Vì sao người Trung Quốc Đại Lục tê liệt và im lặng trước sự bất công?
- Trương Kiệt
- •
Ngày 1/4, 7 nhân vật cốt cán của phe dân chủ, gồm ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai)- nhà sáng lập Next Digital và Cố vấn cấp cao Lý Trụ Minh (Martin Lee) – “Cha đẻ của nền dân chủ”, người đã tổ chức phong trào “Tụ hội như nước” tại công viên Victoria trên Đảo Hồng Kông ngày 18/8/2019, bị kết tội tổ chức và tham gia hội họp bất hợp pháp.
Bài viết của Trương Kiệt thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
9 nhân vật ủng hộ dân chủ bị bắt gồm ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), bà Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), ông Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), cô Hà Tú Lan (Cyd Ho), ông Hà Tuấn Nhân (Albert Ho), ông Lương Diệu Trung (Leung Yiu-chung), ông Lý Trụ Minh (Martin Lee) và anh Âu Nặc Hiên (Au Nok-hin). Họ bị buộc tội tổ chức hội họp trái phép và tội tham gia hội họp trái phép.
Ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã nhất trí thông qua Phụ lục I “Phương pháp lựa chọn Trưởng đặc khu” và Phụ lục II “Phương pháp lựa chọn và Thủ tục biểu quyết của Hội đồng Lập pháp” trong “Quyết định cải tiến hệ thống bầu cử của đặc khu hành chính Hồng Kông”.
Từ việc cưỡng ép thực thi Luật An ninh Quốc gia đến việc sửa đổi luật bầu cử, và kết tội 7 nhân vật cốt cán của phe dân chủ, đều đang gióng lên hồi chuông báo tử cho nền dân chủ hữu hạn của Hồng Kông. Ông Nhan Thuần Câu chỉ rõ: “Sau Đạo luật An ninh Quốc gia, hệ thống bầu cử lại bị cưỡng ép. Trong tương lai, cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu và Hội đồng Lập pháp sẽ do Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát ‘chặt chẽ’. Hội đồng Lập pháp thậm chí có thể tự ý sửa đổi các quy tắc và bãi bỏ phe đối lập. Nghĩa là, việc các nhà dân chủ gia nhập Hội đồng Lập pháp chỉ là gom cho đủ số, như một chiếc bình hoa trang trí cho thể chế ‘một quốc gia, hai chế độ’ của ĐCSTQ để họ có thể tiếp tục lừa dối.”
Khi thở dài trước sự sụp đổ của Hồng Kông, chúng ta không khỏi suy nghĩ về một câu hỏi: Tại sao hầu hết người Trung Quốc Đại Lục lại thờ ơ với những đau khổ của Hồng Kông và Tân Cương?
Quan điểm thứ nhất cho rằng ĐCSTQ đã chặn thông tin thật và sử dụng các kênh truyền thông nhà nước, tiến hành tuyên truyền tẩy não, nhằm lừa dối người dân ở Đại Lục.
Quả thực, trong thời gian diễn ra Phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, các kênh truyền thông chính thống đã đưa tin một chiều và bêu xấu sự phản kháng dũng cảm của người dân Hồng Kông. Điều này đã khiến một lượng lớn người dân Đại Lục hiểu lầm về phong trào biểu tình tại Hồng Kông. Do sự kiểm duyệt Internet và quyền tự do ngôn luận của ĐCSTQ, nhiều người nội địa không biết rằng có các trại tập trung quy mô lớn ở Tân Cương và tin rằng chính sách diệt chủng của ĐCSTQ là nhằm chống lại những kẻ khủng bố.
Nhưng quan điểm này có vấn đề vì Chính phủ Trung Quốc không thể chặn hoàn toàn thông tin dù đã phong tỏa ngôn luận và thiết lập tường lửa Internet. Nếu quan tâm đến Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ, họ sẽ phát hiện ra sự thật.
Người dân Trung Quốc đã không tin một cách mù quáng vào sự tuyên truyền của các kênh truyền thông chính thống về nhiều vụ việc xảy ra ở Trung Quốc Đại Lục. Ví như cái chết bất thường của Lôi Dương ngày 7/5/2016 trong quá trình bị cảnh sát quận Xương Bình áp giải và vụ vắc-xin giả.
Quan điểm thứ hai cho rằng người Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương có đặc thù riêng.
Là một đặc khu, Hồng Kông đã bị cô lập với Trung Quốc Đại Lục từ lâu, giữa Đại Lục và Hồng Kông luôn tồn tại những mâu thuẫn. Ví như việc du khách Đại Lục bị kết án hình sự vì mua quá nhiều sữa bột xảy ra từ nhiều năm trước.
Xung đột sắc tộc tồn tại giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán vẫn luôn tồn tại. Những vụ bạo lực chống lại nhau giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ cũng đã xảy ra.
Nhiều người Hán cho rằng người Duy Ngô Nhĩ tin theo đạo Hồi và có xu hướng bạo lực. Một người bạn là người Hán của tôi sinh ra và lớn lên ở Tân Cương, anh ấy biết về các trại tập trung ở Tân Cương, nhưng lại ủng hộ cuộc đàn áp của Chính phủ Trung Quốc. Bởi vì anh nghĩ rằng chỉ có bạo lực mới có thể khuất phục được người Duy Ngô Nhĩ.
Nhưng quan điểm này cũng có vấn đề, vì hầu hết người dân Đại Lục không ghét người Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ. Họ tin rằng người Hồng Kông đã nhiều lần giúp đỡ người Đại Lục một cách vị tha. Người Đại Lục còn khao khát quyền tự do và nền pháp quyền ở Hồng Kông.
Người Duy Ngô Nhĩ giỏi ca hát, nhảy múa và là một dân tộc yêu đời. Dù một số ít người có tư tưởng khủng bố thì họ cũng không chiếm phần đông trong số những người Duy Ngô Nhĩ. Ngược lại, nhiều người có tư tưởng cực kỳ khủng bố lại là người Hán.
Quan điểm thứ ba cho rằng hầu hết mọi người không muốn quan tâm đến chính trị và tránh gặp rắc rối.
Bởi họ đều sống sung túc, có ăn có mặc, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thị trường và đời sống xã hội nói chung đều thịnh vượng và ổn định. Mọi người đều bằng lòng với cuộc sống nhỏ bé của mình và làm giàu trong im lặng. Quả thực, nhiều người nói về đồ ăn, thức uống và đăng ảnh lên mạng xã hội, nhưng lại lập tức im lặng khi nói về chính trị.
Thái độ cơ bản của hầu hết người Trung Quốc về chính trị là điều đó không liên quan đến bản thân họ, phải biết bảo vệ bản thân một cách khôn ngoan, và cầu mong không gặp phải sai sót nào.
Nếu suy nghĩ kỹ về nhận định này, bạn sẽ thấy không thuyết phục. Có thể nói cuộc sống của người Hồng Kông cũng khá tốt, nhưng tại sao họ lại xuống đường? Chẳng phải người dân ở các nước Ả Rập cũng nổi dậy vì đói sao? Chính biến mạnh mẽ ở Liên Xô và Đông Âu chẳng phải cũng vì không có cơm ăn mà người dân đã lật đổ chủ nghĩa toàn trị cộng sản hay sao? Đặc điểm chung của họ là bất mãn với chính phủ và hệ thống chính trị hiện có, đồng thời yêu cầu sự thay đổi. Trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 ở Trung Quốc, kinh tế cũng phát triển rất tốt.
Tóm lại, quan điểm ĐCSTQ ngăn chặn thông tin, sự đặc thù của Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ, và việc kiếm tiền trong im lặng không đủ trả lời cho câu hỏi tại sao đại đa số người dân Trung Quốc lại tê liệt và im lặng trước sự bất công trong xã hội.
Điều gì đã gây ra sự tê liệt về ý thức công lý ở Trung Quốc? Câu trả lời của tôi là sự thờ ơ và sợ hãi.
Thờ ơ chính là không quan tâm đến số phận của người khác, ăn cây nào rào cây nấy. Sợ hãi là vì sợ bị chính phủ đàn áp do lời nói và hành vi của bản thân, từ đó gây tổn hại cho lợi ích cá nhân hoặc phải ngồi tù.
Một số cư dân mạng chỉ ra rằng ở Trung Quốc ngày nay, người ta thờ ơ khi nhìn thấy người khác sa cơ lỡ vận.
Khi họ nhìn thấy ai đó nhảy lầu tự tử lại có người huýt sáo chói tai và bật ra tiếng cười độc ác. Khi nhìn thấy những người ăn xin trên đường phố, còn mấy ai tin rằng họ phải rời bỏ quê hương nơi sơn cùng thủy tận để đi tha hương cầu thực xứ người. Khi thấy những người chính trực, dũng cảm bị bọn côn đồ đánh trả thù, người ta sợ hãi trốn tránh. Lòng người thờ ơ đến mức khó tin. Tại sao một quốc gia cổ xưa với ngàn năm văn hiến lại sa đọa đến bước này?
Tôi nghĩ rằng sự thờ ơ của người dân Trung Quốc ngày nay là do hệ thống độc tài gây ra.
Bạn có thể thấy cách Chính phủ Trung Quốc đối xử với người dân Trung Quốc như thế nào. Chính phủ Trung Quốc không ngừng phô trương những thành tựu kinh tế và sự giàu có của mình. Họ không ngừng tạo ra những công trình biểu tượng hoành tráng, hết lần này đến lần khác tổ chức các cuộc duyệt binh quy mô lớn. ĐCSTQ còn rắc tiền cho các nước đang phát triển và thậm chí là các nước phát triển thông qua dự án “Một vành đai, một con đường”, nhằm thể hiện sức mạnh của mình. Nhưng ĐCSTQ lại thờ ơ và không thèm quan tâm đến đa số người dân đang sống dưới đáy của xã hội.
Ở Trung Quốc, dân thường là đàn kiến trong “thời thịnh thế”, không đáng quan tâm, không ai bận lòng. Họ đang vật lộn dưới đáy xã hội, nhưng không bao giờ nhìn thấy lối thoát cho cuộc sống của mình. Một quốc gia có thực sự hùng mạnh hay không, không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu nhà lãnh đạo khôn ngoan, tạo ra được bao nhiêu vũ khí hạt nhân, dự trữ được ngoại hối hay tốc độ tăng trưởng GDP cao như thế nào, mà phụ thuộc vào cách chính phủ ấy đối xử với các nhóm yếu thế trong xã hội.
Cách đây vài ngày, một đoạn video dài 15 giây đã khiến tôi bị sốc. Trong video, một công nhân luyện thép của Tập đoàn Bảo Vũ (China Baowu Steel Group) đã nhảy xuống lò luyện thép tự tử. Người chết là anh Vương Long, 34 tuổi. Tối ngày 24/3, anh đã nhảy xuống nồi xỉ và tử vong. Có thông tin cho rằng anh Vương Long có vấn đề về nợ nần. Nhưng tại sao anh ấy lại bước đến đường cùng vì chuyện nợ nần? Nếu không phải vì sự thờ ơ của xã hội, liệu anh ấy có kết thúc cuộc đời mình một cách thê thảm như vậy hay không?
Một lý do khác khiến người dân Trung Quốc thờ ơ và tê liệt là nỗi sợ hãi.
Cô Lưu Du, Giáo sư của Đại học Thanh Hoa cho biết: Mọi người sợ quyền lực, sợ áp lực cao, sợ mất cơ hội thăng tiến, phát tài, sợ mất nhà và xe, vì vậy im lặng đã trở thành cơ chế tự bảo vệ. Cao cả là văn bia của những người cao cả, và im lặng là thẻ thông hành của những người im lặng. Đôi khi, điều mọi người sợ hãi, thậm chí không phải là những tổn thất về lợi ích hay bạo lực về thể xác, mà là sự cô lập về tinh thần khỏi các nhóm đoàn thể của mình.
Xuất phát từ cảm giác tìm về một bến đỗ bình yên, họ gây dựng một “cộng đồng” ấm áp thông qua sự im lặng. Martin Luther King từng nói:
Bi kịch lớn nhất của sự biến đổi xã hội mà lịch sử sẽ ghi nhớ, không phải là sự kêu gào của những kẻ xấu, mà là sự im lặng của những người tốt. Vô số bi kịch trong lịch sử đều bắt nguồn từ sự im lặng của tập thể.
Trong Thế chiến thứ hai, hầu hết người Đức đều đã biết số phận của những người Do Thái đang bị đẩy lên các toa tàu, nhưng họ chọn cách im lặng, coi như không có chuyện gì xảy ra. Càng nhiều người im lặng, càng khó phá vỡ sự im lặng. Bởi càng nhiều người tham gia vào vòng xoáy của sự im lặng, thì sức mạnh cần thiết để thoát ra khỏi vòng xoáy đó lại càng lớn.
Tôi đồng ý với quan điểm rằng:
Nói với mọi người sự thật mà bạn biết là công lý.
Nói với mọi người những kiến thức phổ quát mà bạn biết là trách nhiệm.
Nói với mọi người những tội lỗi bạn chứng kiến là lương tâm.
Nói với mọi người câu chuyện bên trong bức màn đen là đức hạnh.
Nói với mọi người những lời dối trá mà bạn nghe thấy là đạo đức.
Nói với mọi người những khó khăn mà bạn đã trải qua là một lời cảnh báo.
Nói với mọi người chân lý mà bạn tìm kiếm là một đức tin.
Nói với mọi người cảm thụ chân thực của bạn là dũng khí.
Những việc làm ngang ngược của chính quyền Tập Cận Bình có liên quan mật thiết đến sự tê liệt và im lặng của người dân Trung Quốc. Thậm chí có thể nói rằng chính người dân Trung Quốc đã dung túng cho ĐCSTQ.
Nếu người dân Trung Quốc cũng giống như người dân Myanmar, không ngại hy sinh và bước xuống đường, thì ĐCSTQ liệu có thể lộng hành bá đạo như vậy không?
Nhưng chúng ta chớ vội nản lòng, dẫu nhẹ dạ cả tin nhưng chỉ cần không ngần ngại, chúng ta có thể thể hiện đức tin, sức mạnh và phẩm giá của mình ngay dưới môi trường áp lực cao.
Chúng ta sẽ phải gánh chịu cái giá phải trả cho sự cô đơn và những điều hơn thế nữa nữa. Chỉ cần chúng ta kiên trì biểu đạt, kiên trì hành động, tưởng chừng như không biết tự lượng sức mình, nhưng vô số ngọn lửa nhỏ không đáng kể ấy cũng có thể thiêu đốt một tòa biệt thự nguy nga thành đống tro tàn.
Ai có thể tưởng tượng tiếng thở dài của một nông dân nhỏ bé rằng; “Vương hầu tướng soái phải chăng đều cao quý!” thực sự đã lật đổ triều đại đầu tiên của Trung Quốc; một vài thanh niên đã bắn vài phát súng vào thành phố Vũ Xương, lại khiến đế chế nhà Thanh sụp đổ ngay lập tức?
Không im lặng, không góp sóng thành bão, không sa đọa và không làm điều ác nên là giới hạn chính trị cuối cùng của người dân Trung Quốc. Hầu hết người dân Trung Quốc ngày nay đều bất mãn với hiện trạng, chỉ cần 1% người dân dám lên tiếng, thực sự dám đứng lên đấu tranh cho sự công bằng chính nghĩa, thì chỉ cần 1% trong số 1% người dân ấy sẽ có thể thay đổi hiện trạng của Trung Quốc.
Trên thực tế, trách nhiệm của xã hội là trách nhiệm của toàn dân. Không ai có khả năng gánh vác một mình, cũng không ai có lý do lựa chọn sự im lặng hay có quyền há miệng chờ sung. Bởi một khi tai họa của xã hội ập đến, không một ai có thể được yên thân.
Chính phủ Trung Quốc muốn chinh phục hoàn toàn Hồng Kông và thực hiện“sự trở lại lần thứ hai” bằng cách thực thi Luật An ninh Quốc gia, phiên bản Hồng Kông; sửa đổi hệ thống bầu cử và bắt giữ các nhà dân chủ. Họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương và thực hiện tội ác diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Tội ác chống lại loài người của chính phủ Trung Quốc đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc.
Trung Quốc đang đối mặt với hình thế quốc tế nghiêm trọng chưa từng có kể từ năm 1949 đến nay. Dung túng cho những hành động đồi bại của ĐCSTQ là sự tê liệt của người dân Trung Quốc trước sự bất công. Nguyên nhân nằm ở sự ích kỷ, thờ ơ và sợ hãi của họ.
Tuy nhiên, một dân tộc không có công bằng và chính nghĩa, người dân không quan tâm đến nhau, và đắm chìm trong tội ác, không những không thể trở nên hùng mạnh, mà cuối cùng ắt sẽ phải gánh chịu những khổ nạn
Trương Kiệt, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện lập trường và quan điểm cá nhân của tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Tân Cương Người Duy Ngô Nhĩ Dòng sự kiện