ĐCSTQ họp khẩn cấp về việc đề phòng tài sản nước ngoài bị Mỹ trừng phạt
- Trí Đạt
- •
Truyền thông Anh đưa tin, cơ quan quản lý Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các đại diện ngân hàng trong và ngoài nước để thảo luận về cách bảo vệ tài sản ở nước ngoài khỏi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Ngoại giới cho rằng lý do có thể gây ra các lệnh trừng phạt tương tự là do ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.
Ông Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research tại Hồng Kông, cho biết ĐCSTQ đã đúng khi lo lắng “bởi vì họ gần như không có lựa chọn khác và hậu quả (của các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ) sẽ rất thảm khốc”.
Nga bị các đồng minh phương Tây do Mỹ đứng đầu loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế vì cuộc xâm lược Ukraine. Financial Times (Anh) đưa tin, hôm 22/4 các cơ quan quản lý của ĐCSTQ cùng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) và Bộ Tài chính Trung Quốc đã triệu tập khẩn cấp các giám đốc điều hành từ hàng chục ngân hàng Trung Quốc và nước ngoài để tổ chức một cuộc họp nội bộ, thảo luận về cách thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng như xung đột quân sự khu vực, v.v. Ngoại giới cho rằng “xung đột quân sự khu vực” ám chỉ ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.
Bản tin còn phân tích rằng trong chiến tranh Nga – Ukraine, các ngân hàng và công ty của ĐCSTQ vẫn tiến hành các giao dịch với các thực thể của Nga, điều này cũng có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tờ Financial Times, dẫn nguồn từ những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, cuộc họp nội bộ bao gồm các quan chức từ ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Trung Quốc, cũng như các giám đốc điều hành từ hàng chục ngân hàng địa phương và quốc tế như HSBC. Tại cuộc họp, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, tất cả các ngân hàng lớn trong và ngoài nước đang hoạt động tại Trung Quốc đều cử đại diện tham dự.
Nguồn tin cho biết, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Trung Quốc là người đầu tiên lên tiếng, nói rằng ông Tập Cận Bình đã cảnh giác với năng lực của Mỹ và các đồng minh khi đóng băng tài sản bằng đô la của ngân hàng trung ương Nga.
Các quan chức cấp cao của cơ quan quản lý giám sát, gồm cả Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Dịch Hội Mãn (Yi Huiman) và cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Tiêu Cương (Xiao Gang) nhiệm kỳ 2013 đến năm 2016, đã hỏi các chủ ngân hàng có thể thực hiện các biện pháp nào để bảo vệ tài sản ở nước ngoài, đặc biệt là 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối của họ. Lượng tài sản quy ra đô la của ĐCSTQ có giá trị hơn 1.000 tỷ USD từ nợ trái phiếu quốc gia của Mỹ đến các tòa nhà văn phòng ở New York, chẳng hạn Khách sạn Waldorf Astoria ở New York do Tập đoàn Bảo hiểm Dajia của Trung Quốc sở hữu.
Một người tham gia cuộc họp cho biết, tại đây không ai có thể nghĩ ra giải pháp tốt, một số chủ ngân hàng kiến nghị rằng ngân hàng trung ương có thể yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi tất cả thu nhập ngoại hối của họ sang nhân dân tệ để tăng tỷ lệ nắm giữ đô la trong nước của ngân hàng trung ương. Có người kiến nghị cắt giảm hạn ngạch 50.000 USD hàng năm mà công dân Trung Quốc có thể mua để đi du lịch và học tập ở nước ngoài.
Khi một quan chức hỏi các ngân hàng Trung Quốc liệu họ có thể đầu tư nhiều hơn vào tài sản bằng đồng yên hoặc euro hay không, câu trả lời là: “Ý tưởng này là không thực tế”.
Những người tham gia cuộc họp đã nói thẳng rằng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc chưa sẵn sàng để Mỹ đóng băng tài sản bằng đô la của họ hoặc loại trừ khỏi hệ thống SWIFT. “Nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công Đài Loan, sự tách biệt của nền kinh tế Trung Quốc (ĐCSTQ) và phương Tây sẽ tồi tệ hơn nhiều so với (với Nga) bởi vì dấu chân kinh tế của Trung Quốc (ĐCSTQ) chạm đến mọi nơi trên thế giới”, một người lắng nghe tại cuộc họp cho biết.
Vào ngày 27/4, Ngoại trưởng Vương quốc Anh Liz Truss đã cảnh báo ĐCSTQ rằng nếu “không tuân theo các quy tắc” trên thế giới quốc tế, thì ĐCSTQ có thể bị các nước phương Tây “tách rời” khỏi nền kinh tế. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải là tất nhiên, nếu họ không tuân thủ quy tắc, thì họ sẽ không thể tiếp tục trỗi dậy.” Bà Liz Truss cũng kêu gọi “chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các mối đe dọa toàn cầu” và “phải đảm bảo rằng các nền dân chủ như Đài Loan có khả năng tự bảo vệ mình.”
Hôm 27/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Uông Văn Bân đã đáp trả Ngoại trưởng Mỹ Blinken về việc Mỹ quyết tâm bảo vệ và duy trì hiện trạng tại eo biển Đài Loan, ông Uông nói: “Vì Đài Loan là một phần của Trung Quốc, làm sao đại lục có thể ‘xâm lược’ Đài Loan kia chứ?” Ông Uông đã cáo buộc Hoa Kỳ thay đổi các cam kết của mình. Ông nói, nó sẽ đẩy Đài Loan vào thế nguy hiểm và dẫn đến cái giá phải trả rất đắt cho Hoa Kỳ.
Cũng hôm 27/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật “Đánh giá sự can thiệp và lật đổ của Tập Cận Bình” (Assessing Xi’s Interference and Subversion Act), gọi tắt là “Dự luật Trục tâm” (AXIS Act), với với tỷ lệ phiếu bầu áp đảo 394 : 3. Dự luật yêu cầu điều tra và đánh giá định kỳ xem liệu ĐCSTQ có ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hay không.
Dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải thường xuyên báo cáo trước Quốc hội “liệu và bằng cách nào Chính phủ Trung Quốc, ĐCSTQ hoặc bất kỳ thực thể nào khác của Trung Quốc đã hỗ trợ cho việc Nga xâm lược Ukraine” trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành dự luật và định kỳ báo cáo cứ 90 ngày sau đó.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu về dự luật vào thứ Tư (27/4), Dân biểu Andy Barr nói: “Liên minh giữa ĐCSTQ và Điện Kremlin Nga là một trục tà ác mới đe dọa Mỹ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng ta cần một báo cáo đầy đủ về mức độ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc (ĐCSTQ), để thông báo cho công chúng và cho phép các nhà lập pháp bắt đầu định vị Mỹ để vượt qua thách thức địa chính trị này.”
Ông Andy Barr nhấn mạnh: “Đã đến lúc Mỹ phải đối đầu trực diện với trục ma quỷ mới này.”
Từ khóa Mỹ trừng phạt Trung Quốc Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Trung Quốc tấn công Đài Loan Mỹ trừng phạt Nga Nga xâm lược Ukraine