm gọi là “Lật Giang khử Mao”.
Tháng 11/2013, khi ông Tập Cận Bình đi thăm Hồ Nam đã đi bằng đường vòng, cố tình tránh nơi ở cũ của Mao Trạch Đông; năm 2014 khi ông Tập Cận Bình tổ chức một hội nghị chuyên đề văn học, trong bản bài phát biểu dài đã không hề đề cập đến tư tưởng văn học Mao, trong khi liệt kê một danh sách dài các đầu sách và nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước; khi viếng thăm Mỹ vào tháng 9/2015, ông Tập Cận Bình mang theo một cuốn sách lịch sử nói về lịch sử cận đại Trung Quốc và lên án Mao Trạch Đông, trao tặng cho sinh viên Mỹ.
Buổi tối ngày 02/5/2016, Đại lễ đường Bắc Kinh đã tổ chức “Đêm hội ca nhạc đỏ”, sự kiện đã bị nhiều người đặt vấn đề “Khôi phục thời Cách mạng Văn hóa”. Có thông tin cho biết “Đêm hội ca nhạc đỏ” làm ông Tập Cận Bình rất tức giận, yêu cầu điều tra nghiêm về vấn đề này.
Tháng 8/2016, Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) tiết lộ, vào cuối tháng 6/2016, Bộ Chính trị Trung Quốc với số phiếu áp đảo đã thông qua kế hoạch do ông Vương Kỳ Sơn khởi xướng, yêu cầu di dời Đài Kỷ niệm Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, chuyển về Thiều Sơn, Hồ Nam. Ông Tập Cận Bình cho biết, vấn đề Đài Tưởng niệm Mao Trạch Đông sẽ sớm muộn được giải quyết, không thể giữ lại vì bất cứ lý do nào.
Ngày 06/9 năm nay, quân đội Trung Quốc công bố danh sách đại biểu quân đội tại Đại hội 19, cháu đích tôn của Mao Trạch Đông là Mao Tân Vũ, giữ quân hàm Thiếu tướng, đã bị loại khỏi danh sách đại biểu Đại hội 19.
Ngày 01/8 năm nay, Đài Truyền hình Trung Quốc Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng buổi tiệc kỷ niệm ngày xây dựng quân đội có ông Tập Cận Bình tham dự, trong cảnh quay ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường cùng cầm ly đi cụng ly với các quân nhân, khi đi qua vị trí của ông Mao Tân Vũ, ông Tập Cận Bình chỉ cụng ly với nữ quân nhân ngồi cạnh, xem ông Mao Tân Vũ như không có mặt, cả ông Lý Khắc Cường cũng vậy. Lúc đó có ý kiến cho rằng thời đại Tập Cận Bình đã không còn nể mặt hậu thế của Mao Trạch Đông nữa.
Ngay từ năm 2011, nhà văn Thiết Lưu nổi tiếng Bắc Kinh đã phát động chiến dịch ký tên lên án những tội ác của Mao Trạch Đông, và thề nhất định phải đưa thi thể Mao ra khỏi Kỷ niệm đường, tháo bỏ hình ảnh Mao xuống khỏi bức tường, quyết không bao giờ bỏ cuộc nếu không đạt được mục tiêu! Thiết Lưu chỉ ra, Mao Trạch Đông là yếu tố gây bất ổn lớn nhất của Trung Quốc. Những nạn nhân, ai còn sống sẽ là nhân chứng của lịch sử, tất cả đều là nhân chứng trước những tội ác trùng trùng của Mao.
Tuyết Mai
Xem thêm
Từ khóa thoát Mao Tập Cận Bình Mao Trạch Đông