Vấn đề khó của ĐCSTQ: Làm thế nào giữ được tài sản ở nước ngoài
- Trương Uyển
- •
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào những năm 1980, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm kiếm và mua nhiều tài nguyên khác nhau và các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Là một công xưởng của thế giới, Trung Quốc cũng đã tích lũy dự trữ ngoại hối khổng lồ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga do cuộc chiến xâm lược Ukraine đã khiến ĐCSTQ ý thức được rằng khối tài sản đáng kinh ngạc ở nước ngoài của họ có thể bị đóng băng chỉ sau một đêm.
Ngày 30/4, tờ Financial Times dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã khẩn cấp triệu tập một cuộc họp nội bộ các quản lý cấp cao của hàng chục ngân hàng Trung Quốc và quốc tế hôm 22/4 năm nay, để thảo luận về cách bảo vệ tài sản của ĐCSTQ ở nước ngoài, tránh phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế tương tự như các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga và tài sản ở nước ngoài của nhiều tổ chức tài chính của Nga đã bị Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đóng băng.
Nguồn tin cho biết, các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng nếu một cuộc xung đột quân sự xảy ra trong khu vực, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tương tự khi họ tấn công Đài Loan bằng vũ lực.
Một nguồn tin lắng nghe báo cáo tóm tắt về cuộc họp cho biết, không ai tại hiện trường có thể đưa ra giải pháp tốt. Một số giám đốc điều hành ngân hàng đã đề xuất các biện pháp tương tự như những biện pháp mà Nga áp dụng gần đây, gợi ý rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc các nhà xuất khẩu của Trung Quốc chuyển đổi tất cả thu nhập ngoại hối sang nhân dân tệ để tăng lượng USD trong nước của Trung Quốc; những người khác đề xuất cắt giảm hạn ngạch cho phép công dân Trung Quốc mua ngoại hối hàng năm.
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, tính đến cuối năm 2021, số dư tài sản tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc đã vượt 9.300 tỷ USD, tăng 5% so với cuối năm 2020.
Trong số tài sản nước ngoài của Trung Quốc, số dư tài sản dự trữ quốc tế khoảng 3.400 tỷ USD, chiếm gần 67%, trong đó dự trữ ngoại hối vượt 3.250 tỷ USD, vàng ngoại tệ là 113,1 tỷ USD.
Về cơ cấu tiền tệ của dự trữ ngoại hối, ĐCSTQ không công bố dữ liệu liên quan đến Trung Quốc, nhưng đồng USD luôn chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong số đó. Theo số liệu từ bộ phận nghiên cứu của công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corporation, CICC), tính đến cuối tháng 6/2016, đồng USD chiếm gần 67% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, đồng euro gần 20%, đồng bảng Anh khoảng 10%, và đồng yên Nhật khoảng 3%. Trong cuộc chiến Nga – Ukraine này, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là những quốc gia chính đã đóng băng dự trữ ngoại hối và các tài sản tài chính khác của Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có gần 2.600 tỷ USD tài sản đầu tư trực tiếp, chiếm gần 30% tài sản tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc; 2.300 tỷ USD đầu tư vào tiền gửi và cho vay, chiếm 25%; gần 1.000 tỷ USD tài sản đầu tư chứng khoán, chiếm 11%.
Theo số liệu đầu tư trực tiếp năm 2021 do Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc công bố, vào cuối năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bao phủ tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và hơn 80% (189) quốc gia hoặc khu vực trên thế giới có các khoản đầu tư từ ĐCSTQ. Hơn 80% đầu tư ra nước ngoài của ĐCSTQ được phân bổ trong 6 ngành công nghiệp chính: cho thuê và dịch vụ kinh doanh (khoảng 30%), bán buôn và bán lẻ, phần mềm và công nghệ thông tin, sản xuất, tài chính và khai thác mỏ.
Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, ít nhất 41 quốc gia trên thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm việc rút vốn nước ngoài, cấm vận năng lượng, đóng băng tài sản cá nhân và các biện pháp trừng phạt khác. ĐCSTQ còn tồn tại nhiều vấn đề lớn hơn về phương diện chống lại áp lực từ những trừng phạt này.
Trung Quốc có hơn 7.000 tỷ USD đầu tư nước ngoài
Trong đợt trừng phạt Nga lần này, nhiều ‘gã khổng lồ’ đa quốc gia trong các lĩnh vực như năng lượng đã rút vốn đầu tư vào Nga. Cuối tháng Hai năm nay, British Petroleum (BP) thông báo bán gần 20% cổ phần của mình trong công ty dầu khí nhà nước Nga; Shell cũng thông báo sẽ rút khỏi liên doanh với Gazprom và rút khỏi Nord Stream 2, dự án cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức. Exxon Mobil (XOM) cũng cho biết họ sẽ đóng cửa một dự án phát triển dầu khí lớn trên đảo Sakhalin ở Viễn Đông của Nga. Những động thái này đã gây ra nhiều thiệt hại cho ngành năng lượng của Nga.
Lượng đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc cũng đáng kinh ngạc, lên tới 7.300 tỷ USD vào cuối năm 2021. Nếu có một cuộc rút lui quy mô lớn thì sẽ mang lại tác động rất lớn.
Theo số liệu chính thức của ĐCSTQ, tính đến cuối năm 2021, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc đã vượt 3.600 tỷ USD, chiếm gần một nửa nợ nước ngoài của Trung Quốc; đầu tư chứng khoán vào Trung Quốc vượt 2.150 tỷ USD; các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong cổ phiếu niêm yết trong nước Trung Quốc và trái phiếu nước Trung Quốc là gần 1.300 tỷ USD; các khoản đầu tư khác, chẳng hạn như tiền gửi và cho vay, vào khoảng 1.550 tỷ USD.
Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất nhập khẩu
Trong đợt trừng phạt này, do các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, các khách hàng quốc tế đã tránh làm ăn với các công ty Nga. Đồng thời, các mặt hàng như năng lượng của Nga cũng bị cấm vận và Nga buộc phải giao dịch dầu với mức chiết khấu kỷ lục 30 USD/ thùng, dù vậy cũng khó tìm được người mua do tàu Nga bị loại khỏi một số cảng trọng yếu.
EU cũng đã quyết định giảm mạnh sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, với kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay. Xuất khẩu dầu và khí đốt hàng ngày của Nga sang châu Âu cao tới 750 triệu USD.
Trong khi đó tương tác thương mại của Trung Quốc với phương Tây vượt xa so với Nga.
Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, vào năm 2021, tổng lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc vượt quá 6.000 tỷ USD, và xuất nhập khẩu đối với Liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Vương quốc Anh và Canada lần lượt đạt 828,1 tỷ USD (chiếm 14% tổng kim ngạch), 755,6 tỷ USD (12,5%), 371,4 tỷ USD (6,2%), 362,3 tỷ USD (6%), 231,2 tỷ USD (3,8%), 112,6 tỷ USD (1,8%), 81,8 tỷ USD ( 1,3%). Tổng cộng chiếm gần 46% thị phần xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái (2021) đạt 3.360 tỷ USD. Không giống như cơ cấu xuất khẩu với Nga, tập trung vào năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu (sang các nước) các sản phẩm cơ khí và điện của Trung Quốc như thiết bị và bộ phận xử lý dữ liệu tự động, điện thoại di động, thiết bị gia dụng, khung ô tô và các linh phụ kiện đạt gần 2.000 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc; ngoài ra hàng dệt may xuất khẩu cũng chiếm tỷ trọng khá cao gần 10%.
Về nhập khẩu, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nông sản, quặng sắt và dầu thô; về sản phẩm bán dẫn, Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu và sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới nổi như 5G, ô tô thông minh và Internet vạn vật (Internet of Things), nhập khẩu vi mạch tích hợp của Trung Quốc đạt 432,5 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong những năm gần đây, Mỹ và các đồng minh đã nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng không có Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc của họ vào các sản phẩm của Trung Quốc. Nếu các trường hợp khẩn cấp đẩy nhanh quá trình này, xuất khẩu của ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ chủ chốt của Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng.
Trừng phạt tài sản cá nhân
Trong số các biện pháp trừng phạt Nga mà các nước phương Tây áp đặt, còn có các biện pháp trừng phạt nhằm vào tài sản cá nhân của Tổng thống Nga Putin và các quan chức cấp cao, các nhà tài phiệt khác. Tài sản ở nước ngoài của các gia tộc đỏ do các quan chức cấp cao của ĐCSTQ kiểm soát cũng đáng kinh ngạc.
Vào tháng 10/2018, theo báo cáo “Thông tin chi tiết về tỷ phú 2018” (Billionaires Insights 2018) do UBS và PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố, 373 tỷ phú Trung Quốc có tài sản 1.120 tỷ USD.
Do mức độ bảo mật cao, các ngân hàng Thụy Sĩ luôn là thiên đường cho các khoản tiền gửi của các quan chức ĐCSTQ. Theo “Tài liệu mật Trung Quốc” của WikiLeaks năm 2013, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ có khoảng 5.000 tài khoản tại các ngân hàng Thụy Sĩ, 2/3 trong số đó là các quan chức cấp cao của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ; hầu hết tất cả các quan chức ĐCSTQ từ cấp bộ trở lên và hầu hết các ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đều có tài khoản UBS.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến Nga – Ukraine, Thụy Sĩ cũng tham gia đóng băng tài sản của Promsvyazbank, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga, và Ngân hàng Phát triển Nhà nước Nga VEB.RF, công ty đầu tư lớn nhất của Nga.
Từ khóa EU trừng phạt Nga Tài sản nước ngoài của ĐCSTQ Dòng sự kiện Mỹ trừng phạt Nga