Vì sao có nhiều người nước ngoài đến Trung Quốc thỉnh nguyện về Pháp Luân Công?
- Bảo Minh
- •
Vừa qua, trang minghui.org của Pháp Luân Công đã chính thức đăng thông tin về vụ học viên Pháp Luân Công Việt Nam, chị Phạm Thị Thu Trang (ngụ ở Hạ Long, Quảng Ninh) bị bắt tại Trung Quốc vào tháng 12/2017. Theo minghui.org, chị Trang hiện đang bị giam giữ tại Cục Công an Đông Hưng tỉnh Quảng Tây. Chị Trang không phải là người nước ngoài tập Pháp Luân Công duy nhất bị Trung Quốc bắt, trước đó đã từng có những vụ việc tương tự.
Cuộc thỉnh nguyện chấn động truyền thông thế giới 17 năm trước
Ngày 20/11/2001, 36 người tu Pháp Luân Công Tây phương đến từ 12 quốc gia khác nhau đã cùng tập trung tại quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện ôn hòa chống bức hại Pháp Luân Công. Họ giơ cao băng rôn đề 3 chữ “Chân – Thiện – Nhẫn” và ngồi đả tọa an hòa.
Chưa tới 10 phút sau, 6 chiếc xe cảnh sát xuất hiện, lao đến bao vây, giật lấy tấm biểu ngữ và cưỡng chế lôi tất cả mọi người lên xe. Một thanh niên đến từ Canada, Zenon Dolnyckyj đã giẫy thoát từ tay cảnh sát và rút trong áo T-shirt ra một tấm biểu ngữ nhỏ ghi năm chữ Hán: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, anh vừa chạy vừa hô to “Pháp Luân Đại Pháp tốt! Cả thế giới biết! Canada biết! Mỹ biết! châu Âu biết! Pháp Luân Đại Pháp là tốt!” Nhưng chỉ vài phút sau, ba cảnh sát đã lao đến đánh anh ngã xuống mặt đất. Toàn bộ 36 người đều bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi và bị trục xuất ngay ngày hôm sau.
Câu chuyện này đến nay vẫn là sự kiện thỉnh nguyện lớn nhất của người nước ngoài diễn ra tại Bắc Kinh, gây chấn động khắp thế giới, nhiều kênh truyền thông như New York Times, CNN, BBC, Reuters, Associated Press, và Daily News đều đưa tin về sự kiện này.
Washington Post đưa tin từ Bắc Kinh cho biết, trong quá trình ép buộc những người thỉnh nguyện lên chiếc xe cảnh sát cỡ nhỏ, ít nhất một trong số họ đã bị đấm và đá. Cảnh sát bê và ném người kháng nghị lên xe, thậm chí còn kéo lê họ trên suốt vỉa hè một cách thô bạo.
>> Bức ảnh mang tính biểu tượng về tình người trước Thiên An Môn
Cuộc thỉnh nguyện của 36 người Tây phương diễn ra 2 năm sau khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiến hành bức hại Pháp Luân Công trên quy mô lớn từ tháng 7/1999. Chỉ trong vòng 2 năm, ít nhất 300 học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc đã bị tra tấn đến chết, hơn 1.000 người bị tống vào bệnh viện tâm thần, và hơn 50.000 người bị lao động cưỡng bức hoặc bỏ tù.
Do sự bưng bít thông tin và tuyên truyền một chiều của chính quyền Trung Quốc, truyền thông thế giới hầu như chỉ lặp lại những luận điệu sai sự thật của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, và thế giới hầu như không biết được rằng có một cuộc bức hại tín ngưỡng, nhân quyền tàn khốc đang diễn ra tại Trung Quốc. Cuộc thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công người Tây phương đã không chỉ phơi bày sự vụ ra thế giới, mà còn là một cách để cho người Trung Quốc thấy thái độ và sự thật về Pháp Luân Công trên thế giới như thế nào.
Thêm nhiều người Tây phương tiếp tục đến Trung Quốc thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công
Cuộc thỉnh nguyện của 36 học viên Tây phương năm 2001 đã trở thành động lực cho nhiều học viên Pháp Luân Công Tây phương khác đến Bắc Kinh, với hy vọng tiếng nói của họ sẽ đến được với những người dân Trung Quốc. Trong số đó có Sara Effner, một công dân người Mỹ.
Ngày 14/2/2002, Sara tới Trung Quốc, dự định đến quảng trường Thiên An Môn để giương lên biểu ngữ “Chân Thiện Nhẫn”. Thế nhưng, khi cô vừa tới gần quảng trường, một công an đã ập tới và đưa cô về đồn. Không lâu sau, mười mấy học viên Pháp Luân Công Tây phương khác cũng bị bắt vào đồn công an.
Cảnh sát sau đó đưa họ đến một nơi khác. Điều đặc biệt là Sara đã đứng lên và hát một ca khúc mà cô yêu thích nhất: Đắc Độ. “Lạc sâu trong cõi phàm gian, Mê mờ không biết đường về. Thấm thoát đã trăm nghìn năm, May gặp Sư tôn phổ độ. Đắc độ, đắc độ, Đừng lỡ cơ duyên tái ngộ.” Tất cả công an đều yên tĩnh lắng tai nghe, thậm chí một người công an còn bị ca khúc của cô cảm động sâu sắc và lén lau nước mắt.
Sau khi bị câu lưu mười mấy tiếng đồng hồ, Sara và các học viên khác bị trục xuất về Mỹ. Khi được hỏi chuyến đi có đáng hay không, Sara gật đầu không do dự và nói: “Chúng tôi đã được người thế giới thấu hiểu. Bức hại Pháp Luân Công không chỉ là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, mà là vấn đề nhân quyền của toàn thế giới”.
Vì sao nhiều người nước ngoài tới Trung Quốc để thỉnh nguyện về Pháp Luân Công?
Cô Swensen, một y tá đến từ Thuỵ Điển sau khi từ Thiên An Môn trở về đã chia sẻ trên truyền hình: “Số lượng học viên Pháp Luân Công Trung Quốc bị bức hại đến chết ngày càng nhiều! Phải làm thế nào? Chính phủ của chúng ta không hành động, chúng ta phải làm một chút gì đó!? Chúng tôi đã lặng lẽ thực hiện kế hoạch cho chuyến đi này!”
Joel Chipkar, một nhà môi giới bất động sản và là luật sư nhân quyền sống ở Toronto, Canada, người đã từng tham dự vào cuộc thỉnh nguyện ngày 20/11/2001 tại Thiên An Môn cho biết: “Cuộc thỉnh nguyện được giật tít trên thế giới, và như vậy đã hoàn thành một phần mục tiêu chúng tôi đề ra. Những người mà chưa từng nghe về cuộc bức hại Pháp Luân Công thì bây giờ đã biết về nó. Và nhận thức này là bước đầu hướng tới việc nhiều người hơn nữa yêu cầu chế độ Trung Quốc dừng cuộc bức hại.
Tuy nhiên, chúng tôi đã dụng tâm tạo nên một sự thay đổi ở Trung Quốc. Cuộc thỉnh nguyện của chúng tôi tập trung vào việc nói cho người dân Trung Quốc vốn bị bưng bít thông tin bởi việc phong tỏa truyền thông nhận ra thực tế tà ác đang diễn ra ngay nơi sân nhà bị kiểm duyệt của chính họ và không mù quáng lao theo một cuộc bức hại bất hợp pháp.”
Một học viên Pháp Luân Công người Canada khác, anh Zenon Dolnyckyj đã nói: “Tôi không phản đối chính phủ Trung Quốc, cũng không phản đối nhân dân Trung Quốc. Trên thực tế, từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã có lý giải sâu sắc hơn về văn hóa Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến tôi cảm thấy nhất định phải tới Trung Quốc. Tôi biết rằng Pháp Luân Công là tốt, bởi vì tôi đã tự mình tu luyện Pháp Luân Công 3 năm rưỡi. Nhờ tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã bỏ được rượu chè, thuốc lá, ma túy và các thói xấu khác. Tôi đã từng cảm thấy rất tuyệt vọng, nhưng sau khi tôi tập Pháp Luân Công, mọi thứ đã thay đổi”.
Cô Nina (học viên Pháp Luân Công người Đức) đã biết đến sự kỳ thị các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong các trại lao động, các học viên không được phép ngủ. Họ bị ép phải xem các chương trình truyền hình phỉ báng Pháp Luân Công. Một số học viên bị ép phải từ bỏ niềm tin của họ. Nếu ai không bỏ Pháp Luân Công, người đó có thể bị đánh đập đến chết, bị tẩy não, v.v. “Với các học viên ở Trung Quốc, không phương tiện truyền thông nào báo cáo đúng sự thật về họ. Rất ít người công khai ủng hộ họ. Nhiều học viên bị giam trong tù. Một số học viên bị mất tích. Không thảm kịch nào thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin nước ngoài. ĐCSTQ đã bịa ra những lời buộc tội giả. Sự vĩ đại của các học viên ở Trung Quốc là bất chấp cuộc bức hại tàn bạo, họ vẫn kiên định niềm tin của mình và tiếp tục tu luyện”.
Kể từ khi Nina trở về Đức từ Bắc Kinh 17 năm trước, cô đã tiếp tục đấu tranh không ngừng cho các học viên ở Trung Quốc. Cô đã tham gia nhiều các hoạt động của Pháp Luân Công ở Đức, châu Âu và Mỹ và thường tham gia kháng nghị trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Hamburg. Thông qua những hoạt động này, cô hy vọng rằng nhiều người hơn nữa trên khắp thế giới sẽ biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ sẽ chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, và người dân ở đại lục sẽ có một cơ hội để hiểu về Pháp Luân Công và không còn bị lừa dối bởi ĐCSTQ nữa.
Tình trạng đạo đức tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc
Kể từ khi nắm quyền cai trị Trung Quốc vào năm 1949, ĐCSTQ đã biến dân chúng của mình thành kẻ thù bằng cách tiến hành vô số các chiến dịch chống lại họ và bằng cách khiến dân chúng chống đối nhau nhằm chệch đi sự chú ý vào nạn tham nhũng của chính chế độ này. Kết quả là gần 80 triệu người dân đã bị bức hại đến chết.
ĐCSTQ đã tạo ra hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác: nạn đói lớn của năm 1950 được tạo ra bởi chế độ này trong suốt thời kỳ gọi là “Đại Nhảy Vọt”, Cách Mạng Văn Hóa kết thúc vào giữa những năm 70 nhắm vào và hủy diệt toàn bộ hệ thống tinh thần tiềm ẩn khả năng đưa quyền lực vào tay dân chúng, cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cuộc bức hại Pháp Luân Công đang tiếp diễn, v.v. Kết quả là, mỗi gia đình ở Trung Quốc có ít nhất một người thân phải đối mặt việc bị ĐCSTQ bức hại. Ngoài ra, một phần do không ngớt bị khủng bố, nhiều người Trung Quốc mù quáng lao theo ĐCSTQ và tuyên truyền của nó.
Trung Quốc của ĐCSTQ trở thành một nơi mà người ta bị buộc phải sống không có tự do tín ngưỡng, nơi mà mọi người sợ phát ngôn sai ở nơi công cộng vì lo sợ bị bắt và tra tấn, và nơi mà việc nghĩ đến những người khác, đứng lên vì nguyên tắc đạo đức, và hành động chính trực bị thay thế bằng tâm sợ hãi, tật đố, ích kỷ, và sự thờ ơ lãnh đạm.
Người Trung Quốc chứng kiến hàng ngày việc bắt bớ phi lý, ngược đãi, phân biệt đối xử và xóa bỏ nhân tính của các nhóm người trên khắp Trung Quốc: các cuộc tấn công nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, các đợt trừng trị thẳng tay đối với nhà thờ Cơ Đốc giáo và đức cha Thiên Chúa giáo, việc bịt miệng và giam giữ các luật sư nhân quyền, sự bất công áp đặt lên những người bị phá hủy nhà để làm giàu cho các quan chức địa phương.
Trong mười hai năm qua, xã hội Trung Quốc cũng chứng kiến việc bắt bớ, tra tấn, và sát hại các học viên Pháp Luân Công. Hàng chục nghìn học viên bị giam giữ đã bị sát hại bởi các bệnh viện công để cung cấp nhiên liệu cho nền du lịch cấy ghép tạng nhiều tỷ đô la của chế độ này.
Tuy đối mặt với bức hại tàn khốc, hàng triệu học viên ở trong Trung Quốc vẫn tiếp tục vận hành các xưởng gia đình nơi mà họ in các truyền đơn và tờ bướm để phân phát cho người dân. Bên ngoài Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công đã tạo ra những cách thức để phá vỡ sự phong tỏa Internet của chế độ Trung Quốc và nói với người dân thế giới về sự thực của cuộc bức hại tại Trung Quốc.
Những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công khắp thế giới đã góp phần đưa cuộc bức hại ra ánh sáng, đã khiến nhiều cộng đồng và tổ chức quốc tế lên tiếng, đã thu thập được hàng triệu chữ ký thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại phi pháp và mang những kẻ chịu trách nhiệm ở Trung Quốc ra trước công lý.
Joel Chipkar đã nói: “Xuyên suốt lịch sử, thiện và ác diễn ra trong những câu chuyện kinh hoàng và đầy cảm hứng. Ranh giới đã được vạch rõ nhiều lần không đếm xuể. Ngày hôm nay, chúng tôi giữ chặt trong trái tim mình một mong muốn rằng càng ngày sẽ càng có thêm nhiều người đứng về bên chính nghĩa.”
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm:
Vì sao 70 triệu người Trung Quốc tập Pháp Luân Công thập niên 1990?
Từ khóa Bức hại Pháp Luân Công Vụ tự thiêu Thiên An Môn thỉnh nguyện cho Pháp luân công tra tấn học viên Pháp Luân Công trung quốc bắt giữ học viên Pháp Luân Công Việt Nam