Từ cương quyết tới cúi đầu: Vì sao bà Carrie Lam thay đổi thái độ?
Với cuộc chiến thương mại đang căng thẳng, một nền kinh tế đang chùn lại và những xung đột ở Biển Đông khiến giới cầm quyền Bắc Kinh bận bịu, thì lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tỏ ra không mảy may nhượng bộ trước áp lực dư luận về dự luật dẫn độ gây tranh cãi, Reuters dẫn lời các nhân chứng có mặt trong các buổi họp gần đây với bà Lam nói.
Một số người tại các buổi họp này chỉ ra rằng thậm chí những vị quan tòa kiệm lời của Hồng Kông cũng lo ngại về dự luật này và khả năng cho phép đưa người từ Hồng Kông tới Trung Quốc Đại lục xử án.
Nhưng bà Lam thẳng thừng bác bỏ các quan ngại về hệ thống tư pháp Trung Quốc vốn gần như bị mọi quốc gia lên án về các hành vi tra tấn, ép cung, bắt bớ vô tội vạ và các phiên tòa một chiều. Bà nói thẩm phán không nên bình luận.
Các quan ngại về tác động của dự luật lên vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông với một hệ thống pháp lý độc lập, được tôn trọng đang dấy lên ở Washington, London và thủ đô các quốc gia phương Tây khác. Nhưng bà Lam vẫn nhấn mạnh yêu cầu phải có luật dẫn độ để giải quyết vấn đề đặt ra bởi vụ sát hại một phụ nữ Hồng Kông ở Đài Loan.
“Cần một con thuyền nhưng bà ta lại điều động chiếc Titanic”, một nhà ngoại giao đã họp mặt với bà Lam trong tháng 6 nói với Reuters trong tình trạng ẩn danh.
Trong nhiều lần xuất hiện trước công chúng sau đó, bà Lam vẫn khăng khăng về tính cấp thiết phải có của điều luật, bất chấp các cuộc biểu tình rộng lớn, đôi khi có yếu tố bạo lực trên đường phố. Cuộc biểu tình vào thứ Tư và Chủ nhật đã thu hút hơn 1 triệu tham gia.
Bà Lam lên truyền hình, bày tỏ “hối tiếc” vì đã nổ ra bạo lực trong cuộc biểu tình thứ 2, khi cảnh sát bắn đạn khói cay và đạn cao su vào người biểu tình. Tuy nhiên bà không xin lỗi và kiên quyết không từ bỏ dự luật.
Tuy nhiên đến thứ Bảy vừa rồi, bà Lam đột nhiên tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ.
Bà nói trong buổi họp báo rằng bà cảm thấy “buồn và hối tiếc sâu sắc rằng những yếu kém trong công tác của bà và rất nhiều yếu tố khác đã khuấy động tranh cãi to lớn và bất hòa trong xã hội”.
“Bà đầm sắt tự phong” của Hồng Kông đã gục ngã, sau khi một tay tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị mới toanh cho ông chủ của bà là Tập Cận Bình, cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Anh trả Hồng Kông về tay chính quyền Bắc Kinh năm 1997 với cam kết duy trì quyền tự trị.
Tại sao bà Lam đột ngột thay đổi thái độ? Theo Reuters, manh mối có thể tìm thấy ở cuộc gặp giữa bà ta và phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính.
Theo báo Sing Tao của Hồng Kông, bà Lam đã có một cuộc gặp bí mật khẩn cấp với ông Hàn, một trong “thất trụ” của bộ chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Trung Quốc, tại biên giới Hồng Kông ở Thâm Quyến, vào hôm thứ Năm, một ngày sau vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.
Nội dung của cuộc gặp vẫn là ẩn số. Bà Lam khi tuyên bố hoãn dự luật, không xác nhận hay bác bỏ rằng bà đã gặp quan chức chính quyền Trung Ương, bất chấp bị hỏi liên tục.
Bắc Kinh đã tăng cường nắm chặt quyền lực tại Hồng Kông kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012 và nhất là sau các cuộc biểu tình của phong trào Ô Dù năm 2014.
Năm 2017, ông Tập cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm phá hoại chủ quyền của Trung Quốc là “lằn ranh đỏ” và Bắc Kinh sẽ không cho phép vượt qua. Rất nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và các nhà phân tích đã cho rằng Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng trước luật dẫn độ lần này, không giống như năm 2003, khi luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đã bị hủy bỏ khi nửa triệu người ra đường phản đối.
Theo Reuters, một nguồn tin ở Bắc Kinh có liên hệ với giới lãnh đạo cấp cao, nói rằng trung ương đánh giá chính quyền Hồng Kông đã xử lý câu chuyện về đạo luật dẫn độ một cách kém cỏi.
Trong khi chỉ một tuần trước, việc trông đợi Bắc Kinh lùi bước về luật dẫn độ có vẻ bất khả thi, thì các vụ đụng độ bạo lực và bất ổn xã hội leo thang tại Hồng Kông đã buộc họ phải nhân nhượng.
“Không ai dám nghĩ đến kết quả này nếu tình hình không biến chuyển đến mức này”, nguồn tin giấu tên của Reuters nói.
Nguồn tin nói thêm rằng Bắc Kinh hiện tại cũng đã hết “sủng ái” Carrie Lam mà nghi ngờ sâu sắc khả năng giúp Bắc Kinh ổn định Hồng Kông của bà.
Steve Tsang, một nhà khoa học chính trị tại London, nói rằng bà Lam đã khiến ông Tập phải chịu “một phen mất mặt” ở một thời điểm không thể tệ hại hơn, với cuộc chiến thương mại căng thẳng và ngay trước thềm cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhật vào cuối tháng này.
“Tập không phải là một lãnh đạo tha thứ cho thất bại của cấp dưới”, Tsang nói.
Quan chức cấp cao Hồng Kông đã về hưu Joseph Wong nói rằng ông đã sốc bởi thay đổi đột ngột của Bắc Kinh, nhưng cho rằng tình hình ở thành phố này đã trở nên không ổn định đến mức mà Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính phải tính toán lại sau cuộc gặp bà Lam ở Thâm Quyến.
“Tôi nghi ngờ ông ta (Hàn Chính) đã phải suy xét lại, họ có sẵn sàng tiếp tục bắn đạn cao su, thậm chí là đạn thật để thông qua điều luật này hay không, và hậu quả của quốc tế đối với chính quyền trung ương là gì, phải đối mặt với Mỹ ra sao. Vì thế cuộc biểu tình đó là điểm thay đổi.”
Tới nay, bà Lam vẫn phớt lờ yêu cầu từ chức của người biểu tình và phe đối lập. Hôm nay, vẫn có hàng vạn người Hồng Kông, không thỏa mãn với khả năng chính phủ Carrie Lam có thể tái khởi động thủ tục thông qua dự luật dẫn độ bất cứ lúc nào, ùa ra đường yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn dự luật và bà Lam phải từ chức. Không chỉ người Hồng Kông không còn tín nhiệm đối với Lam, mà ngay cả Bắc Kinh cũng cần một gương mặt mới để quản lý thành phố chưa bao giờ chịu ngoan ngoãn khuất phục này.
Nhà nghiên cứu chính trị Tsang cho rằng bà Lam sẽ không giữ được vị trí hiện tại lâu dài.
“Tôi nghĩ rằng những ngày của bà Carrie Lam đang cạn dần. Bắc Kinh không thể sa thải bà ta ngay bởi vì đó sẽ là dấu hiệu của sự yếu kém. Họ phải kéo dài thời gian dạo màn thêm một chút nữa”.
Trước bà Lam, 2 trưởng đặc khu khác đã phải nghỉ hưu sớm là Tung Chee-Hwa và Leung Chun-ying bởi vì các chính sách gây tranh cãi, tạo ra lo sợ và phẫn nộ trong công chúng Hồng Kông về việc cho phép Bắc Kinh làm xói mòn quyền tự do, tự trị của thành phố.
Về phần mình, bà Lam chưa hề nhận sai. Bà vẫn khẳng định dự luật của bà là đúng, và bà đề nghị công chúng cho bà một cơ hội để có thể giải thích một cách tốt hơn những điều đúng đắn của dự luật cho công chúng.
“Hãy cho chúng tôi một cơ hội khác và chúng tôi sẽ làm điều này một cách tốt đẹp”, bà nói trong buổi họp báo hôm thứ Bảy.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình biểu tình ở Hồng Kông Carrie Lam