Hồng Kông: Chính quyền đẩy mạnh thanh trừng loại bỏ nghị viên phe dân chủ?
- Tuyết Mai
- •
Hồng Kông từ sau chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ đã có khoảng 40 nghị viên phe Dân chủ thuộc Hội đồng Lập pháp và Hội đồng Quận bị bắt giữ. Theo thông tin, Luật bầu cử hiện tại của Hồng Kông có một điều khoản quy định “người bị án tù quá 3 tháng sẽ bị cấm đề cử trong 5 năm”, vì vậy vào tháng Chín năm nay nhiều người phe dân chủ có thể tranh cử hoặc tái tranh cử trong Hội đồng Lập pháp hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Xã hội là Hoàng Hạo Minh (Raphael Wong) đã đệ đơn phản bác quy định liên quan vì cho rằng điều khoản này vi hiến, vi phạm quyền đề cử và tước đoạt quyền chọn người đại diện của cử tri. Án kiện khai thẩm vào ngày 28/4 vừa qua.
Tháng Tư năm ngoái nghị viên Hoàng Hạo Minh đã bị kết án 8 tháng tù vì tham gia “Phong trào Ô dù” chiếm đóng khu trung tâm Hồng Kông. Sau đó nghị viên này đã đề xuất xem xét lại điều luật hiện hành quy định những người bị kết án tù từ 3 tháng trở lên, bao gồm cả án treo, sẽ mất tư cách tham gia bầu cử trong vòng 5 năm, không thể tham gia bầu cử Hội đồng Lập pháp năm nay cũng như bầu cử Hội đồng Quận và đại biểu nông thôn năm 2023. Hoàng Hạo Minh chất vấn rằng điều khoản liên quan đã vi phạm Điều 26 của Luật Cơ bản Hồng Kông và vi phạm Luật Nhân quyền, yêu cầu tòa án tuyên bố điều khoản liên quan là vi hiến. Hôm thứ Ba (28/4) án kiện đã được Tòa án tối cao Hồng Kông xét xử từ xa, bị đơn là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hồng Kông.
Bị cầm tù hơn 3 tháng sẽ không được đề cử trong 5 năm là vi hiến
Theo các nguồn tin truyền thông Hồng Kông, nguyên đơn là nghị viên Hoàng Hạo Minh cho biết điều khoản liên quan đã tước bỏ quyền lợi của cử tri trong chọn lựa người đại diện; ngoài ra, thời hạn cấm kéo dài 5 năm cũng vô lý, thậm chí vượt quá nhiệm kỳ 4 năm của Hội đồng Lập pháp. Đồng thời điều luật cũng quá mơ hồ, không xem xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cũng như vấn đề kháng án… Chẳng hạn, một người bị kết án 3 tháng tù nhưng hưởng án treo cũng bị cấm trở thành ứng viên là quá hà khắc; giả sử một người bị kết án ngay trước khi được chọn vào danh sách đề cử thì sẽ không thể tham gia vào quá trình bầu cử, cho dù sau đó kháng cáo thành công.
Phía Bộ Tư pháp Hồng Kông bác bỏ rằng, theo Luật Cơ bản thì kết án hình sự là một trong những lý do để xác định liệu một người có đủ điều kiện để được chọn đề cử hay không. Những người đã vi phạm luật pháp và bị kết án tù có thể xem như là họ thiếu tôn trọng luật pháp nên không phù hợp trở thành nghị viên, bản án 3 tháng tù là đủ để phản ánh mức độ nghiêm trọng của tội danh, cho dù chỉ bị án treo cũng vậy. Bản thân Hoàng Hạo Minh đã bị kết án 3 lần và lần nào cũng bị tù hơn 3 tháng, cho thấy là người thiếu tôn trọng luật pháp, không bảo đảm mức độ liêm chính và tin cậy mà nghị viên nên có.
Sau khi nghe lập luận của hai bên, Thẩm phán Chu Gia Minh (Anderson Chow Ka-ming) của Tòa án Tối cao Hồng Kông đã chưa thể đưa ra phán quyết.
Nếu Hoàng Hạo Minh thua phiên tòa đầu tiên thì có thể phải chịu khoản chi phí kiện tụng không nhỏ, vì vậy hôm thứ Hai (27/4), nghị viên này đã cùng một số nhà dân chủ từng bị kết án tù phát động gây quỹ, kêu gọi công chúng quyên góp cho “Quỹ bảo vệ công lý”.
Hoàng Hạo Minh: Luật pháp trở thành vũ khí để loại bỏ những người bất đồng chính kiến
Hoàng Hạo Minh đã biên soạn một danh sách cho thấy kể từ sau chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ đến nay có khoảng 40 nghị viên Hội đồng Quận hoặc Hội đồng Lập pháp đã bị bắt giữ, phải chịu án kiện. Hình phạt đối với các tội danh của họ (cản trở công lý, tụ tập bất hợp pháp…) đều hơn 3 tháng, cao nhất đến 5 năm. Đài Á châu Tự Do (RFA) đưa tin rằng Hoàng Hạo Minh nhấn mạnh loại tội phạm hình sự này rất dễ cho Chính phủ cái cớ để loại bỏ những người bất đồng chính kiến. Ông hy vọng tận dụng mọi khả năng để loại bỏ bớt vũ khí của bạo quyền, cho dù không hủy bỏ được quy định này thì cuối cùng cũng vẫn hy vọng về khả năng sửa đổi tốt hơn.
Tại phiên tòa, nguyên đơn Hoàng Hạo Minh cũng đã bác bỏ tuyên bố “không có mục tiêu chính trị” của Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng). Nghị viên này chất vấn rằng trong “Phong trào Ô dù” vào năm 2014 có sự tham gia của rất nhiều người, nhưng chính quyền đã chọn lựa truy cứu nhắm vào 9 người đứng đầu vận động chiếm khu trung tâm, như vậy chỉ có thể lý giải vì “mục đích chính trị”. Chính quyền đã dùng loại luật cổ hủ (như kích động công chúng) để truy cứu, rõ ràng là vì mục đích đàn áp những người đấu tranh dân chủ.
Trần Thục Trang (Tanya Chan) bị kết án treo, phải từ bỏ tái tranh cử vào tháng Chín
Trần Thục Trang (Tanya Chan) thuộc đảng Công dân là thành viên của Hội đồng Lập pháp, đã bị kết án 8 tháng tù giam và bị án treo thêm 2 năm vì tham gia kêu gọi chiếm trung tâm Hồng Kông. Cô thừa nhận rằng không thể tranh cử trong bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng Chín tới. Cô nhấn mạnh tình cảnh hiện nay từ nghị viên cho đến công dân bình thường bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắt và bị buộc tội với mức án cao, từ đó mất quyền ứng cử. Mặc dù lần phản bác tư pháp này rất khó khăn, nhưng hy vọng sẽ giúp những người trẻ có chí hướng tham gia chính trị không bị tước quyền ứng cử vì việc “sàng lọc chính trị”.
Một nghị viên khác của Hội đồng Lập pháp là ông Thiệu Gia Trăn (Shiu Ka-chun) cũng đã bị kết án 8 tháng tù vì nằm trong nhóm 9 người đứng đầu phát động chiếm trung tâm, đã được ra tù vào ngày 3/10 năm ngoái. Ông nói rằng ông là nạn nhân của luật cấm tranh cử này, nhưng ông không từ bỏ hy vọng trong bảo vệ quyền lợi của người dân Hồng Kông chọn lựa người đại diện. Khi Thẩm phán trong vụ án chiếm trung tâm phán quyết tội danh đối với nhóm người của ông, đã tuyên bố rằng họ là nhóm người ngây thơ khi nghĩ rằng chỉ sau một đêm có thể giành được quyền bầu cử phổ thông dân chủ. Tuy nhiên ông Thiệu Gia Trăn cho biết, “Sau khi ra tù tôi vẫn là một người rất ngây thơ. Tôi vẫn ngây thơ cho rằng có cơ hội thành công trong việc xem xét lại điều luật này. Tôi nghĩ rằng ‘Luật cấm đề cử’ này thực sự gây tổn hại và tước quyền tham gia đề cử của chúng tôi.”
Hoàng Chi Phong: Chính phủ Hồng Kông bắt giữ số lượng lớn nghị viên để tước đoạt quyền được đề cử của họ
Tổng thư ký Hoàng Chi Phong của Demosistō Hồng Kông chỉ ra rằng từ tháng 11 năm ngoái đến nay có hơn 400 nghị sĩ dân chủ đã được bầu, nhưng trong số đó, nhiều người đã bị bắt giữ. Hoàng Chi Phong chất vấn rằng: “Tại sao Chính phủ lại bắt bớ và truy tố trên quy mô lớn nhắm vào nghị viên phe dân chủ, khả năng chủ yếu là vì họ muốn dùng cách sàng lọc chính trị, với cách làm này thì trong 4 năm tới còn lại bao nhiêu người trong số 400 nghị viên dân chủ này đủ tư cách tái nhiệm sẽ là vấn đề…” Hoàng Chi Phong cho rằng việc xem xét lại điều luật này là cách họ phải thử xem, phải cố gắng lấy lại quyền cơ bản tham gia chính trị của người Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong từng bị kết án 3 tháng tù giam trong vụ án biểu tình tại Quảng trường Công dân, cuối cùng vào năm 2018 kháng án thành công nên không phải vào tù; sau đó anh lại bị kết án 3 tháng tù vì tội coi thường tòa án ở Mong Kok, nhưng sau khi kháng án thì bản án đã giảm xuống còn 2 tháng. Như vậy Hoàng Chi Phong vẫn có thể tham gia ứng cử Hội đồng Lập pháp vào tháng Chín năm nay.
Tuyết Mai
Xem thêm:
- Người Hồng Kông tiếp tục tổ chức hoạt động chống Dự luật Dẫn độ
- Biểu tình Hồng Kông: “Tự do hay là chết?”
Mời nghe Radio: “Nếu Trung Quốc có đại biến, hãy đứng về phía chính nghĩa”
Từ khóa Phong trào Ô dù Bầu cử Hồng Kông Dòng sự kiện Hoàng Hạo Minh Phe Dân chủ