Vì sao ông Tập Cận Bình hô to ‘tự cách mạng’?
- Hồ Bình
- •
Liên quan đến văn hóa “cách mạng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mới đây nhà bình luận Hồ Bình (Huping) – một người Hoa ở Mỹ được biết đến là người tích cực thúc đẩy cho một nước Trung Quốc dân chủ – đã có bài trên RFA so sánh tính chất “cách mạng” chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình ngày nay, với “cách mạng” văn hóa của ông Mao Trạch Đông trước đây.
Tạp chí Cầu thị (Qiushi) của ĐCSTQ hôm 16/12 đã đăng bài của ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, tựa bài “Thúc đẩy sâu Tự cách mạng của Đảng” (深入推进党的自我革命), bài viết đã gây nhiều chú ý. Trong bài chỉ hơn 2.000 từ này, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến “tự cách mạng” ít nhất 30 lần. [Do bối cảnh lịch sử Trung Quốc], khi nhắc đến “tự cách mạng”, ngay lập tức khiến nhiều người liên tưởng đến thời Cách mạng Văn hóa [của Mao Trạch Đông].
Trong Cách mạng Văn hóa, [Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng] Lâm Bưu nhiều lần nói rằng Cách mạng Văn hóa là “tự cách mạng”. Lâm Bưu chỉ trích nhiều cán bộ kỳ cựu thường công khai ủng hộ Cách mạng Văn hóa nhưng thực tế trong lòng không ủng hộ, một số thậm chí còn đối đầu, lý do là cách mạng đập vào đầu họ và dĩ nhiên họ không muốn “cách cái mạng của họ”. Lâm Bưu có một câu nói nổi tiếng: “Cuộc cách mạng văn hóa này, là cách cái mạng của người [vốn dĩ] vẫn cách cái mạng của người khác” (这场文化大革命,是革过去革过别人命的人的命). Từ đây chúng ta có thể thấy rõ, “tự cách mạng” của Cách mạng Văn hóa thực ra là cuộc đại thanh trừng, là cuộc đại thanh trừng trong Đảng. Cái gọi là “tự cách mạng” không phải bản thân mỗi người tự cách cái mạng mình. “Lãnh tụ vĩ đại” không nằm trong số tự cách mạng, ông ta không tự cách cái mạng ông ta, mà ông ta chuyên tâm vào cách cái mạng của những “lão thành cách mạng” thường đi “cách cái mạng” người khác. Cách mạng Văn hóa là cuộc đại thanh trừng của “lãnh tụ vĩ đại” đối với các đồng chí cách mạng của ông ta. Hiện nay vấn đề “tự cách mạng” của Tập Cận Bình cũng có tính chất tương tự.
Trong bài viết ông Tập Cận Bình đã nêu rất rõ ràng: “Thúc đẩy tự cách mạng của Đảng phải dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, thống nhất lập kế hoạch, thống nhất triển khai, thống nhất thúc đẩy”. Tóm lại, “tự cách mạng” của Tập Cận Bình là cuộc thanh trừng lớn trong Đảng của ông Tập. Tự cách mạng của Cách mạng Văn hóa giương biểu ngữ là phản đối đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, còn biểu ngữ tự cách mạng hiện nay là “chống tham nhũng”.
Theo thông tin công khai trên trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, từ bước vào năm 2024 đến nay (10/12) đã xử lý 864 cán bộ các cấp (cấp trung ương là 54, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp khác…trực thuộc trực tiếp trung ương là 236, cấp tỉnh là 574). Trong thời gian này có 539 người bị xử lý kỷ luật Đảng và chính trị (khai trừ khỏi Đảng và chức vụ công), trong đó có 52 cán bộ trung ương, 71 trường hợp là cán bộ doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp khác… trực thuộc trực tiếp trung ương, và 416 cán bộ cấp tỉnh.
Ngoài ra, theo số liệu do Văn phòng giám sát phong cách Đảng và phong cách chính trị của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố, trên toàn Trung Quốc tính đến cuối tháng 9/2024 đã xử lý điều tra 141.245 trường hợp có vấn đề về tinh thần vi phạm Điều 8 của Trung ương, cảnh cáo (xử lý giáo dục phê bình) 197.933 người, trong đó có 137.607 người bị xử lý kỷ luật Đảng và chính trị (bao gồm 5 trường hợp điều tra cấp tỉnh và cấp bộ).
3 dữ liệu này bắt đầu năm 2015 đã được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ công bố, và số liệu cho thấy năm nào cũng gia tăng trường hợp bị xử lý, theo đó các năm 2019, 2020, 2021, 2022 và 2023 thường vượt 100.000 trường hợp bị xử lý (trừ năm 2022 thì 4 năm còn lại có số người bị xử phạt kỷ luật Đảng và chính trị đều vượt 100.000); đối với năm 2024, trong 9 tháng đầu tiên đã đạt 197.900, dự kiến số lượng quan chức bị xử lý giáo dục phê bình trong cả năm 2024 này sẽ vượt 200.000 – một kỷ lục mới.
Cho dù nhà chức trách không công khai danh sách các quan chức bị xử phạt hoặc kết án, tổng số tiền phạt và thu hồi, nhưng từ số người bị thanh trừng không ngừng “đạt đỉnh cao mới”, có thể thấy rằng quy mô số tiền liên quan chắc chắn ngoài tưởng tượng của bất cứ ai. Chỉ cần nêu một ví dụ là đủ. Ngày 17/12 Tòa án Trung cấp Hưng An Minh – Khu tự trị Nội Mông đã xử tử Lý Kiến Bình – một cựu quan chức địa phương ở Hohhot bị kết tội tham ô và nhận hối lộ. Theo thông tin do tòa án công bố, tổng số tiền liên quan đến vụ án của Lý Kiến Bình vượt 3 tỷ RMB (khoảng 10.500 tỷ đồng Việt Nam) – được cho là số tiền liên quan đứng đầu trong số các quan chức tham nhũng “ngã ngựa” các cấp.
Kể từ khi lên nắm quyền tại Đại hội 18, ông Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng hừng hực khí thế. Tại Đại hội 19 vào 5 năm sau đó, ĐCSTQ đã hết sức ca ngợi thành tựu chống tham nhũng xuất sắc của Tập Cận Bình và tôn vinh ông là “cốt lõi của Trung ương Đảng đã giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn mà lâu nay muốn giải quyết nhưng không thể giải quyết, đã hoàn thành được nhiều việc lớn mà trước đây muốn làm nhưng không làm được”; “Kiên định quan điểm quản lý Đảng nghiêm ngặt toàn diện với quyết tâm vững chắc và ý chí kiên trì, chống tham nhũng không có khu vực cấm, bao quát, không khoan nhượng… để kiên quyết hạn chế gia tăng tham nhũng; thiết lập cơ chế hiệu quả để quan chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng”.
Báo cáo chính trị của Đại hội 19 thậm chí còn đưa ra kết luận: “Mục tiêu không dám tham nhũng bước đầu thực hiện được, cái lồng không thể tham nhũng ngày càng kiên cố, tình hình áp đảo của cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã hình thành và củng cố phát triển”.
Nhưng những gì chính quyền ĐCSTQ tuyên bố cách đây 7 năm thì ngày nay có vẻ cho thấy đầy mỉa mai. Từ dữ liệu do Ủy ban Giám sát Nhà nước của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố có thể thấy, tình hình tham nhũng trong chính quyền Trung Quốc hiện nay không những không giảm mà còn tăng lên, không chỉ tăng số người mà còn tăng số tiền – thực trạng này chủ yếu diễn biến từ sau Đại hội 18 năm 2012 với đông đảo quan tham “ngã ngựa” là những người do chính ông Tập Cận Bình đề bạt. Thực trạng này không khác gì tuyên bố sự thất bại của chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, một lần nữa chứng minh rằng hệ thống hiện tại là tấm thảm của tham nhũng, đồng thời cũng cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình chỉ là công cụ thanh lọc trong Đảng.
Tập Cận Bình hô khẩu hiệu “tự cách mạng” thể hiện rõ rằng “hết bài vở”, ngoài gom nhặt những gì còn lại của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông để chơi, thì không còn đưa ra được bất kỳ điều gì mới mẻ nữa. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, việc Tập Cận Bình tăng cường nỗ lực chống tham nhũng trong 2 năm qua cũng là do nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, ngay cả Chính phủ cũng thiếu tiền để chi tiêu, nên phải thu phạt rất nhiều tiền bẩn từ các quan chức tham nhũng – đó cũng là một “mùa vụ bội thu tự xẻo mình” của quan trường ĐCSTQ.
Hồ Bình
(Bài viết đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên RFA.)
Từ khóa quan tham Trung quốc Chống tham nhũng Chính trị Trung Quốc Tập Cận Bình