Trung Quốc: Vấn nạn tạo giả dữ liệu việc làm của sinh viên tốt nghiệp
- Trần Phi
- •
Tại Trung Quốc, vấn đề việc làm của giới trẻ đang là một chủ đề nóng, trong bối cảnh này thì việc phanh phui hậu quả xã hội trong vấn nạn các trường đại học tạo giả dữ liệu việc làm của sinh viên tốt nghiệp trở thành vấn đề nhạy cảm.
Tờ Bán Nguyệt Đàm (banyuetan) thuộc Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng công bố bài vạch trần nhiều trường cao đẳng và đại học Trung Quốc giả tạo dữ liệu việc làm sinh viên tốt nghiệp – vấn đề đã gây ra phản ứng mạnh trong công luận.
Bài viết dẫn lời một số sinh viên cho biết, cố vấn học đường chỉ cho sinh viên tốt nghiệp kê khai “việc làm linh hoạt”… để tăng tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Bài viết cũng dẫn lời nhiều bậc cha mẹ nói rằng nhà trường chỉ cấp văn bằng sau khi sinh viên có hợp đồng việc làm được đóng dấu, hệ quả xuất hiện tình trạng nhiều nền tảng mua sắm trực tuyến làm dịch vụ “đóng dấu” việc làm cho sinh viên. Bài viết còn dẫn lời người phụ trách trung tâm hướng nghiệp (giấu tên) của trường đại học tiết lộ trường công bố tỷ lệ việc làm là 90%, trong khi thực tế trong năm nay chỉ có 20% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Bài viết này từng được tờ Bán Nguyệt Đàm công bố trên cả tài khoản Weibo và WeChat của họ, nhưng sau đó đã bị gỡ bỏ, dù vậy nội dung đã được nhiều phương tiện truyền thông lớn và các blogger trích dẫn đưa tin, một số cư dân mạng cũng đã chụp ảnh màn hình bài báo và đăng lại trên mạng.
- Tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên Trung Quốc là bao nhiêu?
- PGS. Đại học Bắc Kinh: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc phải là 46,5%
Vấn nạn từ thể chế
Học giả chính trị độc lập của Trung Quốc, ông Chen Daoyin (Trần Đạo Ngân) cho biết khi ông giảng dạy ở Thượng Hải, nhà trường đã yêu cầu các giáo sư giải quyết vấn đề [giả] “con dấu” [việc làm] cho sinh viên thất nghiệp, vào thời điểm đó thì tỷ lệ việc làm nói chung cao nên vấn đề này chưa nổi lên; Bán Nguyệt Đàm chỉ là ấn phẩm tham khảo nội bộ, nhưng sự việc được họ vạch trần đã tác động xã hội vượt quá dự tính của nhà chức trách dẫn đến bài viết phải bị gỡ bỏ.
Học giả Chen Daoyin: “Vấn đề việc làm sinh viên liên quan đến lương, phúc lợi, tiền thưởng, đặc biệt ảnh hưởng việc phân bổ kinh phí và đánh giá giảng viên của các trường cao đẳng và đại học, đây là lý do khiến nhiều trường tạo giả dữ liệu việc làm, vận động giảng viên và thúc đẩy mọi hình thức hỗ trợ để giúp sinh viên tìm việc làm. Ví dụ, tôi có một người bạn thành lập công ty và đã nhờ anh ấy giúp sinh viên của tôi đóng dấu việc làm sau đó gửi lại cho nhà trường, như vậy về dữ liệu thì sinh viên của tôi đã có việc làm nhưng thực tế không phải…”.
Ông cũng cho rằng vụ việc phản ánh vấn nạn giả dối gian lận đến mức báo động trong xã hội Trung Quốc ngày nay, vấn nạn này là hệ quả văn hóa Đảng của ĐCSTQ [các phong trào thi đua, bệnh thành tích, lối quản trị áp đặt phản khoa học…]. Khi những ai nói thật đã phải chịu hậu quả thanh trừng như thế nào, đến khi ngay cả trong trường hợp nhà chức trách kêu gọi ‘lời thật việc thật’ thì người ta cũng không biết lời kêu gọi đó có thực lòng không hay âm mưu gì đó nhằm ‘dụ rắn ra khỏi hang’…
Còn Giáo sư Yang Haiying (Dương Hải Bình) tại Đại học Shizuoka – Nhật Bản cho rằng vụ việc không chỉ là vấn đề trong phạm vi của các trường đại học và ngành giáo dục Trung Quốc, còn là bầu không khí xã hội toàn Trung Quốc.
“Toàn xã hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được xây dựng trên một hệ thống [chính trị] không chính danh, một người có được vị trí đó thì để giữ vị trí hoặc thanh danh phải biết giả dối, vì cấp quản lý cấp cao vốn [leo lên] nhờ vô đạo đức mà không có hệ thống đánh giá chuyên nghiệp, đây là vấn đề cơ cấu [thể chế] của Trung Quốc [nhân danh] chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, bây giờ vấn đề thể chế này một lần nữa lại phơi bày từ mọi khía cạnh”, ông cho hay.
Nói về hậu quả thực trạng này, nhà bình luận thời sự Fang Yuan (Phương Nguyên) cho rằng tính khách quan và chính xác của công việc thống kê là một trong những nền tảng để giúp đất nước vận hành bình thường, nhưng dữ liệu chính thức của Trung Quốc thường xuyên bị làm sai lệch gây hậu quả về kinh tế – xã hội nghiêm trọng, vì khi đó nhà chức trách sẽ rơi vào thảm cảnh giống như “kê không đúng thuốc cho bệnh”.
“Tạo giả tỷ lệ việc làm như vậy là con dao hai lưỡi, dù một mặt có được hiệu quả tích cực về tuyên truyền, nhưng mặt khác về phương diện quản trị sẽ kéo theo những chỉ đạo sai lầm nghiêm trọng, vì quyết sách đó dựa theo dữ liệu giả và khiến xã hội chịu hậu quả”, bà lưu ý.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc thất nghiệp ở Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc