Tỷ phú Lý Gia Thành tiếp tục đợt thoái vốn kỷ lục khỏi Trung Quốc
- Tuyết Mai
- •
Gần đây, ông Lý Gia Thành đã tạo kỷ lục mới khi bán tòa tháp Trung Hoàn Trung Tâm (The Center), hành động thoái vốn của ông khỏi Trung Quốc đang rất được chú ý. Theo thông tin từ truyền thông Hồng Kông, trong 6 năm qua tỷ phú này đã bán ra số tài sản trị giá 250 tỷ đô la Hồng Kông (32 tỷ USD) ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông.
Tối ngày 1/11, Tập đoàn Trường Thực (CK Asset Holdings) của ông Lý Gia Thành thông báo đã bán tòa tháp chọc trời The Center với giá 40,2 tỷ đô la Hồng Kông (5,1 tỷ USD). Đây được xem là một kỷ lục giao dịch của thương giới Hồng Kông.
Những năm gần đây, ông Lý Gia Thành liên tục bán tài sản ở Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục, bao gồm bất động sản, các loại ủy thác, quỹ.
Ngày 2/11 vừa qua, kênh tài chính Sohu đưa tin, việc Lý Gia Thành bán tháo khối tài sản khổng lồ ở Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục bắt đầu khoảng sau năm 2010.
Năm 2011, tín thác Hòa Ký Hồng Kông (Hutchison Port Holdings Trust) kêu gọi đầu tư, Lý Gia Thành đã chi ra khoảng 42,9 tỷ đô la Hồng Kông. Chỉ trong hai tháng, Quỹ tín thác bất động sản Hối Hiền (Hui Xian) do hai tập đoàn của Lý Gia Thành là Trường Thực (CK Asset Holdings) và Hòa Ký Hoàng Bộ (Hutchison Whampoa) quản lý, Lý Gia Thành đã nhượng lại 40% cổ phần, kiếm được khoảng 12,3 tỷ Đô la Hồng Kông.
Sau năm 2013, Lý Gia Thành đẩy nhanh tốc độ bán, bán ra số bất động sản trị giá khoảng hơn 20 tỷ đô la Hồng Kông ở những thành phố trung tâm như Bắc Kinh, Thượng Hải. Trong đó có Fortune Kingswood Phase Hồng Kông, Metropolitan Plaza Quảng Châu, Trung tâm Oriental Financial Thượng Hải.
Năm 2014 là năm mà ông Lý Gia Thành bán ra nhiều nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, 8 khoản giao dịch hoàn thành năm 2014 liên quan đến số tiền 90,4 tỷ đô la Hồng Kông. Trong đó 24 tỷ bán lại cho Hong Kong Electric thu lợi 50%, 44 tỷ bán cho Watson thu lợi 25% và 7,2 tỷ từ PCCW Limited do người con thứ Lý Trạch Giai (Richard Li) quản lý bán cho Trung tâm Block B Yingke tọa lạc tại khu Tam Lý Đồn ở Bắc Kinh.
Năm 2015, Lý Gia Thành đã bán ra 19,9% quyền lợi tại Electric Hồng Kông, thu về khoảng 9,647 tỷ đô la Hồng Kông.
Tháng 10/2016, toàn bộ cổ phần 25 tỷ đô la Hồng Kông từ bất động sản Trường Thực mà Lý Gia Thành nắm giữ đã nhượng lại cho Century Link Towe Thượng Hải.
Năm 2017, đã bán 14,5 tỷ Đô la Hồng Kông từ công ty Truyền thông Hòa Ký Hoàn Cầu (Hutchison Global Communications), 2 tỷ Đô la Hồng Kông từ công ty bất động sản Trường Thực, và cuối cùng là thoái vốn 40,2 tỷ HKD từ việc bán tòa tháp The Center.
Theo báo cáo, trong 6 năm, Lý Gia Thành đã bán số tài sản trị giá ít nhất 250 tỷ đô la Hồng Kông ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông.
Trước việc Lý Gia Thành thoái vốn ở Trung Quốc Đại Lục để đầu tư sang Anh, các nước châu Âu và châu Úc, giới quan sát cho rằng Lý Gia Thành bi quan về môi trường đầu tư và lợi nhuận đầu tư ở Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục.
Năm 2015, nhóm chuyên gia Liễu Vọng thuộc Tân Hoa xã Trung Quốc đã có bài viết “Đừng để Lý Gia Thành tháo chạy”, trong đó lên án Lý Gia Thành nhân lúc kinh tế Trung Quốc gặp nguy cơ bán tháo tài sản. Còn ông Lý trả lời rằng, là thương nhân thì chuyện mua bán là bình thường. Ông Lý đã có quốc tịch Canada, ngoài ra còn có đồn ông còn là công dân của Anh và Úc, tuy nhiên chưa được chứng thực.
Tháng 8 năm nay, giáo sư Thái Hà thuộc Ban Nghiên cứu Xây dựng Đảng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc đánh giá, logic tư bản chính là kiếm lợi, ở đâu có lợi thì đi đến đó. Trong khi môi trường thể chế ở Trung Quốc hiện nay không thuận lợi cho phát triển kinh tế, quá độc quyền, chèn ép tư bản, giới tư bản đỏ thân hữu thì ép lại người làm công. Hiện nay tại Trung Quốc, sức mạnh lớn nhất là quyền lực chính trị, sức mạnh thứ hai mới là tư bản, còn những người ở tầng đáy xã hội là yếu thế nhất. Khi tư bản gặp quyền lực thì ngoan ngoãn phục tùng, như một số người nói “heo nuôi béo để thịt”.
Đối với quan điểm “Không cho Lý Gia Thành tháo chạy”, giáo sư Thái Hà cho biết, đây là loại logic cường bạo, tư duy côn đồ, cộng thêm thói xấu thành kiến đối với đạo đức tư bản. Đây là loại tâm ký không phân trắng đen, là ý thức tiểu nông hạn hẹp. Nếu làm vậy các nhà tư bản sẽ bỏ chạy hết, không chỉ tư bản nước ngoài đầu tư vào mà tư bản trong nước cũng bỏ chạy.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa thoái vốn Li Ka-shing Hồng Kông Trung Quốc bất động sản tỷ phú Kinh tế