Vì sao Bắc kinh đẩy mạnh vơ vét, tích trữ lương thực?
- Tiểu Minh
- •
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố dịch COVID-19 đã được kiểm soát và đang thúc đẩy phục hồi sản xuất, nhưng trên thực tế, virus Trung Cộng (còn được gọi là virus corona mới – COVID-19) vẫn tiếp tục lây lan, tâm điểm của dịch bệnh bùng phát lần hai là tại tỉnh Hắc Long Giang và đang lan nhanh đến các tỉnh thành lân cận. Hiện nay Hắc Long Giang được ví như có thể trở thành ‘Vũ Hán thứ hai‘.
Dịch bệnh đã bùng phát tại ba tỉnh đông bắc là vựa thóc lớn của Trung Quốc, làm cho vấn đề an ninh lương thực một lần nữa lại dấy lên hồi chuông cảnh báo với đất nước gần hai tỷ dân này. Vì thế, bảo đảm an ninh lương thực là việc được coi trọng nhất trong “6 bảo đảm” được đề xuất mới đây của chính quyền Bắc Kinh.
Theo báo cáo chính thức của nhà nước Trung Quốc, ngày 17/4, yêu cầu “6 bảo đảm” lần đầu tiên được đưa ra trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm: 1. Bảo đảm việc làm cho người dân; 2. Bảo đảm dân sinh cơ bản; 3. Bảo đảm những thị trường chủ chốt; 4. Bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng; 5. Bảo đảm chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất; 6. Bảo đảm vận hành cấp cơ sở. Thực chất đây chỉ là 6 khẩu hiệu mới thay cho khẩu hiệu “6 ổn định” cũ mà thôi. Còn việc thực thi thế nào thì còn phải xem thực tế ra sao, có thiên thời địa lợi hay không.
Ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng toàn quốc là đúng vào thời điểm canh tác vụ Xuân. Khi đó, Bắc Kinh đã đưa ra khẩu hiệu “Ổn định sản xuất vụ Xuân” “Ổn định hàng hóa nông nghiệp cơ bản”. Vì thế, việc thay đổi sử dụng từ ngữ từ “ổn định” thành “bảo đảm” này phần nào đã phản ánh rõ vấn đề lương thực của Trung quốc đang càng ngày càng nghiêm trọng. Cũng dễ dàng nhận thấy ý nghĩa và mức độ nhấn mạnh của 2 từ “ổn định” và “đảm bảo” là hoàn toàn khác nhau. Từ bảo đảm so với ổn định cho thấy hoàn cảnh đã trở nên gay gắt hơn nhiều.
Sản xuất lương thực vụ Xuân tại các tỉnh đông bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19
Theo báo cáo chính thức của nhà nước Trung quốc, dịch virus Trung Cộng đã xuất hiện bùng phát lần hai. Dịch bệnh tại tỉnh Hắc Long Giang đang ngày càng nghiêm trọng, thành phố Tuy Phân Hà và Cáp Nhĩ Tân đã trở thành 2 vùng dịch lớn, dịch bệnh cũng đã lan đến tỉnh thành lân cận đó như tỉnh Liêu Ninh. Theo báo cáo chính thức, đã có 15 bệnh viện ở Thành phố Tuy Phân Hà được cải tạo thành bệnh viện dã chiến sẵn sàng phục vụ chống dịch, tại thành phố Mẫu Đơn Giang cũng đã khẩn cấp xây dựng bệnh viện dã chiến.
Hiện nay, tỉnh Hắc Long Giang đang là vựa lúa lớn nhất Trung Quốc. Theo số liệu của cơ quan khảo sát tỉnh Hắc Long Giang trực thuộc Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2018, sản lượng lương thực của tỉnh này chiếm vị trí đứng đầu và 8 năm liên tiếp là tỉnh dẫn đầu về sản lượng lương thực của Trung Quốc. Vậy mà một trong những tâm dịch bùng phát đợt hai này lại rơi vào chính thành phố Tuy Phân Hà của tỉnh Hắc Long Giang, là nơi sản xuất lương thực chủ yếu nhất trong 8 vùng sản xuất lương thực chính. Ngoài ra vùng này còn là nơi trồng các cây quan trọng khác có giá trị ví như cây đậu nành và cây thuốc lá.
Bây giờ đương lúc nông dân Hắc Long Giang bước vào sản xuất vụ Xuân, nhưng vì để phòng ngừa khống chế dịch bệnh, việc phong tỏa thành phố, phong tỏa đường giao thông (lần 2) đã làm gia tăng khó khăn cho việc sản xuất vụ Xuân này, dịch bệnh này sẽ làm rủi ro an ninh lương thực năm nay tăng gấp bội lần.
Vì thế một số cư dân mạng Trung Quốc đã nói là: nếu cứ trì hoãn sản xuất vụ Xuân thì có thể sẽ phải ăn cám.
Họa vô đơn chí, không chỉ có dịch bệnh mà còn khó khăn tứ bề
Cùng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sản xuất vụ Xuân, thì thời tiết khắc nghiệt và bệnh sâu hại cũng đã làm gia tăng khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tại đây. Theo Nhật báo Hắc Long Giang, từ ngày 18/4, tỉnh Hắc Long Giang sẽ bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Còn theo dự báo của Cục Khí tượng, từ ngày 19-21/4 sẽ liên tục có mưa, tuyết tại đây.
Ngày 28/3, Kinh tế Nhật báo đã dẫn lời ông Lưu Lệ Hoa (Liu Lihua), Phó Cục trưởng Cục Quản lý Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, trong năm nay một số vùng ở đông bắc Trung Quốc sẽ tồn tại cả tình huống úng ngập và hạn hán. Bởi vì lượng mưa lớn ở vùng đồng bằng Tam Giang của Hắc Long Giang từ mùa thu năm ngoái, đã làm cho phạm vị ngập úng mở rộng, dẫn đến khả năng tiếp tục phát sinh ngập lụt cục bộ. Trong khi phần phía tây của vùng đông bắc lại có khả năng phát sinh hạn hán.
Ngoài ảnh hưởng tác tại của thời tiết nói trên, thì ảnh hưởng của sâu bệnh đối với vụ sản xuất mùa Xuân này cũng rất lớn. Ông Lưu Lệ Hoa còn cho biết, năm nay mức độ phát sinh sâu hại còn có thể nghiêm trọng hơn năm ngoái. Ông cũng chỉ ra một số loại sâu bệnh chủ yếu, bao gồm sâu phá hại ngô, rầy lúa và sâu cuốn lá lúa, các loại sâu phá hoại lúa mì.
Trong bối cảnh an ninh lương thực đang bị đe dọa nghiêm trọng như vậy, chiều ngày 14/4, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan cho biết, vào cuối tháng 3, Trung Quốc đã vội thu mua 50 triệu tấn gạo trên toàn thế giới. Điều này đã khiến cho dư luận nghi ngại đặt câu hỏi, liệu có gì đó đang ẩn giấu giống như việc Trung quốc đẩy mạnh vơ vét khẩu trang và thiết bị y tế hồi đầu năm không?
Tiểu Minh
Xem thêm:
Từ khóa SARS-CoV-2 Lương thực virus Trung Cộng Viêm phổi Trung Cộng Tích trữ lương thực Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV COVID-19