Vài quan sát về Hội nghị Chính hiệp toàn Trung Quốc khai màn ngày 21/5
- Tuyết Mai
- •
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát khiến hội nghị thứ ba của khóa 13 Chính hiệp Trung Quốc (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) bị trì hoãn đến chiều ngày 21/5 vừa qua mới khai màn. Xuất hiện tại Hội nghị, ban lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ai đeo khẩu trang, trong khi khoảng 2.000 ủy viên đến từ các tỉnh thành đều đeo khẩu trang. Tình huống này tương tự như một hội nghị vào hồi tháng Hai của ĐCSTQ do Tập Cận Bình chủ trì mà số người tham gia lên đến 170.000 người.
Theo Xinhuanet của nhà nước Trung Quốc, Hội nghị Chính hiệp toàn Trung Quốc đã khai mạc lúc 3 giờ chiều ngày 21/5 tại Đại lễ đường Bắc Kinh. Tại hiện trường có thể thấy toàn bộ Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ bao gồm Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính cùng nhóm lãnh đạo cao nhất của Chính hiệp đều không đeo khẩu trang. Nhưng khoảng 2.000 ủy viên Chính hiệp ngồi dưới bục Chủ tịch và khu vực khác của hội nghị đều đeo khẩu trang để tham dự cuộc họp.
Diễn biến này gợi nhớ lại ngày 23/2 năm nay ĐCSTQ đã triệu tập “Hội nghị triển khai phòng chống dịch bệnh và công tác phát triển kinh tế – xã hội” với sự tham dự của 170.000 quan chức từ cấp quận/huyện trở lên trên toàn quốc. Thời điểm đó, trong đoạn phim truyền tải qua bản tin của CCTV cho thấy bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ngồi trong một hàng không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa mỗi người khoảng hai mét; trong khi hàng chục ủy viên Bộ Chính trị và các quan chức khác ở phía đối diện đều đeo khẩu trang và cầm sổ ghi chép.
Về vấn đề này, nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong) tại Mỹ cho biết, Hội nghị khác thường của ĐCSTQ với 170.000 người cũng cho thấy vấn đề khác thường, đó là những người ở vị trí cấp cao nhất ngồi trên bục không đeo khẩu trang, còn những người ngồi dưới thì phải đeo, tình cảnh gợi cảm giác giống như một loại đặc quyền đặc biệt khác dành cho những kẻ ngồi trên: các người không được phép lây nhiễm cho chúng tôi, còn chúng tôi có thể lây nhiễm cho các người.
Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn còn diễn biến khó lường, đặc biệt nghiêm trọng ở ba tỉnh là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Những ngày gần đây nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện tại thành phố Thư Lan và quận Phong Mãn của thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm, cả hai nơi đã được đưa vào khu vực có nguy cơ cao phải thực hiện phong tỏa. Thành phố Thư Lan tuyên bố “vào trạng thái thời chiến”.
Tại Thượng Hải cũng lại phát hiện trường hợp bị nhiễm, trong khi có những thông tin cho rằng nhiều nơi khác có biểu hiện che giấu tình hình dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến “lưỡng hội” (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc Trung Quốc) của ĐCSTQ bị nhiều nhà quan sát cho là “làm màu chính trị”. Chuyên gia truyền thông kỳ cựu Lã Nguyệt (Lu Yue) bình luận trên Apple Daily tại Hồng Kông cho biết, việc nhà cầm quyền ĐCSTQ vẫn tổ chức “lưỡng hội” ngay giữa thời khắc khủng hoảng này cho thấy: một là để phô trương, hai là nhằm trấn an người dân.
Được biết, do các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt nên dự kiến Hội nghị lần này cần có 2.151 ủy viên tham gia, nhưng cuối cùng chỉ có được 2.057 ủy viên.
Tại buổi khai mạc Chính hiệp lần này, trong báo cáo công tác của ông Uông Dương – Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc, ngoài những luận điệu quen thuộc còn thêm vào câu “khuyến khích các ủy viên Chính hiệp khu vực Hồng Kông tích cực lên tiếng”, và “tăng cường liên lạc với người Hoa ở nước ngoài”… Nói về công việc liên quan đến Hồng Kông, Macao và Đài Loan năm 2020, ông Uông Dương cho biết “phải đảm bảo ổn định vấn đề ‘một quốc gia, hai chế độ’” và “tăng cường trao đổi với nhân sĩ trí thức, tổ chức xã hội, các đoàn thể trên đảo Đài Loan”.
Nhưng trong bài phát biểu nhậm chức mới đây của Tổng thống Đài Loan đã nhắc lại việc tuân thủ “hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại” giữa hai bên eo biển, tuyệt đối không bao giờ chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ.
Tại Hồng Kông, phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ từ tháng Sáu năm ngoái vẫn chưa có hồi kết, gần đây chính phủ Hồng Kông không chỉ bắt giữ và đàn áp các nhà dân chủ Hồng Kông, mà trong cuộc bầu cử Chủ tịch Ủy ban Nội vụ của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, phe kiến chế thân ĐCSTQ thậm chí còn sử dụng vũ lực của an ninh để trấn áp nghị sĩ dân chủ để đưa bà Lý Tuệ Quỳnh (Starry Lee) lên làm Chủ tịch.
Trên thực tế, hiếm khi “lưỡng hội” của ĐCSTQ tổ chức thêm “cuộc họp đặc biệt” như lần này với sự tham gia của ông Hạ Bảo Long (Xia Baolong) là Phó chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông và Macao. Có quan sát cho rằng lý do của “cuộc họp đặc biệt” có thể đề cập đến vấn đề lập pháp Điều 23 ở Hồng Kông liên quan đến “cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai và lật đổ chính quyền trung ương”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Lưỡng hội Trung Quốc Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán Tập Cận Bình