Trung Quốc đang xây dựng sân bay đảo nhân tạo lớn nhất thế giới ở Đại Liên. Dự án có diện tích 20 km vuông nằm ở vịnh Cẩm Châu với mục đích biến Đại Liên thành một trung tâm hàng không hấp dẫn của châu Á vào năm 2035.

san bay dao nhan tao
Bản vẽ sân bay quốc tế Vịnh Kim Châu. (Ảnh: DALIAN INTERNATIONAL AIRPORT)

Cơ sở hạ tầng của sân bay được thiết kế để chứa tới 80 triệu hành khách mỗi năm, nguồn tin chính thức của Trung Quốc đưa tin rằng sân bay Vịnh Cẩm Châu mở nhiều tuyến đường, tạo thành một tuyến đường liên thông đường sắt – đường biển – đường hàng không.

Để xây dựng hòn đảo nhân tạo này đã vận chuyển hàng triệu tấn cát và đá, đồng thời xây dựng một con đê dài 21 km để bảo vệ khu vực khỏi tác động của biển. Dự án này là một phần trong chiến lược tuyên bố chủ quyền kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về chi phí môi trường.

Tờ Le Figaro của Pháp có bản tin cảnh báo, dự án tại vịnh Cẩm Châu tại Đại Liên – Trung Quốc này có thể gây tác động đối với động thực vật biển của vịnh mà không thể cứu vãn. Do nguồn nguyên vật liệu được khai thác với số lượng lớn để xây dựng khu vực sân bay sẽ làm thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái vùng liên quan. Ngoài ra, công trình này cũng sẽ làm thay đổi dòng hải lưu và tăng nguy cơ xói mòn bờ biển gần đó.

Các chuyên gia Pháp phân tích rằng chính quyền Trung Quốc nhận thức được những lời chỉ trích này và đang đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế tác động môi trường, chẳng hạn như khôi phục các rạn san hô nhân tạo hoặc thiết lập các khu bảo tồn gần đó. Nhưng những nỗ lực này có đủ để bù đắp tổn thất không? Các nhà môi trường hoài nghi về những cam kết như vậy, chỉ ra rằng các dự án cơ sở hạ tầng tương tự trước đây ở châu Á thường để lại những “vết sẹo” lâu dài cho hệ sinh thái.

Từng là một thành phố chiến lược tập trung vào thương mại đường biển, Đại Liên đã trở thành điểm trung chuyển thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Vịnh Cẩm Châu, nơi cách đây vài năm ít được biết đến, có thể trở thành biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc: kết hợp hiện đại hóa, công nghệ kỹ thuật và sức mạnh kinh tế. Các nhà chức trách hy vọng thương mại và du lịch sẽ phát triển, biến khu vực vẫn còn ít được biết đến này thành một trung tâm hấp dẫn của châu Á.

Theo RFI